Ukraine bị ép phải tính đến kế hoạch B cho cuộc chiến với Nga
Ukraine đang chịu áp lực từ phương Tây để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Nga tiếp tục đạt được những bước tiến dù chậm chạp.
Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Kiev đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, có thể đạt được trong năm tiếp theo, nhằm duy trì sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại cuộc gặp ở Kiev ngày 11/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Theo tờ Wall Street Journal ngày 11/9, khi Nga tiếp tục tiến quân, các quan chức phương Tây đang hối thúc Ukraine điều chỉnh chiến lược để phản ánh các mục tiêu thực tế hơn. Mỹ và châu Âu muốn Kiev đưa ra kế hoạch rõ ràng về những gì có thể đạt được trong năm tiếp theo của cuộc chiến, nhằm cân bằng giữa tham vọng giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine và những giới hạn thực tế về viện trợ quân sự từ phương Tây.
Mặc dù các đồng minh vẫn ủng hộ mục tiêu dài hạn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là đẩy Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, sự ủng hộ từ công chúng phương Tây đang giảm sút.
Với việc Nga đạt được những bước tiến dù chậm chạp trên thực địa, một số nhà ngoại giao châu Âu đã bắt đầu kêu gọi Ukraine cần thực tế hơn trong các mục tiêu thời chiến để duy trì sự ủng hộ của cử tri phương Tây đối với việc tiếp tục chuyển vũ khí và viện trợ cho Ukraine.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã tới Ukraine để thảo luận về cách định nghĩa chiến thắng của Ukraine và xác định những hỗ trợ cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Các cuộc đàm phán này cũng chỉ ra một nguồn căng thẳng liên tục giữa Kiev và phương Tây: cân bằng giữa việc đẩy các lực lượng Nga khỏi Ukraine với thực tế chiến trường. Theo các quan chức châu Âu, một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine sẽ đòi hỏi viện trợ lên tới hàng trăm tỷ USD, điều mà cả Washington và châu Âu đều khó có khả năng cung cấp.
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có thể có thay đổi về chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đang cố gắng hiểu rõ nhu cầu hiện tại của Ukraine và mục tiêu cụ thể mà họ muốn đạt được, nhằm báo cáo lại với Tổng thống Biden. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ và Anh ký kết thỏa thuận cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình, nhưng điều kiện của hai bên hiện còn rất xa nhau. Ukraine khẳng định quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi đàm phán, trong khi Điện Kremlin yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố mong muốn đàm phán, nhưng nhiều quan chức phương Tây cho rằng ông Putin vẫn tin rằng Nga có thể đạt được những thành công quân sự cần thiết để buộc Ukraine vào thế yếu.
Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết chuyến đi của các Ngoại trưởng Blinken và Lammy không phải nhằm ép buộc Ukraine đàm phán, mà là để định hình lại chiến lược một cách thực tế hơn. Đề xuất hòa bình mới theo kế hoạch của Tổng thống Zelensky cũng phản ánh sự điều chỉnh chiến lược của Ukraine. Thay vì chỉ tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ trước khi đàm phán, Kiev đã xem xét các cuộc đàm phán với Nga về việc hạn chế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Tuy nhiên, tình hình thực tế trên chiến trường vẫn rất phức tạp. Ukraine đã có những động thái táo bạo như cuộc tấn công vào khu vực Kursk ở Nga, nhưng phương Tây lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu khả năng tự vệ lâu dài của Ukraine. Moskva vẫn giữ được vị trí chiến lược tại miền Đông Ukraine, và lực lượng Nga tiếp tục tấn công vào các khu vực quan trọng như Pokrovsk.
Nga phản hồi về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng các sáng kiến hòa bình của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã trở thành vấn đề nhức nhối với tất cả mọi người và là một "tối hậu thư thuần túy".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: RIA Novosti
Theo đài RT (Nga), phát biểu tại một cuộc họp báo ở Riyadh, ông Lavrov nhấn mạnh rằng việc phương Tây khăng khăng tuân theo cái gọi là "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky cho thấy họ không có ý định đàm phán với Moskva trên cơ sở bình đẳng. Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau cuộc họp về hợp tác chiến lược với các quốc gia Arab ở vịnh Ba Tư.
"Sáng kiến của ông Zelensky đã được biết đến từ lâu, nó đã trở thành một vấn đề nhức nhối với tất cả mọi người, đó là một tối hậu thư thuần túy. Thực tế, việc phương Tây theo đuổi tối hậu thư này chỉ có nghĩa rằng phương Tây không muốn đàm phán một cách trung thực", ông Lavrov nêu rõ.
Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng những nước ủng hộ Ukraine muốn làm mọi thứ trong khả năng để Moskva "tiến gần hơn đến tình huống phải tuyên bố rằng Nga đã thất bại chiến lược trên chiến trường".
Ông Lavrov khẳng định Nga thậm chí chưa bao giờ nghiêm túc xem xét sáng kiến của ông Zelensky và chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên khi vẫn có người ủng hộ sáng kiến này.
Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng nhiều cuộc thảo luận về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine cũng đã bỏ qua một yếu tố quan trọng, vốn là một trong những lý do cơ bản khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
"Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói rằng đã đến lúc bắt đầu đàm phán", ông Lavrov nói, lưu ý rằng các phương tiện truyền thông Đức đã ám chỉ rằng các cuộc đàm phán như vậy sẽ diễn ra dựa trên thực tế là "vấn đề lãnh thổ sẽ phải được giải quyết có tính đến tình hình thực địa".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh "vấn đề không phải là lãnh thổ" và Moskva "không bao giờ muốn đất của người khác" mà thay vào đó muốn "những người là một phần không thể thiếu của thế giới Nga, văn hóa Nga, ngôn ngữ Nga, lịch sử, tôn giáo, được đối xử nhân đạo, theo yêu cầu của luật pháp quốc tế".
Ông Lavrov nhấn mạnh mặc dù việc tìm thời gian và địa điểm cho các cuộc đàm phán về Ukraine tương đối dễ dàng, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là phải thống nhất được những vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán này.
"Nếu chúng tôi thảo luận về lời kêu gọi ngừng bắn và nghĩ đến trao đổi lãnh thổ thì điều này không thành vấn đề. Vấn đề không nằm ở các vùng lãnh thổ, vấn đề nằm ở quyền của những người đã bị luật pháp chà đạp và không có sáng kiến nào trong không gian chính trị đề cập cụ thể đến họ", ông nói.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga rơi vào bế tắc kể từ tháng 3/2022 sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán do bất đồng về các điều khoản với phía Moskva. Cuối năm 2022, ông Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin.
Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine đã đề xuất "công thức hòa bình" gồm 10 điểm để giải quyết cuộc xung đột với Nga. Công thức này gồm một số điểm như Nga phải rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moskva.
Trong khi đó, Nga cáo buộc công thức hòa bình của ông Zelensky là tối hậu thư và khẳng định không thương lượng dựa trên phương án này. Phía Nga nhấn mạnh rằng mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận 4 tỉnh đã sáp nhập Nga cũng như từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Zelensky: Tên lửa Nga đánh trúng Poltava gây thiệt hại lớn Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố 41 người thiệt mạng khi thành phố Poltava miền Trung Ukraine trúng tên lửa Nga. Moscow cùng ngày xác nhận tấn công mục tiêu quân sự ở Poltava. PravdaUkraine hôm nay (3/9) dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Nga đã không kích thành phố Poltava ở miền Trung nước này, trong đó hai quả...