Úc yêu cầu Trung Quốc không được lập ADIZ ở Biển Đông
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hạ thấp nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cảnh báo Bắc Kinh không được đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông – Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở thành phố Sydney (Úc), Ngoại trưởng Bishop bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ tránh xung đột ở Biển Đông, theo tờ The Australian (Úc) ngày 11.6.
“Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc hiểu rất rõ về những hậu quả thảm khốc nếu xảy ra xung đột giữa hai cường quốc này”, bà Bishop nói.
Ngoại trưởng Bishop cho hay Úc lo ngại bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực có thể làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến xung đột. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan đến Biển Đông leo thang trong những năm gần đây, nhất là gần đây Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảoSenkaku/Điếu Ngư hồi năm 2013. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Úc lên tiếng phản đối ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Lúc bấy giờ, bà Bishop đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại cứng rắn.
Và nay, Trung Quốc có thể sẽ lập ADIZ trên Biển Đông sau khi hoàn tất xây dựng các đảo nhân tạo.
Tại Viện Lowy, bà Bishop cho biết thêm Úc sẽ phản đối nếu có bất kỳ quốc gia nào đơn phương tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Bà Bishop cũng khẳng định Úc có quyền bày tỏ lo ngại về ADIZ và sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông, bất chấp việc phản đối này có thể ảnh hưởng đến kinh tế Úc vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nước này.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, 60% hàng hóa nhập khẩu của Úc được vận chuyển thông qua Biển Đông.
Ngoại trưởng Bishop đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông đồng loạt lên tiếng phản đối Bắc Kinh.
Trước đó, hôm 8.6, Quốc vụ khanh Ngoại giao và Thương mại Úc Peter Varghese, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã tiến hành cuộc đối thoại cấp cao 3 bên lần đầu tiên ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà họ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ký kết với các nước ASEAN.
Hồi tuần rồi, tờ The Australian cũng cho biết chính phủ Úc đang cân nhắc triển khai máy bay trinh sát P-3 tuần tra trong phạm vi 12 hải lý (22 km) tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong bài xã luận trên tờ China Daily (Trung Quốc) trong tuần này, tác giả Wang Hui còn cảnh báo Úc nên tránh xa Biển Đông.
“Là một quốc gia cách Biển Đông hàng ngàn dặm, Úc chẳng có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và nên đủ thông minh để tránh xa Biển Đông”, ông Hui viết.
“Nhưng bởi vì mối quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, Úc cảm thấy bị buộc phải theo chân Chú Sam, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, theo bài xã luận trên China Daily.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Năm lý do Trung Quốc chưa lập ADIZ tại Biển Đông
Chuyên san Foreign Policy (Mỹ) ngày 5.6 dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế người Trung Quốc nhận định rằng có 5 lý do khiến Bắc Kinh chưa lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy cản một tàu Philippines tại Biển Đông - Ảnh: AFP
Giáo sư Chu Phương Ngân thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông cho biết Trung Quốc đã khiến nhiều người, cả trong và ngoài nước, ngạc nhiên khi quyết định đơn phương thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013.
Gần như toàn bộ các chuyên gia Trung Quốc, bao gồm cả những người có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao, đã lên tiếng phản đối động thái này vì cho rằng đây là một hành động khiêu khích không cần thiết và sẽ khiến căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc leo thang, theo ông Chu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc cuối cùng vẫn xúc tiến việc này.
Đến ngày 31.5.2015, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, trong bối cảnh Mỹ lên án mạnh mẽ hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cho biết nước này có thể sẽ lập ADIZ ở Biển Đông nếu cảm thấy bị đe dọa.
Giáo sư Chu bình luận giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc lần này có lẽ sẽ không tạo thêm ADIZ vì 5 lý do:
Thứ nhất, thông báo lập ADIZ tại Biển Đông giờ đây sẽ không giúp Trung Quốc giành được yếu tố bất ngờ chiến lược vì vấn đề này đã trở thành một mối lo ngại mang tầm quốc tế, ông Chu nhận định.
Giáo sư Chu cho biết trong lần thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã có được "yếu tố bất ngờ chiến lược", vì từ trước đến nay nước này chưa từng lập ADIZ và lúc đó ít ai nghĩ Bắc Kinh sẽ làm gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.
Trước đó, để thách thức hành động "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Tokyo, Bắc Kinh đã điều tàu và máy bay lượn quanh đảo này. Tuy nhiên, giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc cho rằng chỉ điều máy bay, tàu thì vẫn chưa đủ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc vì điều này không làm thay đổi thực tế là Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trước) chạy song song với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters
"Thông qua việc lập ADIZ bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư, quân đội Trung Quốc đã tạo được ấn tượng rằng họ đang củng cố chủ quyền quần đảo. Về mặt đối nội, hành động này cũng là lời kêu gọi chính phủ cần có thêm những biện pháp đáp trả cứng rắn với phía Nhật", ông Chu cho hay.
Lý do thứ 2, theo giáo sư Chu khiến Trung Quốc chưa lập vùng ADIZ tại Biển Đông là vì quyền kiểm soát thực tế. Khác biệt giữa vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông ở chỗ Bắc Kinh không thực sự kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông; còn tại Biển Đông, Bắc Kinh đang chiếm giữ trái phép nhiều bãi đá ngầm.
Bắc Kinh không cần phải lập ADIZ để khẳng định chủ quyền phi lý tại Biển Đông vì vẫn đang chiếm đóng trái phép nhiều khu vực tại đây, theo ông Chu.
Lý do thứ 3 để Trung Quốc chưa lập ADIZ ở Biển Đông là vì nước này hiện không bị áp lực phải có hành động cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông từ những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong nước, phần lớn là do các chính sách trong vòng 2 năm qua tại nước này đã thể hiện với công chúng rằng chính phủ sẽ đối đầu với bên ngoài nếu "các lợi ích cốt lõi" bị đe dọa.
Lý do thứ 4 là việc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ đang trong tình trạng khá tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, ông Chu nhận định, nhưng không nói rõ quốc gia nào.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Lý do cuối cùng, Trung Quốc sẽ gặp khó khi lập ADIZ tại Biển Đông vì các bãi đá ngầm mà nước này đang chiếm giữ trái phép nằm quá gần nhau.
Theo giáo sư Chu, việc để ADIZ chồng lấn sang những bãi đá mà Trung Quốc chưa chiếm được ở Biển Đông chỉ càng làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng. Ông cho rằng giới hoạch định chiến lược của quân đội Trung Quốc chỉ thực hiện điều này khi Mỹ tăng cường thách thức về mặt quân sự đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Úc tuyên bố sẽ phớt lờ ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông Bộ trưởng quốc phòng Úc Kevin Andrews ngày 1.6 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cho máy bay quân sự bay ngang Biển Đông ngay cả khi Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây. Bộ trưởng quốc phòng Úc, Kevin Andrews - Ảnh: Reuters Một ngày sau khi yêu cầu Trung Quốc ngừng bồi đắp đảo...