Ức vì bị vợ tịch thu lương
Cứ đến ngày công ty tôi trả lương, vợ tôi “ôm” sạch. Sau đó, vợ “phát” lại cho tôi lúc 200 nghìn, lúc 300 nghìn gọi là “tiền tiêu vặt”. Khi tôi phản ứng thì vợ ngạc nhiên: “Anh tiêu gì mà lắm thế?”
Tôi làm bên bộ phận kỹ thuật cho một công ty cung cấp máy móc thiết bị, lương 12 triệu đồng/tháng. Vợ tôi làm hành chính ở một công ty tư nhân với mức lương 7 triệu/tháng.
2 vợ chồng tôi chưa có con cái nên việc chi tiêu cũng không quá chật vật. Tuy nhiên quan niệm “lương anh”, “lương tôi” của vợ thực sự làm tôi rất mệt mỏi. Trước khi cưới, nàng đã đưa ra “tối hậu thư” là lương chồng bao nhiêu nộp hết cho vợ, sau đó vợ sẽ đưa lại cho chồng một khoản để tiêu vặt.
Tôi bảo với vợ, từ năm 18 tuổi tôi đã lên thành phố vừa học đại học vừa làm thêm để phần nào trang trải học phí nên tôi rất biết cách chi tiêu và quý trọng đồng tiền. Nhưng vợ lấy lý do cần quy tiền về một mối để tích góp tiền sinh con, sửa nhà.
Mặc dù không thích bị quản lý chặt chẽ chuyện tiền nong nhưng vì chiều vợ (khi đó vẫn còn là người yêu) nên tôi vẫn đồng ý. Nhưng tôi không ngờ sau khi cưới cô ấy lại quản lý tiền lương của chồng một cách quá đáng đến vậy.
Ngày 10 hàng tháng (ngày công ty tôi trả lương qua thẻ ATM), vợ nhanh chóng rút sạch số lương trong thẻ ATM của tôi. Tối, sau bữa cơm, cô ấy để 200 nghìn vào ví tôi gọi là “tiền tiêu vặt cho chồng”.
Video đang HOT
Khi tôi bảo, đàn ông trong ví chỉ 200 nghìn thì tiêu gì? Vợ lại thủ thỉ: “Anh cầm thế thôi, cầm nhiều lại tiêu nhiều, lúc nào hết lại lấy thêm”. Nhưng đúng như cánh đàn ông thường nói với nhau “tiền đưa cho vợ thì dễ lấy ra khó như lên trời”. Mỗi lần cần tiền tôi đều phải trình đủ lý do với vợ.
Được duyệt là một chuyện nhưng chẳng bao giờ vợ tôi đưa “thoáng tay”. Khi chồng cần 500 nghìn để đi đám cưới bạn, đổ xăng, mua thẻ điện thoại… vợ tôi chỉ đưa cho khoảng 300, 400 nghìn.
Đấy là những hôm vợ vui tính. Nếu vào những ngày khó ở, vợ tôi lại sửng cồ lên: “Anh tiêu gì lắm thế? Tuần trước vừa lấy còn gì?”.
Khi tôi lớn tiếng thì vợ khóc lóc than khổ với điệp khúc lấy chồng mà nhà chồng không giúp đỡ gì, lương chồng người ta hai, ba chục triệu chồng mình được tí lương còm lại thích “vung tay quá trán”… cho đến khi tôi mất hẳn ý định xin tiền vợ.
Sợ chồng giấu mức lương, lập quỹ đen vợ tôi còn lên facebook kết bạn với vợ của các đồng nghiệp của tôi rồi dò hỏi chuyện lương bổng. Thấy chồng không có dấu hiệu “mờ ám” vợ tôi mới yên tâm.
Sau một thời gian quá bí bách, tôi phải đấu tranh rất nhiều, thậm chí phải làm căng thì vợ tôi mới đồng ý để cho chồng được giữ 1/3 số lương để chi tiêu cá nhân.
Không chỉ kiểm soát tiền lương, vợ tôi còn quan tâm cả cách chi tiêu của chồng. Mỗi lần tôi mua cái gì, vợ đều săm soi, chê đắt, chê xấu, rồi cô ấy còn kiểm tra ví của tôi, tra hỏi xem tôi tiêu những khoản gì, bao nhiêu tiền.
Về quê, mẹ đẻ tôi cho vợ chồng đôi gà. Khi ra đi, tôi rút ví biếu mẹ 500 nghìn để mẹ tiêu vặt. Mặc dù mẹ từ chối nhưng tôi vẫn cố đưa cho bà. Sau đó, mẹ gọi điện cho vợ tôi, trò chuyện với con dâu, mẹ tôi vui vẻ cảm ơn 2 vợ chồng đã biếu tiền mẹ.
Về nhà, vợ tôi khóc lóc trách móc là tôi dấm dúi cho mẹ tiền. Mặc dù tôi cố giải thích là mẹ gọi về lấy gà nên anh sẵn tiện biếu mẹ ít tiền tiêu vặt chưa kịp nói với vợ nhưng cô ấy vẫn không tin. Đến khi tôi lớn tiếng cô ấy mới chịu im lặng.
Cứ như thế này mãi không biết cuộc sống chúng tôi rồi sẽ còn bao nhiêu cuộc cãi vã vì tiền. Mỗi lần vợ nói đến lương, tiền là tôi ớn tận cổ, chỉ muốn cô ấy biến đi.
Theo VNE
Triệt tiêu bản lĩnh đàn ông
Tưởng chẳng gì hạnh phúc hơn đối với người đàn ông khi lấy được cô vợ không chỉ giỏi giang, xinh đẹp mà còn đảm đang, quan tâm chăm sóc chồng hết lòng hết dạ. Vậy mà...
Không ít ông chồng được vợ cưng chiều lại than khổ, than chán, than mệt, than tù túng. Họ cho rằng, sống với những bà vợ quá chu toàn, quá cẩn thận, lúc nào cũng để ý từng ly, nhắc nhở từng tí... khiến họ thấy mình trở nên bé nhỏ, như bị triệt tiêu bản lĩnh đàn ông. Những người vợ như thế chẳng khác gì những bà mẹ, bà chị, coi chồng như thằng bé to xác. Ngược lại, không ít bà vợ ngạc nhiên một cách thành thật là tại sao mình đã hao tâm tổn sức để chăm lo cho chồng chu đáo đến vậy mà chẳng những không được chồng yêu, lại còn bị trách cứ, nhăn nhó, cáu kỉnh, khó chịu, thậm chí xa lánh... rồi đi "ăn vụng" bên ngoài.
Có lần, cô bạn thời đại học buồn bã tâm sự, dạo này không hiểu vì sao ông xã cô ngày càng hay cáu kỉnh, bực dọc vô cớ với vợ. Có khi nhiều hôm liền, ổng chẳng thèm mở miệng, để mặc cô muốn nói gì thì nói. Hay là ổng có ai bên ngoài nên về nhà chán vợ? Cô nhờ tôi khi nào có dịp thì cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sự thay đổi của chồng. Thông cảm với cô, tôi tìm gặp đám bạn bè cũ để dò la tin tức. Nhưng hóa ra chẳng có gì. Anh chàng này vốn nhút nhát, đâu dám liều lĩnh ăn vụng! Một hôm, tôi gọi điện, nói muốn gặp anh để có việc cần nhờ. Anh đồng ý ngay. Sau khi giải quyết cái cớ mượn tài liệu chuyên ngành, chúng tôi ngồi tám đủ thứ chuyện linh tinh khác về bè bạn, gia đình, được thể, chàng thổ lộ...
Đúng là anh đang chán vợ. Đơn giản vì cái cách vợ coi anh như trẻ con chứ không phải chồng. Vợ chồng bằng tuổi nhau nên hồi mới cưới, anh rất hạnh phúc khi được vợ chiều chuộng nhất mực: Sáng nào cô ấy cũng dậy sớm pha ca phê, vào bếp nấu điểm tâm. Chiều, đi làm về, anh chỉ việc tắm xong là ngồi vào bàn thưởng thức các món ăn ưa thích mà vợ cần mẫn chuẩn bị. Ăn xong, anh gác chân xem tivi, để vợ dọn dẹp chén bát rồi giặt giũ, lau nhà. Buổi sáng, quần áo đi làm của anh được ủi sạch sẽ vắt trên giá, anh chỉ việc mặc vào. Hồi đó, anh rất tự hào với cô vợ đảm của mình. Đúng là các cụ nói không sai: "Lấy vợ bằng tuổi nằm duỗi mà ăn!".
Tuy vậy, chỉ ít ngày là anh chán. Tỉ như chuyện ăn uống. Buổi sáng, anh muốn ra ngoài điểm tâm để đổi món thì vợ không cho vì: "Mất vệ sinh!". Thực đơn các bữa ăn, với tiêu chí vợ muốn tẩm bổ cho chồng nên hết heo quay lại gà rán, nuốt không nổi. Chuyện đi cà phê cà pháo với bạn cũng bị cấm vì: "Có vợ rồi, không la cà ngoài đường!". Ngay cả quần áo, giày dép cũng là vợ mua, thích hay không cũng phải dùng, vì như cô ấy giải thích: "Khiếu thẩm mỹ của anh làm sao bằng em được! Chọn đồ như anh, người ta sẽ nói em không biết chăm sóc chồng!".
Rồi anh kết luận: "Cô ấy càng ngày càng giống mẹ mình hơn là vợ!".Ra vậy! Khi nghe tôi "truyền đạt" lại, cô bạn tròn mắt: "Trời ơi! Ông xã mình điên thật rồi! Người ta có yêu mới chiều như thế chứ!".
Theo các chuyên gia tâm lý, những bà vợ "đảm" đến mức chăm sóc chồng như chăm sóc con là sai lầm. Trong bất cứ trường hợp nào, hãy hiểu rằng họ là những người đàn ông chứ không phải là những cậu bé. Điều đó chạm vào tự ái của chồng, ảnh hưởng đến bản lĩnh đàn ông, triệt tiêu niềm kiêu hãnh tự coi mình là trụ cột gia đình của họ. Vì vậy, điều đó không mang lại hạnh phúc cho chồng mà khiến anh ta khó chịu và xa lánh vợ. Không ít trường hợp người chồng đã tìm cách "tìm lại chính mình" ở nơi khác ngoài gia đình.
Theo Bưu Điện Việt Nam