Úc “rất tự tin” hộp đen MH370 được xác định
Thủ tướng Úc Tony Abbott ngày 11/4 khẳng định ông “rất tự tin” rằng những tín hiệu xung điện thu được trong quá trình tìm kiếm MH370 là của hộp đen chiếc máy bay này. Trong khi đó cơ trưởng được khẳng định là người nói “chúc ngủ ngon”.
Thủ tướng Úc Tony Abbott
Thông tin được đài ABC của Úc đăng tải. Theo đó, phát biểu từ Thượng Hải, Trung Quốc, ông Abbott tuyên bố: “Chúng tôi đã thu hẹp rất nhiều khu vực tìm kiếm, và rất tự tin rằng những tín hiệu đó đến từ hộp đen của máy bay”.
Ông cũng thừa nhận rằng những tín hiệu này đang có dấu hiệu yếu dần.
“Dù vậy, chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mà tín hiệu chúng tôi rất tin tưởng rằng đến từ hộp đen đang bắt đầu yếu dần. Chúng tôi hy vọng có thể thu được nhiều thông tin nhất có thể trước khi những tin hiệu đó tắt hẳn”, ông Abbott nói.
Đến nay các hộp đen của máy bay, hay bộ ghi dữ liệu chuyến bay và bộ ghi âm buồng lái, được xem là yếu tố then chốt có thể giải mã sự biến mất kỳ lạ của chuyến bay MH370. Chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines đã mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur, tới Bắc Kinh, và được khẳng định đã rơi tại Ấn Độ Dương.
Trong ngày hôm qua, một máy bay tuần tra P-3 Orion của không quân Úc đã lần thứ 5 thu được tín hiệu xung điện, nghi từ bộ phát tín hiệu ping của hộp đen.
Video đang HOT
Với việc các phân tích về tín hiệu này đang được thực hiện, Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp (JACC) tại Perth ngày hôm nay cho biết, việc tìm kiếm giờ được thu hẹp xuống chỉ còn 2 khu vực, với tổng diện tích 46.713 km2. Tâm điểm của vùng tìm kiếm nằm cách Perth 2312 km về phía Tây Bắc.
Trước đó, trong ngày thứ Năm, diện tích khu vực tìm kiếm là 57.900 km2.
Các máy bay của không quân Úc đã thả nhiều phao mang theo thiết bị dò tìm sóng âm sonar để tăng tối đa khả năng phát hiện âm thanh trong khu vực nghi vấn. Thiếu tướng hải quân Úc Peter Leavy cho biết mỗi phao như vậy sẽ mang theo một thiết bị có thể ghi nhận âm thanh ở độ sâu 300m dưới mặt nước và truyền dữ liệu về cho máy bay tìm kiếm.
Khu vực tìm kiếm dưới đáy biển hiện tại có diện tích khoảng 1300 km2, và việc thu hẹp khu vực này nhiều nhất có thể sẽ là vô cùng quan trọng, trước khi triển khai tàu lặn không người lái lập bản đồ sonar về vùng đáy biển nghi vấn có mảnh vỡ.
Tàu Bluefin 21 sẽ phải cần quỹ thời gian gấp 6 lần so với các thiết bị định vị bộ phát tín hiệu ping được kéo bởi tàu Ocean Shield, để rà soát hết cùng một diện tích đáy biển. Sau đó sẽ cần thêm từ 6 tuần đến 2 tháng để lập bản đồ đáy biển khu vực tìm kiếm. Đó là lí do vì sao các thiết bị rò sóng âm vẫn đang được sử dụng để thu hẹp vùng tìm kiếm, đại úy hải quân Mỹ Mark Matthews nói.
Trong một diễn biến khác, một quan chức chính phủ Malaysia hôm qua khẳng định cơ quan điều tra đã kết luận cơ trưởng chính là người đã nói những từ cuối cùng với đài kiểm soát không lưu: “Chúc ngủ ngon, 370 Malaysia”. Họ cũng khẳng định giọng nói không hề có dấu hiệu bị ép buộc.
Theo Dantri
Đức báo động vì sợ xảy ra vụ MH370 thứ hai
Kiểm soát không lưu Đức đã mất liên lạc với chiếc máy bay suốt gần 30 phút.
Ngày 10/4, báo chí Ấn Độ tiết lộ một thông tin gây sốc về việc hai phi công của nước này đã khiến nhà chức trách Đức được một phen hoảng hốt và tưởng rằng một vụ MH370 thứ hai đang xảy ra trên không phận nước Đức. Vụ việc này xảy ra vào ngày 13/3, chỉ 5 ngày sau khi chuyến bay MH370 mất tích, tuy nhiên thông tin mới chỉ được tiết lộ gần đây.
Sự cố đáng sợ này xảy ra với chuyến bay 9W-117 của hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ. Hai phi công đang điều khiển chiếc Boeing 777-300 bay từ London (Anh) trở về Mumbai (Ấn Độ), nhưng khi bay qua không phận Đức, họ đã phạm phải một sai lầm khiến mọi người ở dưới mặt đất hốt hoảng.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Jet Airways
Sau khi tiến vào vùng kiểm soát không lưu của Đức, hai phi công trên chiếc máy bay này đã bỏ tai nghe ra nhưng lại quên không tăng âm lượng để có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ tai nghe và trả lời kịp thời. Thế nên khi đài kiểm soát không lưu của sân bay Đức tìm cách liên lạc với 9W-117, họ không hề nghe thấy tín hiệu trả lời.
Sự gián đoạn liên lạc này kéo dài gần 30 phút trong khi máy bay đang bay trên bầu trời nước Đức. Sau nhiều lần tìm cách liên lạc không thành, đài kiểm soát không lưu Đức đã nghĩ tới một kịch bản xấu nhất về một vụ MH370 thứ hai, và họ đã phát tín hiệu báo động, đồng thời khẩn cấp liên lạc với hãng Jet Airways để thông báo tình hình.
Các nhân viên tại Jet Airways cũng hoảng sợ không kém, và họ ngay lập tức gửi một tin nhắn thông qua hệ thống liên lạc ACARS của máy bay tới buồng lái. Đây là hệ thống kết nối dữ liệu điện tử giữa mặt đất với máy bay, có thể truyền đi những thông điệp ngắn qua sóng radio hoặc vệ tinh.
Đến lúc nhận được tin nhắn qua hệ thống ACARS, các phi công mới nhận ra sai sót của mình và vội vàng trả lời đài kiểm soát không lưu Đức, đồng thời xin lỗi vì đã để liên lạc gián đoạn. Cho đến lúc này, đài kiểm soát không lưu Đức mới thở phào nhẹ nhõm.
Hai phi công bỏ tai nghe ra ngoài khiến liên lạc với mặt đất bị gián đoạn
Tuy nhiên sau khi trải qua gần nửa giờ đồng hồ căng thẳng và hoảng sợ như vậy, đài kiểm soát không lưu DFS Deutsche Flugsicherung GmbH của Đức đã quyết định khiếu nại lên Cơ quan Hàng không Dân dụng Ấn Độ.
Sau khi nhận được khiếu nại từ phía Đức, cơ quan này đã tiến hành một cuộc điều tra, trong đó hai phi công đã thú nhận rằng họ đã bỏ tai nghe ra ngoài nên không nghe được tín hiệu liên lạc của mặt đất. Hậu quả là hai phi công này đã bị cấm bay trong vòng 2 tuần.
Hãng Jet Airways cũng thực hiện một cuộc điều tra nội bộ đối với sự cố này và đã gửi báo cáo chi tiết tới nhà chức trách Đức.
Thông báo của hãng Jet Airways nhấn mạnh: "Dựa trên kết quả điều tra, Jet Airways đã thực hiện những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với các phi công có liên quan và báo cáo kết quả với nhà chức trách Đức. Hãng luôn phấn đấu duy trì những tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho hành khách vào bất cứ lúc nào."
Sau khi nhận được phản hồi từ phía nhà chức trách Đức, Cơ quan Hàng không Dân dụng Ấn Độ cũng quyết định khép lại cuộc điều tra này.
Theo Khampha
Những 'biệt đội' tìm kiếm, cứu nạn thần tốc của Việt Nam - Kỳ 2: 'Đi mây về gió' tìm kiếm máy bay MH370 Có tham gia vào quá trình tìm kiếm máy bay MH 370 mất tích của Malaysia Airlines mới thấy rõ những nỗ lực lớn lao của các đội bay. Chiếc AN 26 số hiệu 261 chuẩn bị xuất phát sau khi có lệnh 30 phút - Ảnh: Trung Hiếu chụp ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 8.3 Nhận thông tin máy bay...