UBTVQH sẽ xem xét cho ông Võ Kim Cự xin thôi đại biểu
Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự.
Ông Võ Kim Cự xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hoàn tất những công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc 22.5).
Theo đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào; phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân và về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Video đang HOT
Cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP.Hải Phòng.
Nội dung nữa là cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, Ban Bí thư kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định) do những vi phạm, khuyết điểm trong việc cho thực hiện dự án Fomosa.
Sau kỷ luật trên, ông Võ Kim Cự có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Ông Võ Kim Cự sinh năm 1957, quê Hà Tĩnh, trong cuộc bầu cử ngày 22.5.2016, ông Võ Kim Cự được cử tri thị xã Hồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bầu làm đại biểu Quốc hội khoá 14 với 75% tổng số phiếu hợp lệ.
Theo Danviet
"Sẽ không dễ dàng khi ông Võ Kim Cự xin thôi làm ĐBQH"
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nếu một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xin thôi làm nhiệm vụ ĐB thì phải có những lý do rất xác đáng mới được xem xét. Còn trong trường hợp cơ quan chức năng thấy người đó có vi phạm thì người đó phải tiếp tục làm ĐBQH cho đến khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH.
Có thông tin ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi làm ĐBQH.
Liên quan đến thông tin ông Võ Kim Cự gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH, trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết:
Điều 38 Luật tổ chức Quốc hội quy định: ĐBQH có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận ĐBQH xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Việc xin thôi làm ĐBQH qua các bước như gửi đơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thẩm tra của Ban Công tác ĐBQH, sau đó sẽ được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bước tiếp theo là đưa ra Quốc hội xem xét.
Vẫn theo TS Quyền, ĐBQH được thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Với trường hợp ông Võ Kim Cự, theo TS Nguyễn Đình Quyền, ông Cự vừa bị Ban Bí thư kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. "Nếu liên quan đến kỷ luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội không cho anh thôi làm nhiệm vụ ĐBQH một cách đơn giản" - TS Quyền nói.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, mỗi ĐBQH đều do hàng trăm nghìn cử tri bầu ra, vì thế khi người đó muốn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có lý do chính đáng.
"Hàng trăm nghìn cử tri đã tin tưởng bầu cho anh. Ở đây anh vừa lĩnh trọn quyền đại diện, vừa lĩnh trọn trách nhiệm chứ không phải thích thì ở, không thích ra thì thôi. Muốn thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có những lý do rất xác đáng thì mới được xem xét chấp thuận. Còn trong trường hợp cơ quan chức năng thấy anh có vi phạm thì không cho anh thôi, buộc anh tiếp tục làm ĐBQH cho đến khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH của anh" - TS Nguyễn Đình Quyền nói.
Ông Võ Kim Cự được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH với tư cách là đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ông ứng cử ở Hà Tĩnh. Tại kỳ bầu cử ĐBQH, ông Cự trúng cử với tỷ lệ 75% và trở thành ĐBQH khóa XIV, thuộc đoàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 21.4, Ban Bí thư đã công bố kết luận kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ có vi phạm nghiêm trọng trong vụ việc Formosa xả thải gây ra sự cố về môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Trong đó, ông Võ Kim Cự bị cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
Theo Danviet
Ông Võ Kim Cự và "cơn bão" lớn nhất cuộc đời Lần này, ông Cự có thể sẽ đối mặt một cơn bão lớn nhất đời mình, đó có thể là cơn bão cuối cùng, khi thời gian, sức vóc, nhiệt huyết "của con chim báo bão" đến giới hạn của nó. Giữa cơn bão dư luận, giữa dồn dập thông tin kỷ luật, cách chức những người liên quan sự cố môi trường...