UBND TP Hà Nội: Hầu hết nhân dân ủng hộ việc thay thế 6.700 cây xanh!
UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn có khoảng 6.700 cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng… cần được thay thế. Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã thông báo và được hầu hết nhân dân tại khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ.
Chiều ngày 18/3, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi báo Dân trílý giải chi tiết việc thay thế cây xanh trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nôi cho biết, thực hiện đề án và chương trình chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua, thành phố đã cải tạo, thay thế một số cây xanh trên một số tuyến phố.
Trong quá trình thực hiện, dư luận đã phản ánh nhiều chiều, trong đó bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch UBND thành phố là một ý kiến được lưu tâm
Hàng trăm cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi đã bị chặt hạ hồi cuối năm 2014 để phục vụ công trình đường sắt trên cao (Ảnh Nguyễn Dương)
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thịnh Thành – Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội – cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin nêu và kiến nghị qua thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn đăng trên báo Dân trí, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý phát triển đô thị.
Làm rõ thêm vấn đề cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, ông Nguyễn Thịnh Thành đưa ra thông tin: Hiện trên địa bàn có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát được trồng trên gần 3.000km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Hiện trạng hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài, trong đó có các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ.
Bên cạnh đó, nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà cừ, long não… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đặc biệt, trên một số tuyến đường tồn tại nhiều cây lâm nghiệp không phải cây đô thị – như cây keo, cành giòn dễ gãy, tuổi thọ ngắn.
Video đang HOT
Ngoài ra, một số cây trên tuyến phố do người dân tự ý trồng không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, dướng, bông gòn, trứng cá.
Để triển khai quy hoạch cây xanh trên địa bàn và thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổng kiểm tra rà soát hiện trạng hệ thống cây xanh trên các tuyến phố, lập đề án rà soát hiện trạng hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, lập đề án huy động các nguồn nhân lực để bảo tồn, cải tạo, từng bước thay thế cây xanh phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái.
Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng đến giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần từng bước được thay thế bằng loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được duyệt.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện từ năm 2015-2017, dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng. Trong năm 2015, Hà Nội chưa bố trí kinh phí để cải tạo, thay thế cây xanh.
Tuy nhiên, tranh thủ tời tiết thuận lợi cho việc thay thế cây và tránh mùa mưa bão, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ thay thế cây xanh trên các tuyến phố. Đến nay, đã có một số đơn vị, cá nhân hưởng ứng tham gia thực hiện trên 17 tuyến phố.
Ông Nguyễn Thịnh Thành cũng cho biết, trước khi thay thế cây xanh, Sở Xây dựng đã có đề án và kế hoạch cụ thể. “Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã tổ chức họp báo và phối hợp với chính quyền địa phương thông báo đến người dân được biết và đồng thuận. Hầu hết nhân dân tại khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ”, ông Thành làm rõ vấn đề dư luận băn khoăn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, trong quá trình thực hiện còn một số ý kiến góp ý khác nhau, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp thu và giải thích, làm rõ, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu rà soát việc chặt hạ 6.700 cây xanh
Chiều ngày 18/3, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, dư luận phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, điển hình trong đó có bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch UBND thành phố nêu lên những băn khoăn về việc chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Hà Nội đã chặt hạ hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Trãi (Ảnh Nguyễn Dương)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.
Trước đó, Sở Xây dựng cho biết, Hà Nội lên kế hoạch chặt hạ, thay thế khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Theo Sở Xây dựng hiện có khoảng hơn 29.000 cây xanh được trồng hai bên tuyến phố của 10 quận nội thành không thuộc chủng loại cây đô thị. Trong đó phổ biến như cây trứng cá, vông, dâu da... Bên cạnh đó còn có một số cây cong, nghiêng gây cản trở giao thông; một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Sau khi chặt hạ hàng nghìn cây trên, đơn vị chức năng sẽ trồng bổ sung thay thế.
Về kế hoạch trên, ông Trần Đăng Tuấn đã thông qua Báo Dân trí gửi bức thư ngỏ tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nội dung bức thư ông Tuấn kiến nghị Chủ tịch Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Ông Tuấn kiến nghị thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người dân không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.
Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.
Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này. Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.
Quang Phong
Theo Dantri
"Sao lại vội vàng chặt hàng ngàn cây xanh?" Liên quan đến kế hoạch chặt hạ, trồng thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở Hà Nội, và bức thư ngỏ ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch TP Hà Nội, một số nhà thơ, nhà văn, nhà báo đã chia sẻ ý kiến về những "phố thâm nghiêm rợp bóng cây" của Thủ đô. Nhà báo Nguyễn Thị Kim...