Uẩn ức của người đàn ông bị chém tổn hại 21% sức khỏe mà không được coi là bị hại
Chỉ vì can ngăn hai bên, ông Sinh bị các đối tượng lao vào chém, đánh tới tấp. Bị tổn hại 21% sức khỏe nhưng ông chỉ được coi là nhân chứng chứ không phải bị hại…
Từ chuyện “đắt – rẻ”
Nguồn cơn bắt đầu từ việc anh Nguyễn Xuân Trường ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình sửa kính cho một vị khách và người này chê đắt. “Thay đôi mắt kính, mất tiền phụ kiện lại còn tiền công mà tôi chỉ lấy 75 nghìn đồng. Vậy mà họ chê đắt thì không biết thế nào mới là rẻ” – anh Trường cất giọng ngán ngẩm.
Theo VKSND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, khoảng 20h ngày 7-11-2011, Vũ Đức Tài, SN 1990, trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, cùng Nguyễn Ngọc Minh, SN 1991, trú tại xã Đông Các, huyện Đông Hưng; Trần Đức Thạo trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải đến nhà anh Trường để hỏi tại sao chữa kính cho bạn Minh lấy đắt. Đến nơi, Thạo đứng ngoài; Tài, Minh vào trong nói chuyện. Tài cầm chén nước ném vào người anh Trường khiến chủ nhà bị thương ở trán.
Khi một số người hàng xóm tới, Minh, Tài bỏ chạy. Chạy khoảng 200m, Minh bị vây bắt. Trong khi đó, Tài núp nhờ nhà người dân ven đường và điện thoại cho anh trai, Vũ Đức Tùng. Lúc này, Tùng đang ngồi uống rượu cùng Chu Văn Hùng, SN 1986; Đào Văn Mỹ, SN 1981; Vũ Văn Tới, SN 1985 – đều trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, Thái Bình; Lê Thích Đên, SN 1986, trú tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Nhóm nhậu đã rủ nhau xuống chỗ Tài xem sự thể thế nào. Khi đi, Tùng gọi cho lái xe taxi Lê Văn Thông, SN 1989, trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, Thái Bình, chở cả bọn.
Video đang HOT
Xe ô tô đỗ cách nhà anh Trường khoảng 400m, Tùng cầm gậy gỗ cùng Hùng, Tới, Mỹ, Đên xuống xe. Tài nhận được thoại của Tùng thì chạy từ trong ngõ ra và dẫn đường cho nhóm. Trên đường đi thì gặp đông người ở phía trước, Hùng nhặt 2 viên gạch giơ lên đe dọa. Mỹ lao vào đạp 1 người ngã ra đường. Tới bỏ cuộc giữa chừng vì vợ gọi về. Tài và Tùng chạy lên phía trước thì 20 người xuất hiện, họ mang theo gậy gỗ. Hai bên dùng gạch ném nhau loạn xạ. Đúng lúc, ông Nguyễn Tiến Thuần và 3 người khác cầm gậy đi tới. Thấy ông Thuần cúi xuống, tưởng ông Thuần nhặt gạch ném mình, Tài nhặt vội 2 viên gạch ném vào đầu khiến ông Thuần ngã. Anh Vũ Quang Tùng, Trưởng CA xã Nam Trung, đến kịp thời bắt giữ Tài và nổ súng uy hiếp số còn lại.
Sau vụ ẩu đả, ngày 8-11-2011, Mỹ, Tùng, Tới và Hùng đến CA huyện Tiền Hải đầu thú.
Ông Thuần bị tổn hại 43% sức khỏe và tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại này đề nghị tòa xử Tài về 2 tội “Cố ý gây thương tích”, “Chống người thi hành công vụ”, bởi ông Thuần là Chủ tịch UBND xã Nam Trung. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng bác vì cho rằng, không xác định được yếu tố công vụ và chống người thi hành công vụ. Tài khai, trong lúc hỗn loạn, thấy một người đàn ông (ông Thuần) chạy đến, bị cáo đã ném gạch và sau này mới biết đó là Chủ tịch UBND xã Nam Trung.
Ngoài ông Thuần, ông Sinh cũng bị mất 21% sức khỏe; con số này với anh Trường là 4%. Nhưng các bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm với thương tích đã gây cho anh Trường. Trường hợp của ông Sinh, do CQĐT chưa xác định được đối tượng được hành hung nên tách thành một vụ án khác.
TAND huyện Tiền Hải đã tuyên phạt Tài 5 năm tù, Minh 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tùng, Hùng, Mỹ, Tới từ 6 đến 9 tháng tù tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Đên được xác định, có mặt nhưng không tham gia vào vụ án; Thông chỉ lái xe thuê nên không bị buộc tội.
Ông Sinh bức xúc vì bị tổn hại 21% sức khỏe mà không được coi là bị hại. Ảnh: Hoa Đỗ
Thương tích 21% nhưng không là bị hại?
Bị chém với nhiều vết thương chằng chịt ở mặt, gẫy rạn xương thành trước xoang hàm phải và gẫy 3 răng cửa, ông Phạm Văn Sinh bị tổn hại 21% sức khỏe. Điều khiến ông Sinh bức xúc là ông không được coi là bị hại trong vụ án này. Như lời ông Sinh, tối đó, cháu Lương sang nhà và nói, có mấy người định đánh bố nên nhờ ông sang can. Vợ chồng ông Sinh và con trai đã qua nhà anh Trường. Đến cửa nhà anh Trường, ông thấy có một thanh niên đứng ngoài cửa, tay xách túi đồ và con trai ông đã đứng lại hỏi chuyện. Trong khi đó, ông Sinh vào trong nhà. Tại đây, ông nhận mặt được Tài, con trai của người quen. “Các cháu có chuyện gì cứ ngồi xuống nói chuyện” – ông Sinh nói. Nhưng sau đó, anh Trường, Tài và người thanh niên lạ đã cự cãi. Vừa dứt câu: “Bây giờ ông thích gì, ông muốn gì” thì Tài đã vơ cái chén ném vào đầu anh Trường. Thấy vậy, ông Sinh đẩy họ ra ngoài, can ngăn. Đầu anh Trường chảy nhiều máu, có ai đó hô: “Bắt lại” và hai người này bỏ chạy. Sau đó có tiếng: “Đưa đồ vào”; ông Sinh đã giữ chặt thanh niên đứng ngoài cửa, tay xách túi đồ và giữ chìa khóa xe máy rồi gọi điện cho Trưởng CA xã Nam Trung.
Thấy trên nhà anh Mạnh ầm ĩ, ông Sinh và anh Bình, người cùng thôn, chạy lên đó. Tới nơi, ông Sinh thấy một chiếc ô tô taxi đi ngược lại, trên xe chở khoảng 5 thanh niên. Ngay lập tức, những người này xông vào dùng gậy, kiếm đánh và chém vào mặt ông. Ông Sinh chỉ kịp nhìn có người mặc áo đỏ, áo xanh và cả người cởi trần. Sau này, ông mới biết những người này tên Hùng, Mỹ, Tài, Tùng, Tới; còn Thông là người lái xe.
Điều ông Sinh ngạc nhiên là suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông chỉ được coi là nhân chứng. Được xác định không phải bị hại trong vụ án nhưng ông Sinh lại được các bị cáo bồi thường (Minh bồi thường 5 triệu đồng; Tài, Tùng, Hùng, Mỹ, Tới hỗ trợ 5 triệu đồng) (?). Cũng theo ông Sinh, gia đình Tài đã nhiều lần yêu cầu được bồi thường cho ông.
Ông Sinh thắc mắc, ông bị chém bằng vật sắc; ngay cả anh Tùng cũng bị chém vào tay, ông Thuần bị chém xuyên áo nhưng CQ ĐT lại không thu giữ được hung khí sắc này mà chỉ thu được gạch và gậy (?).
“Ông Sinh là nạn nhân bởi chuỗi hành vi phạm tội liên tiếp của các bị cáo. Trong khi đó, người này chỉ can ngăn hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan tố tụng cho rằng, ông Sinh không phải là bị hại do chưa chưa xác định được người thực hiện tội phạm là không có cơ sở. Bởi không khó khăn để xác định đối tượng hành hung ông Sinh. Đó là tốp người trên chiếc ô tô taxi. Họ đã nhảy xuống đánh, chém ông Sinh. Dù không xác định rõ vết thương nào trên cơ thể là do ai gây ra nhưng các đối tượng có vai trò như nhau trong việc thực hiện tội phạm. Tách trường hợp của ông Sinh ra khỏi vụ án này dẫn đến thay đổi nội dung và tính chất của tội phạm” – luật sư Nguyễn Anh Sơn – Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích.
Bản án số 22/2012/HSST/của TAND huyện Tiền Hải nhận định rằng: “Tại phiên tòa hôm nay, ông Sinh đề nghị tòa án đưa ông vào tham gia tố tụng với tư cách người bị hại nhưng bản thân ông Sinh không xác định được ai là người đã đánh ông” nhưng Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ, trách nhiệm điều tra, làm rõ vụ án là thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng; huống hồ, thời điểm đó, ông Sinh bị đánh, chém đến bất tỉnh.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị hại có đơn yêu cầu tòa cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Bởi như vậy, ông Sinh mới có cơ hội được tham gia tố tụng với tư cách bị hại.
Theo PLXH