U80: Hạnh phúc là khi được cống hiến
Dù đã bước sang tuổi 80 nhưng ông Mai Văn Bé (thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn không ngừng học tập và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể như: tích cực rèn luyện sức khỏe, gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, trực tiếp lao động sản xuất, vượt khó làm giàu… Ông chính là tấm gương sáng góp phần vào sự phát triển toàn diện của địa phương.
Năm 1975, ông Bé cùng gia đình rời mảnh đất Quảng Trị vào Gia Lai xây dựng kinh tế mới. Đến với quê hương thứ hai, ông tâm nguyện rằng sẽ cố gắng xây dựng cuộc sống thật tốt, tham gia cống hiến trí và lực của mình cho công tác xã hội ở địa phương. Bởi vậy nên trong suốt những năm tháng sau đó, dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng khắc phục để có thời gian làm tốt chức vụ thôn trưởng của mình.
Đến năm 1988, ông giữ cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Hồ. Cho tới lúc về hưu, được sự tín nhiệm của các cụ người cao tuổi, của bà con khu phố ông vẫn tích cực góp sức mình vào hoạt động chung của địa phương. Hiện ông Bé là Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn 1 và Ủy viên Thường vụ Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ. Và, dù ở bất cứ trọng trách nào ông cũng rất nhiệt huyết và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Bé vẫn hăng say lao động dù đã bước sang tuổi 80. Ảnh: Mai Ka
Ngày mới vào làm kinh tế, ông Bé còn rất nhiều bỡ ngỡ với vùng đất mới. Tuy nhiên, bằng sức trẻ và nghị lực làm giàu của mình, ông đã ngày đêm khai hoang đất để trồng khoai lang và mía. Từ 2 ha đất ông đã mở rộng thêm để trồng tiêu và cà phê. Vượt qua bao trở ngại về kinh tế, ông cùng vợ đã nuôi dạy 7 người con trưởng thành và ăn học tới nơi tới chốn. Khi nhắc về những ngày tháng gian khổ ấy, đôi mắt ông Bé mờ đục hẳn.
Video đang HOT
Ông tâm sự: “Có đi qua rồi mới thấy sức người là tài sản vô giá. Hồi ấy vừa làm kinh tế vừa làm công tác xã hội, mỗi thứ tôi đều phải cố gắng một chút. 7 đứa con lần lượt ra đời khiến vợ chồng tôi càng có thêm động lực để phát triển kinh tế, làm sao tạo điều kiện tốt nhất để nuôi dạy các con chứ không để chúng phải bỏ dở con đường học hành vì điều kiện gia đình khó khăn”.
Hôm nay, khi các con của ông đã lần lượt có nghề nghiệp ổn định và được dựng vợ gả chồng, dù cuộc sống khấm khá lên rất nhiều nhưng ông Bé cùng vợ vẫn không ngừng lao động. Ở cái tuổi 80, ông vẫn còn khỏe mạnh và dẻo dai. Hàng ngày, ông chăm sóc 5 sào cà phê, vườn tiêu và tăng gia sản xuất. Còn bà thì cần mẫn với gánh hàng ở chợ. Thu nhập bình quân của hai ông bà cũng đạt 70 triệu đồng/năm. Ở địa phương, ông Bé được nhiều người biết đến như một điển hình trong phong trào làm ăn kinh tế giỏi, nuôi dạy con cháu ngoan hiền và tâm huyết trong công tác xã hội.
Đến thăm vườn của ông, ít ai nghĩ chủ nhân của nó là một người đàn ông đã bước vào tuổi “xế chiều”. Ông Bé chia sẻ rằng dù đã lớn tuổi nhưng còn sức khỏe, còn khả năng thì còn lao động, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa là cách nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Với ông, đó là cách dưỡng già hiệu quả. Bản thân mình phải là “cây cao bóng cả” trong gia đình và mẫu mực ngoài xã hội, tự lực làm mọi việc có thể làm, không phải phiền đến con cháu để chúng yên tâm công tác.
“Đi gần hết một đời người tôi không hề phải hối hận về những việc mình đã làm. Giờ đây, khi tôi già yếu, khi sức lực không còn bao nhiêu để mà cống hiến cho xã hội thì tôi vẫn rất vui mừng và hạnh phúc vì thế hệ con, cháu của mình lại tiếp tục thay tôi đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước”-ông Bé bày tỏ niềm tự hào.
Theo Mai Ka (Báo Gia Lai)
Yên Phong nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Huyện Yên Phong là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Không chỉ tăng dần quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo nghề cũng từng bước được chú trọng, nâng cao với các giải pháp đa dạng hóa nghề học gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân và tính khả thi trong giải quyết việc làm.
Gia đình chị ĐỗThị Bé (thôn Yên Hậu, xã Hòa Tiến) từ hơn một năm nay đã chuyển đổi hoàn toàn từ hình thức trồng rau thông thường sang trồng rau an toàn. Gần 3 sào rau của gia đình chị lúc nào cũng xanh tốt, mùa nào thức ấy và đặc biệt là tiêu thụ thuận lợi hơn trước vì là sản phẩm an toàn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thị trường. Đây là thành quả từ việc chị được tham gia lớp học nghề trồng rau an toàn do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức ngay tại thôn. "Khóa học đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi về trồng rau an toàn.
Trước đây tôi nghĩ sẽ rất khó để trồng được những luống rau tươi tốt mà không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nhưng qua những kiến thức thu được trong lớp học, áp dụng vào thực tế cho thấy không hề khó khăn và tốn quá nhiều công sức. Giờ tôi hoàn toàn yên tâm vì rau bán ra không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng", chị Bé tâm sự.
Không chỉ gia đình chị Đỗ Thị Bé mà tại thôn Yên Hậu hiện có hơn 30 hộ dân khác cũng đã chuyển sang trồng rau an toàn. Một vùng rau an toàn mới của huyện Yên Phong đang được hình thành. Thay đổi ấy đến từ 2 lớp dạy nghề liên tiếp được tổ chức trong năm 2014 và 2015. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Hậu cho biết: "Những lớp nghề rau an toàn thu hút rất đông người học bởi khả năng ứng dụng cao.
Ngoài cung cấp các kỹ năng, kiến thức làm nghề, Trung tâm dạy nghề huyện còn tổ chức cho chúng tôi đi thăm quan thực tế tại các mô hình sản xuất rau an toàn trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, hầu hết các học viên sau khi tốt nghiệp đều đã chuyển đổi sang trồng rau an toàn, cho thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng/sào/tháng".
Chị ĐỗThị Bé (thôn Yên Hậu, xã Hòa Tiến) - học viên tốt nghiệp lớp nghề trồng rau an toàn do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, chăm sóc ruộng dưa chuột trồng theo phương pháp an toàn.
Không chỉ Yên Hậu, nhiều vùng quê khác trên địa bàn huyện Yên Phong cũng đang có sự đổi thay nhờ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức thành công 10 lớp học với gần 300 học viên gồm: 5 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 3 lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, 2 lớp may công nghiệp. Bên cạnh các nghề đã phát huy được hiệu quả như: Trồng nấm, rau an toàn, trồng hoa, mây tre đan, cây cảnh... trung tâm chủ động tìm kiếm, mở thêm các lớp nghề mới phù hợp với nhu cầu thị trường như: Kỹ thuật nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật, làm tóc, trang điểm...
Nhiều người sau khi tốt nghiệp các khóa học đã trở thành điển hình về làm kinh tế giỏi ở địa phương, là đầu tàu trong việc quy tụ, mở lớp dạy nghề cũng như hỗ trợ học viên làm nghề như: Ông Nghiêm Văn Sang (nghề trồng rau an toàn ở Nghiêm Xá, thị trấn Chờ); bà Nguyễn Thị Lan (nghề nấu ăn ở thôn Đông, xã Tam Giang), bà Nguyễn Thị Tuyết (nghề chăn nuôi ở Yên Hậu, xã Hà Tiến)...
Ông Lưu Đình Kiện, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho hay: "Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì điểm mấu chốt vẫn là lấy người học làm trung tâm, phải biết người dân ở địa phương đang cần học nghề gì hoặc nghiên cứu, tìm ra nghề phù hợp để định hướng cho họ, tránh đi vào lối mòn, chạy theo số lượng.
Đơn cử như nghề kỹ thuật nấu ăn chúng tôi phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo, Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) để tổ chức, được người dân đăng ký học rất đông. Nguyên nhân là bởi nghề ngày dễ ứng dụng thực tiễn, giáo trình các món ăn cũng được chọn lọc phù hợp với khẩu vị, phong tục tập quán của từng địa phương. Hay như nghề làm tóc - trang điểm cũng được người dân quan tâm, đặc biệt là những nơi tập trung đông công nhân thuê trọ".
Ngoài ra, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tại huyện Yên Phong, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn bản trong công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.
Huyện thường xuyên tạo điều kiện để Trung tâm Dạy nghề thu hút thêm nhiều người học, nâng cấp trang thiết bị, chất lượng giáo viên viên, liên kết với các trung tâm đào tạo nghề lớn trong và ngoài tỉnh, mời chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia giảng dạy; người dân sau khi học nghề tiếp tục được hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra sản phẩm... nhờ đó mà chất lượng đào tạo luôn được bảo đảm, học viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương.
Theo Danviet
Cây keo, cây sắn "kéo" xã nghèo vươn lên Những năm qua, trồng rừng và cây sắn tại Quế Hiệp (Quế Sơn, Quảng Nam) được tập trung phát triển, hai loại cây nguyên liệu này đã trở thành cây sản xuất chính, có giá trị kinh tế cao, đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhanh chóng. Thế mạnh về rừng Ông...