U23 Việt Nam gây địa chấn trước đội top 4 thế giới 17 năm trước
Năm 2003, U23 Việt Nam được cử tham dự vòng loại Asian Cup 2004 thay thế các đàn anh và lứa Văn Quyến đã gây tiếng vang khắp châu Á.
U23 Việt Nam cùng bảng với Oman, Hàn Quốc, Nepal. Văn Quyến và các đồng đội đã làm nên cơn địa chấn khi đánh bại Hàn Quốc, đội bóng đứng thứ 4 thế giới khi đó.
Quốc Vượng (phải) và Văn Quyến (giữa) trong trận thắng lịch sử 1-0 trước đội tuyển Hàn Quốc ngày 19/10/2003. Ảnh: Getty Images.
Châu chấu đá xe
Năm 2003, bóng đá Việt Nam bị đánh giá yếu hơn hẳn so với Hàn Quốc và Oman. Ngành thể thao khi đó xác định đằng nào cũng thua, nên quyết định dồn lực rèn giũa lứa cầu thủ trẻ chuẩn bị cho SEA Games 22 trên sân nhà.
“Anh Nguyễn Danh Thái, khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT chủ trương để đội U23 đại diện, cũng là cách rèn quân cho SEA Games diễn ra cuối năm”, HLV Nguyễn Thành Vinh, trợ lý của HLV Riedl khi đó, chia sẻ cùng Zing.
U23 Việt Nam thi đấu lượt đi trên đất Hàn Quốc không tốt với hai trận thua Hàn Quốc 0-5 và Oman 0-6. Nguyên nhân được ban huấn luyện chỉ ra là do vấn đề thể lực. Quỹ thời gian 1 tháng rưỡi sau đó được tận dụng tối đa để chuẩn bị cho lượt về diễn ra tại Oman. “Sát ngày lên đường, Bộ trưởng Thái gọi điện hỏi thăm, tôi khẳng định toàn đội đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông ấy nghe xong rất hài lòng”, HLV Nguyễn Thành Vinh cho hay.
Ngay trận đầu tiên của lượt về, U23 Việt Nam dưới cái tên đội tuyển Việt Nam gặp lại Hàn Quốc. Mọi ý kiến bình luận đều nghiêng hẳn về đối phương. Họ là đội bóng xếp thứ 4 thế giới một năm trước, với một nửa quân số vẫn còn thi đấu. Trong khi đó, Việt Nam là đội bóng vùng trũng, xếp ngoài top 100 thế giới. Xét về trình độ và đẳng cấp, thầy trò HLV Riedl chẳng khác nào đang “châu chấu đá xe”.
Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc là phóng viên Việt Nam duy nhất có mặt tại Oman khi lượt về vòng loại Asian Cup 2004 diễn ra. Sau lượt đi, hầu hết đều nghĩ rằng U23 Việt Nam sẽ tiếp tục có những trận đấu thảm bại trước mắt.
Trong khi giới truyền thông Việt Nam tỏ ra bi quan về đội nhà, đối thủ tiếp cận trận đấu tâm thế tự tin đến mức kiêu ngạo. “Khi đó tôi có nói chuyện với trợ lý của đội Hàn Quốc. Họ tỏ ra khinh thường đội Việt Nam và khẳng định sẽ thắng đến 4-5 bàn”, nhà báo Anh Ngọc kể.
Video đang HOT
Thế nhưng, đội bóng của chúng ta có trận đấu để đời khi đánh bại đối thủ 1-0. Văn Quyến là người ghi bàn duy nhất. “Chúng tôi khiến họ phải thay luôn HLV. Không ai ngờ đội U23 thay mặt tuyển quốc gia lại đá tốt thế”, HLV Thành Vinh nhớ lại.
Văn Quyến là người ghi bàn thắng lịch sử vào lưới đội tuyển Hàn Quốc hồi 2003, khi chưa tròn 20 tuổi. Ảnh: Minh Chiến.
Pha phản công mẫu mực
Trước đội bóng top 4 thế giới, U23 Việt Nam gần như chịu trận trong suốt trận đấu. Hàn Quốc chủ yếu dùng bài lật cánh đánh đầu. “Họ chơi đơn giản nhưng nguy hiểm vì thể hình và thể lực hơn hẳn chúng tôi. Cũng phải nói rằng U23 Việt Nam gặp nhiều may mắn khi có tới 3-4 cú sút của đối thủ đập cột và xà”, HLV Nguyễn Tuấn Phong, người tham gia trận đấu, chia sẻ.
Phút 73, khi tỷ số vẫn đang là 0-0, Hàn Quốc tiếp tục tổ chức tấn công từ cánh phải. Bóng được hậu vệ áo đỏ đánh đầu ra khỏi khu vực cấm địa, mở màn cho pha phản công mẫu mực. Rất nhanh sau pha phá bóng của đồng đội, các cầu thủ U23 Việt Nam tổ chức tấn công nhanh với đích đến là Văn Quyến.
“Thanh Bình lui về hỗ trợ phòng ngự và tham gia triển khai bóng từ sân nhà. Tôi dâng lên từ cánh phải. Ngay khi nhận bóng, tôi quan sát thấy Văn Quyến đang tăng tốc và thực hiện đường chuyền một chạm luôn”, Tuấn Phong nhớ lại.
U23 Việt Nam chỉ cần 4 đường chuyền, luân chuyển qua 5 cầu thủ để ghi bàn vào lưới đối phương. Đó là pha phản công mẫu mực. “Nếu tôi không chuyền luôn mà cần thời gian khống chế bóng, có lẽ bàn thắng sẽ không tới. Đội bạn khỏe và áp sát rất nhanh”, cựu hậu vệ của U23 Việt Nam chia sẻ.
“Quyến có khả năng xử lý bóng cực tốt. Chân cậu ấy ‘ngoan’ và dứt điểm gọn gàng. Sau khi khống chế bước một nhẹ nhàng, Quyến vẩy má ngoài, bóng đi chạm người thủ môn đội bạn trước khi vào lưới”, trợ lý HLV đội Sài Gòn tiếp tục.
Đội tuyển Hàn Quốc vừa đứng thứ 4 thế giới đã chịu thất bại trước đội bóng trẻ U23 Việt Nam là điều không ai nghĩ tới. Ảnh: Getty.
Ấn tượng khó phai về cơn địa chấn châu Á
“Khi đó, tôi ngồi trên khán đài và như vỡ òa. Anh đồng nghiệp từ hãng tin AFP hỏi tôi người ghi bàn là ai. Anh ta không hề biết. Tôi phải viết tên Văn Quyến ra cuốn sổ, rồi phát âm mẫu giúp anh ta”, BLV Anh Ngọc kể lại khoảnh khắc Văn Quyến làm nên cơn địa chấn.
Văn Quyến ra nghỉ sau khi ghi bàn vì gặp chấn thương. Anh không thể đi lại bình thường và được Trương Anh Ngọc dìu ra xe. “Tôi vừa dìu Quyến, vừa tranh thủ phỏng vấn luôn. Cậu ấy nói tặng bàn thắng cho tổ quốc và mẹ”, nhà báo Anh Ngọc hồi tưởng.
“Tôi không rõ Quyến có hình dung được bàn thắng đó mang tính lịch sử với bóng đá Việt Nam hay không. Tuy nhiên, sau trận đấu cậu ấy vui lắm, vẻ hạnh phúc hiện rõ trên nét mặt. Chưa bao giờ chúng ta thắng được đội mạnh như thế”.
Tiếp tục nhớ về trận đấu, nhà báo kỳ cựu nhắc đến thủ môn Thế Anh và cho rằng thủ thành gốc Nghệ An là một trong những người hùng của đội. “Trước khi chúng ta có bàn thắng, Hàn Quốc phải dứt điểm đến 10 lần nhưng không thành. Sau đó, họ càng tấn công khủng khiếp. Song, mọi cú sút nguy hiểm đều bị Thế Anh cản phá”, anh nói.
Với Tuấn Phong, những gì diễn ra sau khi trận đấu kết thúc vẫn còn đậm nét trong trí nhớ của anh: “HLV Riedl nhắc mọi người ngay trên sân rằng hãy giữ thái độ vừa phải khi ăn mừng và bảo cả đội sang chào đối thủ. Ông ấy là người phương Tây nên những việc này rất tinh ý”.
“Hai đội lại ở cùng khách sạn nên còn chạm mặt nhau khi ăn bữa tối sau trận. HLV Riedl tiếp tục nhắc nhở toàn đội về thái độ chừng mực. Khi đó chúng tôi mới 21-22 tuổi, còn trẻ và chưa làm chủ được cảm xúc. Ông ấy sợ xảy ra vấn đề không hay”.
HLV Tuấn Phong miêu tả rằng bữa tối hôm đó của đội tuyển Hàn Quốc phủ màu ảm đạm. Họ cúi mặt, không nói chuyện và chỉ ăn qua loa. Trong khi đó, không khí trên bàn ăn của U23 Việt Nam rất rộn ràng. “Khi hai đội chạm mặt, chúng tôi cũng giữ lịch sự như lời HLV. Có lẽ, họ xấu hổ khi để thua chúng tôi”, anh nói.
Về sau này, khi bóng đá Việt Nam phát triển, những trận thắng Nhật Bản hay Hàn Quốc không còn quá lạ lẫm như thế hệ Văn Quyến, Tuấn Phong từng làm được hồi đầu thập niên 2000. “Các em bây giờ, bản lĩnh hơn, được đào tạo kỹ hơn. Khi đó, chúng tôi có ai dám nghĩ sẽ thắng Hàn Quốc đâu”, Tuấn Phong bày tỏ.
Guus Hiddink từng dạy HLV Park bài học về cốc nước bị đổ
Một trong những bài học đáng nhớ nhất mà HLV Park Hang-seo lĩnh hội được từ thầy cũ Guus Hiddink là cách tư duy đảo chiều qua những câu chuyện thường ngày.
Trong cuốn sách "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo" của tác giả Han June có một chi tiết thú vị về những bài học mà thuyền trưởng tuyển Việt Nam lĩnh hội được từ người thầy cũ Guus Hiddink. Ông Park được người hâm mộ và giới chuyên môn biết đến với hình ảnh một chiến lược gia có khả năng ứng biến tài tình. Chất "quái" trong cách huấn luyện và chỉ đạo trận đấu mà HLV Park có được chính nhờ những năm tháng làm trợ lý cho thuyền trưởng người Hà Lan ở World Cup 2002.
Trong quá trình huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc, Guus Hiddink từng đặt cho HLV Park một câu hỏi: "Nếu cốc nước trên bàn bị đổ và nước chảy về phía mình thì phải làm thế nào?" Ông Park trả lời rằng phải lau nước đi. Tuy nhiên, đáp án của HLV Hiddink là phải nghiêng bàn để nước chảy về hướng ngược lại.
HLV Park hạnh phúc khi gặp lại thầy cũ ở một trận giao hữu năm 2019. Ảnh: Sina.
Bằng một ví dụ đơn giản, HLV Park đã học được cách tư duy đảo chiều, thay đổi suy nghĩ để giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo hơn. Những thành công mà ông mang lại cho bóng đá Việt Nam là kết quả của một quá trình đúc kết kinh nghiệm quý báu từ những người thầy cũ và biến đổi để phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Khi mới đảm nhận chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam cuối năm 2017, ông Park Hang-seo có nhiệm vụ cải thiện thể lực cho các cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Park thường không có thể lực tốt vào thời điểm cuối trận, nên thông thường nếu là những HLV khác sẽ tăng cường nhồi thể lực để cầu thủ có thể chạy nhiều hơn, kéo dài thời gian thi đấu hơn.
HLV Park lại đưa ra quan điểm: "Cầu thủ Việt Nam không hề yếu, họ chỉ không có thể hình tốt mà thôi". Thay vì chỉ chú trọng vào bài toán làm sao để cải thiện thể lực và sức bền, ông Park đã nghiên cứu lối chơi phù hợp để tối ưu khả năng phân phối sức cho đội tuyển bằng cách sử dụng những cầu thủ đa năng để đội hình luôn có đủ người khi tấn công và phòng ngự.
Bình luận viên Vũ Quang Huy từng nhận định với Zing: "Một trong những điểm sáng trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park là khả năng chuyển hoá nhanh từ trạng thái phòng ngự sang phản công. Điều này giúp các cầu thủ phân phối thể lực đều hơn trong một trận đấu".
Một ví dụ khác về tư duy đảo chiều của HLV Park là cách thức nhập cuộc với các đối thủ. Thông thường khi gặp đội bóng mạnh, các đội bóng bị đánh giá thấp hơn sẽ chọn cách chơi an toàn, cầu thủ không dâng cao và tập trung số đông ở giữa sân. Tuy nhiên dưới thời ông Park, các đội tuyển Việt Nam lại chủ động nhập cuộc bằng thế trận tấn công khi đối đầu với những đội bóng mạnh hơn.
Có không ít lần đội tuyển thu được thành quả ngoài mong đợi từ cách nhập cuộc này. Các trận gặp Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018 hay trận gặp Iraq ở vòng bảng Asian Cup 2019 là những ví dụ, tuyển Việt Nam luôn có bàn thắng dẫn trước.
Quan điểm của ông Park khi huấn luyện các cầu thủ Việt Nam là không cố nhào nặn các học trò thành cầu thủ như ý muốn của mình mà thay vào đó, ông giúp họ phát huy tối đa thế mạnh và hạn chế những điểm yếu. Đây cũng là điều mà người thầy cũ Guus Hiddink từng rất thành công với tuyển Hàn Quốc năm 2002.
Những bàn thắng kinh điển làm thay đổi tương lai bóng đá Việt Nam: Vượt qua giới hạn, hạ bệ khắc tinh Nhiều bàn thắng trong lịch sử các đội tuyển quốc gia không quá đẹp mắt nhưng lại trở thành khoảnh khắc kinh điển đưa bóng đá Việt Nam đi lên một nấc thang mới, thay đổi dòng chảy tương lai. 1. "Bàn thắng vàng" vào lưới Myanmar tại SEA Games 1995 Tiền đạo Trần Minh Chiến là tác giả của bàn thắng vàng...