U22 Việt Nam sẽ chơi với 3 trung vệ
Thông qua 4 trận đấu tập, hình hài U22 Việt Nam mới của HLV Park Hang-seo đang dần lộ ra.
U22 Việt Nam đã trải qua 4 trận đấu tập trong đợt tập trung tháng 8. Cách sắp xếp đội hình của HLV Park và phong độ cao từ những ngôi sao trẻ giúp chúng ta có một hình dung tương đối về những thay đổi của U22 Việt Nam thời hậu Nguyễn Quang Hải.
Trợ lý thầy Park hướng dẫn các cầu thủ U22 vận hành hệ thống 3 trung vệ. Ảnh: Minh Chiến.
Đưa cả đội về sơ đồ 3 trung vệ
Những người theo dõi U23 Việt Nam trong lần tập trung đầu tiên của thầy Park hồi tháng 11/2017 hẳn chưa quên chút bối rối từ đội tuyển này. Sơ đồ 3 trung vệ khi đó vẫn là điều lạ lẫm của bóng đá Việt Nam. HLV Park từng phải thử nghiệm, thay đổi rất nhiều để nắn các tuyển thủ về hệ thống mới.
Trước khi có được bộ ba Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, những Hoàng Văn Khánh, Lê Văn Đại hay cả Đoàn Văn Hậu đều từng được thử nghiệm. Tất cả, dù ít hoặc nhiều, đều đã mắc sai lầm. Hệ thống của U23 Việt Nam từng gặp rất nhiều vấn đề trước U23 Uzbekistan hay Thái Lan ở M-150 Cup tháng 12/2017.
Khi những trụ cột ấy không còn ở đội tuyển, nhiệm vụ dựng lại hàng thủ U22 Việt Nam với nòng cốt là hệ thống 3 trung vệ là bài toán khó cho HLV Park Hang-seo.
Trong 4 trận giao hữu vừa qua, mọi đội bóng của ông Park đều đã chơi với sơ đồ 3 trung vệ, hoặc 3-4-3, hoặc 3-5-2. Rất nhiều lần trong các trận đấu, trợ lý Lee Young-hin hoặc HLV thể lực Park Sung-gyun phải trực tiếp huấn luyện, hướng dẫn lại cách vận hành hàng thủ 3 người cho học trò.
Nhiều cầu thủ đã được thử nghiệm ở vị trí này. Tiêu Ê Xal vốn là tiền vệ, được kéo về đá trung vệ lệch trái tối này 24/8. Nhâm Mạnh Dũng vốn là tiền đạo, chân sút trẻ xuất sắc của Viettel, cũng bị kéo về đá trung vệ trái. Trong 47 tuyển thủ góp mặt đợt này, Bùi Hoàng Việt Anh là người duy nhất khiến HLV Park tạm yên tâm khi anh từng đá trong hệ thống 3 trung vệ tại U23 châu Á hồi tháng 1.
Các vị trí khác, bao gồm cả thủ môn và chạy cánh, đều phải làm lại từ đầu. Dựng lại tấm khiên của U22 Việt Nam hứa hẹn là nhiệm vụ quan trọng nhất cho thầy Park trong thời gian tới.
Video đang HOT
Cầu thủ thuộc V.League hay hạng Nhất cũng được, điều quan trọng là họ phải được ra sân thường xuyên. Ảnh: Minh Chiến.
Hạng Nhất hay V.League, điều quan trọng là phải được thi đấu
Điểm sáng rõ ràng nhất sau 2 trận đấu tập của U22 Việt Nam nằm ở khu vực giữa sân. Giống như tuyển quốc gia, tuyến tiền vệ của đội U22 cũng mang tới niềm tin với sự xuất hiện của hàng loạt tài năng trẻ như Đặng Văn Lắm, Nguyễn Hai Long, Đoàn Thanh Trường, Lý Công Hoàng Anh. Điểm chung của 4 người này là đều được ra sân thường xuyên tại V.League.
Trong danh sách 9 cầu thủ đã ghi bàn ở U22 Việt Nam, có 3 người đang chơi cho các CLB hạng Nhất là Lê Minh Bình (HAGL, cho mượn ở Bà Rịa – Vũng Tàu), Lê Văn Nam (Đắk Lắk) và Ngô Hoàng Anh (Long An). Thực tế trên sân cho thấy, họ không kém cạnh quá nhiều trước các đồng nghiệp tới từ V.League.
Điều đó củng cố thêm nhận định mà HLV Park Hang-seo và ông Philippe Troussier từng nhiều lần đưa ra về việc cầu thủ trẻ cần phải được thi đấu thường xuyên. V.League hay hạng Nhất, điều quan trọng là phải được ra sân.
Diễn biến trên sân cho thấy các tên tuổi nổi bật của U22 Việt Nam đều thuộc nhóm được chơi thường xuyên tại CLB. Những cầu thủ ít được ra sân đều đuối hơn khi cạnh tranh cùng đồng nghiệp, cả ở khía cạnh kinh nghiệm lẫn tốc độ xử lý.
Đặng Văn Tới (áo đỏ) và nhóm cầu thủ Hà Nội chơi rất tốt do được tập luyện, thi đấu thường xuyên ở môi trường cạnh tranh. Ảnh: Minh Chiến.
Hai Long, Văn Lắm và nhóm cầu thủ Hà Nội
Trong 47 tuyển thủ U22 Việt Nam hội quân đợt này, Hai Long và Văn Lắm đang nổi lên như hai cái tên sáng nhất.
Sao trẻ của SLNA là ghi một bàn ở trận đá tập hôm 24/8 vừa qua từ pha sút phạt tuyệt đẹp. Anh cầm nhịp giữa sân rất tốt, tổ chức được trận đấu, chơi đĩnh đạc, tự tin hơn hẳn các đồng đội.
So với Văn Lắm, Hai Long còn tỏ ra ấn tượng hơn. Khi trận đấu tập thứ hai diễn ra, trời đã mưa rất to. Trong điều kiện thời tiết xấu, tiền vệ của Quảng Ninh vẫn là ngôi sao nổi bật. Anh chơi khéo léo, đơn giản, xử lý gọn gàng trong mưa lớn. Trên sân, đồng đội liên tục gọi tên Hai Long sau các pha xử lý. Anh trở thành trung tâm trong các đợt lên bóng và trực tiếp ghi một bàn từ cú sút xa ngoài vòng cấm.
Ở phương diện cá nhân, Hai Long và Văn Lắm là những người nổi bật. Nhưng trên khía cạnh tập thể, nhóm cầu thủ Hà Nội của Việt Anh, Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới mới là những người ấn tượng nhất. Cả ba đều chơi rất tốt, thể hiện kỹ năng và tốc độ xử lý vượt trội so với đồng nghiệp. Rõ ràng, việc được ăn tập trong môi trường cạnh tranh của CLB Hà Nội đã giúp ích rất nhiều cho họ.
U22 Việt Nam sẽ còn một trận đá tập cuối cùng hôm 27/8. Sau đấy, các tuyển thủ sẽ trở về CLB. Họ nhiều khả năng sẽ tập trung trở lại vào tháng 12 cùng tuyển quốc gia sau khi V.League hạ màn.
HLV Park bắt Tiêu Ê Xal tập riêng cho vị trí mới ở U22 Việt Nam
Ông Park liên tục bắt cầu thủ sinh năm 2000 tập riêng để thích nghi với vị trí trung vệ ở U22 Việt Nam.
Trong trận đấu tập của U22 Việt Nam chiều 24/8, HLV Park Hang-seo đã tiến hành nhiều thử nghiệm chiến thuật. Giống như khi mới tiếp quản U23 Việt Nam hồi năm 2017, ông Park xếp các cầu thủ vào những vị trí thi đấu khác thói quen thông thường của họ.
Tiêu Ê Xal là cầu thủ nhận được nhiều sự quan tâm. Ở cả hai trận đấu tập, HLV Park Hang-seo đều bố trí trợ lý, HLV thể lực Park Sung-gyun kèm riêng Tiêu Ê Xal.
Anh không đá chính nhưng vào sân từ ghế dự bị trong cả hai trận đá tập chiều 24/8. Ê Xal được xếp vị trí trung vệ lệch trái. Đây không phải sở trường của anh, người vốn đá tiền vệ trung tâm tại CLB TP.HCM. Ở đợt tập trung trước, Ê Xal cũng đá tiền vệ trung tâm.
Vì thế, Ê Xal gặp chút khó khăn và cần được hướng dẫn nhiều ở vị trí mới. Giữa giờ nghỉ trận đấu tập thứ hai, trợ lý Park tiếp tục hướng dẫn anh cách di chuyển và phối hợp với 2 trung vệ còn lại trong sơ đồ hàng thủ 3 người.
Khi cả đội trở lại sân đấu, Ê Xal tiếp tục được tập riêng với trợ lý Park. Sự khắt khe của ban huấn luyện cho thấy cầu thủ sinh năm 2000 là cái tên giàu tiềm năng. Trước đấy, ông Park từng bắt Lương Xuân Trường nhiều lần tập riêng ở U23 và tuyển quốc gia.
Trong quá khứ, ông Park từng thành công khi kéo Đỗ Duy Mạnh từ vị trí tiền vệ trung tâm xuống trung vệ. Giống như Duy Mạnh, Ê Xal cũng có lợi thế hình thể, phát động tốt, chơi bóng đầu óc.
Điểm yếu của anh là tốc độ. Ê Xal thường gặp bất lợi trước các cầu thủ tấn công nhỏ con, nhanh nhẹn. Anh sẽ cần cải thiện nhiều hơn.
Trung vệ là vị trí yếu của U22 Việt Nam sau khi Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung, Hồ Tấn Tài và Huỳnh Tấn Sinh đều quá tuổi. Ông Park cần dựng lại từ đầu hàng thủ U22 Việt Nam. Bên cạnh Ê Xal, Bùi Hoàng Việt Anh (số 20) là ứng viên nữa cho một vị trí đá chính.
U22 Việt Nam còn một trận đấu tập cuối cùng hôm 27/8. Sau đấy, các cầu thủ trở về CLB tập trung. Nếu tình hình thuận lợi, HLV Park sẽ gọi một số cái tên U22 trở lại tuyển Việt Nam sau khi V.League 2020 kết thúc.
Cầu thủ HAGL ghi bàn trong trận đấu tập của U22 Việt Nam Chiều tối 21/8, HLV Park Hang-seo cho các cầu thủ U22 Việt Nam chia đội hình, đá tập nội bộ 2 trận sau 3 ngày tập luyện. HLV Park Hang-seo chia 47 cầu thủ U22 Việt Nam thành 4 đội hình để tổ chức 2 trận đấu tập nội bộ. Mỗi hiệp đấu chỉ kéo dài 30 phút, các cầu thủ được nghỉ...