U22 Việt Nam bá chủ Đông Nam Á: Chinh phục biển lớn châu Á nhờ vũ khí siêu khủng
Sau rất nhiều những nỗ lực, những chờ đợi thì cuối cùng, U22 Việt Nam cũng giành chiếc HCV SEA Games 30. Và giờ là lúc đoàn quân của HLV Park Hang Seo hướng về biển lớn châu Á, với giải U23 châu Á 2020 trước mắt.
Một trong những lý do quan trọng giúp U22 Việt Nam đánh bại U22 Indonesia 3-0, đó là bởi nền tảng thể hình. 2 trong 3 bàn thắng mà “Những ngôi sao vàng” có được trong trận chung kết đến từ những tình huống cố định, và đều bởi cái tên Đoàn Văn Hậu. Có một điều cần chú ý, Văn Hậu cùng với thủ môn Nguyễn Văn Toản là những người có chiều cao tốt nhất U22 Việt Nam: 1m85.
U22 Việt Nam tại SEA Games 30 có thể hình tốt
Người hùng của U22 Việt Nam trong trận chung kết SEA Games 30, hơn ai hết chính là Đoàn Văn Hậu. Không chỉ cao mà khoảng thời gian khoác áo Heerenveen còn giúp Văn Hậu tăng cường thể chất, để giờ đây cầu thủ này còn có thể hình đậm hơn, chắc hơn.
Không chỉ ở SEA Games lần này mà khi khoác áo ĐT Việt Nam, đối đầu với các cầu thủ Tây Á là UAE cao to tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Văn Hậu cũng cho thấy khả năng không chiến tuyệt vời của mình.
Cú đánh đầu tung lưới U22 Indonesia của Đoàn Văn Hậu ở phút 39, thực sự cho thấy phẩm chất tuyệt vời của cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu này: Di chuyển không bóng thông minh, sức bật và tì đè tốt, chơi đầu tuyệt vời. Và rõ ràng trong một trận đấu cụ thể, đặc biệt là trận chung kết, thì khả năng tận dụng các tình huống cố định là vô cùng quan trọng.
Xuyên suốt hành trình SEA Games 30 của U22 Việt Nam, có thể thấy rằng nền tảng thể hình có ảnh hưởng cực lớn. Đây không phải lần đầu “Những ngôi sao vàng” hưởng lợi từ điều đó. Trận đấu với chính U22 Indonesia ở vòng bảng, trung vệ Nguyễn Thành Chung – một cầu thủ có chiều cao 1m80, cũng ghi một bàn thắng vô cùng quan trọng. Hay trận đấu với U22 Singapore, thì bàn thắng phút 85 của Hà Đức Chinh cũng đến từ tình huống cố định là phạt góc.
Kết quả này đến từ một dàn cầu thủ có chiều cao và nền tảng thể lực tuyệt vời. Theo thống kê, chiều cao trung bình của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 đã được nâng lên thành 1m76, cao hơn 3 cm so với kỳ SEA Games 2017. Đây là một điều vô cùng đáng mừng, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc chinh phục khu vực Đông Nam Á, mà còn hướng đến biển lớn châu Á.
Tại giải đấu lần này, hàng thủ Việt Nam có tới 4 cầu thủ đạt chiều cao từ 1m8 trở lên, đó là Đoàn Văn Hậu, Đức Chiến, Tấn Tài và Thành Chung. Bên cạnh đó, 2 cầu thủ Ngọc Bảo và Tấn Sinh cũng chỉ kém mốc kể trên khoảng 2 đến 3 cm mà thôi. Điều này hứa hẹn sẽ giúp U22 Việt Nam chơi tốt không chiến, không chỉ trong tấn công mà còn cả phòng ngự.
Văn Hậu và Tấn Sinh như những “người khổng lồ”
Ở hàng tiền vệ và tiền đạo cũng xuất hiện Nguyễn Hoàng Đức với chiều cao 1m83. Ngoài ra, Tiến Linh cũng đã chứng tỏ tài năng không chiến bằng cách tận dụng chiều cao 1m78 của mình. Đặc biệt, tiền đạo Hà Đức Chinh chỉ cao 1m73, nhưng thực sự là một chuyên gia trong khả năng chơi đầu.
Thể hình tốt giúp U22 Việt Nam duy trì nền tảng thể lực tuyệt vời. Tại giải này, U22 Việt Nam đá 7 trận trong vòng 15 ngày, tức mật độ hơn 2 ngày/trận, nhưng đội bóng của HLV Park Hang Seo vẫn duy trì được thể lực cực tốt, cho đến trận đấu cuối cùng. Vậy nên, lứa cầu thủ này hoàn toàn có thể tái lập kỳ tích Thường Châu tại giải U23 châu Á 2020 sắp tới đây.
Video đang HOT
Theo Tiến Long (Khám Phá)
Từ kỳ công 'trồng cây' của bầu Đức đến ông Park hái quả ngọt: Làm gì sau vinh quang?
Trong thời khắc cùng U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30, HLV Park Hang Seo đi về phía CĐV Việt Nam, sau đó đặt tay lên ngực cúi đầu trước quốc kỳ Việt Nam...
Cái cúi đầu của ông Park
HLV Park Hang Seo đặt tay lên ngực, cúi đầu chào trước lá cờ Việt Nam ở góc khán đài - nơi rất đông CĐV Việt Nam ăn mừng tấm HCV SEA Games sau hơn nửa thế kỷ mới thành hiện thực. Có rất nhiều quan điểm đưa ra sau hình ảnh đặc biệt này, vì điều đó rất đáng để suy ngẫm.
Câu chuyện ứng xử của cầu thủ và HLV sau một trận đấu luôn mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm. Đó có thể là niềm vui tột cùng của người chiến thắng, hay nỗi buồn bất tận của kẻ thất bại. Đó là thời khắc phản ánh đủ mọi cung bậc trong bóng đá.
Nhìn ở góc độ nào thì hình ảnh HLV Park Hang Seo cúi chào trước lá cờ của Việt Nam đều tạo ra những giá trị ý nghĩa. Và đặt trong hoàn ảnh, thời khắc chiến thắng thì có thể gọi, đó là cách HLV Park Hang Seo ứng xử trước vinh quang. Một lời cảm ơn theo cách đặc biệt nhất của ông Park dành cho CĐV Việt Nam, những người luôn dành cho ông sự yêu mến tột cùng.
HLV Park Hang Seo đã giúp U22 Việt Nam giành HCV SEA Games sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi.
10 năm trước bóng đá Việt Nam cũng để lại 1 hình ảnh không có lời giải sau thất bại ở SEA Games năm 2009, HLV Calisto "bóp cổ" thủ môn Tấn Trường sau trận thua U23 Malaysia. Câu chuyện được nhìn theo hướng ông Calisto "bóp cổ" Tấn Trường vì không thể nuốt trôi thất bại. Nhưng sự thật không phải như thế, Tấn Trường kể lại với Saostar rằng:
"Ở thời gian đấy, mọi người đều nghĩ rằng thầy Calisto đang bóp cổ Trường. Nhưng mà sự thật trong hoàn cảnh ấy, Trường đang bị ức nhưng không thể nào khóc được mặc dù rất muốn khóc. Trường đứng lên và đi vào phòng thay đồ. HLV Calisto mới lại gần, đè Trường xuống và nói rằng (bằng tiếng Anh): "Mày phải ở đây, phải chứng kiến cảnh này, thất bại này. Mày mới là người đàn ông".
Sau đó, Trường khóc và thầy Calsito ở bên cạnh an ủi mình. Khoảnh khắc ấy không phóng viên nào chụp lại hết...".
Câu chuyện đó thực sự quá ấn tượng khi chính HLV Calisto dạy cho cậu học trò cách ứng xử ngay sau thất bại: "Mày phải ở đây, phải chứng kiến cảnh này, thất bại này. Mày mới là người đàn ông".
Và để có cái cúi đầu của HLV Park Hang Seo trước lá cờ Việt Nam thì chính ông Park là người hiểu hơn ai hết giá trị của vinh quang. Nó không phải đến dễ dàng, phải trải qua rất nhiều thất bại, sự cay đắng của bóng đá Việt Nam. Bản thân HLV Park Hang Seo cũng mất hơn nửa thế kỷ, tưởng chừng đứng bên kia sườn dốc sự nghiệp thì mới bén duyên với Việt Nam, sau đó liên tiếp gặt hái thành công.
Và bầu Đức ứng xử sau thất bại
Sau 5 thất bại ở các trận chung kết SEA Games, sự hun đúc ý chí của những người làm bóng đá Việt Nam với câu hỏi trước ngày 10/12/2019 vẫn chưa có lời giải: Vì sao bóng đá Việt Nam phải mất hơn nửa thế kỷ vẫn không giành được HCV SEA Games môn bóng đá nam?
Ở mệnh đề này, người đầu tiên dám nghĩ, dám làm chính là bầu Đức. Người đàn ông từng giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam làm bóng đá không chỉ vì thành tích CLB, ông còn mang khát vọng của một người Việt Nam tự cường. Bầu Đức ngay từ ngày đầu làm bóng đá đã quyết định mua Kiatisak - ngôi sao số 1 của bóng đá Đông Nam Á đầu những năm 2000. Bầu Đức tuyên bố phải có Kiatisak để cả Đông Nam Á biết về bóng đá Việt Nam.
Sau Kiatisak, bầu Đức có tham vọng lớn hơn chuyện mua một ngôi sao, đó là tạo ra một thế hệ ngôi sao cho bóng đá Việt Nam để không còn rơi vào cảnh nhận thất bại cay đắng trong mỗi lần gặp Thái Lan. Đó là một suy nghĩ về sự tự cường, sự lớn mạnh cho một nền bóng đá, xa hơn là giấc mơ không chỉ ở tầm khu vực, phải nhìn ra thế giới để tiến bộ.
Bầu Đức quyết định "kết duyên" với CLB Arsenal để mở Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Một cột mốc cực kỳ quan trọng, là tiền đề để xóa bỏ đi tư duy "xây nhà từ nóc", câu nói ám ảnh nhiều thế hệ từng được HLV Riedl nhận xét về bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức dày công nuôi dạy các cầu thủ trẻ cho bóng đá Việt Nam.
Ngày đó, nhiều người không có cùng tư tưởng, quan điểm với bầu Đức thì không tin sẽ thành công. Và cũng trong quãng thời gian đó, bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn thành công dưới thời HLV Calisto bằng chức vô địch AFF Cup 2008. Nhưng kết quả U23 vẫn không thể giành được HCV SEA Games năm 2009. Sự thất bại này bắt đầu cho một giai đoạn đi xuống của bóng đá Việt Nam.
Nói không quá, sau vinh quang năm 2008 thì bóng đá Việt Nam trượt dài chẳng khác gì "đống tro tàn" sau ánh hào quang. Tiêu cực xuất hiện, một số cầu thủ chơi ở V.League bị bắt, giải quốc nội xảy ra một loạt tranh cãi lớn như "một ông chủ nhiều đội bóng", công tác trọng tài gây bức xúc... Tất cả khiến cho người hâm mộ cạn niềm tin vào bóng đá Việt Nam.
Niềm tin từ đống tro tàn đó chỉ đầu được thắp lại khi bầu Đức trình làng lứa Công Phượng vào cuối năm 2013. Thứ bóng đá vị nghệ thuật, đá sạch, đá đẹp của U19 HAGL làm thổn thức hàng triệu trái tim người hâm mộ. Nhà nhà, người người bắt đầu nói về tình yêu bóng đá. Một luồng sinh khí mới chính thức giúp "tái tạo" lại bóng đá Việt Nam.
Nhưng để đến ngày giành Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2019 và HCV SEA Games 30, đúng hơn là đến thời khắc để thấy được hình ảnh xúc động khi ông Park cúi đầu trước lá cờ Việt Nam, một thế hệ cầu thủ mới đã phải trải qua rất nhiều cay đắng, trong đó có thất bại tan nát 0-3 trước U22 Thái Lan ở SEA Games năm 2017.
Nhiều người bảo rằng, nếu ngày đó ông Park dẫn dắt thì mọi thứ có thể khác. Cũng đúng nhưng không thuyết phục, vì chỉ có thất bại thì mới giúp cho các cầu thủ trưởng thành, giúp họ mạnh mẽ hơn để tạo nên sự thành công lớn lao cho bóng đá Việt Nam.
Đó cũng là câu chuyện về bầu Đức gắn bó với bóng đá Việt Nam theo đúng nghĩa "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nếu không kiên trì, không kiên quyết, không quyết tâm khẳng định bằng sự kiêu hãnh và lòng tự tôn của một người Việt Nam yêu bóng đá thì bầu Đức có thể buông bỏ tất cả sau thất bại SEA Games năm 2017. Vì chính bầu Đức đã "cược" cả danh dự: "U22 Việt Nam không vô địch SEA Games hãy gọi tôi là Đức nổ".
Câu nói đó phản ánh sâu sắc về khát vọng có HCV SEA Games của bầu Đức, chứ không phải là chuyện "nổ" trước giải đấu. Đó là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho sự kiêu hãnh và giấc mơ bóng đá Việt Nam phải đến ngày bay cao, bay xa.
Bóng đá Việt Nam thành công nhờ phần lớn công khai hoang, trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, cũng như "bắt bệnh" của bầu Đức.
Sự kiên định của bầu Đức còn đến từ niềm tin dành cho HLV Park Hang Seo. Bầu Đức dứt khoát không từ bỏ bóng đá Việt Nam, thua keo này thì ông bày keo khác. Ông có niềm tin sắt son là đến thời điểm thì mọi công sức sẽ được đền đáp. Đúng như nói: Thất bại là mẹ của thành công!
Sòng phẳng, bóng đá Việt Nam thật sự may mắn khi có bầu Đức, nếu không mọi thứ có thể sai lệch ở thời điểm một số ý kiến, trong đó có bầu Hiển ủng hộ HLV Hoàng Anh Tuấn lên làm HLV trưởng ĐTQG.
"Quả ngọt" của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo phải được nhìn về gốc rễ, vì "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", đó là đạo lý từ ngàn xưa của người Việt Nam. Bầu Đức chính là người có công khai hoang, trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, cũng như "bắt bệnh" để đến ngày bóng đá Việt Nam thu hoạch "trái ngọt".
Làm gì sau những ngày vinh quang?
"Những NHM Việt Nam có mặt tại Philippines hôm đó đã chứng kiến một trận đấu rất hay của đội nhà và có những khoảnh khắc ăn mừng cuồng nhiệt. Tuy vậy, ở nơi khác, trên chính đất nước Việt Nam, đó là một bữa tiệc thực sự. Một vlogger du lịch có tên John Saboe, trong chuyến du lịch Hồ Chí Minh đã có cơ hội quay lại cảnh những CĐV Việt Nam cùng nhau đổ ra đường, bấm còi xe máy để ăn mừng chiến thắng này.
Đây thực sự là một khung cảnh rất đáng để trân trọng. Nước Mỹ hay thậm chí là nhiều quốc gia khác không có được một tình yêu bóng đá lớn như vậy. Chứng kiến khoảnh khắc các CĐV Việt Nam tô đỏ cả đất nước trong ngày 10/12, thực sự, chúng ta mới hiểu được bóng đá đã khiến mọi người dân Việt Nam trở nên hạnh phúc như thế nào", tờ ibtimes (Mỹ) viết về chuyện U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30.
Một câu chuyện để thấy rằng bóng đá đang mang đến rất nhiều niềm vui cho người hâm mộ Việt Nam. Nhưng rồi sau khi giấc mơ vàng SEA Games trở thành hiện thực sau nửa thể kỷ thì cần phải làm gì? Đó là một câu hỏi quan trọng dành cho những người quản lý bóng đá Việt Nam.
Sau vinh quang, bóng đá Việt Nam ứng xử như thế nào là câu hỏi cực kỳ quan trọng, chứ không thể chờ đợi mãi vào tình yêu không vụ lợi của những người yêu bóng đá như bầu Đức.
Vì phần lớn trên hành trình thành công của bóng đá Việt Nam trong hơn 2 năm qua có bóng dáng quá lớn của bầu Đức, HLV Park Hang Seo và những người yêu bóng đá Việt Nam. Ngay đến người hâm mộ cũng thế, liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận ở thời điểm HLV Park Hang Seo thất bại? Chỉ là lo là sau khi nhìn về những thành công thì chúng ta lại buông lời chê trách, hoặc chỉ duy nhất một nguyện vọng là phải thắng để vui.
Ở một khía cạnh rộng hơn, làm sao để những thành công dưới thời HLV Park Hang Seo trở thành bệ phóng nâng tầm bóng đá Việt Nam, chứ đừng lặp lại vết xe đổ hồi năm 2008. Câu trả lời này phải thuộc về những người quản lý bóng đá Việt Nam.
Đúng hơn, bầu Đức ngay khi U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games năm 2017 vẫn không buông tay, kiên trì vun đắp tình yêu để đến ngày thành công. HLV Park Hang Seo sau khi giành HCV SEA Games 30 đã đi đến cúi đầu trước lá cờ Việt Nam. Hai người đàn ông đại diện cho thành công của bóng đá Việt Nam đã có những cách ứng xử thật sự tuyệt vời và đầy ý nghĩa. Vậy nên, phần còn lại sau vinh quang phải chờ xem những người quản lý bóng đá Việt Nam ứng xử như thế nào.
Theo SaoStar
NÓNG: Đoạt HCV SEA Games, HLV Park Hang-seo chốt luôn tương lai HLV Park Hang-seo đã có những chia sẻ về kế hoạch dài hạn của sự nghiệp cầm quân sau khi giành chiếc HCV SEA Games 30. HLV Park Hang-seo đã cùng với U22 Việt Nam chinh phục đỉnh cao SEA Games 30 với chiếc HCV. Để có được thành tích này, Rồng vàng đã có 6 trận thắng, 1 trận hoà trong đó...