U19 Việt Nam đối mặt với ‘kế hoạch trả hận ngọt ngào’
Dẫn dắt U19 Myanmar đánh bại chủ nhà sẽ là sự trở lại hoành tráng của HLV Gerd Zeise trên dải đất hình chữ S.
19h15 tối nay 11/9, U19 Việt Nam bước vào bán kết gặp U19 Myanmar. Người dẫn dắt đội khách quá hiểu bóng đá Việt Nam sau một năm làm việc và dính đến những lùm xùm. Ở trận chung kết Cup U22 Đông Nam Á, U19 Myanmar từng khắc chế thành công thầy trò HLV Guillaume Graechen để lên ngôi vô địch xứng đáng. Thuyền trưởng đang chèo lái con tàu U19 Myanmar chính là ông Gerd Zeise.
HLV Gerd Zeise đang tạo nên những điều kỳ diệu cho bóng đá Myanmar. Ảnh: Merdeka.
Năm 2006, HLV người Đức tới CLB Đà Nẵng để đảm nhận cương vị Giám đốc kỹ thuật thay cho ông Lê Đình Chính. Đây là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam khá chuộng các HLV ngoại và theo mô hình có Giám đốc kỹ thuật người nước ngoài. Bấy giờ, bản lý lịch của HLV sinh năm 1952 được giới thiệu khá “dày”, gồm cả kinh nghiệm thi đấu từ năm 1969-1987 tại giải hạng Nhì của Đức ở vị trí tiền vệ trung tâm, lấy bằng HLV tại Học viện bóng đá Cologne, dẫn dắt nhiều đội bóng trẻ như đội U16, U19 Berlin… chuyên gia săn tìm tài năng trẻ và đặc biệt là am hiểu bóng đá châu Á – tiêu chí quan trọng của không ít đội bóng Việt Nam bấy giờ – khi ông từng huấn luyện tại một số CLB của Malaysia, Hong Kong…
Tuy nhiên, hợp đồng một năm chỉ kéo dài được gần hai phần ba chặng đường, đôi bên xảy ra chuyện. Cho rằng vị HLV người Đức “không đáp ứng được chuyên môn” nên lãnh đạo CLB Đà Nẵng quyết định cắt hợp đồng với ông trước thời hạn 4 tháng. Nhưng ông Zeise không chỉ là HLV có bằng cấp mà còn là người am hiểu luật pháp. Ông không chấp nhận quyết định đơn phương của đội bóng chủ quản, nhất là với lý do “không đáp ứng yêu cầu chuyên môn” nên quyết định kiện ra Tòa án thể thao quốc tế.
Video đang HOT
Biết mình không thể thắng, đội bóng sông Hàn quyết định đẩy HLV Zeise xuống làm HLV đội trẻ trong 4 tháng – đúng bằng thời hạn còn lại trong hợp đồng. Đây là giai đoạn khá rối ren và luẩn quẩn của bóng đá nơi đây. HLV Zeise cũng không thể thoát khỏi “cối xay HLV” bấy giờ ở Đà Nẵng với đủ thứ lý do từ chuyên môn đến hậu trường. Nhưng những kinh nghiệm làm việc tại Đà Nẵng giúp ông rất nhiều trên hành trình về sau.
Chia tay đội bóng, nhưng ông Zeise không về nước ngay mà còn có thời gian ngắn ở lại Đà Nẵng. Theo một số thông tin, vị HLV của U19 Myanmar hiện nay muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất Việt Nam thông qua một số dự án kinh doanh. Song, vì nhiều lý do, ông lại quyết định dứt áo ra đi. Và bây giờ, ông trở lại với tư thế người hùng của bóng đá Myanar khi tạo ra một đội tuyển trẻ rất đáng gờm.
Trong vòng một tháng trở lại đây, U19 Myanmar lần lượt thắng tất cả đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á: thắng U19 Thái Lan 3-2, thắng U21 Đông Timor 3-1, thắng U21 Philippines 3-1, thắng U21 Lào 3-2, U21 Malaysia 3-0, thắng U19 Việt Nam 4-3, thắng U19 Thái Lan 2-1 và hạ U19 Indonesia 3-0 tại giải đấu đang diễn ra tại Mỹ Đình.
Từng ở Việt Nam làm việc nên có lẽ ông Zeise hiểu mình cần làm gì lúc này cho đội bóng và khiến đối thủ mất cảnh giác, nhất là U19 Việt Nam đang trong “cơn say” của những lời khen hiện nay. Sau trận đấu ở vòng bảng, nhận xét về đối thủ U19 Việt Nam gặp ở bán kết, HLV Zeise nói: “Chúng tôi từng thắng U19 Việt Nam cách đây không lâu nhưng thực ra các bạn mới là đội bóng mạnh hơn. Chiến thắng của chúng tôi là may mắn. Các bạn đang có một đội tuyển rất mạnh, thậm chí tầm châu Á”.
Theo Ngoisao
Hai câu chuyện gây xôn xao dư luận
Có hai câu chuyện đang gây xôn xao dư luận làng bóng nước nhà. Một chuyện thì đã được công khai, còn một chuyện thì chỉ những ai thạo tin hậu trường mới biết. Và cả hai chuyện, đặc biệt chuyện kể sau, đều được thẩm tra, mà dân làm báo bảo là "tác nghiệp" để thẩm định tính chân thật của thông tin.
Chuyện thứ nhất: Một tờ báo lớn vào loại đứng đầu cả nước, cử phóng viên đi theo Đội tuyển U-19 dự Giải vô địch U-22 Đông Nam Á diễn ra tại Brunei. Kết thúc giải, báo này đăng một bài viết gây sốc cho nhiều người. Bài viết kể rằng, trong trận chung kết giữa U-19 Việt Nam với U-19 Myanmar, ban đầu khán giả chủ nhà ủng hộ đội Việt Nam dữ lắm. Nhưng sau đó thì họ chuyển sang ủng hộ đội Myanmar. Lý do? Khi khán giả ngỏ ý xin mấy chiếc áo khoác lúc làm nóng để làm kỷ niệm, thì các cầu thủ Myanmar hào phóng tặng ngay; còn các cầu thủ Việt thì "quăng cục lơ"! Hay nữa, sau mỗi trận đấu, cầu thủ hai đội thường trao đổi áo cho nhau để làm kỷ niệm. Riêng các cầu thủ Việt Nam thì đều từ chối.
Tại sao các cầu thủ U-19 Việt Nam hành xử như vậy? Xin đừng trách họ mà tội. Chẳng qua, trước khi đi Brunei dự giải, người ta phát cho mỗi cầu thủ 4 bộ trang phục (hai bộ màu đỏ, hai bộ màu trắng) và thông báo: Chỉ có ngần ấy cho đến Giải vô địch U-19 Đông Nam Á! Nghĩa là đá hai giải nhưng mỗi cầu thủ chỉ được 4 bộ đồ. Tại giải U-22, các cầu thủ U-19 của chúng ta đã đá 6 trận. Nếu ở Giải U-19 Đông Nam Á sắp diễn ra tại Hà Nội cũng đá ngần ấy trận nữa, thì vị chi 12 trận đấu chỉ có 4 bộ đồ. Vậy nên, họ "quăng cục lơ" với những lời đề nghị đổi - xin áo làm kỷ niệm là đúng rồi.
Xác minh chuyện này, một vị lãnh đạo của VFF (Liên đoàn bóng đá VN) thừa nhận, nhưng bảo rằng do khó khăn khách quan, đó là vì hợp đồng giữa hãng Nike với VFF mới hết hạn và chưa tái ký nên thiếu trang phục.
Nói thật, nghe không lọt lỗ tai chút nào!
Và chợt nhớ, các quan của VFF cứ ra rả: Không tiếc tiền và không thiếu tiền đầu tư cho U-19!
Chuyện thứ hai: Mới đây, một đoàn quan chức khá cao cấp của VFF đã lên đường đi Nhật Bản để tham quan mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp của quốc gia có nền bóng đá thuộc loại mạnh nhất châu Á.
Những chuyến đi như thế cũng là tốt thôi, nếu thật sự là tham quan, học tập. Đằng này, chính nhiều người trong nội bộ VFF cũng thắc mắc: "Có cần thiết mang theo cả người nhà đi không?"!
Thắc mắc thứ hai, đi bằng kinh phí của ai? Được biết, một công ty quảng cáo nổi tiếng của Nhật, đang là nhà môi giới của VFF trong việc kết hợp hãng Honda làm nhà tài trợ cho bóng đá Việt Nam, chính là đơn vị mời đoàn cán bộ của VFF đi Nhật.
Xin không bình luận về hai câu chuyện trên, bởi nó đã rõ mồn một về cái tâm của nhiều vị trong VFF với bóng đá Việt Nam, nên chẳng có gì để bình luận!
Theo Bongda