Ụ nổi M83 thoát nạn vật chứng vụ đại án tham nhũng tại Vinalines
Sau hơn 6 năm nằm vạ vật tại các cảng biển, ụ nổi 83M – khối tài sản trị giá 9 triệu USD cuối cùng đã được thoát cảnh “ vật chứng” của vụ đại án tham nhũng tại Vinalines
Ụ nổi M83 sẽ kết thúc quãng thời gian 6 năm là gánh nặng cho chủ sở hữu. Ảnh: Anh Minh
Lối thoát đã mở
Theo thông tin từ Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), bộ này vừa nhận được văn bản từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an trả lời về việc xử lý ụ nổi 83M thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Cụ thể, tại Văn bản số 3168/C46 – P12, C46 cho biết, ụ nổi 83M do Vinalines mua, nhập khẩu về Việt Nam là vật chứng của 2 vụ án do C46 thụ lý điều tra gồm: Vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinalines và vụ án tham ô tài sản tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam (VNLSY).
Sau khi C46 đã kết thúc điều tra, chuyển cơ quan truy tố, xét xử theo thẩm quyền, cả 2 vụ án đã được tòa án các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và các bản án đều đã có hiệu lực pháp luật.
“Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng không kê biên; các bản án của Tòa án nhân dân các cấp cũng không đề cập đến việc xử lý ụ nổi 83M nên việc quản lý, sử dụng ụ nổi 83M hiện nay thuộc thẩm quyền của Vinalines”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó thủ trưởng PC46 khẳng định.
C46 cũng đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc đưa ụ nổi 83M ra khỏi danh sách vật chứng của vụ án để Vinalines/VNLSY thực hiện tìm kiếm đối tác, xử lý khối tài sản này theo quy định.
Video đang HOT
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2015, Vinalines đã phải dùng những từ rất đắt để miêu tả về khối tài sản từng được cựu Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng quyết định mua về với giá 9 triệu USD.
Theo Vinalines, ụ nổi 83M hiện đang neo đậu tại Cảng Gò Dầu (Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị Đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng hết hạn từ tháng 6/2011.
“Chỉ tính riêng đến thời điểm đầu năm 2013, công nợ phát sinh liên quan đến ụ nổi đã vào khoảng 60 tỷ đồng”, ông Lê Triều Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Do tài sản của VNLSY (công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Vinalines) – đơn vị sở hữu chính thức tài sản này đã “sạch bách” ngay từ khi thành lập, nên không tìm đâu ra kinh phí để duy tu bảo dưỡng đã khiến kết cấu thép ụ nổi 83M han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện chi phí neo đậu và trông coi ụ nổi 83M mà VNLSY phải trả cho chủ cảng khoảng 100 – 150 triệu đồng/tháng, kéo dài ròng rã suốt 6 năm thực sự là gánh nặng cho chủ sở hữu ụ nổi.
“Vinalines cũng chỉ là một cổ đông tại VNLSY nên không thể cứ mãi đem tiền từ công ty mẹ sang cứu M83″, thông tin từ Vinalines cho biết.
Sẽ được chuyển nhượng sớm
Theo lãnh đạo Vinalines, với Văn bản 3168/C46 – P12 của C46, ụ nổi 83M – vật chứng tai tiếng sẽ sớm thoát kiếp vô dụng sau 6 năm neo đậu vạ vật. Trước đó, vào cuối năm 2014, sau khi bị chủ cảng thúc ép do quan ngại nguy cơ mất an toàn hàng hải, VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “đau xót” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại.
Được biết, mặc dù bị được đánh giá là mua hớ, nhưng ụ nổi 83M không chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi.
Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do tại thời điểm đó ụ nổi vẫn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Bộ GTVT xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines. Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vinalines cho biết, ngay khi nhận được văn bản tháo gỡ của C46, Tổng công ty đã khẩn trương khởi động tìm đối tác chuyển nhượng ụ nổi 83M.
Mặc dầu thị trường đóng tàu biển thế giới vẫn đang rất khó khăn, nhưng lối ra cho ụ 83M không phải quá bế tắc. Cách đây 6 tháng, Vinalines cũng đã nhượng thành công ụ nổi VDS01 có quy mô nhỏ hơn rất nhiều tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô với giá trị khoảng 60 tỷ đồng.
“Do Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển không còn khả thi, nên việc thanh lý, nhượng bán ụ nổi M83, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này sẽ sớm được thực hiện để giảm bớt tổn thất cho Tổng công ty và Nhà nước”, đại diện Vinalines cho biết.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Khánh Hòa: Dương Chí Dũng xuất hiện tại phiên xét xử vụ ụ nổi 83M
Sáng 11-11, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản xảy ra vào năm 2008, tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
4 bị cáo gồm: Trần Hải Sơn (SN 1960, trú Q. Bình Thạnh, TP. HCM), Trần Văn Quang (SN 1976, trú đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu), Trần Bá Hùng (SN 1979, trú phường Phương Sơn, TP. Nha Trang, Khánh Hòa), Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú phường Phước Tân, TP. Nha Trang).
Trước khi vụ án xảy ra, Trần Hải Sơn giữ chức Tổng Giám đốc; Trần Văn Quang là Trưởng phòng Kế hoạch thị trường công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng giữ chức Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ - Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp là Giám đốc công ty TNHH Nguyên Ân.
Dương Chí Dũng đến tòa với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, ụ nổi 83M khi được Vinalines mua về, thông quan tại Hải quan Khánh Hòa vào tháng 6-2008 đã có tuổi đời 42 năm. Do ụ nổi này đã bị hư hỏng nặng nên sau đó được đưa về Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin để sửa chữa.
Lợi dụng được công ty ủy quyền ký kết và thanh lý các hợp đồng sửa chữa ụ nổi, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Quang, Hùng, Giáp kê khống giá sửa chữa để chiếm đoạt hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó riêng Trần Hải Sơn chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Sơn khai đã chi 150 triệu làm quà cho Dương Chí Dũng, đối tượng đã bị kết án tử hình trong vụ đại án tham nhũng xảy ra tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Các bị cáo nghe công bố cáo trạng
Trong vụ án này, Trần Hải Sơn cũng đã bị kết án 22 năm tù về 2 tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng. Cả 4 bị cáo trên đều bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo khoản 4 Điều 278 Bộ Luật Hình sự.
Vụ án này, TAND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định đưa ra xét xử vào tháng 4-2014. Tuy nhiên từ đó đến nay do nhiều lý do, đặc biệt là vắng mặt Dương Chí Dũng (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) nên rất nhiều lần phiên tòa đã bị hoãn. Đến nay, Dương Chí Dũng đã có mặt tại tòa.
Dự kiến vụ án này sẽ được xét xử trong 3 ngày.
Theo ANTD
Dương Chí Dũng có mặt tại phiên xử vụ ụ nổi 83M Sau 2 lần hoãn phiên tòa vì vắng mặt Dương Chí Dũng - Nguyên cục trưởng cục hàng hải Việt Nam và các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, sáng nay (ngày 11/11), HĐXX tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản liên quan đến việc...