U Minh Thượng, miền đất hấp dẫn
Là một trong hai khu vực quan trọng của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam; khu bảo tồn đất ngập nước (ramsar) có tầm quan trọng quốc tế và giàu tiềm năng phát triển du lịch
Hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn độc đáo và đặc sắc, có giá trị cao về đa dạng sinh học với 258 loài thực vật mạch bậc cao, 32 loài thú, 184 loài chim, 64 loài cá…
trong đó có 45 loài động, thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam; là sân chim lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 65,4 ha, nơi cư trú của hơn một triệu cá thể chim nước… Đó là những thông tin hấp dẫn mà chúng tôi thu lượm được trên đường đến Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng, nằm trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), một điểm đến thu hút khách du lịch.
Khám phá đất rừng Phương Nam
Trước kia, vùng rừng U Minh Thượng tên là “Thập Câu” vì có 10 con rạch lớn xếp hàng chảy ra vịnh Thái-lan. Hơn 300 năm trước, những cư dân vùng đồng bằng sông Hồng đã đến đây khai phá. Những năm tháng khai hoang, mở đất, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người U Minh Thượng: cần cù chịu khó, nghĩa khí can trường, sống hào phóng như thiên nhiên vùng đất cực nam Tổ quốc. Đây cũng là nơi nhà văn Đoàn Giỏi đi thực tế để viết tác phẩm nổi tiếng Đất rừng Phương Nam.
Khoảng cách từ cổng VQG U Minh Thượng vào hồ Hoa Mai, nơi xuất phát của những chuyến khám phá sâu trong rừng, khoảng bốn ki-lô-mét. Xe ô-tô đang bon bon trên con đường bê-tông bất ngờ giảm tốc khi nhìn thấy tấm biển: “Chú ý: động vật hoang dã qua đường”. Ngay lập tức chúng tôi nhìn thấy một bầy, hai bầy, rồi cả một đàn khỉ đang nhẩn nha chơi ven đường, y như đây là vương quốc riêng của chúng. Đàn khỉ lên tới hàng trăm con: khỉ ông, khỉ bố, khỉ mẹ ôm khỉ con…, đều rất dạn người.
Tham quan rừng U Minh Thượng
Hồ Hoa Mai đúng như tên gọi của nó, mang hình dáng một đóa hoa mai năm cánh. Có người nói, đó là vết tích của những hố bom do Mỹ ném xuống trong những trận chiến ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Chung quanh hồ, cây lá tươi tốt, tạo thành một vành đai xanh mát. Nước hồ không thật trong, nhìn chung kênh rạch ở đây đều có mầu nước dưa vì là nước úng phèn trên vùng đất than bùn. Giữa hồ có những tán cây to, hình tròn, tạo thành một nhụy hoa khá đẹp mắt.
Chiếc vỏ lãi (thuyền gắn máy) rồ ga đưa chúng tôi đến địa điểm đầu tiên: Trảng Chim. Trên kênh, rạch, lục bình, bèo hoa dâu, tai tượng phủ kín mặt nước. Bèo dày tới mức những con chim hoang dã mang bộ lông sặc sỡ có thể đi bộ trên mặt bèo kiếm ăn. Thi thoảng chúng tôi gặp những chiếc thuyền câu. Người câu trùm quần áo kín mít từ đầu tới chân để chống lại những con muỗi hung dữ. Người lái thuyền cho biết, những năm gần đây, câu cá là hoạt động nằm trong chuỗi du lịch sinh thái, khám phá, thu hút nhiều du khách từ các thành phố lớn, mang lại nguồn thu đáng kể từ dịch vụ lưu trú.
Thuyền chạy khoảng 30 phút thì đến Trảng Chim. Bốn bề mênh mông nước. Lau, cỏ lác cao ngang mặt người. Chúng tôi đi trên những “con đường” ngoằn ngoèo, có thể gọi là những cây cầu khỉ, ghép bằng gỗ tạp tiến về đài quan sát cao khoảng 30 mét. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra bốn phía, hít căng lồng ngực không khí trong lành, tận hưởng cái bao la, sảng khoái của thiên nhiên, đất trời. Trời xanh, bồng bềnh mây trắng. Hàng ngàn con chim lớn đậu trên những ngọn cây cao, thi thoảng tung cánh bay lên, làm thành những vũ điệu hoang dã và quyến rũ. Tiếc vì không mang theo ống nhòm cho nên ở khoảng cách xa, chúng tôi không quan sát hết được vẻ đẹp của chúng.
Từ Trảng Chim, chúng tôi di chuyển sang Trảng Dơi, một trong những địa điểm không thể bỏ qua ở VQG. Ban ngày là thời gian dơi ngủ. Hàng nghìn con dơi treo mình trên những ngọn cây cao, trông giống như những chùm quả lạ. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc trước kích thước to lớn của chúng. Người lái thuyền kiêm hướng dẫn viên giải thích, đó là loài dơi ngựa Thái-lan khổng lồ, quý hiếm, có sải cánh hàng mét. Thức ăn của chúng là hoa quả, mật ong rừng.
Ở U Minh Thượng có một nghề truyền thống là “gác kèo, ăn ong”. Đầu xuân, người dân lấy cây làm kèo, mang ra những khu rừng tràm, gác lên để ong bay về làm tổ. Sau 15 ngày, kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Một tổ ong có thể lấy mật được ba, bốn lần; tổ lớn có thể thu được 15 đến 20 lít mật. Mật ong rừng tràm U Minh vốn nổi tiếng ngon, bổ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Rời Trảng Dơi, con thuyền đưa chúng tôi len lỏi qua những kênh rạch trở về hồ Hoa Mai. Chúng tôi như đi trong mê cung sông nước mà nếu không có người lái thuyền thì chẳng thể tìm được lối ra. Anh kể, sau vụ cháy rừng khủng khiếp hơn nửa tháng trời năm 2002, người ta đã đào đắp thêm nhiều nhánh kênh rạch. Vì đây là vùng đất than bùn, mùa khô rất dễ bắt lửa nên hệ thống kênh giúp giữ nước vào mùa khô, phân lập các khu để thuận tiện trong việc xử lý cháy rừng nếu xảy ra.
Kênh cũng mở rộng môi trường sinh sống cho các loài cá và động vật sống nhờ sông nước, đồng thời hình thành mạng giao thông thuận lợi phục vụ du lịch. Ven các dòng kênh, cây cỏ xanh um. Người lái thuyền cười, chỉ tay vào đám cỏ nói, đó là nơi ở của lợn rừng, rái cá, rùa, trăn… khiến mọi người đều nhấp nhổm, tay lăm lăm máy ảnh, điện thoại, hy vọng có thể chộp được những khoảnh khắc, bức ảnh độc.
Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái
Sau một ngày khám phá, chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn đặc phong cách Nam Bộ gồm: lẩu mắm, lươn xào, cá lóc nướng, trê đồng om… với nhiều loại rau lạ lẫm, nhưng rất ngon trong ngôi nhà theo kiểu du lịch homestay. Ông Năm, chủ nhà là một người hài hước, chu đáo và mến khách. Ông từng nhiều năm làm giám đốc VQG U Minh Thượng. Từ khi nghỉ hưu, ông lập nên ngôi nhà này để phục vụ du khách và cũng để luôn được ở gần khu vườn.
Ông gọi điện thoại mời các đồng nghiệp trẻ đang là Phó giám đốc VQG và Hạt phó hạt kiểm lâm của VQG tới chung vui, theo tinh thần bữa cơm gia đình. Chúng tôi có một buổi giao lưu, thưởng thức những bài vọng cổ sâu lắng và lãng mạn do chính những “nghệ nhân nông dân”, là hàng xóm của chủ nhà biểu diễn. Nhưng câu chuyện làm du lịch mới là chủ đề chính của buổi giao lưu.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến giữa 2017, VQG U Minh Thượng đón và phục vụ 348.131 lượt khách, trung bình đạt hơn 46.400 lượt du khách/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 16,71%. Lượng du khách tham quan VQG chỉ chiếm 1,16% so với tổng khách du lịch của tỉnh Kiên Giang; tổng doanh thu chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng, trung bình 2,2 tỷ đồng/năm; so với tổng doanh thu từ du lịch trong toàn tỉnh Kiên Giang, thì con số này chỉ chiếm 0,12%. Rõ ràng kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của U Minh Thượng.
Thực tế này đã dẫn tới sự ra đời của đề án “Phát triển du lịch sinh thái VQG U Minh Thượng giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030″, với mục tiêu huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái (DLST), đưa VQG U Minh Thượng trở thành một trong những VQG tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam.
Từ đề án này, VQG U Minh Thượng tập trung triển khai các loại hình DLST hấp dẫn như: Tham quan thiên nhiên rừng tràm, khu sân chim, máng dơi hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã ban đêm; khám phá các sinh cảnh đầm lầy, tham quan nơi phân bố, kiếm ăn của nhiều loài chim nước trong mùa mưa và nhất là vào mùa khô; kết hợp du lịch với nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng Tràm úng phèn trên đất than bùn, nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này.
Ưu tiên cho phát triển DLST cộng đồng homestay để du khách khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống với người dân vùng đệm như tát ao, bắt cá, thu hoạch trái cây; cùng chủ nhà nấu những món ăn dân dã, nghe và tập hát đờn ca tài tử…, theo phương châm ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Bên cạnh đó, DLST vui chơi, giải trí trong VQG cũng là một sản phẩm vô cùng hấp dẫn du khách như: câu cá, bơi thuyền, cắm trại, ngắm hoàng hôn… V
ới các đặc thù của thiên nhiên ngập nước, trong mùa mưa không chỉ đi lại bằng xuồng trên các kênh rạch mà còn có thể luồn lách, len lỏi trong các khu rừng, càng đi sâu vào trong, du khách càng khám phá ra những điều bí ẩn của rừng tràm, những tổ chim, tổ ong, đặc biệt là các loài cá kiếm ăn, sinh sản trong rừng. Đến đây vào mùa tràm nở hoa thì toàn bộ khu rừng ngan ngát mùi hương tràm.
Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia làm du lịch, một trong những chủ trương mang tính đột phá là cho thuê môi trường rừng. Việc cho thuê phải không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương; thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ phát triển rừng; bảo vệ môi trường, du lịch, di sản và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng.
Cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động DLST để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, đồng thời có trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Sự tham gia của người dân bản địa sẽ góp phần phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống và sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ chính sách đến cuộc sống là một hành trình, dài hay ngắn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả chủ quan, lẫn khách quan. Đến năm 2019, DLST ở VQG U Minh Thượng đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ.
Chỉ trong chín tháng đầu năm, VQG đã đón tiếp 45.249 lượt du khách đến tham quan và câu cá giải trí; doanh thu đạt 4,65 tỷ đồng. Số lượng khách trong ba quý đã tương đương với lượng khách trung bình cả năm của giai đoạn trước, còn doanh thu thì đạt gấp đôi. Đồng chí Phó hạt trưởng kiểm lâm cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được hạt tăng cường tuần tra, kiểm soát, chống người xâm nhập vào rừng trái phép.
Chín tháng đầu năm, hạt đã tổ chức 654 cuộc tuần tra với 4.399 lượt lực lượng tham gia, chỉ phát hiện một trường hợp vi phạm. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng duy trì phối hợp với hạt kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận – U Minh Thượng, công an hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận chủ động nắm tình hình, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, tố giác những người vi phạm vào rừng trái phép, ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã ngoài vùng đệm…
VQG U Minh Thượng, khu rừng tràm trầm thủy lớn nhất nước ta, có hệ thống động thực vật vô cùng phong phú; là khu ramsar thứ tám của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới; một trong ba vùng bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Kiên Giang. Đến đây và tận mắt thấy tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, du lịch đang được đánh thức, mang lại những tín hiệu vui về mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội cho miền đất hấp dẫn tuyệt vời ở cực nam Tổ quốc.
BÀI VÀ ẢNH: HỮU VIỆT
Theo nhandan.com.vn
Video đang HOT
Danh thắng U Minh Thượng Vẻ đẹp hoang sơ mang ký ức hào hùng
Di tích lịch sử cách mạng U Minh Thượng - một địa danh nằm trải dài trên địa phận 4 huyện: U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang).
Đây là một trong những căn cứ địa lớn nhất của Miền Nam, có giá trị truyền thống các mạng, đồng thời là là một danh thắng mà thiên nhiên ban tặng cho Nam Bộ nằm trong khu vực rừng nguyên sinh có những loài động thực vật quý hiếm. Ngày 26/6/1997, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) có quyết định công nhận U Minh Thượng là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.
Vẻ đẹp hoang sơ
U Minh được chia ra U Minh Thượng và U Minh Hạ, ranh giới là sông Trèm Trẹm. U Minh Thượng nằm trong tỉnh Kiên Giang với diện tích tự nhiên 1.722km, còn U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ" của triều Nguyễn đầu thế kỷ 19, ta nhìn thấy vùng U Minh Thượng ngày nay chia thành nhiều ô nhỏ với 10 con rạch xếp chảy thẳng ra vịnh Rạch Giá.
U Minh là khu rừng ngập mặn lớn thứ hai trên thế giới, còn lưu giữ được những thảm động thực vật quý hiếm. U Minh Thượng là xứ sở của rừng tràm. Từ xa nhìn vào ta thấy cả một khoảng đất trời xanh đậm. Trong rừng tràm còn mọc um tùm chằng chịt cây mốp, dây choại vv... Rừng tràm hàng năm cung cấp cho con người hàng trăm tấn dây choại, loại dây leo ngâm nước có độ bền và dẻo như song mây. Gỗ tràm dẻo, mịn và bền. Vỏ tràm xốp là nguồn nguyên liệu sản xuất giấy rất tốt. Lá tràm thơm chứa trên 2% tinh dầu có thể chưng cất.
Từ đầu thế kỷ XVIII, nhân dân ta khai phá đã biến nhiều khóm rừng tràm thành những cánh đồng lúa. Những kinh rạch được khơi đào chằng chịt nối liền nhau và trở thành hệ thống giao thông đường thủy quan trọng ở vùng này. Đất rừng U Minh có độ phì nhiêu rất cao. Hàng năm lá tràm, lá mốp rụng xuống tạo thành lớp mùn dày tới 10cm, 20 cm. Dưới lớp đất mùn có nhiều lớp than bùn và những gốc cây tràm cổ thụ. Vùng xung quang rừng là nước phèn chua mặn, không có nguồn nước ngọt. Mùa mưa nước có màu đỏ do nước ngọt thấm vào lòng có lá cây mục.
Động vật ở rừng U Minh Thượng xưa kia rất phong phú, có cả cọp, sấu, heo rừng, nai, khỉ, tê tê, trăn, rắn, rùa, lươn, chim, cá và ong mật. Rừng U Minh thích hợp cho các loài chim đến cư trú, sinh sôi nảy nở. U Minh Thượng còn được biết đến như một "biển cá" và một trong những "vườn chim" lớn ở dải đất tận cùng Tổ quốc. Cá sống ở đầm lầy và kênh rạch. Trước đây người dân U Minh Thượng chỉ cần khua tay dưới nước là tóm được cá. Có khi bạn ngồi trên thuyền rà mái chèo khuấy nước, bất chợt một con cá lóc to sụ chạm phải, giật mình nhảy vọt lên, rơi vào khoang thuyền.
Du khách đi xuồng tham quan rừng U Minh Thượng ">
Du khách đi xuồng tham quan rừng U Minh Thượng
Chim U Minh Thượng cũng nhiều vô kể, chúng bay liệng hót ca suốt ngày làm náo động rừng tràm. Đó là những lồi như : chàng bè, giang sen, le le, cò, cồng cộc, điềng điễng, diệc, vạc vv... Vào mùa mưa, những đầm nước trong rừng còn nhận nhiều "khách từ phương xa" tới. Đó còn là những đàn vịt trời, ngỗng trời, giang sếu vv... Chúng đậu la liệt trên các gò đất và bãi lầy tạo thành quang cảnh hết sức náo nhiệt.
Hàng năm cứ vào tháng 3, rừng tràm U Minh trổ bông tràm mềm, thơm dịu thu hút những đàn ong đến gây mật. Nghề ăn ong (tức khai thác lấy mật và sáp ong) được người địa phương lập thành từng nhóm làm nghề. Mắm cá đồng U Minh cũng là một đặc sản cho đến nay vẫn được nhiều người ưa thích.
Một điểm đón trả khách đi khám phá ở góc rừng U Minh Thượng ">
Một điểm đón trả khách đi khám phá ở góc rừng U Minh Thượng
Ký ức hào hùng và những trang sử vẻ vang trong kháng chiến
U Minh Thượng - Trước Nam Kỳ Khởi Nghĩa:
Từ năm 1867, Nguyễn Trung Trực đã lấy U Minh Thượng làm căn cứ chống Pháp. Cơ sở Đảng Cộng sản được thành lập ở U Minh Thượng có từ năm 1932 đã sớm lãnh đạo nông dân đấu tranh và biểu tình đòi bọn thực dân và địa chủ cường hào giảm tô thuế và chia công điền cho nông dân. Đây cũng là nơi mở xưởng chế tạo vũ khí, lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên in tài liệu, truyền đơn chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ dành thắng lợi.
U Minh Thượng thời kỳ chống Thực dân Pháp (1945-1954)
Sau khi quân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn đêm 23/9/1945 nhiều cán bộ và lực lượng vũ trang của cách mạng rút về U Minh để tiến hành kháng chiến trong đó có Trung đoàn 124, Công binh xưởng 12, công an Nam bộ, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. U Minh trở thành khu căn cứ chiến lược và bí mật.
Nhân dân vùng căn cứ U Minh tiêu thổ kháng chiến, phá lộ, đắp cản xây dựng địa hình chống giặc. Đầu tháng 3/1946 quân Pháp chia làm nhiều mũi đánh vào U Minh Thượng. Đi đến đâu giặc cũng bắn giết, hãm hiếp, đốt phá, đóng đồn bốt dày đặc, khôi phục lại bọn tề xã để bóc lột, vơ vét của cải của nhân dân, gây cho ta nhiều thiệt hại.
Tháng 5/1946 Bộ chỉ huy kháng chiến khu IX hỗ trợ võ trang tuyên truyền, diệt trừ tề gian, diệt các bộ phận nhỏ của địch, khôi phục lại chính quyền nhân dân. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Đầu năm 1947, giặc Pháp đánh vào U Minh hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Tháng 3/1947 hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh bộ đội ta lập công xuất sắc bằng trận đánh bức rút đồn Thứ 11 và Thứ 9, giải phóng 3 xã Đông Hưng, Đông Hoà, Vân Khánh. Các điểm chốt của địch bị ta bao vây cô lập triệt để, giặc Pháp phải rút chạy, co cụm lại.
Năm 1948-1949 phong trào du kích chiến tranh ở vùng căn cứ phát triển lực lượng dân quân tự vệ, dân quân du kích được thành lập đều khắp ở các xã, ấp; Từ cuối năm 1949 đến tháng 7 năm 1954, Xứ uỷ Nam bộ, sau đó là Trung ương cục Miền Nam và các cơ quan của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ cũng về ở trong rừng U Minh.
Từ đầu năm 1952, địch mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, đánh thọc sâu vào vùng căn cứ giải phóng, ta dựa vào địa hình chằng chịt kinh rạch chống địch càn quét, lấn chiếm. Đến ngày 4/3/1954 tất cả các chốt của địch từ chi khu Thứ Ba đến căn cứ Xẻo Rô đều bị ta tiêu diệt hoặc chúng đầu hàng bỏ chạy.
U Minh Thượng thời kháng chiến chống Đế quốc Mỹ (1954 - 1975)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, U Minh là địa bàn dung trú của cơ quan đầu não của khu, của tỉnh, của quân chủ lực quân khu IX. Đây là chủ điểm máu lửa mà kẻ địch quyết tập trung lực lượng để tiêu diệt. Cho nên U Minh cũng là nơi lực lượng cách mạng trực tiếp đương đầu với sức mạnh của kỹ thuật chiến tranh hiện đại của Đế quốc Mỹ. Ngày 20/7/1960, tiểu đoàn U Minh 10, đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh được thành lập tại kênh Trung Đoàn trong rừng U Minh Thượng.
Thời kỳ (1954-1959 : Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vùng U Minh từ Nam sông Cái Lớn đến Cà Mau là khu vực tập kết 200 ngày dành cho cán bộ chiến sĩ miền Tây Nam bộ. Ở Chắc Băng xây dựng cấp tốc một bến cảng tạm thời, là trung tâm đón rước và đưa tiễn cán bộ, bộ đội đi tập kết, nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế và Liên hiệp đình chiến đến làm việc.
Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam nước ta. Ở U Minh chúng đưa Lâm Quang Phòng - nguyên là cán bộ ta bị kỹ luật về đầu hàng địch làm quận trưởng hành chính An Phước. Lâm Quang Phòng cùng đồng bọn bắt bớ giam cầm hơn 10.000 lượt người, tra tấn dã man, mổ bụng moi gan những người kháng chiến cũ, giết hại trên 1.000 người tại rừng tràm Bang Biện Phú (Vĩnh Thuận).
Tại Ngã Ba Cây Bàng ngày 10/1/1956 bị ta phục kích diệt một tiểu đoàn 200 quân chủ lực của địch, thu toàn bộ vũ khí. Năm 1957-1958, tại vùng căn cứ kháng chiến cũ U Minh Thượng phong trào đấu tranh chính trị và binh vận kết hợp vũ trang diệt ác phá kiềm phát triển. Những tên phản động có nhiều tội ác bị trừng trị. Tên Lâm Quang Phòng cũng bị chém suýt bỏ mạng ở Tà Niên.
Thời kỳ 1960-1968: Mỹ-Diệm điên cuồng tung ra luật phát xít 10/59, lê máy chém đi khắp nơi. Ta chuyển sang hướng đấu tranh chính trị và đấu tranh võ tranh song song . Đêm 29 rạng 30/10/1959 quân ta đánh thắng chi khu Xẻo Rô diệt 42 tên đầu sỏ gian ác, trong đó có quận trưởng Kiên An. Đây là cơ quan hành chính cấp quận của địch đầu tiên ở miền Tây Nam bộ bị ta tiêu diệt.
Chiến thắng Xẻo Cạn đêm 13/2/1960 ta diệt gọn 50 tên, bắt sống 6 tên, thu toàn bộ vũ khí đã làm phá sản kế hoạch của địch đào kinh, đắp lộ, xẻ rừng, phá căn cứ cách mạng. Huyện An Biên còn cho thành lập lực lượng vũ trang huyện và công trường chữa súng đạn chế tạo vũ khí.
Ngày 1/3/1961 Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Rạch Giá được thành lập. Lễ ra mắt tổ chức tại Ngọn Xẻo Cạn có gần 10.000 người dự. Căn cứ địa U Minh Thượng lại được hình thành ngày càng hoàn chỉnh là nơi cơ quan đầu não của khu IX đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng khu vực miền Tây Nam bộ .
U Minh Thượng luôn là địa bàn nóng bỏng, đọ sức giữa ta và địch. Đầu năm 1962 địch tiến hành kế hoạch bình định vùng này. Địch liên tiếp hành quân, bắn pháo, thả bom và đốt phá rừng, đào kinh đắp lộ, dồn dân vào ấp chiến lược.Để đối phó với địch, ta đào đê ngăn mặn ven biển, khai thông tuyến đường thủy tạo thuận lợi cho việc vận chuyển kháng chiến, đắp đê quốc phòng bảo vệ rừng U Minh dài 150km với hàng triệu mét khối đất.
Tháng 7/1961 tiểu đoàn U Minh 10 đã đánh bại cuộc càn trực thăng vận của trung đoàn 33 ngụy tại xã Vĩnh Bình loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên địch. Cuối năm 1962 ta đã phá banh 15 ấp chiến lược, khôi phục vùng giải phóng ven biển xây dựng nhiều cơ sở mật trong vùng địch tạm chiếm để phục vụ cho việc trị an và diệt ác trong lòng địch.
Để mở rộng vùng giải phóng U Minh Thượng, Mùa khô 1964 quân khu IX mở chiến dịch mùa khô, sử dụng 2 trung đoàn tiến công chi khu Vĩnh Thuận đánh quân viện của địch trên kinh xáng Chắc Băng tiêu diệt 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn, bắn rơi và bắn hỏng 10 trực thăng. Mùa khô 1965, ta mở đợt tiến công ở tuyến sông Cái Lớn diệt căn cứ Thúy Liễu (Gò Quao); bức rút, bức hàng loạt đồn. Phần lớn vùng U Minh Thượng được giải phóng.
Từ năm 1965, địch dùng chất độc hóa học, bom đạn đánh phá ác liệt vùng căn cứ kháng chiến U Minh. Mặt khác, mở các cuộc hành quân cấp tiểu đoàn, dùng chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, mua chuộc, lừa mỵ dân, lôi kéo dân vùng giải phóng vào các khu định cư ở thị xã, thị trấn. Cuối năm 1967 quân dân U Minh Thượng sôi nổi chuẩn bị và tham gia cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 với khí thế: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".
Thời kỳ 1969 -1972: Chống địch ba lần hành quân bình định: Cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải tăng cường xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, rút dần quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam nhưng tiến hành bình định cấp tốc miền Nam trọng điểm nhất là địa bàn U Minh Thượng.
Cuối năm 1968, địch tập trung lực lượng khoảng hơn 1000 tên mở cuộc hành quân gọi là "thăm dò U Minh" có cả trực thăng và trọng pháo yểm trợ. Quân dân U Minh Thượng ngoan cường đánh địch nhiều trận. Chỉ trong vòng năm ngày đầu đã tiêu diệt trên 300 tên, bắn cháy và chìm 26 tàu trên sông Cái Lớn. Từ đầu năm 1969, địch tập trung bắn phá rải chất độc hóa học, quét dọn địa bàn, tát dân ra vùng địch kiểm soát.
Tháng 9/1969, địch tập trung lực lượng cấp quân đoàn mở cuộc hành quân lấn chiếm U Minh lần thứ nhất với hai mặt trận: Mặt trận Biên giới: ngăn chặn tuyến hành lang 1C, Mặt trận thứ hai đánh vào U Minh. Tại U Minh Thượng lực lượng ta bám đánh địch liên tục gây cho chúng nhiều khó khăn, tổn thất: loại gần 1.000 tên, diệt gọn một tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn, 1 giang đoàn bắn 10 máy bay trực thăng. Đến ngày 17/11/1969 cuộc hành quân lớn của địch buộc phải chấm dứt. Địch rút hết các cánh quân ra khỏi U Minh.
Tháng 2/1970 địch lại tiến hành bình định lấn chiếm U Minh lần thứ hai với quyết tâm "Nhổ cỏ U Minh". Lần này địch sử dụng sư đoàn 21 và Lữ đoàn B thủy quân lục chiến hành quân dọc ven biển An Biên. Sư đoàn 9 bộ binh và trung đoàn 9 thiết giáp hành quân vùng Vĩnh Thuận. Ta sử dụng du kích và một số bộ đội chủ lực trung đoàn 2 làm nòng cốt bám địch, đánh nhỏ, đánh liên tục, tiêu hao tiêu diệt chúng. Ngày 12/3/1970 Bộ Tư lệnh quân khu quyết định tiến công diệt chiến đoàn 33, còn trung đoàn 2 trong đêm diệt gọn sở chỉ huy và chiến đoàn của địch, diệt gần 400 tên. Địch rút chạy khỏi U Minh.
Ngày 30/11/1970, địch tổ chức cuộc hành quân lớn đánh chiếm U Minh lần thứ ba. Lần này chúng không hành quân ồ ạt như lần trước mà phân tán từng tiểu đoàn chủ lực làm nòng cốt cho quân bảo an đóng đồn hình thành vòng vây khép kín để đánh chiếm U Minh. Ta chủ động đánh trước, sử dụng 6 pháo binh đánh thiệt hại nặng căn cứ Xẻo Rô, nơi tập trung quân của địch. Tháng 12/1970 địch hành quân đóng đồn lần lượt chiếm U Minh Thượng và một phần U Minh Hạ.
Ta quyết định mở một cuộc phản công mùa mưa tháng 9/1971 loại trên 2.000 tên địch thuộc sư đoàn 21, diệt và gỡ trên 10 đồn địch. Sau đợt phản công này địch phải bỏ kế hoạch "tô đầy, lấp kính U Minh".
Ba đợt tiến công và một đợt phản công của ta thắng lợi, diệt trên 8.600 tên địch, tiêu diệt một Lữ đoàn A thủy quân lục chiến, một chiến đoàn 33, ba sở chỉ huy cấp lữ đoàn và sở chỉ huy trung đoàn trực thuộc, diệt 11 tiểu đoàn, 12 đại đội, phá hủy 40 pháo, 16 xe thiết giáp, bắn chìm bắn cháy 43 tàu, bắn rơi, bị thương 44 máy bay, đánh thiệt hại nặng trên 10 tiểu đoàn và địch hàng, rã hàng nghìn tên khác.
Chiến thắng ở U Minh Thượng có ý nghĩa chiến lược, tạo ra một bước ngoặt lịch sử làm thất bại âm mưu bình định lấn chiếm "nhổ cỏ U Minh", Tuy nhiên, địch cũng gây cho ta những tổn thất về người và của.
Thời kỳ 1972 -1975: Liên tục tấn công địch, giành thắng lợi cuối cùng:
Ngày 27/1/1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris. Nhưng với bản chất ngoan cố, Mỹ ngụy vẫn ra sức phá hoại hiệp định. Chúng tập trung hành quân lấn chiếm ồ ạt những vùng trọng điểm, liên tục đánh phá, chà xát địa hình cắm cờ giành đất, giành dân, bắt dân phải treo cờ ba sọc trước cửa nhà.
Tháng 5/1973, quân dân toàn khu mở đợt tấn công tổng hợp để trừng trị địch vi phạm Hiệp định Paris. Quân dân U Minh Thượng kết hợp chặt chẽ với tiểu đoàn 519 của tỉnh và trung đoàn 6 pháo binh quân khu IX đồng loạt tấn công đẩy lùi các cánh quân hỗn hợp của địch càn quét lấn chiếm vùng U Minh. Ta gỡ hàng loạt đồn bốt, phá khu dồn dân, ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Đến cuối năm 1974, vùng căn cứ giải phóng U Minh Thượng tiếp tục được mở rộng tạo hành lang thuận lợi để chủ lực của ta (khu và tỉnh) tiến lên áp sát sào huyệt địch. Ngày 5/4/1975 tỉnh ủy Rạch Giá họp tại Xẻo Cạn ra quyết tâm phát huy tinh thần tự lực tự cường liên tục tấn công và nổi dậy khắp ba vùng; tiêu diệt và tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, khẩn trương tạo thế và lực mới, tiến tới công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với đại thắng mùa Xuân 1975, đến 7giờ sáng ngày 1/5/1975 U Minh Thượng cũng sạch bóng quân thù.
Hiện nay Toàn bộ cụm di tích U Minh Thượng đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng. Trong đó khu vực trung tâm di tích là khu bảo tồn thiên nhiên, có xây dựng nhà bảo tàng, ngoài ra còn có hệ thống giao thông, thông tin liên lạc .... Hiện nay phòng khai thác du lịch Vườn quốc gia U Minh thượng đã xây dựng những đoạn cây cầu bằng tràm cho du khách tham quan những khu rừng tràm hơn 40 năm tuổi - nơi ngày xưa có các cơ quan Khu uỷ, Tỉnh uỷ Rạch Giá đóng.
Việc tái tạo hình ảnh căn cứ cách mạng điển hình của miền Tây Nam Bộ tại U Minh Thượng trong kháng chiến cũng đang được tiến hành. Vùng đất giàu có này luôn mời gọi du khách đến tham quan.
Bùi Công Ba
Theo dulich.petrotimes.vn
Không gian quán mới xuất hiện như Santorini giữa lòng TP.HCM TP.HCM luôn biết cách chiều lòng giới trẻ bằng loạt quán xá mới toanh, hấp dẫn. Vừa xuất hiện, không gian quán có kiểu trang trí như Santorini đã thu hút nhiều thực khách check-in. Ảnh: Trần Ngọc Cát Phương, nth_van. Mang danh xưng "thành phố không bao giờ ngủ" của Việt Nam, nhịp sống ở TP.HCM càng về đêm trở nên nhộn...