Tỷ phú Mỹ lên tiếng về nạn thù ghét người gốc Á
Tỷ phú Patrick Soon-Shiong thất vọng về loạt vụ tấn công người gốc Á gần đây và kêu gọi Mỹ thừa nhận nạn phân biệt chủng tộc.
“Nạn thành kiến và phân biệt chủng tộc bất lương đang lan tràn. Đáng buồn thay, nó gần như cố hữu trong dòng chảy lịch sử của đất nước này”, Soon-Shiong, người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành công ty công nghệ sinh học ImmunityBio, hôm 4/4 cho hay. “Chúng ta phải thừa nhận, chấp nhận và sau đó xóa bỏ nó”.
Đây là những bình luận công khai đầu tiên của Soon-Shiong, tỷ phú gốc Trung Quốc sinh ra ở Nam Phi và chuyển đến Mỹ năm 1977, về nạn gia tăng hành động thù địch nhằm vào người gốc Á. Ông cũng bày tỏ thất vọng trước sự gia tăng tội ác thù ghét đối với người Mỹ gốc Á cũng như căng thẳng chủng tộc thúc đẩy phong trào “Mạng người da màu quan trọng”.
“Tôi đến từ Nam Phi, nơi tôi chứng kiến phân biệt chủng tộc gia tăng. Nói một cách hài hước, đó là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, nhưng là Apartheid công khai”, Soon-Shiong nói. “Tôi từng nghĩ chúng ta đã đến vùng đất của tự do, nhưng thành thật mà nói, tôi hoàn toàn thất vọng”.
Tỷ phú gốc Á Patrick Soon-Shiong . Ảnh: CNN .
Soon-Shiong là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp gốc Á cấp cao nhất lên tiếng về các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ gốc Á. Ông cũng kêu gọi thêm nhiều người Mỹ gốc Á cùng lên tiếng.
Video đang HOT
“Thật không may, văn hóa và tâm lý của người châu Á là im lặng chịu đựng. Tôi không nghĩ điều này có thể tiếp diễn lâu hơn nữa”, Soon-Shiong cho hay.
Soon-Shiong tốt nghiệp đại học y năm 23 tuổi và giàu lên nhờ phát minh thuốc điều trị ung thư Abraxane, hiện sở hữu khối tài sản 7,5 tỷ USD. Nhiều năm trước khi trở thành một trong những bác sĩ giàu nhất hành tinh, Soon-Shiong từng bị phân biệt đối xử khi còn làm bác sĩ phẫu thuật những năm 1980. “Một giáo sư cùng chỗ làm và sống cạnh nhà nói thẳng với tôi: ‘Chúng tôi không thích những người như anh ở đây’”, ông nói.
Đầu tuần trước, một phụ nữ gốc Á 65 tuổi bị tấn công giữa ban ngày ở New York. Kẻ tấn công dùng nhiều lời lẽ bài Á, trong khi nhiều người có mặt tại đó chỉ biết đứng nhìn. Soon-Shiong cho rằng đó là biểu hiện thiếu đồng cảm với con người và “thật đau lòng” khi không ai can ngăn.
Theo Soon-Shiong, cựu tổng thống Donald Trump chịu một phần trách nhiệm đối với các cuộc tấn công nhằm vào người gốc Á vì đã gọi đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc”. “Điều đó không giúp ích gì cho người châu Á, cộng đồng da màu hay Latinh, mà chỉ khiến phân biệt chủng tộc bùng phát”, ông nói.
Tội thù ghét chế định bảo vệ người yếu thế
Chế định tội thù ghét được chính quyền đặt ra nhằm bảo vệ nhóm người thiểu số trước những kẻ phạm tội.
Ngày 29/3, Vilma Kari, 65 tuổi, người Mỹ gốc Á, đang trên đường đến nhà thờ ở thành phố New York bất ngờ bị một gã xô ngã, đạp liên tiếp vào đầu. Trước khi bỏ đi, gã đàn ông buông lời xúc phạm chủng tộc với Kari cùng câu mắng "mày không thuộc về nơi này".
Hai ngày sau, cảnh sát xác định Brandon Elliot, 38 tuổi, là kẻ thực hiện vụ tấn công. Elliot lập tức bị bắt vì tình nghi phạm tội Hành hung và tội Thù ghét - chế định pháp luật nhằm bảo vệ nhóm người thiểu số ở Mỹ.
Brandon Elliot, nghi phạm hành hung người phụ nữ gốc Á, trong video do camera giám sát ghi lại hôm 29/3. Ảnh: New York Post.
Tội Thù ghét (còn gọi là tội Định kiến ) là những tội danh thông thường như giết người, hành hung, phá hoại tài sản... nhưng có thêm yếu tố định kiến, thường là định kiến với nhóm người thiểu số. Một người sẽ phạm tội Thù ghét khi động cơ thúc đẩy họ gây án là định kiến về chủng tộc, tôn giáo, xu hướng tính dục, hoặc sắc tộc của nạn nhân. Ở một số bang, định kiến còn có thể bao gồm giới tính, tuổi tác, khuyết tật... Người phạm tội Thù ghét sẽ đối diện hình phạt nặng hơn so với mức bình thường.
Luật quy định về tội phạm thù ghét được chính quyền liên bang và 47 bang ở Mỹ lần lượt thông qua bắt đầu từ những năm 1980, khi các nhà hoạt động xã hội bắt đầu gây sức ép để yêu cầu cơ quan lập pháp công nhận vai trò của định kiến trong những hành vi bạo lực mà nhóm thiểu số phải hứng chịu. Hiện, chỉ ba bang là Arkansas, South Carolina, và Wyoming không có luật pháp quy định về tội thù ghét.
Để bị nhận định là tội thù ghét, các vụ tấn công phải có động cơ xuất phát từ định kiến bị cấm. Công tố viên phải thuyết phục được thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn rằng nạn nhân bị tấn công vì chủng tộc, tôn giáo, xu hướng tính dục, hoặc các đặc điểm khác được pháp luật bảo vệ của họ.
Vì thế, việc khởi tố nghi phạm về tội Thù ghét có thể biến vụ án vốn bình thường trở thành vụ án tương đối phức tạp đối do rất khó để chứng minh bị cáo gây án do định kiến. Điều này có thể khiến công tố viên do dự khi tiếp nhận những vụ án chưa nắm chắc phần thắng.
Các lực lượng chấp pháp thường chật vật khi xác định tội thù hận và truy tố nghi phạm. Dù 47 bang có luật thù hận, 86,1% cơ quan chấp pháp của nước Mỹ không ghi nhận có tội thù hận xảy ra trên địa bàn phụ trách trong năm 2019, theo số liệu mới nhất do FBI thu thập. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát cũng không được huấn luyện đầy đủ trong việc phân loại và xác định tội.
Khó khăn nhà chức trách gặp phải có thể được thấy sau vụ xả súng hàng loạt do Robert Aaron Long, nam thanh niên da trắng 21 tuổi, thực hiện nhắm vào các tiệm spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia vào ngày 16/3, khiến 8 người chết. Vì 6 trong 8 nạn nhân của Long là phụ nữ gốc Á, nhiều người muốn hắn bị khởi tố dưới luật quy định về tội Thù ghét tại bang Georgia.
Robert Aaron Long sau khi bị bắt. Ảnh: Reuters.
Nhưng sau khi Long bị bắt, cảnh sát cho biết nghi phạm thừa nhận hành vi nhưng phủ nhận gây án vì lý do chủng tộc. Thay vào đó, Long khai bị "nghiện tình dục" nên thực hiện vụ xả súng để loại bỏ "cám dỗ". Điều này khiến nhà chức trách chưa thể đưa ra kết luận về động cơ thật sự đằng sau vụ xả súng.
Tuy vậy, tội Thù ghét vẫn có thể được truy tố thành công. Tháng 10/2020, Maurice Diggins, 37 tuổi, bị tòa liên bang kết tội Thù ghét và phạt 10 năm tù sau khi đấm vỡ hàm một người quốc tịch Sudan tại bang Maine trong khi vừa hét những câu xúc phạm chủng tộc.
Bên cạnh Mỹ, một số quốc gia trên thế giới cũng quy định phạm tội vì định kiến là tình tiết tăng nặng cho bị cáo như Canada, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển,...
Dư luận Mỹ đánh giá cao các biện pháp của Nhà Trắng đối phó hành vi bạo lực vào người Mỹ gốc Á Giới luật sư và các nhà lập pháp người Mỹ gốc Á đã hoan nghênh Nhà Trắng về hàng loạt hành động nhằm giải quyết tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á gia tăng sau vụ xả súng tại thành phố Atlanta khiến 6 phụ nữ người Mỹ gốc Á thiệt mạng. Người dân tham gia tuần hành phản đối...