“Tỷ phú” chăn trâu với cuộc sống… lang bạt kỳ hồ
Không nhà cửa, cuộc sống của ông Tời gắn liền với đàn trâu 30 con của mình từ nhiều năm nay. Trâu đi tới đâu, ông Tời theo tới đó. Nhiều người hay đùa khi nhắc tới ông, đây là tỷ phú không nhà cửa đầu tiên ở Sài Gòn.
Những ai thường đi ngang qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 sẽ dễ dàng bắt gặp người đàn ông với dáng người thấp đậm, cứ bám sát đàn trâu, luồn lách bên trong các bãi lau sậy. Đó là ông Văn Đức Tời (52 tuổi, quê Nghệ An), người sống đời du mục nhiều năm nay ở các vùng ven sông Sài Gòn.
Để thoát nghèo, ông Tời cùng vợ và 4 người con từ quê Nghệ An vào Bình Dương làm thuê, kiếm sống qua ngày. Những ngày ở vùng đất mới, ông Tời làm đủ thứ nghề từ bốc vác, chăn nuôi heo… nhưng vẫn không đủ nuôi các con. Được người quen giới thiệu, ông Tời qua Campuchia mua những con trâu gầy ốm, về vỗ béo bán lại kiếm lời.
Kể từ ngày gắn liền với nghề chăn trâu, cuộc sống ông Tời nay đây mai đó không cố định. Lúc thì ông lùa trâu ra khu ngoại thành quận 9, khi lại lùa đàn trâu ra khu vực ven sông Sài Gòn nơi có nhiều cây cỏ.
Tài sản quý giá nhất của người đàn ông 52 tuổi là đàn trâu, nên đêm xuống ông thường phải đi kiếm củi đốt lửa để tránh muỗi cho chúng. “Người thì sao cũng được, chứ trâu mà ốm là lo lắm, lỡ có chuyện gì là mất trắng”. Ông Tời chia sẻ.
Không có chỗ ở nên ông Tời cũng không quan trọng chuyện tắm giặt, tiện đâu có nước sông là ông tắm đại cho xong. “Nhiều hôm trâu đi xa chỗ ở nhà dân, nên tôi cứ nhảy xuống sông mà tắm, thấy không bị sao nên cũng quen”. Ông Tời cười đùa.
Ban ngày lùa trâu đi ăn, ông Tời thường ghé các quán cơm bụi ven đường ăn cho xong buổi. Tối, ông quen người bạn làm công trường ở gần đấy nên góp gạo ăn cùng cho vui.
Video đang HOT
Ngoài đàn trâu là tài sản quý giá, ông Tời còn có con mèo đã theo ông mấy năm nay. “Con mèo này nó khôn lắm, tôi đi tới đâu là nó cứ bám riết tới đó không chịu rời”. Người đàn ông 52 tuổi tâm sự.
Ống cống trong khu công trường quận 2 là “nhà” để ông Tời ngả lưng mỗi đêm. “Muỗi nhiều lắm, mỗi đêm phải đốt 4 cây nhang muỗi, mỗi cây 2 nghìn đó chú”. Ông thật thà chia sẻ.
Khu quận 2 không có hoa màu, chỉ cây cỏ và lau sậy nên ông Tời không sợ trâu phá. Tranh thủ lúc đàn trâu đang nghỉ trưa, ông Tời tất tả lội xuống ruộng cắt ít cỏ làm thức ăn tối cho chúng.
Cuộc sống hơi vất vả, nhưng ông Tời cảm thấy vui vẻ vì không phải phụ thuộc vào ai.
Vốn là dân quê nên ông Tời biết rành nhiều cách để sống hòa thuận với thiên nhiên, ông sắm bộ lưới để đánh cá ở các kênh rạch khi ông đi qua, để làm thực phẩm.
“Mấy năm trước, kênh ở đây nhiều cá lắm, tui bắt được cả rổ cá lớn đem cho người dân sống quanh đây. Giờ công trình mọc lên nhiều nên cá cũng ít đi, mỗi bữa “quăng lưới” chỉ bắt được một vài con, đủ ăn qua bữa thôi”. Ông Tời tâm sự.
Hiện tại, con cái ông Tời đều lớn và đã có công việc ổn định nên ông không phải lo lắng nhiều. Cứ nửa năm ông đem bán đàn trâu, lấy vốn rồi đi qua Campuchia mua tiếp lứa khác về nuôi. Cuộc sống của ông cứ gắn liền với con trâu, với cuộc sống lang bạt kỳ hồ như thế.
Quang Nguyễn
Theo Dantri
Cuộc sống du mục của người đàn ông chăn trâu giữa Sài Gòn
Ngày đi chăn trâu, tối về ngủ trong ống cống, tắm nhờ các lán trại công trình và bắt cá làm bữa ăn, cứ vậy ông Văn Đức Tời (52 tuổi) sống nhiều năm qua ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Nằm bên bờ sông Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) đang dần thành hình. Đại công trình vẫn còn ngổn ngang với nhiều khu đất trống, cỏ mọc rậm rạp là nơi thích hợp để ông Văn Đức Tời (52 tuổi, quê Nghệ An) thả đàn trâu gần 30 con.
Ông Tời cùng gia đình đã chuyển vào thị xã Dĩ An (Bình Dương) sinh sống. Ông có 4 người con, cả 3 người đã lập gia đình. Trước kia ông nuôi heo nhưng không có lời nên 5 năm nay chuyển sang nuôi trâu. "Tôi thường sang Campuchia mua những con trâu gầy, bé về vỗ béo để bán lại", ông cho biết.
Ở thành phố không trồng hoa màu, lại nhiều khu đất công trường rộng cỏ mọc um tùm như quận 2 là điểm thích hợp để ông Tời thả trâu bò.
Hàng ngày, ông chỉ việc thả trâu đi ăn dạo, đến chiều thì dắt về ở bãi đất trống công trình. Những lúc rảnh, ông đi cắt thêm cỏ ngon cho đàn trâu ăn.
Để "tăng gia sản xuất", những lúc trâu thong thả nhai cỏ, ông còn đi nhặt sắt vụn. "Ở khu Thủ Thiêm có khá nhiều sắt do người ta thi công còn sót lại, mình nhặt được về tích lũy bán", ông nói.
Sống kiểu du mục, tài sản quý của ông là những con trâu hàng chục triệu. Còn vật "bất ly thân" là ca nước lúc nào cũng có đá, ông thường xuyên mang theo. "Có chiếc điện thoại 'đập đá' pin tắt nguồn suốt. Còn cái xe máy để lâu lâu về thăm nhà thì lúc nào cũng phải khóa kỹ, tôi bị mất xe một lần rồi", ông Tời chia sẻ.
Ông kể, cứ dăm bữa bảy ngày lại đi ra các vũng nước trũng, hố công trình giăng lưới bắt cá. Có ngày ông thu được hàng chục ký cá. Có bữa nhiều quá, ông mang ra đường bán.
Đến chiều tối, ông tự kiếm củi đốt lửa vừa để giữ ấm cho trâu và ngăn muỗi đốt. Ông cho biết, không làm chuồng nhưng ở khu vực này, thả rông trâu bò cả đêm cũng không ai bắt mất.
Cứ nửa năm ông bán một lứa, sau khi trừ từ tiền lãi vay mượn để mua trâu thì lãi được vài chục triệu. "Lứa này có được mấy con nghé do bầy trâu đẻ được nên cũng tạm ổn", ông vừa nói vừa vuốt ve con nghé.
Cả ngày lang thang bên ngoài, đến tối gặp chòi nào của công nhân công trình ở khu đô thị là ông xin vô tắm.
Gần như cả công nhân ở đại công trình đều biết đến "ông Tời chăn trâu". Ông kết thân với chú Bảy, làm bảo vệ công trình và góp tiền nấu cơm mỗi tối. Còn ban ngày, ông chủ đàn trâu ăn cơm bụi.
5 năm qua, cuộc sống của ông gần như gắn bó với những bãi cỏ, công trình ngổn ngang ở bán đảo Thủ Thiêm. Việc chăn thả trâu buộc ông phải sống kiểu du mục, nay đây mai đó. Chỗ ngủ của ông khi thì là lán trại của công nhân công trình, lúc lại là ống cống. "Ngủ ở đây nhiều muỗi lắm nên tôi phải đốt nhang. Nhưng trước giờ chỉ đúng một lần bị sốt rét, sức khỏe tôi vẫn tốt lắm", ông chia sẻ.
Hỏi về gia đình, ông tâm sự: "Vợ con cũng khuyên tôi về nhà mà sống chứ lang bạt kỳ hồ làm gì. Nhưng tôi thấy sống vậy cũng thoải mái, con cái lớn rồi nên không phải lo lắng. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi vẫn làm tiếp. Bữa nào nhớ nhà quá thì chạy về, chỉ cách vài chục km thôi", ông nói.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Phòng trọ nước ngập gần 1m, dân ôm gối ra gầm cầu ngủ Nhiều người dân thuê trọ trên đường Lương Định Của (quận 2, TPHCM) phải ôm đồ tháo chạy ra khỏi nhà vì nước ngập sâu cả mét. Nước ngập khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. 3 ngày nay, nhiều hộ dân thuê trọ trên đường Lương Định Của (phường An Phú, quận 2, TPHCM) rất khốn...