Tỷ lệ người Nga ủng hộ Putin tăng kỷ lục
Một cuộc thăm dò vào tháng 3 cho thấy tỷ lệ người Nga ủng hộ Putin tăng kỷ lục, bất chấp những khó khăn kinh tế trong nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Itar Tass
Theo kết quả đợt thăm dò ý kiến công bố ngày 13/3 do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Xã hội toàn Nga thực hiện, 88% số người được hỏi tán thành với những hành động, chính sách của Tổng thống Vladimir Putin. Đây được xem là mức cao kỷ lục trong những năm giữ cương vị tổng thống của ông Putin.
Ngoài ra, 65% số người tham gia cuộc điều tra cũng bày tỏ sự tin tưởng nhà lãnh đạo. 1/6 trong số này cho rằng thành tựu chính của ông chủ Điện Kremlin là giúp ổn định tình hình đất nước. Số khác đánh giá cao việc ông xây dựng, củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế.
“Không một lãnh đạo quốc gia nào có mức tín nhiệm trên 60% trong hơn 15 năm liền như vậy. Những số liệu này lại hoàn toàn không phải dàn xếp”, nhà nghiên cứu Alexei Levinson từ trung tâm thăm dò dư luận độc lập Levada nhận xét.
Câu hỏi vì sao tỷ lệ ủng hộ ông Putin thường xuyên cao luôn khiến giới chính trị gia cũng như học giả phương Tây cảm thấy khó hiểu. Các chuyên gia Nga hôm 30/3 tìm cách giải thích lý do người dân Nga giành sự ái mộ đối với tổng thống trong một cuộc hội thảo tổ chức ở thủ đô Moscow. Họ đi đến kết luận: bất chấp những bất ổn trong thời gian qua, người Nga vẫn ủng hộ lãnh đạo vì cảm thấy ông Putin đủ khả năng và đang cố gắng bảo vệ dân chúng khỏi những mối đe dọa ở cả trong và ngoài nước, đồng thời khiến họ tự hào về quốc gia và chính bản thân mình, theo Moscow Times.
Biểu tượng đoàn kết
Video đang HOT
Người dân tham gia tuần hành ủng hộ Tổng thống Putin tại thủ đô Moscow hồi cuối tháng hai. Ảnh: China News
Một số nhà phân tích tại Levada đánh giá ông Putin chính là “biểu tượng đoàn kết” của dân tộc Nga. Niềm tin họ đặt vào ông không gắn liền với những biến động diễn ra trong đời sống như tỷ lệ lạm phát, tình trạng suy thoái kinh tế hay việc giá đồng rúp liên tục giảm.
Trong 15 năm nắm quyền lực chính trị ở Nga, ông Putin đã đáp ứng nhiều ưu tiên khác nhau của đại bộ phận dân chúng. Vào những năm 2000, xã hội Nga có một bước đại nhảy vọt về tiêu thụ. Đời sống người dân được nâng cao khiến họ vơi dần lo lắng về việc phải vật lộn để duy trì cuộc sống thường nhật.
Năm 2011, người Nga bắt đầu quan tâm hơn tới sự phát triển trong dài hạn, mong muốn chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao. Nhưng những đòi hỏi này chưa được thỏa mãn khiến một số thất vọng. Cuối năm 2013, nhiều chỉ tiêu xã hội có chiều hướng xấu đi. Người dân phần nào cảm thấy mất niềm tin vào tương lai và cho rằng đất nước đang bước vào giai đoạn đình trệ, theo kết quả điều tra của Trung tâm Levada.
Viễn cảnh ảm đạm này chấm dứt vào đầu năm 2014. Thế vận hội mùa đông Sochi diễn ra đồng thời Crimea sáp nhập vào Nga khiến tinh thần đoàn kết trong người dân tăng cao, sự ủng hộ đối với tổng thống vì thế được củng cố.
Theo ông Levinson, dân chúng Nga nhìn nhận Tổng thống Putin không chỉ như một lãnh đạo mà còn là người chịu trách nhiệm cho những khía cạnh tinh thần trong đời sống của họ. Ông Putin là hình ảnh đại diện cho nhà nước và bản sắc dân tộc.
Mặt khác, những chỉ trích từ báo chí phương Tây hay lệnh trừng phạt giáng lên Moscow cuối cùng chỉ khiến người Nga gắn bó hơn với tổng thống, ông Levinson nhấn mạnh. “Xã hội Nga bắt đầu đoàn kết lại để đối phó với thế giới bên ngoài. Việc cảm thấy bị những thế lực thù địch phong tỏa chỉ khiến lòng khao khát tình đoàn kết dân tộc của người Nga trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết”, ông nhận xét.
Ông Lev Gudkov, giám đốc Trung tâm Levada, cũng tin rằng quá trình sáp nhập với Crimea và những hệ quả từ cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine khiến người dân thay đổi suy nghĩ và thái độ với chính quyền. Trong và sau khi Crimea trở về với Nga, “hành xử của tổng thống luôn phù hợp với những gì phần đông dân chúng mong đợi”, ông Gudkov bình luận.
Ông Alexey Mukhin, giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị Nga, cũng cho rằng lệnh cấm vận của phương Tây và sức ép từ bên ngoài khiến người dân gia tăng ủng hộ tổng thống bởi họ cảm thấy cần có sự bảo vệ của lãnh đạo.
Bên cạnh đó, trong 15 năm qua, ông Putin đã nhiều lần đưa Nga thoát khỏi khủng hoảng. Thực tế này khiến người Nga tin tưởng ông có thể giải quyết mọi khó khăn của đất nước.
Ông Putin “đã nếm trải cuộc chiến tranh Chechnya, vượt qua khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009, nơi mọi thứ tưởng chừng như sẽ sụp đổ. Điều này khiến người dân hy vọng ‘có lẽ tổng thống đang nắm giữ một giải pháp bí mật nào đó’”, ông Alexei Makarkin, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Chính trị, trụ sở ở Moscow, nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Dmitriyev, thành viên Ủy ban Sáng kiến Công dân, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin luôn cho thấy cách suy nghĩ về nền kinh tế của người dân Nga. Hai biến số này hiện không đồng nhất. “Nếu yếu tố khủng hoảng Ukraine không còn hay những xung đột đóng băng, rất có thể tỷ lệ ủng hộ tổng thống sẽ giảm mạnh, đưa nó trở về phản ánh đúng thái độ của người dân trước thực trạng nền kinh tế”, ông Dmitriyev nói.
Tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin qua các năm. Đồ họa: Trung tâm Levada
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật thấp trước khi giải tán Hạ viện
Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Shinzo Abe đang ở mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức và hơn một phần ba số cử tri cho rằng các chính sách kinh tế của ông sẽ thất bại, ngay trước thời điểm giải tán Hạ viện vào hôm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.
Chỉ có 39% số người được hỏi trong một khảo sát do nhật báo Asahi Shimbun tiến hành hôm 18 và 19/11 nói họ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe, giảm 3% so với cuộc khảo sát tiến hành hồi đầu tháng, Reuters cho hay. Tỷ lệ không ủng hộ Abe là 40%. Tuy nhiên, nhiều cử tri nói họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông Abe hơn là phe đối lập.
Thủ tướng Abe hôm 18/11 tuyên bố giải tán Hạ viện vào ngày 21/11 để tiến hành bầu cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 14/12. Theo khoạch trước đó, phải tới năm 2016 cuộc bầu cử mới được tổ chức.
Ông Abe hy vọng có thể củng cố lại quyền lực khi phe đối lập suy yếu và trước khi tỷ lệ ủng hộ tiếp tục giảm.
Một khảo sát của hãng tin Kyodo còn cho thấy gần hai phần ba số cử tri không hiểu tại sao lại tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga không quan trọng hóa kết quả khảo sát. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể giải thích cho người dân hiểu", ông Suga phát biểu trong một cuộc họp báo.
Thủ tướng Abe nói ông sẽ từ chức nếu liên minh của ông, chiếm hai phần ba số ghế tại hạ viện, không thể thắng đa số.
Ông Abe lên nắm quyền từ tháng 12/2012 với cam kết khôi phục tăng trưởng bằng cách phối hợp chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chi tiêu và cải cách. Trong khi đó, số liệu công bố hôm 17/11 cho thấy kinh tế Nhật Bản trong quý III rơi vào suy thoái do ảnh hưởng từ đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4.
Lần tăng thuế thứ hai lên 10%, nằm trong kế hoạch kiềm chế mức nợ công khổng lồ của Nhật Bản, dự kiến áp đặt vào tháng 10/2015 cũng đã được hoãn lại 18 tháng. Ông Abe cho rằng các chính sách kinh tế của mình là "con đường đi duy nhất". Tuy nhiên, 30% người tham gia khảo sát của Asahi cảm thấy Abenomics, chính sách kinh tế cho ông Abe khởi xướng, sẽ thành công và có 39% có quan điểm ngược lại.
Như Tâm
Theo VNE
Chiến dịch chống tham nhũng tạiTrung Quốc: Tỉ lệ quan chức, viên chức tự tử tăng 30% Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng ở Trung Quốc đang khiến tỉ lệ viên chức tự tử tăng cao hẳn vì lo sợ mất cả danh lẫn tiền. Chiến dịch chống tham nhũng tạiTrung Quốc: Tỉ lệ quan chức, viên chức tự tử tăng 30% Từ 'hổ' đến 'ruồi' đều 'sống trong sợ hãi' Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng...