“Tuýt còi” văn bản trái luật phải thật khách quan vì có thể “đụng chạm” lợi ích
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng việc kiểm tra văn bản của các bộ ngành, địa phương có thể “đụng chạm” lợi ích nhiều ngành, nhiều cấp nên về nghiệp vụ chuyên môn phải rất thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba.
- Nhìn lại kết quả kiểm soát văn bản năm 2016, ông thấy những dấu ấn nào lớn nhất và hạn chế nào cần khắc phục trong năm 2017?
- Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 có những chuyển biến tích cực đã được ghi nhận trong báo cáo tổng kết Ngành Tư pháp năm 2016. Tại Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, năm 2016 đã tiến hành kiểm tra hơn 3.000 văn bản, tăng 35% so với năm 2015, trong đó gồm khoảng 800 văn bản cấp Bộ, 2.000 văn bản của địa phương; phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung (tăng 145% so với năm 2015).
Hoạt động kiểm tra tập trung vào các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính; môi trường đầu tư kinh doanh, bám sát và kịp thời hơn với thực tiễn ban hành văn bản của các cơ quan cấp Bộ và địa phương.
Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật đã góp phần tích cực bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.
Cũng cần nói thêm rằng, ở góc độ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thì việc phát hiện ra nhiều văn bản “có vấn đề” là kết quả, là niềm vui của chúng tôi. Vui vì mình đã phát hiện ra những văn bản không phù hợp, kịp thời ngăn chặn, hạn chế được những tác động tiêu cực đến xã hội, người dân.
Từ góc độ trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước thì đó cũng trăn trở của những người làm công tác pháp luật, làm sao để trong công tác xây dựng, ban hành văn bản sẽ không còn những văn bản pháp luật sai, phải “tuýt còi”, phải xử lý.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác kiểm tra văn bản năm 2016 vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục như: Hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản của cả nước (tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, trong đó hạt nhân đầu mối là Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp) chưa kiểm soát được đầy đủ, toàn diện và kịp thời về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản do các Bộ, ngành, địa phương ngay sau khi ban hành. Việc xử lý văn vản trái pháp luật trong một số trường hợp chưa kịp thời, có trường hợp phát sinh hậu quả.
Video đang HOT
Còn có việc văn bản trái pháp luật được xử lý chưa đúng hình thức xử lý theo quy định. Việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Năm 2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã “tuýt còi” quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET của Bộ Giao thông vận tải và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
- Năm nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có những kênh nào để nắm bắt sớm và nhanh nhất những văn bản trái luật, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp nhằm kịp thời “tuýt còi”?
- Tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi đang tích cực triển khai các giải pháp trong Đề án này. Trong đó, tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; tập trung vào các lĩnh vực như: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ điều ước quốc tế để thúc đẩy tiến trình hội nhập. Tiến tới bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật đều được kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản.
Chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những trường hợp nội dung văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích của nhà nước và xã hội; theo dõi sát, đôn đốc quyết liệt việc xử lý văn bản trái pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương sau khi thông báo, kiến nghị. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xảy ra văn bản có sai phạm.
Theo quy định, 3 ngày sau khi ban hành văn bản, cơ quan ban hành phải gửi văn bản đó đến cơ quan kiểm tra văn bản để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên việc chấp hành quy định này của một số cơ quan, đơn vị thời gian qua còn chưa nghiêm. Chính vì thế chúng tôi đã chủ động tiếp cận và thực hiện kiểm tra văn bản trên cơ sở các nguồn thông tin khác nhau, trong đó không thể không kể đến các thông tin từ báo chí.
Có thể khẳng định rằng báo chí là một kênh thông tin rất hữu hiệu, bởi vì hơn ai hết các phóng viên và cơ quan báo chí có khả năng thông tin nhanh nhạy về mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Qua thông tin báo chí, Cục Kiểm tra văn bản đã kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, đáp ứng được yêu cầu của công luận và sự mong chờ của người dân, tổ chức.
- Nhiều ý kiến cho rằng nếu Cục Kiểm tra văn bản vào cuộc sớm hơn, quyết liệt hơn thì có thể đã ngăn chặn được “tác hại” của nhiều văn bản trái luật gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp?
- Chúng tôi nhận thức sâu sắc về yêu cầu này và luôn ưu tiên tập trung nguồn lực để khẩn trương kiểm tra, kiến nghị xử lý các văn bản trái pháp luật ngay sau khi văn bản được ban hành, nhất là những trường hợp văn bản có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao vấn đề này.
Như trên tôi đã nói, cùng với hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản của cả nước, thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản đã kiểm tra một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật. Trung bình mỗi năm, Cục thực hiện kiểm tra khoảng 3.000 – 4.000 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời nhiều văn bản trái pháp luật. Việc kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật đã góp phần nhất định bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.
Tuy nhiên, một phần do số lượng văn bản do các Bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều, mặt khác kiểm tra văn bản có thể “đụng chạm” lợi ích nhiều ngành, nhiều cấp; về nghiệp vụ chuyên môn phải rất thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Vì vậy, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng chúng tôi vẫn có thiếu sót, còn để xảy ra một số việc chậm; còn có những văn bản trái pháp luật chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa thực sự quyết liệt đôn đốc để cơ quan ban hành văn bản xử lý kịp thời trước khi văn bản có hiệu lực.
Ở mức độ tối ưu, việc xử lý văn bản trái pháp luật cần được thực hiện trước khi quy định phát sinh hậu quả, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, tập trung nguồn lực để kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hơn nữa các văn bản trái pháp luật, đáp ứng yêu cầu của xã hội, người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
"Tuýt còi" 124 văn bản trái luật trong năm 2016
Trong báo cáo vừa gửi tới Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2016 Bộ này đã phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, tuy nhiên không có văn bản nào là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tình trạng chép lại nội dung của luật, pháp lệnh đã được khắc phục.
Bộ Tư pháp kịp thời tuýt còi quy định trái luật về đổi giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa ký văn bản báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.
Theo đó, năm 2016, Bô Tư phap đa thâm đinh 151 dự án, dự thảo văn ban quy phạm pháp luật; cho ý kiến thâm đinh, đề nghị không quy định hoặc xem xét về tính hợp pháp, hợp lý của 678/783 thủ tục hành chính, trong đó đề xuất không cần thiết ban hành 141 thủ tục hành chính, đề nghị sửa đổi 537 thủ tục hành chính.
Kiểm tra trên 3.000 văn bản của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tư pháp bước đầu phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, tuy nhiên không có văn bản nào là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Trong số các văn bản bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" trong năm 2016, được chú ý nhất là Thông tư số 58/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET vì "không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất", "tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".
Qua kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhận thấy chất lượng của văn bản quy định chi tiết đã từng bước được nâng lên; tình trạng chép lại nội dung của luật, pháp lệnh đã được khắc phục.
Tuy vậy còn nhiều dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như Luật biểu tình, Luật ban hành quyết định hành chính, Luật quốc phòng (sửa đổi), Luật chứng thực, Luật về máu và tế bào gốc, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Công an xã. Có dự án thuộc Chương trình năm 2017 phải xin lùi thời hạn trình như Luật cạnh tranh (sửa đổi), Luật bảo vệ bí mật nhà nước, mặc dù Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua và mới được triển khai.
"Việc tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong một số trường hợp chưa nghiêm. Có văn bản soạn thảo, ban hành không theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam). Có dự án luật vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; trình Chính phủ cho ý kiến mặc dù chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp"- Bộ Tư pháp nêu rõ.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật tuy đã được kiện toàn một bước song vẫn còn hạn chế về số lượng, thiếu tính chuyên nghiệp. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản ở một số nơi còn chưa nghiêm. Một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tăng cường công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết như yêu cầu về việc trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh, nếu có nội dung giao quy định chi tiết.
Tình trạng luật, pháp lệnh đã được ban hành nhưng các cơ quan vẫn lúng túng trong việc rà soát, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, dự kiến phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, xác định thời hạn xây dựng, trình ban hành văn bản,...
Chính vì thế, Bộ Tư pháp kiến nghị trong năm 2017 phải kiểm điểm, có hình thức xử lý trách nhiệm thích hợp đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản không bảo đảm chất lượng.
Thế Kha
Theo Dantri