‘Tuýt còi’ hàng chục văn bản trái luật
Sở Tư pháp TP.HCM là nơi kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng và được Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) đánh giá cao.
Đó là con số được đưa ra tại tọa đàm công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 30-9.
Theo ông Tạ Minh Thành, Phó phòng Công tác tư pháp khác (Bộ Tư pháp), sáu tháng đầu năm các Sở Tư pháp phía Nam đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.095 văn bản, tự kiểm tra 320 văn bản.
Qua kiểm tra đã phát hiện 29 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung ban hành, 43 văn bản sai về hình thức, kỹ thuật trình bày. Qua đó cơ quan kiểm tra đã chủ động trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản để rút kinh nghiệm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Công tác rà soát kiểm tra luôn gắn với những quy định gần gũi với người dân và sự phát triển kinh tế, cải cách hành chính của các địa phương như các văn bản liên quan đến Luật Công chứng, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Một số nơi công tác này được tiến hành đồng bộ, tích cực, tạo sự thống nhất về cơ chế chính sách góp phần hoàn thiện pháp luật. Sở Tư pháp TP.HCM là nơi mà công tác kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng và được Cục Công tác phía Nam đánh giá rất cao.
Cũng theo ông Thanh, mặt hạn chế là công tác kiểm tra chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng chưa xử lý. Cơ chế để khắc phục hậu quả các văn bản trái pháp luật như đề xuất biện pháp xử lý cơ quan ban hành sai chưa nghiêm khắc, mới chỉ dừng ở phê bình, nhắc nhở, trong khi hậu quả văn bản trái luật khá lớn. Có khi mới chỉ tập trung rà soát về hiệu lực của văn bản mà chưa chú ý đến nội dung. Hầu hết các tỉnh phía Nam chưa xây dựng cơ sở dữ liệu rà soát văn bản
Nguyên nhân chủ quan có nhiều nhưng nổi bật ba vấn đề chính: Tinh thần trách nhiệm của cơ quan ban hành chưa cao; nhân sự kiểm tra còn mỏng; cơ sở kỹ thuật hạ tầng về công nghệ thông tin chưa hiện đại. Về khách quan thì các bộ, ngành, địa phương đang có xu hướng ngày càng ban hành nhiều loại văn bản.
Việc kiểm tra còn sợ đụng chạm lợi ích nhiều ngành nhiều cấp, việc xác định tình trạng pháp lý của văn bản còn khó khăn do chưa tuân thủ về kỹ thuật trình bày. Kinh phí hỗ trợ cho công tác rà soát còn hạn chế, nhân sự mỏng…
Video đang HOT
Toàn cảnh tọa đàm
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết trong nửa năm qua cơ quan này đã chủ động kiểm tra văn bản do HĐND, UBND TP ban hành, phát hiện 11 văn bản có dấu hiệu trái luật và đã đề xuất hướng xử lý.
Kiểm tra theo thẩm quyền thì Sở đã tiến hành 18 văn bản do các quận, huyện gửi lên, phát hiện năm văn bản có dấu hiệu vi phạm. Tham mưu cho UBND TP rà soát có 194 văn bản của HĐND, UBND hết hiệu lực trong năm 2015, đang tiếp tục trong năm 2016..
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Phú yên thì cho biết trong năm 2015 và tám tháng năm 2016 Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên đã kiểm tra được 104 văn bản do UBND và HĐND tỉnh ban hành, đã kiến nghị xử lý ba văn bản. Kiểm tra theo thẩm quyền ở cấp huyện 184 văn bản, xử lý 18 văn bản, phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra 73, phát hiện tới 32 văn bản không phù hợp.
Bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng địa phương đang gặp khó trong việc việc kiểm tra các văn bản hành chính cá biệt chứa đựng quy phạm pháp luật. Bởi luật không có quy định cơ quan ban hành loại văn bản này phải gửi lên cấp trên nên Sở Tư pháp khó tiếp cận, chỉ khi nghe dư luận nói có vấn đề thì mới kiểm tra.
Vì thế phải có cách kiểm tra khác như theo địa bàn và chuyên đề hoặc lồng ghép vào nội dung kiểm tra khác như kiểm tra cải cách hành chính. Bà Dung cũng kiến nghị Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cần tăng cường kiểm tra các văn bản ở cấp trung ương như thông tư, nghị định. Vì việc chậm phát hiện văn bản có lỗi sẽ ảnh hưởng đến vai trò của người gác cửa văn bản, thực tế khoảng ba năm trở lại đây nhiều văn bản cấp trung ương, tránh tình trạng khi báo chí vào cuộc thì Cục mới biết.
Cục cũng chưa có biện pháp xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan ban hành những văn bản đã bị “thổi còi” mà đã gây ra hậu quả lớn.
THANH TÙNG
Theo PLO
Cần xem xét vụ 'mời đúng quy trình' như bắt cóc
1. Cho dù người có thẩm quyền nói vụ "mời" ông Lê Hồng Phong (xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận) là "đúng quy trình" thì người dân vẫn tưởng đây là một vụ bắt cóc.
Bởi sự việc xảy ra ngay trước cổng trường mầm non, vào đầu giờ học, với diễn biến bất thường, không có dấu hiệu nào để người dân nhận biết yếu tố công vụ ở đây.
Theo thông tin trên nhiều báo, lúc ấy ông Phong lái ô tô chở con gái bốn tuổi vừa đến cổng trường thì bất ngờ có một chiếc xe bảy chỗ áp sát. Lập tức nhiều người trên xe này tiến đến khống chế ông Phong và cháu bé đưa ra ngồi ghế sau rồi người khác cầm lái chở cha con ông chạy về hướng TP.HCM...
Sự việc diễn ra khiến ban đầu Công an thị xã La Gi, Công an tỉnh Bình Thuận tưởng đây là một vụ bắt cóc nên đã huy động lực lượng vào cuộc để truy bắt, bảo vệ "con tin". Cuối cùng, công luận được thông tin lại rằng ấy là Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang thực hiện chuyên án đúng quy trình.
2. Đã có người lên tiếng cho rằng đây chỉ là mời ông Phong đi làm việc. Trời ạ, mời cái kiểu gì mà xung quanh ai cũng nghĩ đây là một vụ bắt cóc!
Mặc dù từ triệu tập theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là gọi, mời nhưng khi nhận giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, người dân (không phải là bị can/bị cáo) đã thấy khó chịu rồi. Vì từ triệu tập nghe cứ như là ra lệnh vậy. Bởi theo phép lịch sự trong giao tiếp, khi muốn mời ai đó thì người mời phải gửi giấy mời trước hoặc có lời nói, cử chỉ khi mời phải lịch sự, tử tế. Khi đó, người được mời cảm thấy mình thực hiện lời mời một cách tự nguyện, trong danh dự.
Đằng này, người ta đang đưa con đi học thì bị khống chế đưa đi mà bảo là mời! Cái kiểu mời "đúng quy trình" gì mà lạ lùng, quái đản vậy?! Nói mời như thế thì liệu có ai tin nổi không, hay đây chỉ là lời biện minh vụng về!
Còn nếu nói đây là vụ bắt người (để thực hiện công vụ) thì phải xét xem nó có đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS hay không. Điều 6 BLTTHS 2003 quy định: "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang". Ông Phong không phạm tội quả tang, không đang bị truy nã, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp. Vì vậy nếu không có lệnh bắt giữ thì hành vi của các công an quận Hai Bà Trưng là sai luật.
Còn nếu có lệnh bắt tạm giữ, tạm giam thì việc bắt giữ đó cũng phải tuân thủ trình tự nghiêm ngặt theo khoản 2 Điều 80 BLTTHS. Đó là: "Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú thì phải có đại diện chính quyền xã, phường... và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến".
Rõ ràng đối chiếu với quy định của luật, việc bắt người như thế là sai.
3. Trẻ em như búp trên cành. Đứa trẻ bốn tuổi không đủ sức chịu đựng khi phải chứng kiến cảnh cha cháu bị công an khống chế, bắt giữ. Nếu các công an quận Hai Bà Trưng chỉ phạm một sai lầm là khống chế, bắt giữ ông Phong trước mặt con ông đã là nghiêm trọng lắm rồi. Vậy mà ở đây họ lại bắt theo cả đứa trẻ bốn tuổi, để cháu nó phải chứng kiến những điều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.
Cứ giả dụ việc bắt hoặc mời ông Phong là cần thiết cho công vụ (dù việc làm ấy sai luật như đã nói) thì việc để cháu bé phải đi cùng cha là điều quá bất thường. Điều này ngoài việc tổn hại đến cháu, nó còn có thể gây áp lực buộc ông Phong phải khai báo sai sự thật. Bất cứ lời biện minh nào trong trường hợp này - chẳng hạn vì làm theo yêu cầu của ông Phong - cũng không thể chấp nhận được.
Hành vi bắt giữ cháu bé và cả ông Phong - cha cháu đã có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS.
Nếu ông Phong vi phạm pháp luật hình sự thì ông phải bị xử nghiêm nhưng phải đúng quy trình của BLTTHS. Tương tự, nếu các công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi sai luật thì cũng phải bị xem xét, xử lý đúng quy trình. Muốn vậy, thiết nghĩ Cục Điều tra VKSND Tối cao cần sớm vào cuộc.
PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
Theo PLO
Vướng trong định giá 116 trứng vích VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng trứng vích là sản phẩm của động vật nhưng không định giá được nên không thể xử lý hình sự người trộm trứng. Ngày 22-8, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết viện này đã có văn bản trả lời công văn thỉnh thị của VKSND huyện Côn Đảo liên quan đến vụ trộm 116 trứng...