Tuyệt kỹ săn mật ong rừng siêu độc đáo của người ARem
Giữa cuộc sống chốn thâm sơn cùng cốc, người ARem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có những kỹ năng sinh tồn với rừng rất độc đáo, trong đó việc lấy mật ong rừng của họ đã đạt đến trình độ… tuyệt kỹ.
Thợ săn ong “siêu phàm”
Sống giữa vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nên việc phát nương làm rẫy đối với người ARem (một nhóm của dân tộc Chứt) là rất hạn chế. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào việc nhận bảo vệ rừng di sản đổi lấy gạo ăn và nghề săn mật ong rừng.
Thắt cây rừng và trèo lên cây để lên lấy mật ong. Ảnh: P.P
Người ARem miềng khi nào lấy mật ong cũng chừa lại một phần tổ. Để lại như rứa để đàn ong vẫn còn có nhộng, có mật để tiếp tục sinh sôi, không bỏ rừng này mà bay đi, để sang năm người ARem vẫn còn cái mật ong để lấy. Đó cũng là cách mà người ARem bảo tồn ong trong tự nhiên”. Già làng ARem Đinh Rầu
Ở xã Tân Trạch, mỗi người đàn ông ARem đều được coi là một thợ săn ong siêu hạng, nhưng “siêu phàm” nhất phải kể đến Đinh Rầu – một già làng uy tín của người ARem. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng được già làng Đinh Rầu cho đi theo trong một chuyến luồn rừng săn mật ong đầy kỳ thú giữa rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Đinh Rầu năm nay đã ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn như một con thú hoang giữa đại ngàn. Đặc biệt, già làng Đinh Rầu còn là người lưu giữ được các phương thức bảo vệ bí truyền của người A Rem. Đi với ông không lo đau ốm, không lo thú dữ tấn công, vì ông biết hàng ngàn cây thuốc quý trong rừng, biết thủ thuật “thổi” để chữa bệnh và thuật “hấp hơi” để ngăn thú dữ không thể tấn công con người.
Theo già làng Đinh Rầu, mùa săn mật ong rừng của người ARem thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Bây giờ đang là tháng 7, nghĩa là đã vào cuối mùa săn mật ong rừng của người ARem. Đồ nghề mà ông Đinh Rầu mang theo là chiếc gùi đựng một ít vật dụng cần thiết mang sau lưng; một con dao đi rừng mang bên người và nắm cơm muối bữa trưa cho mọi người. “Hôm nay có cán bộ báo đi theo nên miềng chỉ đi trong ngày, chứ mọi khi phải chuẩn bị thêm nhiều thức ăn để đi nhiều ngày tìm ong rừng” – già Đinh Rầu nói.
Những tầng ong mật người A Rem vừa lấy được. Ảnh: P.P
Già làng Đinh Rầu kể rằng, năm 2014, người ARem ở Tân Trạch bất ngờ tiếp đón một số anh em Pa Kô ở núi rừng A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Người Pa Kô phát hiện những cái cây khổng lồ có hàng trăm tổ ong, nhưng cách bắt ong của họ không an toàn trên cây cao nên mới ra nhờ người A Rem vào lấy giùm…
Già làng Đinh Rầu dẫn chúng tôi xuyên rừng đi về một con suối lớn. Ông bảo đây là Rục Cà Roòng, nơi ngày xưa người ARem đã từng sống trong các hang đá trước khi về định cư ở bản như bây giờ. Già làng Đinh Rầu giải thích: “Muốn biết con ong hắn làm tổ ở đâu, người thợ săn ong phải bắt đầu từ những khe nước. Ở đó, những con ong thợ sẽ ra lấy nước, thợ săn ong sẽ theo dấu những con ong đó mà tìm ra tổ ong. Đây là công việc quan trọng nhất, quyết định thành bại những chuyến đi lấy mật của người thợ săn mà người ARem gọi là “vèn ong”, tức là cách tìm tổ ong”.
Video đang HOT
Theo già làng Đinh Rầu, con ong rất khôn, khi lấy nước xong không bay thẳng về tổ mà nó sẽ bay vòng vèo để đánh lạc hướng “kẻ thù”. Có con lấy nước xong, quay đầu chui vô bụi, chờ một lát mới chui ra bay thật cao về tổ, đây là ong già đầy kinh nghiệm. Ngược lại, ong mới ra ràng (ong tơ), thường bay chậm, nhưng lại la cà đâu đó một lát rồi mới chịu về nhà.
Chúng tôi đi men theo con suối Rục Cà Roòng, đến một đoạn suối có bờ cát mịn, nước chảy êm, thoáng có mấy chú ong bay xẹt xuống lấy nước, ông Rầu bảo chúng tôi dừng lại nghỉ, còn mình thì thoăn thoắt leo tót lên một cây cao độ 10m ngay bờ suối. Những chú ong mật lấy nước xong bay lên cao, Đinh Rầu định thần nhìn theo. Con ong bay theo vòng xoáy ốc, lên cao quá ngọn cây rồi dong thẳng. Đinh Rầu tụt xuống gốc, bảo chúng tôi, tổ ong ở hướng tây nam, cách đó chừng 1km theo đường chim bay. Chúng tôi theo chân Đinh Rầu, vén cây xuyên rừng mà đi.
Đúng như Đinh Rầu nói, cách con suối chừng 1km, một tổ ong mật to tướng treo lơ lửng trên một cành cây săng lẻ cao hơn 20m. Thế nhưng, đến bên gốc cây, Đinh Rầu lại lắc đầu. Chúng tôi nghĩ chắc ông Đinh Rầu nhìn cây quá cao, khó lấy mật trên tổ, nhưng ông bảo, tổ ong này đã có chủ. “Thằng Đinh Khinh đã tìm được nó trước rồi, đã đánh dấu ở cội cơn (cây) rồi, e hắn mắc chi mà chưa lấy đó” – Đinh Rầu nói.
Theo già làng Đinh Rầu, có một quy tắc bất thành văn là khi một người đã nhìn thấy tổ ong nhưng chưa khai thác, vì tổ ong đang nhỏ chưa có mật, hoặc bận việc gì khác thì người đó chỉ cần đánh dấu ở gốc cây. Những người ARem đi sau khi nhìn thấy gốc cây đã được đánh dấu sẽ tự biết tổ ong đó đã có chủ sở hữu và không khai thác nữa. Nếu khai thác sẽ bị cho là ăn trộm, dù rằng cái cây đó nằm giữa rừng hoang và với người ARem, họ không bao giờ làm việc đó vì đó là cấm kỵ, là nguyên tắc sống truyền đời của người ARem…
Kỹ nghệ lấy mật “thót tim”
Chúng tôi phải trở lại dòng suối, lại phải thực hiện các bước như nêu trên, cuối cùng già làng Đinh Rầu cũng phát hiện một tổ ong mới khá lớn đóng trên cây lội cao gần 30m, cách dòng suối 1,5km.
Lần này tổ ong vẫn chưa có ai đánh dấu. Phát hiện ra tổ ong, ông Đinh Rầu thoăn thoắt đi lấy dây rừng, sau đó cứ khoảng 1m ông buộc một nút vào thân cây (người ARem gọi là đày), buộc từ cội cây cho đến tổ ong. Đây chính là cái thang để người thợ leo lên đánh mật. Theo Đinh Rầu, có nhiều tổ ong đóng ở trên cây cao, phải làm từ 30 – 40 đày mới tới tổ. Làm xong đày, Đinh Rầu lại đi tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi quanh bên ngoài để đốt lên không ra lửa mà ra khói, gọi là “trái khói”. Xong, Đinh Rầu vai mang theo cái gùi (để đựng mật), tay cầm trái khói chậm rãi leo lên cây.
Gần đến nơi, Đinh Rầu mới thong thả nổi lửa châm “trái khói”, huơ huơ về phía tổ ong. Cả người ông Đinh Rầu và tổ ong bị một làn khói trắng bao bọc. “Say” khói, đàn ong rời tổ, bay ra dày đặc. Lúc này tổ ong hiện ra màu vàng rực và sực nức mùi hương quyến rũ của mật. Đinh Rầu cẩn thận lấy dao cắt từng mảng tầng ong đầy mật, nhộng cho vào gùi. Ông không cắt hết cả tổ mà chừa lại tổ ong và giải thích: “Để lại như rứa để đàn ong vẫn còn có nhộng, có mật để tiếp tục sinh sôi, không bỏ rừng này mà bay đi, để sang năm người ARem vẫn còn cái mật ong để lấy. Đó cũng là cách mà người ARem bảo tồn ong trong tự nhiên…”.
Theo ông Đinh Rầu, lấy mật ong ở trên cây với người ARem chỉ là công việc dễ dàng. Có những đàn ong lấy những hốc đá cao trên lèn làm tổ nhưng người ARem vẫn có thể đàng hoàng lấy được. Gặp những tổ ong như thế sẽ phải leo lên đỉnh lèn, từ đó dùng dây rừng bện thành dây đu tụt xuống, đu dây vào lấy mật.
Săn mật ong rừng thì người dân vùng núi dọc dãy Trường Sơn nơi nào cũng làm. Nhưng có lẽ cái cách lấy mật ong đến tuyệt kỹ như người ARem quả thật rất hiếm.
Theo Danviet
Nghề săn mật ong rừng U Minh Hạ
Giờ đi cắt mật ong bắt đầu từ 5 đến 8h sáng, theo giải thích của thợ săn, lúc đó, cây còn sương đêm nên khó bắt lửa, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát.
Hàng năm khoảng tháng hai trở đi, người dân ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) lại tất bật chuẩn bị bước vào mùa gác kèo ong. Không chỉ để kiếm tiền, đây còn là mùa để những tay thợ rừng trình diễn tài nghệ và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề.
"Ăn ong là nghề ông cha tôi để lại, nó hình thành ngót trăm năm qua ở miệt này. Các con của tôi rồi cũng sẽ tiếp tục bám rừng mà sống", ông Dư Văn Kiến - tay ăn ong (người thợ vào rừng tìm đến tổ ong do chính mình gác kèo để cắt mật) giàu kinh nghiệm ở rừng U Minh Hạ - vừa nói vừa cùng cậu con trai luồn lách vào rừng bắt đầu hành trình một ngày ăn ong.
Xơ dừa được đốt lên để xua đuổi đàn ong. Ảnh: Phúc Hưng
Ông Kiến khẳng định nghề này không phải ai muốn làm cũng được. Nó đòi hỏi người thợ phải có đầy đủ kinh nghiệm, am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn thua nhau của cánh thợ rừng là việc chinh phục đàn ong về làm tổ trên kèo (cây để ong làm tổ) của mình và phân định thắng bại dựa vào số lượng mật kiếm được trong mùa.
Con trai lớn ông Kiến có hơn 5 năm theo cha vào rừng cho biết,để có được mùa ong thắng lợi, người thợ rừng phải chuẩn bị các công đoạn hết sức chu đáo. Kèo ong được làm bằng cây tràm, cây cau hoặc cây đủng đỉnh, sau đó phơi khô. Kèo dài từ 1,5 đến 2 m, cách đẽo kèo tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ mà nó có hình dáng khác nhau.
Người dân U Minh Hạ chia việc ăn ong thành hai mùa. Mùa ong hạn với số lượng mật nhiều, chất lượng mật tốt. Mùa ong nước bắt đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là giai đoạn cây tràm trổ bông lần thứ hai, mưa nhiều.
Ông Kiến cho biết, với kinh nghiệm đi rừng của ông, những đàn ong sẽ chọn điểm có nhiều sậy, cây tràm thấp và trổ bông để làm tổ. Gác kèo ong ở những vị trí như thế là tốt nhất. Người thợ rừng phải gác đầu kèo lên cây tràm cao khỏi đầu người hướng về mặt trời mọc, đầu kia gác với cây nạng sao cho kèo xiên khoảng 45 độ, đủ ánh nắng buổi sáng hoặc chiều chiếu vào.
Theo thợ săn này, con ong rất kén chọn, nó không thích làm tổ ở nơi rợp bóng cây và ở những nơi ẩm thấp bao giờ mật cũng có vị chua. Vì vậy, trong mùa ăn ong, người thợ rừng thu được số lượng mật nhiều hay ít còn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người. Người có tay nghề cao, khi gác kèo, ong đóng tổ từ 70 đến 90%.
"Thường thời gian để cho ong làm tổ là 40 ngày nhưng có người chỉ mới gác kèo buổi sáng thì buổi chiều nó đã đóng tổ. Bí quyết và kinh nghiệm hơn nhau giữa những người thợ rừng là ở chỗ đó", ông Kiến nói.
Khi lấy kèo ong, người thợ rừng chỉ cắt một phần tổ để nuôi đàn ong con. Ảnh: Phúc Hưng
Giờ đi ăn ong bắt đầu từ 5 đến 8h sáng, theo giới thợ giải thích, lúc đó, cây còn sương đêm nên khó bắt lửa, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát. Họ mang theo đuốc (xơ dừa) để xua đuổi đàn ong, khăn trùm mặt làm bằng lưới lỗ nhỏ để tránh việc bị ong đốt, dao cắt mật, can loại lớn để đựng mật. Khi lấy mật, người thợ chỉ cắt một phần tổ, chừa lại một phần cho ong non phát triển.
Lấy mật xong, thợ rừng rút đi, bầy ong bay trên đầu lại trở về tổ cũ, tiếp tục xây tổ. Đến kỳ, thợ rừng lại đến hun khói lấy mật. Trung bình mỗi kèo ong có thể thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 lít mật, sau đó bầy ong mới bỏ đi.
"Tập quán con ong khi lớn lên là tách đàn và mỗi đàn là một tổ ong mới tiếp tục cho mật. Mật ong rừng tràm tự nhiên ở U Minh là tốt nhất. Đầu mùa mật có màu vàng, gần cuối mùa màu hơi sậm và cuối mùa có màu hơi đen", ông Kiến cho biết.
Tuy nhiên, cánh thợ ăn ong cũng không ít phen chạy "vắt giò lên cổ" do bị "ong đánh", hay khi đối đấu với những con rắn độc ở chốn "rừng thiêng nước độc". Ông Lê Văn Tư, một thợ rừng có hơn 40 năm trong nghề cho biết, việc thợ rừng bị ong đốt vài chục mũi trong ngày là chuyện xảy ra như cơm bữa.
"Có khi gặp đàn ong hung hãn, anh em chúng tôi phải bỏ lại đồ nghề chạy theo hướng ngược gió để lánh nạn. Có lúc mọi người đụng độ heo rừng, rắn hổ mây... Tùy vào trường hợp mà người thợ rừng xử lý theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo tính mạng. Do sự nguy hiểm này, nên mỗi nhóm ăn ong thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ cho nhau trong mọi tình huống", ông Tư nói.
Giới thợ rừng khẳng định, tuy kinh nghiệm và bí quyết của từng người khác nhau, không ai chỉ bảo ai nhưng giữa họ có một điểm chung là yêu quý và bảo vệ rừng tràm để cho từng đàn ong về làm tổ, nuôi sống gia đình.
Chính vì điều này mà cánh thợ rừng ở U Minh Hạ đã tập hợp lại thành một nhóm, gọi là tập đoàn phong ngạn. Từng thành viên trong tập đoàn này được phân chia một khu vực rừng để gác kèo ong. Họ có trách nhiệm bảo vệ rừng trên khu vực được giao, không xâm phạm lãnh địa của người khác. Đó là quy định chung của người phong ngạn có từ thời kỳ chống Pháp đến nay.
Phân chia từng loại mật. Ảnh: Phúc Hưng
Bình quân mỗi hộ gác kèo thu được 350 lít mật ong, cá biệt có gia đình thu trên 1.000 lít mật trong một năm, với giá bán mỗi lít mật từ 100.000 - 150.000 đồng. Mật ong U Minh từ lâu trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe.
Phúc Hưng
Theo VNE
Săn mật ong rừng ở miền Tây Nghệ An Để thu được những tổ ong rừng, những thợ săn bất chấp nguy hiểm leo lên những cây cao hàng chục mét, hoặc bám vào những hốc đá để chọc các tổ ong. Thợ săn mật ong rừng ở rừng miền núi phía Tây (Nghệ An) cho biết địa điểm có nhiều mật ong tập trung ở khu rừng các xã Hạnh Dịch,...