Tuyệt kỹ luyện trâu chọi
Thức ăn của trâu chọi ngoài cỏ voi, rơm, cây ngô, còn phải bổ sung mật mía, lúa xay nát, thuốc B1 và cả bia. Để kích trâu sung và hăng, chủ phải luyện các thế võ cho trâu như hổ lao, móc mắt và cáng hầu.
Được khôi phục từ năm 2002, cứ đến ngày 16-17 tháng giêng âm lịch hằng năm tại xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) lại diễn ra lễ hội chọi trâu. Đó vừa là dịp để các “ông cầu” phô diễn sức mạnh và cũng là nơi để các chủ trâu thi thố kinh nghiệm luyện trâu.
Thường sau khi kết thúc lễ hội là dân săn trâu Hải Lựu lại cắp tay nải lên Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú Thọ và thậm chí vào cả miền Trung để tìm mua trâu. Sở dĩ dân Hải Lựu thích trâu ở những nơi đó vì có nhiều đồi núi, trâu thường được sử dụng để kéo gỗ nên rất khỏe.
Anh Hán Văn Quyết, một chủ luyện trâu chọi, cho biết trâu có rất nhiều nhưng để chọn được con đủ tiêu chuẩn rất khó. Một trâu đẹp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn như mình dài và to, lông đen tuyền, sừng hướng tiền, chân to, mắt nhỏ và nhô nom tựa ốc loa, móng khép, đuôi chấm kheo… Trâu có 2 hai thiều giữa trán là tốt. Đặc biệt, trâu càng già tuổi thì càng tốt vì càng già thì độ lỳ lớn và rất dai sức.
Để xác định tuổi trâu, dân săn căn cứ vào răng. Nếu trâu trên 10 tuổi thì răng tròn, còn dưới 10 tuổi răng có nhiều cạnh. Kỷ lục ở Hải Lựu chú trâu cao tuổi nhất tham gia lễ hội chọi trâu là 20 tuổi.
Trước ngày hội chính, anh Quyết cho trâu vào sới chọi để quen sân và dợt cùng trâu khác. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
Chú trâu của anh Quyết mua tại xã Tân Lâm (Bắc Quang, Hà Giang) được chủ cũ nuôi từ lúc 2 răng (tức khi trâu bắt đầu làm được) và dùng để kéo cát. Khi đến tay anh trâu đã 17 tuổi. Trên cặp sừng của nó chi chít những vết xước, có hai vết thủng dài bằng đốt ngón tay, vết tích của những trận chiến với trâu khác.
Trâu chọi được chăm sóc hoàn toàn khác với trâu thường, vì cần một chế độ thức ăn để đạt được sức khỏe tốt nhất. Nhưng tuyệt đối không được dùng trâu để kéo cày. Thức ăn của trâu chọi ngoài cỏ voi, rơm, cây ngô, còn phải bổ sung thêm mật mía, lúa xay nát, thuốc B1 và thậm chí một số chủ còn cho trâu uống cả bia. Chú trâu của anh Quyết từ khi về đến giờ đã xơi hết gần 3 tạ mật mía.
Mỗi buổi sáng, anh Quyết thức dậy từ 5h30 để cho trâu tập chạy tăng thể lực, rồi cho chạy dưới ruộng bùn để tăng độ dai, lỳ. Những ngày hè nóng nực thì phải mở quạt để làm dịu không khí, khi trời lạnh thì phải quây kín để giữ ấm cho trâu. Nhưng dù mùa đông hay mùa hè đều cần phải tắm đều đặn vì trâu rất thích tắm. Nhất là những khi trâu đằm xong thì cần được tắm sạch sẽ.
Video đang HOT
Bản tính trâu chọi rất hung dữ, đặc biệt là khi được chăm sóc đầy đủ thức ăn nên sẽ rất sung. Khi nhìn thấy đối thủ, trâu có thể chọi đến chết. Nên bất cứ mỗi khi trâu đi ra khỏi nhà, chủ trâu phải quan sát trước sau cẩn thận mới dám dắt đi. “Để kích trâu sung và hăng, các chủ có thể dợt trâu bằng cách cho chúng nhìn mặt nhau”, anh Hán Văn Dũng, một tay thợ luyện trâu Hải Lựu chia sẻ.
Nhìn thấy nhau sẽ kích thích bản chất hung hãn của trâu, nhưng lại không được chọi. Tích lũy lâu trong người, trâu sẽ rất hăng. Mỗi lần dợt xong, anh Dũng lại cho trâu ra bãi đất, càng những nơi bằng phẳng càng tốt để cho trâu húc.
Trong lúc trâu húc, những đặc tính, khả năng của trâu như thế nào chủ có thể phát hiện được để luyện. Đồng thời, việc này giúp trâu quen cúi đầu thấp, một thói quen cực kỳ lợi trong các cuộc chiến vì dễ che được mắt và thuận lợi để tung ra các đòn hiểm vào mắt, hầu đối phương.
Khi đã sung sức, chủ mới bắt đầu luyện võ cho trâu. Các chiêu võ của trâu chọi thường được chủ áp dụng là “hổ lao”, móc mắt và cáng hầu. Trong các chiêu võ của trâu chọi, chiêu “hổ lao” là đơn giản nhưng cũng là chiêu hy sinh. Chỉ cần chủ thả chạc và thúc vào sườn là trâu sẽ lao thật nhanh từ xa tới đối phương.
Sức mạnh của chiêu này có thể khiến các chú trâu vỡ đầu. Nếu trâu nào thắng cuộc thì trận sau sẽ thi đấu giảm sút do những chấn thương. Cho nên giới chủ trâu thường sử dụng chiêu này khi gặp phải những đối thủ quá mạnh hoặc trong những trận đấu quyết định. Với chiêu móc mắt và cáng hầu, tuy không “nốc ao” được đối thủ ngay, nhưng do đánh vào chỗ hiểm nên sẽ dễ dàng vật ngã đối phương, thời gian của trận chiến sẽ kéo dài hơn.
Luyện võ cho trâu bằng cách húc mô đất. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
Với cặp sừng bái hậu, ngọn sừng hướng tiền, chú trâu của anh Quyết chuyên đánh chiêu cáng hầu. Khi cáng vào hầu, mang tai, trâu sẽ ép sườn vào đối phương để vật, hoặc chẹn hầu khiến đối phương nghẹt thở. Để trâu phát huy được lối đánh, khi buộc bao giờ anh cũng buộc trạc thấp để trâu cúi đầu. Mãi thành quen, vào trận trâu cúi đầu thấp, dễ phòng thủ nhưng lại thuận lợi tấn công đối phương.
“Cách đánh này giúp trâu giữ được thể lực lâu hơn, khi bắt được cáng thì tức nó giữ đối phương ngạt thở lâu, buộc đối phương phải lùi lại để tháo cáng, nếu lùi lại sẽ mất miếng và trâu của mình sẽ có cơ hội tấn công tiếp”, anh Quyết nói.
Đối với những trâu nhát nơi đông người, chủ phải tập trung đông người đánh chiêng chống, mặc áo sặc sỡ để trâu dạn với tiếng ồn, nơi đông người. Những ngày gần đến hội chính, các chủ thường dắt trâu đi dạo trong sới chọi để làm quen với sân bãi. Để khi vào trận đấu thực sự, trâu không còn bỡ ngỡ.
“Cao thủ” Nguyễn Văn Thơm, chủ trâu đạt giải nhất năm 2012 chia sẻ: “Sau khi cúng trình báo thần linh, tránh việc thay đổi chủ khiến trâu ảnh hưởng tâm lý, chủ khi dắt trâu vào sới cũng cần có kinh nghiệm để giúp trâu tránh được những đòn hy sinh của đối phương”.
Ở Hải Lựu, sau khi kết thúc giải, toàn bộ số trâu đem chọi sẽ được mổ thịt dù là thắng hay thua. Anh Quyết mỗi khi nhắc đến việc này đều nhỏ lệ. “Mình gắn bó, gần gũi và chăm sóc trâu nên tình cảm gắn bó giữa người và trâu rất thân thiết. Trâu hình như nó cũng biết, lắm khi mình thấy nó cứ như đang buồn”, anh Quyết nhìn về phía chú trâu của mình đang tắm dưới dòng sông Lô nói.
Theo VNE
Làng mật mía xứ Thanh đón Tết
Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía Đồng Trạ (Thanh Hóa) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cận Tết, dân làng tất bật sản xuất để kịp ra lò hàng nghìn tấn mật phục vụ người dân.
Với người dân miền Trung, đặc biệt là ở Thanh Hóa, mật mía không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán. Sản phẩm thường được dùng để nấu món chè tiễn ông Táo về trời, để chấm bánh chưng hay làm bánh gai, bánh trôi...
Vào những ngày này, khắp các ngả đường dẫn về thôn Đồng Trạ (xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) tấp nập xe cộ của thương lái từ Nghệ An, Hòa Bình, Hà Nội... đến lấy hàng. Các lò nấu mật chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất phục vụ Tết. Tiếng máy nổ nghiền, ép mật mía hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê. Nhiều thôn, xã quanh vùng đang rầm rộ thu hoạch mía để làm nguyên liệu cho làng Đồng Trạ.
Mía làm mật chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ ba zan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm nên độ đường rất cao. Ảnh: Lê Hoàng.
Khi tiết trời heo may, mía bắt đầu thu hoạch thì mùa ép mật ở Đồng Trạ bắt đầu (thường vào tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tháng 2 năm sau). Anh Hà Văn Chuyên, một chủ lò mật chia sẻ, mật mía ở Đồng Trạ có những khác biệt mà ở nơi khác không có được. Ở đây mía chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ ba zan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm, độ đường rất cao.
Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Công đoạn vất vả nhất là ép mía. Người làng kể, mươi năm trước khi chưa có sự trợ giúp của điện và máy móc công nghiệp, việc ép mía rất cực nhọc. Ngoài dùng sức người, bà con còn phải dùng trâu, bò để kéo trục quay ép mía lấy nước. Từ khi có người sáng chế ra máy nghiền mía, công việc này đỡ vất vả hơn nhiều.
Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Chị Trần Thị Nguyệt, người có kinh nghiệm lâu năm, cho biết sau khi ép mía là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quan trọng nhất là giữ lửa tlò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.
"Người nấu phải luôn đảo liên tục sao cho thật đều tay. Khi nồi mật bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, để bị trào thì mật sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nào thấy nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được. Khi đó cho nồi xuống, múc mật đổ vào chậu nhôm hoặc thùng thảng cho tản bớt nhiệt rồi đóng thành can nhựa hoặc vào chai xuất cho khách hàng", chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo chị Nguyệt, việc đảm bảo mật vừa sáng, vừa thơm ngon, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thì chỉ những người trong nghề nấu mật mới nắm rõ. Để kiểm tra mật mía có chất lượng hay không thì hiện vẫn chưa có thiết bị đo lường chất lượng mà tất cả bằng thủ công.
Việc nấu thành phẩm là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Ảnh: Lê Hoàng.
Vào những ngày này, khách đến các gia đình nấu mật ở Đồng Trạ sẽ được uống mật pha với nước chè. Nhà nào cũng chuẩn bị một ấm nước chè chát để khoản đãi khách ghé mua hàng. Vị chan chát của chè kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị rất hấp dẫn.
Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu được giữ lại làm kẹo hoặc bánh ong mời khách ngày Tết. Bã mía sau khi ép kiệt nước sẽ được tận dụng làm chất đốt và bán cho các nhà máy giấy. Ngoài ra, bã mía còn dùng làm thức ăn cho trâu bò những ngày Tết do không thể chăn thả ngoài đồng.
Ông Đinh Văn Lợi, chủ lò mật lớn ở Đồng Trạ cho biết, sản phẩm một phần được tiêu thụ tại chỗ, còn chủ yếu được thương lái các tỉnh thu mua rồi bán lại cho cơ sở sản xuất bánh kẹo và xuất sang Lào. "Bán tại nhà mỗi lít mật giá 20.000-25.000 đồng, bán lẻ ngoài thị trường còn cao hơn. Hộ làm mía mỗi vụ trừ chi phí, có thể thu lãi 20-40 triệu đồng. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía thu nhập cao hơn nhiều", ông Lợi nói.
Ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong cho biết, hiện cả thôn Đồng Trạ có vài chục lò làm mật, mỗi năm ép được khoảng 3.000 tấn mật mía. Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho cả trăm thanh niên trong làng. "Mật mía ở địa phương thơm ngon nên được ưa chuộng. Mấy năm gần đây, nhờ sản xuất công nghiệp, quy mô lớn mà đời sống của bà con ngày một cải thiện", ông Vường chia sẻ.
Theo VNE
Trấn áp giang hồ sông nước, thu 4 súng và nhiều dao kiếm Ngày 4.12, Cục CSĐT về trật tự xã hội (C45)- Bộ Công an cho biết, trên địa bàn dọc tuyến sông Lô ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ hiện có hàng chục công ty, cá nhân tham gia khai thác cát, sỏi nên việc tranh chấp trong khai thác cát trên sông diễn ra gay gắt. Tàu khai thác cát, sỏi trên sông Lô...