‘Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều mà không xét nghiệm kịp’
“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Sáng 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai các giải pháp phòng chống, dịch bệnh.
Tập trung chấn chỉnh công tác xét nghiệm
Báo cáo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sau cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 4/7, thành phố đã phân công người trao đổi với các địa phương trong vùng, tính toán làm sao để đảm bảo lưu thông hàng hóa; đồng thời, kiểm soát người qua lại chặt chẽ để không lây lan mầm bệnh.
Thành phố cũng phân cấp, phân quyền tối đa cho các cấp từ thành phố trở xuống. Ông nhấn mạnh quan trọng là điều phối, phối hợp phân công rạch ròi, quá trình thực hiện sẽ kiểm tra, uốn nắn, trao đổi thường xuyên.
Đặc biệt, TP.HCM đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu… Tất cả bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1 ngăn chặn lây lan ra xã hội.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM đang chấn chỉnh công tác xét nghiệm. Ảnh: HMC.
Về quản lý cách ly, hiện nay, công suất một số nơi đang hết và TP.HCM đang tìm vị trí khác nhằm đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Quân đội được giao phụ trách phần lớn khu cách ly tập trung. Đồng thời, thành phố cũng đang thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Ông Nên cũng cho biết thành phố đã triển khai kế hoạch hỗ trợ, thay ca cho các đơn vị tuyến đầu vì lực lượng này đang “mệt mỏi, chiến đấu đuối sức”, đặc biệt là y tế, công an. Đồng thời, thành phố có kế hoạch nhận số quân tăng cường khi cần thiết.
Video đang HOT
“Vừa qua, cánh quân Hải Dương vào phối hợp, tổ chức, gắn kết chưa tốt nên để xảy ra dư luận không cần thiết trong xã hội. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm nhanh và không để những trường hợp như vậy diễn ra nữa”, Bí thư Nên nói.
Về vấn đề tiêm vaccine, Bí thư Nên cho biết tổ mua và tiêm của đang lên kế hoạch chuẩn bị khi có vaccine về, tính toán các kịch bản tiêm, đối tượng tiêm ưu tiên lần này cũng khác với lần trước; đồng thời, khắc phục hạn chế nhược điểm, thiếu sót đã gặp phải trong đợt tiêm quy mô lớn vừa qua.
Bí thư khẳng định thành phố đang chuẩn bị các khâu cần thiết để đảm bảo an toàn trong tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh THPT. “Nếu có nguy cơ cao không đảm bảo an toàn sẽ có quyết định phù hợp”, ông cho hay.
Cuối cùng, Bí thư Nên cho biết TP.HCM đang huy động các hệ thống y tế cộng đồng, y tế tư nhân để tham gia xét nghiệm. Ông đề nghị ngành y tế khi huy động lực lượng liên quan đến chuyên môn phải có quy định, hướng dẫn rõ ràng, không để xảy ra sơ hở, gây ảnh hưởng đến người dân.
Không lấy mẫu xét nghiệm “chạy theo số lượng”
Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP.HCM đang đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1.
Ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng một giờ sau khi phát hiện F0 phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao. TP.HCM tăng giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Hiện, 9/15 khu công nghiệp của thành phố đã phát sinh các ca mắc Covid-19, các ổ dịch có số lượng ngày càng lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách nhằm xét nghiệm nhanh và đúng thời gian.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã tập huấn cho hơn 100 tổ kiểm tra an toàn các khu công nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng tốc độ hoạt động còn chậm. Ông đề nghị thành phố đôn đốc triển khai các tổ này để đảm bảo an toàn nhà máy, khu công nghiệp. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại thành phố và UBND TP.HCM đã thống nhất phương án cách ly trường hợp F1 tại nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định công tác đảm bảo an toàn cho khu công nghiệp tại TP.HCM còn chậm. Ảnh: Duy Hiệu.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TP.HCM.
Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.
“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, đối với người dân có nhu cầu đi lại, thành phố phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân. Lãnh đạo TP.HCM cho biết những ngày qua do có nhiều đơn vị tham gia xét nghiệm nên việc kết nối dữ liệu chưa được nhuần nhuyễn, nhưng tình trạng này đã được khắc phục.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.209 ca mắc mới, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao…
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.
Bộ Y tế đề xuất Bình Dương thí điểm cách ly F1 tại nhà
Bộ Y tế đề xuất Bình Dương triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, tại doanh nghiệp/ký túc xá doanh nghiệp (nếu có điều kiện) để sẵn sàng áp dụng khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực Đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã ký công văn về việc Đề xuất thực hiện các biện pháp bổ sung công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương.
Theo đó, Bộ Y tế đánh giá, tại tỉnh Bình Dương có nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh được thực hiện cách ly y tế tập trung. Trong đó có nhiều trường hợp là các ca bệnh liên quan đến các khu công nghiệp (KCN) tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn trong các KCN và cộng đồng.
Đoàn công tác của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế kiểm tra công tác chống dịch tại Bình Dương.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà
Để giảm áp lực cho Sở Y tế, CDC tỉnh phục vụ cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác về phòng chống dịch COVID-19, Bộ phận Thường trực Đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chịu trách nhiệm điều hành quản lý toàn diện các khu cách ly tập trung. Các đơn vị y tế chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ về chuyên môn y tế, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch, khảo sát để mở rộng các khu cách ly tập trung khi có các ca F1 số lượng đông.
Bộ Y tế đề xuất Bình Dương triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, tại doanh nghiệp/ký túc xá doanh nghiệp (nếu có điều kiện) để sẵn sàng áp dụng khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã triển khai tập huấn, hướng dẫn cho Sở Y tế, CDC và Trung tâm y tế cấp quận, huyện về công tác phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đồng thời cũng đã chuyển giao phần mềm quản lý các khu cách ly tập trung trên toàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc thành lập các Tổ giám sát phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tuyến tỉnh và Tổ giám sát tuyến huyện. Mỗi khu cách ly phải đảm bảo yêu cầu thực hiện việc kiểm tra giám sát 1 lần/ngày. Giao bộ phận cụ thể kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong các khu cách ly tập trung.
Đối với công tác điều trị, Bình Dương cần rà soát máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị COVID-19 (máy ECMO, máy thở...) để bổ sung kịp thời trong trường hợp dịch bùng phát quy mô lớn. Kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu dự phòng thành lập cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng nằm tại khu ký túc xá trường đại học, cao đẳng để dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.
Thí điểm doanh nghiệp tự thực hiện test nhanh
Đối với phòng, chống dịch trong các KCN, tỉnh Bình Dương cần thành lập 100 tổ/đoàn (3-4 người/đoàn) triển khai hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch cho các KCN và các doanh nghiệp lớn ngoài KCN. Yêu cầu trong vòng 5 ngày thực hiện xong hướng dẫn, đánh giá an toàn cho các doanh nghiệp và tái kiểm tra 1 tuần/lần để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài KCN.
Bộ Y tế cũng đề nghị thí điểm doanh nghiệp tự triển khai test nhanh COVID-19 cho công nhân và giao CDC hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp. Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần trong thời gian có dịch.
Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm quản lý giám sát, truy vết công nhân và triển khai tại toàn tỉnh Bắc Giang hiệu quả, theo đó, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Thông tin truyền thông liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang để nhận phần mềm, nghiên cứu áp dụng quản lý công nhân, truy vết khi có xuất hiện ca F0 trong KCN. Chỉ đạo việc thành lập tổ an toàn COVID trong các doanh nghiệp. Mỗi 1 phân xưởng/tổ/bộ phận sản xuất phải có 1 tổ an toàn COVID hàng ngày đi kiểm tra giám sát thực hiện 5K trong phân xưởng.
Đề nghị các doanh nghiệp xem xét việc bố trí tối thiểu 20%-50% công nhân ăn ở và làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi có ca F0 trong doanh nghiệp.
Phó thủ tướng: 'Nếu dịch xâm nhập vào Đồng Nai sẽ cực kỳ khó khăn' Theo Phó thủ tướng, Đồng Nai nằm sát TP.HCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có giao thương lớn với Bình Dương nên nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ "cực kỳ khó khăn". Nhận định này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra trong cuộc họp...