Tuyệt chiêu trị bệnh lười của các ông chồng
“Em tiện tay thì làm luôn hộ anh nhé”, “Bẩn một tí có sao đâu”, “Cứ để đấy mai anh làm”… là những câu chống chế quen thuộc của các ông chồng ngại việc nhà.
Lấy chồng, người phụ nữ nào cũng mong có một điểm tựa bình an và gia đình luôn vui vẻ, nhưng không phải ai cũng được như ý muốn. Có người lấy phải ông chồng bạo hành, cũng có người thì cưới chồng nay cờ bạc mai rượu chè, lại có người gặp ông chỉ quen thói ăn sẵn, nghĩa là chẳng muốn làm bất cứ việc gì, phó mặc hết cho vợ.
Lười có thể là một thói quen nhưng chúng ta có thể cải tạo được anh xã nếu để ý câu nói và có phương pháp phù hợp để “trị” thói lười biếng của chồng.
Làm gì cơ?
Đây là câu nói khá thường xuyên của anh xã mỗi khi vợ phàn nàn về việc chồng không chịu giúp mình. Về đến nhà là chàng cắm đầu vào laptop hoặc TV. Chàng chẳng còn biết đến con cái và cơm nước ra sao, mặc cho bạn tối mắt tối mũi với đống công việc không tên. Chàng thờ ơ với mọi việc nhà, như thể đó không chuyện của mình.
Bạn muốn chàng làm việc cùng mình, nhưng bạn dễ mắc sai lầm giống nhiều bà vợ khác là hay phàn nàn dài dòng. Chẳng hạn: “Nhà cửa thì bừa bộn, con chẳng chịu ăn, quần áo để bốc mùi lên chưa kịp giặt, bếp thì bẩn… Sao anh cứ ngồi yên đấy mà cũng chịu được, dậy đi làm đi”. Chàng sẽ chẳng hiểu bạn đang định giục chàng làm việc gì đâu.
Vì thế, hãy gửi cho chàng thông điệp ngắn gọn: “Anh đứng lên đổ rác giúp em”, hoặc “Anh tắm cho con đi”. Chàng sẽ dễ hiểu hơn là những câu phàn nàn dài dòng đấy.
Ảnh minh họa: Siraplimau.com.
Để mai làm
Bóng điện cháy, ống nước bị rò, thậm chí cái tủ lạnh chẳng hiểu sao lại không đóng đá. Bạn có kêu ca phàn nàn thì chàng cũng chỉ ậm ừ cho có và phán một câu xanh rờn “để đấy, không làm thì đã chết ai”. Hầu hết vợ sẽ cảm thấy vô cùng tức giận với thói chây ỳ của chồng. Vợ không thèm nói gì và gọi thợ sửa ư? Đừng vội vàng làm như vậy bởi bạn đang tiếp tay cho thói lười của chồng đấy.
Video đang HOT
Hãy nói cho anh ta biết một số hậu quả, chẳng hạn bạn có thể nói “vì cái tủ lạnh mà hóa đơn tiền điện tháng này đã tăng lên bao nhiêu rồi”, hoặc: “Bếp tối thế này, con sẽ dễ va vào đồ vật và ngã”… Bạn nên kiên nhẫn nhắc nhở anh ấy và đừng vội nổi nóng nhé. Cái gì cũng cần thời gian mà.
Thôi, tiện tay em làm hộ anh đi
Bạn nhờ chồng phơi quần áo hoặc lau nhà, anh ấy thường đưa ra câu “tiện thể” để nhờ vả bạn. Có nhiều phụ nữ sau những lần phó mặc công việc cho chồng thấy không có kết quả đã ngao ngán bỏ cuộc và tự nhủ “thôi, mình làm cố cho xong vậy”. Đừng tự ôm đồm hết mọi việc, anh ấy hoàn toàn có khả năng, chỉ là bạn có biết cách khơi gợi sự hứng thú khi làm việc nhà của anh xã không mà thôi.
Hãy khích lệ anh ấy sau mỗi lần làm một việc gì đó, chẳng hạn: “Đấy, cứ bảo em làm, hôm nay anh lau nhà rõ sạch và còn thơm nữa”. Anh xã sẽ cảm thấy được khích lệ và hứng thú làm các công việc nhà hơn.
Bẩn một tí có sao đâu em
Bạn thấy nhà cửa bừa bộn, chăn chiếu lâu ngày không giặt, đi làm về anh xã vứt tất mỗi nơi một chiếc, quần áo cái lộn ngược cái lộn xuôi, vợ có phàn nàn thì vì ngại việc nên anh ấy sẽ nói rằng “bừa bộn một tí thì có làm sao”. Những nam giới có tính lười biếng thường rất bừa bãi, nhưng nếu chàng bày bừa đến đâu bạn dọn đến đó thì đương nhiên chàng sẽ cho rằng đó là công việc của bạn. Cho dù bạn có cáu kỉnh thì chàng cũng chẳng ngại vì ngày mai là mọi việc lại đâu vào đấy.
Vì thế, hãy học cách kiên nhẫn, thi gan với chàng, để nhà cửa bừa bộn cho đến khi chàng phải lên tiếng và lúc đó bạn sẽ có cơ hội chia sẻ ý kiến của mình với chàng. Học cách chia sẻ đúng thời điểm cũng là một bí quyết đấy.
Tùy em, muốn làm gì thì làm
Có những ông chồng lười động tay chân đã đành, lại có những ông lười cả suy nghĩ. Vợ muốn bàn bạc điều gì cũng buông câu “tùy em”. Đừng nghĩ là bạn đang được tôn trọng và được mọi quyền quyết định nếu như lúc nào anh ta cũng nói câu này nhé. Nếu không cẩn thận là việc gì cũng sẽ đến tay bạn đấy.
Cho nên, trong bất cứ trường hợp nào, vợ cũng đề nghị anh ấy phải ngồi bàn bạc cùng. Sau đó hãy liệt kê các công việc dự định làm và yêu cầu anh ấy lựa chọn trước, sau đó là phần của bạn. Những công việc nào bạn muốn anh ấy làm, bạn cũng đưa luôn ra ý kiến.
Nói chung, từ một ông chồng lười biến thành một “con ong chăm chỉ” không phải là chuyện dễ. Các bà vợ đừng vội nản lòng, hãy kiên nhẫn và tìm hiểu tâm lý của anh xã để tìm cách động viên chàng cùng làm việc nhà với mình. Mỗi giây phút vợ chồng chia sẻ với nhau chính là lúc làm cho cuộc sống gia đình thăng hoa và hạnh phúc hơn.
Theo VNE
Có nên ly dị người chồng không chịu làm việc nhà
Tôi nhờ anh giúp việc nhà, anh nói phụ nữ có ba việc lặt vặt mà làm không xong, rằng anh đã đi làm vất vả, kinh tế đóng góp đủ thì về nhà phải được nghỉ ngơi.
Tôi lấy anh đã được 12 năm. Con tôi đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Anh là người đàn ông tốt tính nhưng rất gia trưởng. Anh đang đi làm với mức lương khá (17 triệu một tháng), còn tôi chỉ làm tạp vụ lương 3,5 triệu đồng. Tiền học hành của con, tiền đối nội ngoại anh đều đưa đầy đủ, khoản tiền còn lại anh tự quản lý, tôi không bao giờ biết đến. Mỗi khi có khoản chi tiêu lớn trong nhà, tôi phải nói với anh, anh mới đưa tiền. Tiền lương của tôi chỉ đủ chi trả phần nào ăn uống trong nhà.
Anh cứ đi làm về là gác chân lên ghế và đọc báo hoặc xem TV, còn lại một mình tôi phải đánh vật với cơm nước và cho con ăn rồi giục con học bài, kể cả việc chăm sóc bố chồng tôi đang ốm. Mỗi khi tôi nhờ anh trông con thì anh tỏ ra mệt mỏi và cáu gắt, thậm chí vẫn cứ dán mắt vào màn hình TV cho đến khi con ngã mới quay lại nhìn.
Có lúc tôi thấy ức chế vì tôi cũng đâu ở nhà và đâu có ăn bám mà anh làm như vậy. Rất nhiều lần mệt mỏi quá tôi đã nghĩ đến chuyện ly dị. Tôi phải làm sao? (Miên)
Ảnh minh họa: Thestar.com.
Trả lời
Thân chào chị,
Đọc lá thư của chị, tôi phần nào hiểu được những bức xúc của chị khi chồng chưa thực sự chia sẻ công việc gia đình. Điều đó cho thấy anh ấy thật thiếu trách nhiệm trong gia đình khi đổ mọi công việc nhà lên vai chị.
Có lẽ chồng chị cũng như nhiều người coi rằng nam giới là trụ cột trong nhà và lo kiếm tiền, còn phụ nữ sẽ có vai trò chính trong việc giữ lửa và chăm sóc con cái, nội trợ. Quan niệm này đã làm cho rất nhiều nam giới bị áp lực bởi gánh nặng gia đình khi đóng vai trò chính trong việc kiếm tiền, đồng thời làm giảm đi cơ hội của phụ nữ trong khi họ hoàn toàn có thể có những đóng góp tương đương nếu có cơ hội và thời gian.
Hiện nay hình ảnh vợ tất bật nấu nướng và chăm sóc con trong khi chồng ngồi đọc báo hay xem TV đã được thay đổi khá nhiều. Đã có nhiều ông chồng biết chia sẻ việc nhà và cùng với vợ chăm sóc con cái cũng như các công việc đối nội đối ngoại trong nhà. Họ đã ý thức được rằng từ những điều nhỏ bé nhất chính là cách tạo nên hạnh phúc và tạo cầu nối tình cảm giữa vợ chồng với con cái.
Mỗi ngày trở về với gia đình, hàng tá những việc không tên hẳn đã chiếm hầu hết thời gian của chị. Chồng chị không hẳn là người vô trách nhiệm khi anh ấy vẫn lo lắng kinh tế cho gia đình đầy đủ, nhưng điều đó không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc trong hôn nhân. Chính sự thấu hiểu sẻ chia giữa hai vợ chồng đó mới là những điều quyết định để duy trì mái ấm gia đình.
Có lẽ chị rất muốn anh ấy thay đổi, nhưng để làm được điều đó không phải chỉ là mong muốn mà chị phải hành động. Để giúp anh ấy nhận ra được những suy nghĩ của chị, có lẽ cần ở chị sự chủ động và mạnh mẽ hơn với cuộc sống hằng ngày. Nếu chị im lặng và chấp nhận làm các công việc đó sẽ không khiến chồng nhận ra được mình cần phải làm gì.
Chị cần chia sẻ để anh ấy hiểu rằng bản thân mỗi người đều có đóng góp riêng và công nhận những đóng góp của người bạn đời. Chuyện tài chính trong gia đình cũng cần có sự chia sẻ rõ ràng. Nếu chi tiêu việc gì cũng phải hỏi ý kiến anh để xin tiền, hoặc chị luôn phải hoàn thành tốt vai trò của mình trong vị trí người nội trợ thì chị hãy xem xét liệu anh có còn coi chị là người bạn đời để chia sẻ hay chỉ là người giúp việc trong gia đình? Bởi việc đóng góp kinh tế không thể thay thế được sự yêu thương của anh ấy với vợ con.
Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai người để cùng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ gia đình, hạnh phúc sẽ không thể tồn tại nếu chỉ một người chăm lo. Với việc anh ấy chưa chia sẻ việc nhà với chị, tôi xin có vài gợi ý sau:
- Nói chuyện với anh ấy: Đây là cách chị trao đổi để anh ấy nhận ra những thiếu sót của mình. Anh ấy cần sắp xếp công việc cho hợp lý để dành thời gian chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái.
- Giao việc: Chị có thể đưa ra những công việc cụ thể và yêu cầu anh ấy lựa chọn những công việc anh ấy có thể làm hoặc muốn làm. Sau đó chị nên thường xuyên nhắc nhở và giám sát để anh ấy có ý thức làm việc, hãy học cách khen ngợi nếu anh ấy làm tốt.
- Chỉ ra hậu quả: Chị hãy giúp anh ấy hiểu rằng những công việc này đã khiến chị quá mệt mỏi và không có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tình cảm của chị dành cho anh ấy sẽ khó tồn tại được. Thậm chí anh ấy không chăm sóc con cái cũng sẽ tạo khoảng cách giữa anh và các con.
Hãy thử cố gắng bằng sự mạnh mẽ và khát khao tự do của mình. Chị đã cố gắng trong bao nhiêu năm qua, vì vậy hẳn là chị sẽ có đủ sự khéo léo để cải thiện những vấn đề mà chị đang gặp phải. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của chị anh ấy sẽ nhận ra rằng gia đình sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu biết sẻ chia và hỗ trợ nhau từ những việc đơn giản nhất, đó mới là cách thể hiện của một người đàn ông trách nhiệm và bản lĩnh.
Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm
Theo VNE
Khiếp đảm vì chồng lười tắm Chuyện cũ nhưng phải nói mãi, mà nói mãi chồng không nghe đến mức mà hai vợ chồng phải ngủ riêng. Đúng là đàn ông chứng nào tật ấy, nói thì bảo mình &'vạch áo cho người xem lưng', đi bóc mẽ chồng nhưng mà phải than cho nhẹ lòng. Từ ngày cưới nhau, được 3 năm thôi nhưng năm nào cũng phải...