Tuyệt chiêu săn sơn kê xuyên Tây Bắc của thợ săn cực đỉnh
Những chú gà trống rừng với bản tính hoang dã, sẵn sàng lao vào tấn công “kẻ lạ mặt” dám xâm chiếm địa bàn để bảo vệ lãnh thổ và đàn gà mái mà không hề biết xung quanh là hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc thòng lọng đang chờ…
Thợ săn thường xuyên phải leo lên những đỉnh núi cao để bẫy gà rừng.
Trong chuyến đi cơ sở vừa qua, tôi tình cờ làm quen và được theo chân nhóm thợ chuyên đi bẫy gà rừng. Nguyễn Ngọc Chinh là thợ bẫy, thuần chủng gà rừng có tiếng ở Xuân Quang, Bảo Thắng. Theo Chinh, thông thường một chuyến đi bẫy gà rừng phải bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng tùy thuộc tình hình thời tiết. Vào những ngày trời nắng, gà rừng thức dậy từ sáng sớm, gà trống gáy gọi đàn đi kiếm ăn, nên dễ phát hiện. Để đến được nơi có đàn gà rừng, tôi, Chinh và Vũ Văn Quý – người bạn cùng thôn – phải rong ruổi trên chiếc xe máy theo những lối mòn khắp rừng. Do tối hôm trước trời mưa phùn nên đường khá trơn, đi xe máy được vài cây số thì phải đi bộ. Đến khu vực gà rừng hay ăn, Chinh lôi trong ba lô một chiếc loa nhỏ, bật tiếng gà rừng gáy đã thu sẵn, đồng thời rút ra trong túi một chiếc còi tự chế để thổi tiếng gà mái gọi gà trống. “Chỉ cần thổi một lúc, nếu có gà ở gần đây, chúng sẽ tự gáy để báo hiệu”, Chinh nói. Sau một lúc không thấy có tiếng gà đáp lại, chúng tôi đi tiếp và dừng lại ở một nương sắn mới thu hoạch, xung quanh là đám cây bụi rậm rạp.
Lần này, chỉ khoảng 5 phút sau khi thổi còi đã có tiếng gà trống “đáp lại”. Chinh ra hiệu cho tôi đi thật khẽ. 3 người bám sát nhau, mặc dù đường khá dốc nhưng không ai dám thở mạnh. Đến nơi, Chinh lôi trong ba lô bộ đồ nghệ bẫy gà rừng. Bộ đồ nghề khá đơn giản, nhưng quan trọng nhất là đám gà mồi. Chinh và người bạn mang theo 3 chú gà mồi, trong đó có 2 gà trống, 1 gà mái. Ngoài ra, vật dụng không thể thiếu là 5 tay giò (một loại thòng lọng làm bằng dây dù và ghim sắt có thể cắm xuống đất, mỗi tay giò có 20 chiếc thòng lọng nối với nhau). Chinh ra hiệu cho tôi ngồi nép vào bụi cây, một mình nhẹ nhàng bò vào đám cây bụi, tìm chỗ thuận lợi để bẫy gà. Do bất cẩn, Chinh đạp phải một cành cây khô, chú gà rừng đang kiếm ăn gần đó giật mình bay mất.
Chú gà rừng bay mất làm Chinh và người bạn đi cùng tiếc nuối, chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc nghe ngóng địa điểm có gà rừng mới. Trong lúc chờ đợi, Chinh thủ thỉ tâm sự về “nghề” có một không hai này. “Tôi học được cách bẫy gà rừng từ người bạn trong một lần tình cờ đi chơi và tham gia hội chơi chim cảnh cách đây 8 năm. Mùa đi bẫy gà rừng thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch năm trước, kéo dài đến hết tháng 6 năm sau, trước khi mùa mưa bắt đầu. Đó là mùa sinh sản của gà rừng, dễ bẫy nhất. Gà rừng thức dậy sớm, nhưng khoảng 8 – 9 giờ sáng mới bắt đầu đi ăn. Chúng chỉ đi vào lúc sương khô, trời nắng, còn ngày mưa chúng trốn biệt”.
Chú gà rừng lúc trước bay mất lại quay lại và gáy cách chỗ cũ không xa. Lần này, mọi động tác chuẩn bị đều rất nhẹ nhàng. Chọn một bãi đất trống giữa đám cây bụi rậm rạp, Chinh và người bạn cùng đặt bẫy. 5 tay giò được cắm xung quanh ô đất khoảng 2 m2, chú “gà mồi” cố định bằng ghim và dây ở giữa, chiếc loa để cạnh phủ kín bằng lá cây rừng. Làm xong, Chinh kéo tôi ra nấp sau một bụi cây để quan sát.
Video đang HOT
Chú gà mồi rất khôn, đợi chúng tôi vào chỗ nấp mới cất tiếng gáy khiêu khích gà rừng. Khoảng 15 phút sau, con gà rừng từ xa chạy lại, xù lông cổ, đáp trả tiếng gáy qua lại thăm dò đối phương. Chú gà mồi cũng liên tục rướn cổ gáy, vỗ cánh phành phạch và xù lông khiêu khích lại. Thăm dò đối thủ một lúc, con gà trống rừng lao vào tấn công “kẻ lạ mặt”, đôi chân với cặp cựa nhọn hoắt chưa kịp chạm tới gà mồi thì… giãy đành đạch vì vướng phải bẫy. Vừa gỡ chiến lợi phẩm, Quý vừa bảo: Gà rừng rất khôn, bình thường gặp người thì bay mất hút, nhưng chúng lại bị tiếng gáy của con khác thu hút bởi bản năng “bảo vệ lãnh thổ” và đàn gà mái, nên mất đi sự cảnh giác.
Thu được chiến lợi phẩm, chúng tôi đi tiếp vài địa điểm khác đặt bẫy nhưng đều thất bại. Chinh rủ tôi về nhà, tham quan đàn gà rừng đã được thuần chủng. Trên đường về, một thanh niên hỏi mua chú gà mới bẫy được, nhưng Chinh không bán vì đã có người đặt trước.
Chinh và chú gà mồi cùng bộ đồ nghề bẫy gà rừng.
Nhà Chinh nằm tít hút trong một khe núi, gần đến nhà đã nghe tiếng những chú gà rừng gáy vang. Lúc cao điểm, Chinh nuôi khoảng 70 con gà rừng. Lũ gà đã thuần chủng được thả xung quanh vườn kiếm ăn giống như gà nhà bình thường, nếu không biết trước, chẳng ai nghĩ gà rừng lại dạn người như thế. Ngoài bẫy và thuần gà rừng, Chinh còn nuôi vài chục đõ ong mật và trồng rừng, làm ruộng.
Chinh tâm sự: Đi bẫy gà rừng về thuần hóa và lai tạo vừa là thú vui, vừa có thể kiếm ra tiền. Gà rừng hoang dã rất nhát, nên thấy người là sẽ tìm cách trốn thoát, thường lao đầu vào chuồng cho đến chết. Do đó, thời gian đầu phải nhốt trong chuồng rộng, được che kín, thức ăn cũng phải giống tự nhiên như dế, cào cào, giun… Khi gà rừng quen mới cho thêm ngô, lúa và thả gà nhà nuôi chung để gà rừng tập ăn. “Thông thường, phải mất gần 2 năm để thuần một chú gà rừng, sau đó có thể thả ra như gà nhà. Quen rồi, chúng sẽ không bỏ đi nữa”, Chinh cho biết thêm.
Được biết, mỗi chú gà rừng mới bẫy bán từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, nhưng đối với gà đã thuần chủng sẽ có giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Riêng những chú gà lông đẹp, tiếng gáy hay, có giá lên tới vài triệu đồng. Mỗi năm Chinh cũng kiếm được vài chục triệu đồng từ bẫy và bán gà rừng thuần chủng. Nhiều người tận miền Nam cũng đặt hàng để nuôi, lai tạo giống.
Mặc dù rất thú vị với cách bẫy gà rừng của Chinh, nhưng nghĩ tới việc số lượng gà rừng trong tự nhiên trước nguy cơ bị săn bắt cạn kiệt, chúng tôi đem chuyện kể với ông Lưu Tuấn Hường, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng. Ông Hường cho biết: Gà rừng không thuộc nhóm động vật nguy cấp, tuy nhiên hằng năm, đơn vị vẫn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn ra rải rác ở một số nơi. Chúng tôi sẽ kiểm tra và có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn.
Trở về từ chuyến bẫy gà rừng, trước lúc chia tay, chúng tôi khuyên Chinh và Quý nên phát triển nghề nuôi ong và đàn gà rừng đã thuần chủng hơn là chuyên đi bẫy gà rừng, để những chú gà rừng phát triển tự nhiên như cách mà chúng đã sinh ra, có thể tung bay và cất vang tiếng gáy khắp các cánh rừng.
Theo Đức Phương (Báo Lào Cai)
Cấp bách phòng chống cháy rừng ở ĐBSCL
Trước tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài nhiều ngày không mưa... dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cảnh báo nhiều khu vực ở ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang... có nhiều diện tích rừng nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5. Do đó, việc triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách.
Lực lượng Kiểm lâm ở An Giang kiểm tra phòng chống cháy rừng mùa khô
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có gần 17.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Tính đến giữa tháng 3-2019 đã có hơn 7.350ha rừng bị khô hạn trầm trọng, nguy cơ cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương... triển khai đồng bộ biện pháp tăng cường phòng chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và tích cực tham gia phòng chống cháy rừng; thường xuyên tập huấn kỹ năng về phòng cháy đối với lực lượng tham gia và người dân; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chữa cháy; đặc biệt là dự trữ nguồn nước dồi dào nhằm phục vụ chữa cháy rừng khi có tình huống xảy ra.
Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, tâm sự: "Hàng năm cứ đến mùa khô là lực lượng kiểm lâm phải căng sức giữ rừng. Do địa bàn quản lý khá rộng, trong đó có rừng ở đồng bằng và rừng khu vực đồi núi, nên việc bảo vệ lắm gian nan. Hiện tại đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích rừng khô kiệt, nguy cơ cháy rất cao. Vì vậy, cùng với canh giữ nghiêm ngặt thì lực lượng kiểm lâm còn quản lý chặt không để người lạ mặt tự ý vào rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy". Cũng theo ông Lý Vĩnh Định, thời điểm này nhiệt độ tăng cao và dự báo rừng ở đồng bằng nguy hiểm hơn rừng đồi núi, do mực nước ngầm đang xuống thấp. Ngành chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân đi bắt ong rừng cần thận trọng, không hút thuốc gần khu vực rừng; đối với du khách hành hương, đi chùa, cũng được lưu ý việc thắp nhang, tránh nguy cơ cháy lan.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, đã tổ chức triển khai hàng chục phương án phòng chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã; trang bị 4 xe tải và 65 xuồng máy phục vụ vận chuyển lực lượng khi có tình huống cần thiết; bố trí 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 11.000 thùng chứa nước, bình xịt sẵn sàng dập lửa... "Chúng tôi tiến hành khoanh vùng những nơi nguy cơ cháy rừng cao để có phương án ứng phó tốt nhất. Đồng thời, dán các bảng pa nô cảnh báo để mọi người chú ý nhằm phòng ngừa cháy rừng; nếu trường hợp có cháy xảy ra thì bằng mọi cách phải dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại", ông Trương Minh Hùng, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang nói. Tại Cà Mau, có hơn 33.000ha rừng tràm khô kiệt từng ngày nên nguy cơ cháy xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó, ở Vườn quốc gia U Minh Hạ có khoảng 9.000ha rừng nguy cơ cháy ở các cấp độ khác nhau.
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết đã phân công lực lượng trực xuyên suốt và theo dõi sát diễn biến thời tiết hạn mặn. Bên cạnh đó, chủ động đắp đập giữ nước, tiến hành nạo các tuyến lưu thông đường bộ và đường thủy thuận lợi; bố trí lực lượng trực chòi quan sát lửa nhằm phát hiện kịp thời những tình huống cần thiết, tất cả hệ thống thông tin liên lạc đang được đảm bảo thông suốt... Ngoài ra, đặt các thước nước tại những lòng kênh để theo dõi biến động về lượng nước bốc hơi trên toàn lâm phần Vườn quốc gia U Minh Hạ. Lượng nước bốc hơi được theo dõi và báo cáo hàng tuần phục vụ dự báo cấp cháy... Kiểm tra phòng chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, đồng chí Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, yêu cầu lực lượng chức năng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống cháy rừng bởi tình hình khô hạn rất phức tạp. Phải tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu và cùng chung sức phòng cháy; chủ động phối hợp chặt với các đơn vị liên quan và người dân sống ở vùng đệm thực hiện tốt các biện pháp giữ rừng...
Ở Kiên Giang, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng được đặt lên hàng đầu, bởi diện tích rừng của tỉnh khá lớn, tình hình khô hạn cũng rất trầm trọng.
Theo ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng: "Diện tích rừng đặc dụng tại đây hơn 8.000ha. Từ đầu mùa khô đến nay đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ mức nước trong rừng để đảm bảo việc phòng cháy. Song song đó, những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy đã được xác định và có phương án ứng phó. Vườn cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, xe chuyên dùng chữa cháy; thành lập nhiều đội canh gác, phòng cháy, theo dõi mực nước để bơm bổ sung vào rừng kịp thời giảm nguy cơ cháy...".
NGỌC DÂN
Theo SGGP
Đập thuỷ điện Tà Thàng: UBND tỉnh Lào Cai cưỡng chế trái pháp luật? Theo phản ánh của Công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai (gọi tắt là Vietracimex Lào Cai), ngày 15.3.2019, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện cưỡng chế trái pháp luật, huy động lực lượng, cho máy móc thiết bị thi công ngay trên đập và cửa nhận nước (hầm) thủy điện Tà Thàng. Nhà máy thủy điện Tà Thàng do Vietracimex...