Tuyệt chiêu đề phòng chồng ‘bồ bịch’
Khi chồng là sếp, và khi nữ thư ký của chồng trẻ hơn mình cả chục tuổi, điều người vợ cần là sự kiên nhẫn, kìm chế và mềm mỏng để đối đầu với các nguy cơ.
Ảnh minh hoạ: Internet
Gọi điện đến cơ quan chồng, chị Trần Ngọc Hoa ở Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, Tp.HCM đã xưng là “vợ giám đốc” đàng hoàng mà giọng cô thư ký vẫn cứ đủng đỉnh như trêu tức chị, khiến chị bực mình: “Chào cô, giám đốc đang họp ạ, để tí nữa cháu nhắc anh ấy gọi lại.” Nghe cách xưng hô, chị Hoa tức lắm, chỉ muốn quát lên nhưng kịp kìm chế được.
Video đang HOT
Khi chồng lên sếp, có thêm thư ký thì chị Hoa bắt đầu hay nghi ngại. Vì ở hai công ty khác nhau nên chị càng lo lắng, sốt ruột không biết “quản lý” chồng thế nào. Cô thư ký này rất trẻ, xinh đẹp, lại là cháu của giám đốc tổng. Chồng chị đã ngoài ngũ tuần nhưng dáng vẻ phong độ dễ “ăn gian” đến gần chục tuổi. Hình dung sự gắn bó trong công việc của chồng với cô thư ký, chị không yên tâm chút nào, chị nghĩ mình phải ngăn chặn nguy cơ này từ trong trứng nước.
Chiêu của vợ
Chị nói “mát” với chồng: Em gọi tới cơ quan thì gặp cô thư ký, giọng cô bé trẻ ghê… Chị cố ý chậm rãi để dò ý chồng, anh vẫn chăm chú làm việc. Chị vẫn tiếp tục ngọt nhạt: “Nhưng chưa gì cô ta đã gọi em là cô, nếu là khách thì họ chột dạ cho, thư ký cần tinh tế chứ. Công ty tuyển dụng của chị bạn em từng chọn thư ký cho chồng đấy, hay em giúp anh…”.
Lúc này chồng chị lên tiếng: “Đó là chuyện nội bộ công ty anh, tuyển thư ký cũng qua phòng nhân sự nữa, cô này làm được việc đấy”. Nghe chồng nhận xét về cô thư ký, chị chị suy diễn: Hợp trong công việc rồi sẽ hợp nói chuyện, hợp sở thích và… Nhưng biết mình đang can thiệp “thô bạo”, chị đành thôi và đổi chiêu.
Nghe bạn, chị thường xuyên “viếng thăm” văn phòng của chồng. Buổi trưa chị rủ anh đi ăn, thỉnh thoảng giữa buổi, chị lại gọi sang cô thư ký: “Cho chị gặp sếp”. Cùng với đó, chị chăm đi spa, may mặc sang trọng. Chồng chị nhắc nhở: “Em sang ít thôi, trưa nắng chạy xe mệt. Anh ăn qua loa trong văn phòng là được rồi”. Chị mềm mỏng: “Anh lên sếp nhiều việc, phải dẫn anh đi ăn cho đủ chất, giữ sức, ăn qua loa không ổn”. Thấy chồng không nói gì nữa, chị càng tiếp tục.
Có lần, chị sang đúng lúc cô thư ký đang bưng cà phê vào phòng sếp, chị chặn lại: “Em để đó chị giúp, tiện chị có chút việc nhà cần nói với anh!”. Thấy vậy, anh đóng cửa riêng và nóng giận: “Em sang nhiều quá, lại can thiệp vào việc của cơ quan, đây là công sở, không phải nhà riêng”. Chị giận dỗi bỏ về, vẫn kịp thấy đám nhân viên liếc mắt theo xì xào. Làm “cứng” có vẻ không ổn, chị xin lỗi chồng và xoay chuyển tình thế.
Chị âm thầm nghĩ cách gài “mật thám” trong công ty chồng và giảm sự có mặt vô duyên của mình. Chị móc nối thân thiết với cô nhân viên để làm “tai mắt” cho chị. Chị sẽ biết được hôm nay chồng mình ăn uống gì, do cô thư ký làm hay tự đi ăn, cô thư ký vào trong phòng sếp lâu không… Nhưng được một thời gian, chuyện vợ sếp ghen đồn ầm trong đám nhân viên.
Anh biết nên nổi cáu: “Em không tin chồng em mà tin người ngoài, mất thể diện!” Chưa nghe thấy dấu hiệu chồng “nem chả” với cô thư ký nhưng chị cứ lo xa, cứ ghen thế. Cứ nghĩ đến việc chồng đi công tác là có thư ký đi theo, đi gặp đối tác, cô thư ký kè kè là chị lo: “má hồng như cô ta thì ai mà không xao lòng”. Chị lo giữ hạnh phúc là đương nhiên. Nhưng những cách chị làm càng biến chị thành nhỏ nhoi, càng mất thể diện của chồng.
Nghĩ mãi, chị tìm ra kế “cao tay” hơn là biến cô thư ký thành bạn của mình. Chị tiếp cận rồi mời cô ta về nhà, nói chuyện thân thiết, để dễ nhận biết dấu hiệu từ phía chồng lẫn thư ký. Chị cũng mềm mỏng, tế nhị hơn trong các chiêu “quản lý” chồng. Hơn năm trôi qua, chị thấy bớt căng thẳng vì không phải căng óc nghĩ cách giám sát chồng, không tưởng tượng những trạng thái bất bình thường của chồng với cô thư ký.
Qua tìm hiểu, tiếp xúc, chị cũng yên tâm rằng họ hoàn toàn… trong sạch và mối quan hệ của họ là an toàn cho hạnh phúc của chị. Nhưng chị vẫn thầm nhủ chính những tuyệt chiêu của mình cũng ít nhiều góp phần làm nên sự an toàn đó.
Theo Đức Thành/Tienphong