Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup: Sau ánh hào quang sẽ là gì?
AFF Cup đã về tay chúng ta. Non sông mở hội, hạnh phúc và niềm tin lan tỏa. Nhưng chúng ta không chỉ muốn làm con rồng Đông Nam Á.
Sau 10 năm ròng rã chờ đợi, rốt cuộc người hâm mộ (NHM) bóng đá Việt Nam cũng đã được hô vang “Việt Nam vô địch” mà không sợ bị… bắt bẻ. Chúng ta đã thật sự trở thành nhà vô địch AFF Cup theo cách không thể thuyết phục hơn.
Nếu như năm 2008 là niềm vui vỡ òa sau bàn thắng phút cuối của Lê Công Vinh, thì 2018 lại là sự đĩnh đạc, đường hoàng của một nhà vô địch thực thụ. Giữa 2 chức vô địch ấy có sự khác biệt lớn ở thần thái của kẻ chinh phục.
“Bão” vẫn còn râm ran. Những câu chuyện về AFF Cup, Park Hang-seo, những người anh hùng dân tộc như Quang Hải, Văn Lâm, Đình Trọng, Anh Đức, Trọng Hoàng, Ngọc Hải… chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề “trà dư tửu hậu” của nhiều ngày nữa.
Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo nâng cao cúp vô địch AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình.
Giấc mơ bay xa hơn
Tuy nhiên, đã bắt đầu có một bộ phận NHM sớm thoát khỏi niềm vui AFF Cup để cho giấc mơ bay cao hơn, xa hơn. Trên một vài diễn đàn, NHM đã bắt đầu thảo luận về Asian Cup – giải đấu mà đội tuyển của chúng ta năm cùng bảng với Iran, Irag và Yemen. Asian Cup 2019 sẽ thi đấu từ ngày 5/1 đến 1/2 tại UAE. Với những NHM chưa biết, Asian Cup 2019 sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử quy tụ tới 24 đội tuyển tham dự, thay vì chỉ 16 như trong quá khứ.
Như vừa đề cập ở trên, phong cách, thần thái của tuyển Việt Nam giữa chức vô địch AFF Cup 2008 và 2018 đã có sự nâng tầm rõ rệt. Đó là bằng chứng đanh thép nhất chứng tỏ những lời bàn lùi trong quá khứ về “tố chất của người Việt có quá nhiều hạn chế để chạm tới đỉnh cao” là sai lầm, là thiển cận. Rõ ràng, nếu bắt kịp với tư duy bóng đá cấp tiến của khu vực và thế giới, tin rằng chức vô địch AFF Cup 2018 mới chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình hóa rồng thật sự của bóng đá Việt Nam mà thôi.
Nhưng bằng cách nào và cần bao nhiêu lâu để bóng đá Việt Nam vượt qua đỉnh cao AFF Cup?
Có nhiều tư vấn đã xuất hiện sau đêm Mỹ Đình diệu kỳ. Ví dụ như nên đưa một số tuyển thủ có tiềm năng như Quang Hải, Đình Trọng… ra nước ngoài phát triển; nên phát triển thêm những mô hình đào tạo như học viên HAGL; nên để cầu thủ chúng ta làm việc với những huấn luyện viên (HLV) đẳng cấp như ông Park Hang-seo… Rất nhiều tư vấn.
Tuy nhiên, trước khi mơ mộng, hãy đọc những tài liệu về bài học Hàn Quốc sau World Cup 2002.
Năm đó, ĐT Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup 2002. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể coi chiến tích ấy có tính bàn lề và cảm hứng y hệt như chức vô địch AFF Cup 2018. World Cup khép lại, người Hàn cũng ăn mừng và họ cũng lạc quan nói về tương lai y hệt như chúng ta bây giờ.
Video đang HOT
Bóng đá Hàn Quốc bắt đầu hành trình đưa các tuyển thủ ra nước ngoài. Lee Yong-pyo và Park Ji-sung đến PSV để bắt đầu những năm tháng ghi dấu ấn ở trời âu. Tại World Cup 2002, 70% tuyển thủ Hàn Quốc thi đấu trong nước. Đến World Cup 2014, số tuyển thủ còn nán lại giải quốc nội giảm xuống chỉ 54,6%. Như vậy, sau 12 năm, Hàn Quốc đã đưa tới 45,4% tuyển thủ quốc gia của họ ra nước ngoài thi đấu theo đúng lộ trình.
Tuyển Việt Nam đang có lứa cầu thủ trẻ tài năng, trong đó Quang Hải là tiền vệ nổi bật nhất đội
Bài học từ Hàn Quốc
Người Hàn làm bài bản tới mức vào World Cup 2014, độ tuổi trung bình của các tuyển thủ Hàn thi đấu ở châu Âu chỉ là 24 tuổi – đầy trẻ trung và tiềm năng. Nhưng kết quả thì sao? Từ World Cup 2002 đến nay, ĐT Hàn Quốc dự 4 kỳ World Cup thì có tới 3 lần bị loại từ vòng bảng.
Điều này có khiến NHM Hàn thất vọng hay không? Theo điều tra xã hội học của công ty Gallup, trong cả 4 kỳ World Cup ấy, có tới 81% NHM Hàn Quốc tin rằng đội tuyển của họ sẽ vượt qua vòng bảng. Con số này phản ánh mức độ lạc quan và cũng đồng thời là sức ép cực lớn dành cho đội tuyển xứ kim chi.
Từ đỉnh cao 2002 đến nay, bóng đá Hàn Quốc đã thành công tạo tiếng vang ở trời Âu, với những ngôi sao được thế giới công nhận như Park Ji-sung, Lee Yong-pyo hay mới nhất là Son Heung-min. Tuy nhiên, thành công của từng cá nhân lại không đồng nghĩa với thành công của đội tuyển.
Rốt cuộc, bóng đá Việt Nam rút ra được bài học gì?
Chẳng phải chúng ta đang hết lời ngợi khen Quang Hải – một sản phẩm của CLB Hà Nội, trưởng thành từ giải U17 quốc gia 2013 – hay sao? Quang Hải chính là một ví dụ cho thấy, một quá trình đào tạo bài bản, công phu còn lợi hại hơn gấp bội việc tìm kiếm những sản phẩm dán mác “thi đấu nước ngoài”. Lương Xuân Trường trong 2 năm chơi bóng ở Hàn Quốc chơi chưa đầy 10 trận và phải sớm trở lại Việt Nam. Chính phong độ xuất sắc tại V.League mới là nền tảng để Trường chơi tốt trong màu áo U23.
Cũng chính vì vậy, để bóng đá Việt Nam được tiếp tục bước lên những tầm cao mới cần có sự phối hợp từ cả những người làm chuyên môn lẫn NHM. 81% NHM Hàn Quốc tin đội tuyển nước họ sẽ lọt qua vòng bảng World Cup là con số điên rồ. NHM Việt Nam không được lặp lại sức ép này với tuyển Việt Nam.
Ngoài ra, việc “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài cũng cần một lộ trình bài bản, chắc chắn để tránh rơi vào bi kịch thừa thầy, thiếu thợ như Hàn Quốc suốt từ năm 2002 đến nay.
Sau ánh hào quang AFF Cup không chỉ là những buổi ăn mừng, mà còn là trách nhiệm và sự kiên nhẫn để bóng đá Việt Nam chạm tới sự thừa nhận của khu vực và thế giới trong tương lai.
Theo Báo Mới
Hãy cứ mơ đi, sẽ thấy điều diệu kỳ!
Tuyển Việt Nam vừa chinh phục được ước mơ vô địch AFF Cup. 2018. Đó như là minh chứng rằng nếu có ước mơ, cố gắng hành động vì ước mơ ấy, thì có thể một ngày nào đó ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
Phạm Đức Huy đã biến ước mơ thành hiện thực - Ảnh: Độc Lập
Từ trẻ nhặt bóng
10 năm trước, khi tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup, năm 2008, trung vệ Đỗ Duy Mạnh và tiền vệ Phạm Đức Huy, những người vừa cùng tuyển Việt Nam leo lên đỉnh bóng đá khu vực, chỉ là những cậu bé 12, 13 tuổi.
Có điều đặc biệt là ngày tuyển Việt Nam của 10 năm trước, với những Công Vinh, Minh Phương, Dương Hồng Sơn... dưới sự dẫn dắt của HLV Henrique Calisto vô địch AFF Cup 2008, thì hai "cậu bé" Duy Mạnh và Đức Huy cũng được chứng kiến khoảnh khắc đội tuyển nâng cao chiếc cúp tại sân Mỹ Đình. Nhưng đó là ngày mà cả Duy Mạnh và Đức Huy còn là hai cậu bé làm nhiệm vụ... nhặt bóng. Duy Mạnh nhớ rằng khi kết thúc trận đấu, phải kiếm chỗ nấp vì sợ chai, lọ khán giả ném rơi vào đầu.
Và sau đúng 10 năm, cả hai lại thêm một lần nữa được sống trong bầu không khí tuyệt vời, nhưng với tư cách là những tuyển thủ quốc gia. Khi trận đấu chung kết lượt về vừa kết thúc, Đức Huy đã tìm đến đúng vị trí của những cậu bé làm nhiệm vụ nhặt bóng để hồi tưởng về ngày xưa.
Sau khi cùng đồng đội vô địch AFF Cup 2018, Đức Huy hoài niệm bằng cách ngồi lại vị trí mà cách đây 10 năm anh đã ngồi để làm nhiệm vụ nhặt banh (ẢNH: NVCC)
Đức Huy kể ngày Công Vinh đánh đầu ghi bàn vào lưới Thái Lan sau pha đá phạt của Minh Phương đem về chiếc cup vàng danh giá, anh đã vui sướng tột cùng. Đức Huy đã nhảy cẫng lên, reo hò trong niềm vui vô bờ bến. Và trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy, Đức Huy có ước mơ một ngày nào đó, cũng được khoác áo đội tuyển quốc gia, cũng được lăn xả trên sân, cũng được là người góp công vào những thành công của đội tuyển nước nhà, đưa bóng đá Việt Nam bước lên ngôi vua của bóng đá khu vực...
Nghĩ đến ước mơ cháy bỏng ấy, Đức Huy đã lao vào tập luyện, thi đấu cho Hà Nội từ những giải trẻ, cho đến khi trở thành trụ cột của CLB Hà Nội. Anh không ngừng cố gắng, nỗ lực để chinh phục các HLV tuyển U.23 và quốc gia. Có không biết bao khó khăn, thử thách trở thành chướng ngại vật trong hành trình mà Đức Huy chinh phục ước mơ của mình. Nào là phải chia tay giấc mơ tham dự SEA Games 29 bởi chấn thương, hay trước thềm AFF Cup 2018, Đức Huy cũng bị chấn thương, phải bỏ dở những buổi tập... Thế nhưng, với quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, "người không phổi" (biệt danh của Đức Huy) đã không bị khuất phục bởi những khó khăn, luôn là cầu thủ trụ cột của đội tuyển dù dưới thời kỳ HLV nào, từ HLV Miura, Hữu Thắng hay Park Hang-seo. Và đêm 15.12, ước mơ cháy bỏng khi còn là cậu bé 13 tuổi, được nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup, đã trở thành hiện thực với Đức Huy.
Duy Mạnh làm nhiệm vụ nhặt bóng vào 10 năm trước... (ẢNH: NVCC)
...và Duy Mạnh đang là nhân tố không thể thiếu trong hàng thủ của tuyển Việt Nam hiện nay
Mạnh "gắt" (biệt danh của Đỗ Duy Mạnh) cũng vậy. Chính khoảnh khắc đứng ngoài đường pitch để nhặt banh khi làm nhiệm vụ trong trận chung kết lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan 10 năm trước, và được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của bóng đá nước nhà, đã giúp Duy Mạnh nuôi dưỡng ước mơ sẽ trở thành cầu thủ quốc gia, sẽ vô địch như những thần tượng Công Vinh, Minh Phương... Và giờ đây, ước mơ ngày nào không còn là mơ ước nữa. "Quả ngọt" đã đến với Duy Mạnh, sau 8 trận đấu thăng hoa cùng tuyển Việt Nam, để giành ngôi vô địch AFF Cup 2018.
Cả Duy Mạnh và Đức Huy cùng chia sẻ một điều, rằng cứ ước mơ, cứ nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, thì chắc chắn sẽ có một ngày, ước mơ sẽ trở thành hiện thực. "Hãy cứ mơ đi, sẽ thấy điều diệu kỳ", Đức Huy chia sẻ.
Nuôi dưỡng ước mơ
Hải "con" 10 năm về trước... (ẢNH: NVCC)
...Quang Hải là cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam hiện nay
Không chỉ có hai cầu thủ trên, mà cả Công Phượng hay Quang Hải, những đại diện ưu tú nhất cho thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam hiện nay, cũng từng có những ước mơ và đã biến ước mơ thành hiện thực.
Công Phượng từng ngưỡng mộ thế hệ đàn anh, và hằng mong mình cũng có thể có cơ hội để tỏa sáng giống như thế. Quang Hải của 10 năm trước chỉ mới 11 tuổi, cầu thủ nhi đồng này xem trên ti vi thấy chiếc cúp vàng trên tay Henrique Calisto và các học trò cũng đã thèm thuồng và khao khát giống như vậy. Quang Hải ước mơ mình trở thành tuyển thủ quốc gia. Và giờ đây, Quang Hải vô cùng hạnh phúc khi được sánh ngang với những người mình từng thần tượng, ngưỡng mộ, về thành tích bóng đá. Thậm chí Quang Hải còn vượt mặt cả những đàn anh, khi cầu thủ người Hà Nội nhận được vô số lời ngợi khen từ các nhà chuyên môn, những cây bút thể thao trong và ngoài nước, đạt cả danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu AFF Cup 2018.
Hay hành trình của Lâm "Tây", thủ thành Đặng Văn Lâm, từ một người mà 3 năm trước đã phải viết tâm thư "mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đôi tuyển U.23 Việt Nam" trở thành thủ thành số một Việt Nam cũng là minh chứng cho việc biến ước mơ thành hiện thực.
Dù bức tâm thư ấy không trở thành hiện thực, dù anh bị HLV Park Hang-seo loại khỏi đội hình dự ASIAD 2018... nhưng không khiến Văn Lâm nản lòng. Chàng trai mang hai dòng máu Nga và Việt Nam cứ miệt mài trên sân tập, nỗ lực hết mình mỗi khi thi đấu với hy vọng sẽ được trọng dụng, với ước mơ sẽ có một ngày được bắt chính cho tuyển Việt Nam. Và kết quả, ai cũng thấy rõ, ở AFF Cup 2018 này, chính Văn Lâm là người đứng trong khung gỗ của "những ngôi sao vàng" suốt cả giải đấu, đóng góp quan trọng giúp tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 bằng những pha cứu thua xuất sắc.
Những câu chuyện ước mơ và khao khát chinh phục ước mơ của Quang Hải, Công Phượng, Văn Lâm, Duy Mạnh hay Đức Huy chính là niềm cảm hứng cho nhiều người trẻ trong hành trình thực hiện những ước mơ trong cuộc đời.
Nói đâu xa, hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà cũng đã từng ước mơ bóng đá Việt Nam sẽ vô địch AFF Cup. Vậy mà bao lần trái tim tan nát khi đội tuyển thất bại, biết bao lần hành trình đi đến chức vô địch của đội tuyển cứ bị trì hoãn, chức vô địch cứ mãi xa vời tầm tay, cứ mãi lẩn tránh. Nhưng chính việc người hâm mộ luôn có niềm tin, có sự động viên, yêu thương và luôn bên cạnh các cầu thủ nước nhà, đã là động lực to lớn giúp những đôi chân các cầu thủ thanh thoát hơn, nhạy bén hơn, chính xác và hay hơn để đem về chức vô địch sau 10 năm mòn mỏi đợi chờ... Và có lẽ, những ước mơ của người hâm mộ về danh hiệu vô địch SEA Games lần đầu tiên, hay được trải nghiệm sân chơi World Cup... cũng sẽ đến trong thời gian sớm nhất.
Có thể mỗi người sẽ có những ước mơ khác nhau, là những ước mơ đơn giản hay lớn lao đi chăng nữa, nhưng chắc chắn sẽ có một điểm chung, rằng nếu có sự cố gắng, sự nỗ lực hết mình trong việc theo đuổi ước mơ, thì chắc chắn sẽ có một ngày, ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
Theo Báo Mới
Khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, lứa Công Phượng, Quang Hải đang ở đâu? Năm 2008, những tuyển thủ quốc gia như Quang Hải, Công Phượng vẫn chỉ là những cậu bé mới bước chân vào sự nghiệp quần đùi áo số, nhìn về ngôi vô địch AFF Cup bằng ánh mắt khát khao. Mười năm trước, Nguyễn Công Phượng chỉ mới 13 tuổi và đang học tại học viện bóng đá HAGL Asenal JMG. Giờ thì...