Tuyển Việt Nam và cách mạng nhân sự cho AFF Cup
Lần đầu sau 3 năm, tuyển Việt Nam có một trận giao hữu quốc tế đúng nghĩa, mở ra cho HLV Park cơ hội để thay đổi nhân sự và thử nghiệm chiến thuật trước khi AFF Cup trở lại.
Tuyển Việt Nam từng chạm trán Afghanistan trên sân nhà cách đây 5 năm trong ngày HLV Park Hang-seo chào sân bóng đá Việt. 1 điểm quý giá trước đối thủ Trung Á trên sân Mỹ Đình năm 2017 đã đưa tuyển Việt Nam thẳng tiến tới Asian Cup 2019, mở ra chu kỳ thành công dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Sau 5 năm, tuyển Việt Nam tái đấu Afghanistan trong bối cảnh mới. Đội bóng của thầy Park đang cải tổ lực lượng và lối chơi. Trận đấu lúc 19 giờ tối nay (1/6) là cơ hội vàng để HLV Park Hang-seo thử nghiệm chiến thuật, trao cơ hội cho những cầu thủ mới. Tuyển Việt Nam cần những cuộc thử lửa ở tầm vóc quốc tế để ban huấn luyện tìm ra những thay đổi mới trong đội bóng.
HLV Park đã duy trì chiến thuật và con người trong nhiều năm qua vì không có nhiều cơ hội để thay đổi. Ảnh: Ngọc Lê.
Tuyển Việt Nam phải thay đổi
Thay đổi là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất sau thất bại của tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2020. Đội hình cùng HLV Park Hang-seo chinh chiến nhiều giải đấu lớn dường như đã chạm tới giới hạn về đẳng cấp. Chưa kể về mặt chiến thuật, đội tuyển không có nhiều thay đổi khi vẫn là sơ đồ 3-4-3 (biến thể 5-4-1) và 3-5-2 được sử dụng luân phiên.
HLV Park Hang-seo chỉ ưu tiên dùng một nhóm nhỏ, khoảng 13-15 cầu thủ, đã hiểu yêu cầu lối chơi và triết lý. Khuôn mẫu chiến thuật và cách dùng người được lặp lại ở 6 trận vòng loại thứ ba World Cup 2022 và AFF Cup 2020 khiến tuyển Việt Nam gần như không có thay đổi, đột phá về lối chơi.
Thực ra khó trách HLV Park Hang-seo khi ưu tiên đội hình và con người cũ. Từ năm 2020 đến nay, tuyển Việt Nam có rất ít trận giao hữu quốc tế. Dịch Covid-19 khiến bóng đá Việt Nam và quốc tế đóng băng. Phải đến cuối năm 2020, tuyển Việt Nam mới có 2 trận giao hữu với U23, nơi tính chuyên môn và thử thách không cao. Suốt năm 2021, tuyển Việt Nam đá hai vòng loại World Cup rồi AFF Cup gối đầu nhau.
Phải thi đấu các giải chính thức, giải nào cũng có mục tiêu thành tích đẩy HLV Park Hang-seo trở lại vòng an toàn khi ông vừa mới có ý định bước chân ra. Một số cầu thủ mới được triệu tập nhưng hầu như không thể trụ lại. Đội hình và khuôn mẫu cũ được dùng đến cũ mòn bởi xét cho cùng, đó vẫn là lựa chọn an toàn khi những tân binh còn là ẩn số. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại cho đến khi bước ngoặt mang tên Phạm Tuấn Hải xuất hiện.
HLV Park mong muốn có thêm nhiều nhân tố như Tuấn Hải nhằm thay đổi lối chơi, tránh bị đối thủ bắt bài. Ảnh: Việt Linh.
Tuấn Hải không phải lựa chọn ban đầu được thầy Park chú trọng. Tiền đạo sinh năm 1998 được gọi lên đá vòng loại thứ ba World Cup 2022, có ít phút chơi ở trận gặp Oman rồi bị trả về. Tuấn Hải không được dự AFF Cup 2020, phải đợi đến trận gặp Australia ở lượt thứ 7 mới được đá chính lần đầu. Cuộc so tài với Australia cũng rất đặc biệt với tuyển Việt Nam khi HLV Park thay gần hết đội hình chính để giữ bài, giữ sức cho các trụ cột ở trận gặp Trung Quốc, cuộc so tài mà đội đặt trọng tâm phải thắng.
Ra sân trong bối cảnh không được kỳ vọng nhiều, Tuấn Hải bất ngờ chứng minh giá trị với lối chơi xông xáo, quyết liệt và tích cực hỗ trợ. 5 ngày sau, Hải “Bé” đá chính trước Trung Quốc rồi chiếm luôn suất chính thức đến nay.
HLV Park Hang-seo khẳng định muốn tìm thêm những nhân tố mới như Tuấn Hải và sự mới mẻ chỉ đến khi chiến lược gia người Hàn Quốc thực sự mở lòng. Đến trận gặp Nhật Bản, Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình được thử lửa và bước đầu mang lại thành công. Thanh Bình ghi bàn vào lưới Nhật Bản, khép lại chuỗi 6 tháng sống trong hoài nghi bởi sai lầm gặp phải ở trận gặp Trung Quốc. Khi thầy Park chịu thay đổi, làn gió mới đã xuất hiện.
Cơ hội cho tân binh
Những trận giao hữu, nơi áp lực thắng thua nhẹ tựa lông hồng, là khoảng lặng cần thiết để HLV Park Hang-seo mạnh dạn đặt vào ván đấu những “quân cờ” mới. Sự dễ chịu ở trận gặp Afghanistan có thể khởi nguồn cho những ý tưởng mới mẻ như thay đổi sơ đồ (từ 3 trung vệ thành 4 hậu vệ), tin dùng những nhân tố trẻ, cải tổ lối chơi theo hướng tấn công nhiều hơn.
“Sự xuất hiện của các tân binh là tín hiệu đáng mừng bởi tuyển Việt Nam rất cần đổi mới và cạnh tranh”, trung vệ Quế Ngọc Hải chia sẻ.
Ở đợt tập trung này, HLV Park Hang-seo gọi nhiều gương mặt chưa từng đá trong màu áo tuyển như hai trung vệ Adriano Schmidt, Trần Đình Khương, hậu vệ Nguyễn Văn Vĩ, các tiền vệ Trương Văn Thái Quý, Châu Ngọc Quang.
Adriano Schmidt là nhân tố tiềm năng ở hàng thủ Việt Nam trong bối cảnh Tiến Dũng và Duy Mạnh vừa trở lại sau chấn thương. Ảnh: Minh Chiến.
Trong đó, Đình Khương từng khoác áo U23 Việt Nam, hiện thi đấu cho CLB TP.HCM. Adriano Schmidt cũng là gương mặt quen thuộc ở V.League khi chơi cho CLB Hải Phòng và vừa chuyển tới CLB Bình Định. Đình Khương có lối chơi lăn xả còn Schmidt thi đấu đầu óc và sở hữu thể hình lý tưởng. Tuy nhiên, cả hai phải rất nỗ lực mới chen chân được vào đội hình chính tuyển Việt Nam. HLV Park Hang-seo luôn khắt khe với vị trí ở hàng phòng ngự, nơi sơ đồ 3 trung vệ đòi hỏi các cầu thủ phải rất hiểu cách di chuyển, chuyền bóng đến bọc lót.
Bộ ba Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng – Đỗ Duy Mạnh đã đáp ứng tốt yêu cầu của thầy Park trong 3 năm qua, tạo ra rào cản về tiêu chuẩn khó vượt cho các cầu thủ sau này. Ở V.League, không nhiều đội chơi 3 trung vệ như ĐTQG nên thích nghi ra sao để đáp ứng yêu cầu là vấn đề lớn với Schmidt, Đình Khương hay Đức Chiến.
Văn Vĩ là trường hợp thú vị. Cầu thủ của CLB Hà Nội từng được gọi rồi bị gạch tên vì phong độ không cao. Do Lê Văn Xuân chấn thương, Đoàn Văn Hậu đã nghỉ thi đấu quá lâu, Văn Vĩ được cân nhắc là phương án dự phòng ở hành lang cánh. Thái Quý cũng khó cạnh tranh ở tuyến tiền vệ, nơi Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải đã rất ổn định.
Dù vậy, động thái không gọi một loạt gương mặt cũ như Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Đức Huy, Trần Minh Vương để điền tên Thái Quý cho thấy ban huấn luyện đội tuyển rất chú trọng đến sự thay đổi.
Đổi mới nhân sự sẽ dẫn tới đổi mới cách chơi. Hướng tới AFF Cup vào cuối năm, HLV Park Hang-seo có 6 tháng để tìm ra Tuấn Hải mới. Trận đấu với Afghanistan, đối thủ không mạnh nhưng cũng không yếu, là cơ hội để tuyển Việt Nam trình diễn diện mạo mới mẻ.
Quế Ngọc Hải nói về việc gặp lại Anh Đức ở cương vị mới Chia sẻ với báo chí trước buổi tập chiều 30/5, trung vệ Quế Ngọc Hải cho biết anh và các đồng đội cảm thấy vui và thú vị khi gặp lại Anh Đức với cương vị mới ở đội tuyển Việt Nam.
Tuyển Việt Nam tìm lại những cạnh tranh sòng phẳng
Mở hàng đầu năm bằng chiến thắng nức lòng ngay tại Mỹ Đình, bóng đá Việt Nam hứa hẹn năm 2022 đầy hy vọng khi cả SEA Games và AFF Cup sẽ cùng khởi tranh.
Nhìn lại chiến thắng 3-1 trước tuyển Trung Quốc, rất nhiều người đã có chung những nhận xét như tuyển Việt Nam tìm lại con đường chiến thắng hay tuyển Việt Nam xác lập lại vị thế của mình ở Đông Nam Á sau năm 2021 không như ý. Tất cả đều là những nhìn nhận đúng đắn. Điều đó dễ hiểu khi thắng trận trước đối thủ được đánh giá cao hơn và trong trận cầu nhiều ý nghĩa như trận gặp Trung Quốc là động lực lớn cho các tuyển thủ.
Ngay sau đó, việc được về với gia đình ăn cái Tết sum vầy cũng giúp họ hồi phục năng lượng tinh thần sau thời gian dài nặng gánh. Đó sẽ chính là điểm tựa để tuyển Việt Nam có cuộc "tìm lại" trong năm mới đúng như ý nguyện của người hâm mộ.
Nhưng thực tế, việc tìm lại con đường chiến thắng vẫn cần được chứng minh qua từng trận đấu trên sân. Cụ thể, trước mắt, ở vòng loại thứ 3 World Cup, chúng ta sẽ chơi thế nào trước Nhật Bản và Oman đây và về cuối năm, chúng ta sẽ chứng minh vị thế ra sao ở sân chơi AFF Cup, nơi mà chúng ta vừa trải qua thất bại không dễ gì chấp nhận được? Tất cả đều nằm trong vấn đề duy nhất: Tuyển Việt Nam có trở lại với những cuộc cạnh tranh sòng phẳng hay không?
Tuyển Việt Nam giành chiến thắng nhờ HLV Park dám thay đổi mạnh hơn. Ảnh: Việt Linh.
Chìa khóa cho sự thay đổi
Việc Tuấn Hải và Tấn Tài xuất hiện chính thức ở trận gặp tuyển Trung Quốc là chìa khóa mở ra câu hỏi kể trên. Hai gương mặt mới có, cũ có này đã cho thấy nếu có sự thay đổi nhân sự theo kết quả của cạnh tranh vị trí sòng phẳng, tuyển Việt Nam sẽ có động lực hơn, có chất lượng hơn.
Dù kính trọng HLV Park Hang-seo đến mấy, dù luôn ghi nhận công lao của vị thuyền trưởng người Hàn Quốc đến mấy, chúng ta cũng không thể để mình trượt ra ngoài câu hỏi rất chung của hơn năm qua là vì sao luôn có sự ưu ái đặc biệt nào đó cho một số cái tên chưa đạt phong độ tốt nhất?.
Chúng ta phải thừa nhận thế này, huấn luyện viên là nghề mà nói thì dễ, nhưng làm mới biết là khó. Huấn luyện viên đánh giá cầu thủ để lựa chọn đội hình ra sân dựa trên cơ sở lý trí là cơ bản.
Qua những gì cầu thủ thể hiện trên sân tập, trong các trận giao hữu, trong cả sinh hoạt tập thể thường ngày, huấn luyện viên sẽ cân nhắc để quyết định cái tên chất lượng nhất ở thời điểm cụ thể được đá chính. Nhưng đó là khi mối quan hệ giữa huấn luyện viên và cầu thủ có khoảng cách nhất định do còn xa lạ với nhau. Còn khi đã trở nên thân quen, gắn bó, tình cảm bắt đầu len lỏi để tác động lên lý trí.
HLV Park Hang-seo cũng chỉ là con người bình thường như bất kỳ ai, với cảm xúc riêng và niềm tin riêng. Do đó, việc ông lựa chọn cầu thủ ra sân chắc chắn đã bị phần nào cảm xúc và niềm tin riêng ấy chi phối, khi mà ông đã có thời gian làm việc đủ dài với bóng đá Việt Nam.
Về chuyện cảm xúc chi phối này, chúng ta cũng khó có thể trách ông. Như đã nói ở trên, nói thì dễ nhưng làm lại không dễ và nếu ta tự đặt mình vào vị trí của thuyền trưởng, chúng ta sẽ thấy cái không dễ ấy thực tế khó vô ngần.
Hồ Tấn Tài (số 13) thi đấu ngày càng trưởng thành. Ảnh: Việt Linh.
Tuyển Việt Nam cần tăng sự cạnh tranh
Nếu ai từng chơi những trò chơi kiểu như Football Manager, người ấy sẽ hiểu hơn cả. Khi bạn được giả định là huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ nào đó, quyết định mua sắm cầu thủ của bạn rất dễ bị chi phối bởi nền bóng đá mà bạn tôn thờ.
Người mê mẩn bóng đá Brazil sẽ có xu thế mua sắm các tài năng trẻ Brazil. Trong khi đó, người thần tượng lối chơi bản sắc tiki-taka của Tây Ban Nha, sẽ sục sạo tìm người ở các học viện của các đội bóng La Liga. Đấy mới chỉ là trò chơi mà thôi. Còn ở đời thực, nó còn là mối quan hệ tâm giao giữa người với người. Chính việc đó mới là thứ đã khiến HLV Park Hang-seo có những quyết định dùng người gây tranh cãi suốt hơn năm qua.
Sau chiến thắng trước tuyển Trung Quốc, thậm chí có tin đồn việc HLV Park Hang-seo không dùng Hồ Tấn Tài ở trận gặp Australia trước đó là do ông tưởng nhầm Tài đã dính một thẻ vàng. Chưa biết độ chính xác của thông tin này là như thế nào, nhưng khả năng cao nó là tin thiếu chính xác.
HLV Park trăm công ngàn việc nên có thể quên, có thể nhầm song cả đội ngũ trợ lý của ông cùng quên và nhầm thì khó lắm. Nói đúng hơn, có thể ông dùng Văn Thanh vì vẫn là lý do cũ. Đó là người từng cùng ông đi qua nhiều thắng lợi, nên ông để niềm tin lâu năm quyết định thay cho lý trí của mình.
Cũng từng có tin đồn HLV Park Hang-seo dùng một vài cầu thủ là do các tác động từ phía các ông bầu. Tin này chắc chắn không chính xác hoàn toàn. Thực chất, các ông bầu, dù có mưu mẹo tới đâu, cũng không ai đi làm mấy cái việc vặt vãnh ấy. Họ cư xử với bóng đá quân tử hơn cách dư luận đặt ra thuyết âm mưu về họ nhiều.
Và trên hết, họ cũng không cần việc ghi công trên đội tuyển quốc gia bằng những thành viên từ CLB của mình. Với các ông bầu, để làm việc đó, việc bỏ tiền ra mua một tuyển thủ quốc gia sòng phẳng hơn nhiều và đàng hoàng hơn bao nhiêu. Suy cho cùng, nó vẫn chỉ là câu chuyện của niềm tin riêng và cảm xúc của HLV mà thôi. Và đó dường như là thứ mà ông Park đang muốn thay đổi khi ông nhận ra tuyển Việt Nam đang rất cần làm mới.
Tuấn Hải mang đến sự cạnh tranh cho hàng công tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.
Tuấn Hải là sự làm mới như thế. Trong các lần tập trung đội tuyển quốc gia trước, Hải tập luyện và chơi cũng rất tốt trong các trận giao hữu, đá tập. Nhưng luôn là kết cục anh bị rớt lại ở lần chốt danh sách cuối cùng. Sở dĩ ông Park quyết định như vậy cũng bởi lý do những cái tên cạnh tranh có "số má" hơn so với Hải về độ nhận diện xã hội.
Gạt cái tên đã nổi tiếng để sử dụng người mới, ông Park dễ đứng trước rủi ro bị chỉ trích nếu thử nghiệm không thành công. Nhưng bây giờ, tình thế đã khác. Người hâm mộ đã gọi tên Tuấn Hải và anh hoàn toàn có vị thế để cạnh tranh thật sòng phẳng với Văn Đức, Văn Toàn, Công Phượng, Tiến Linh hay Hà Đức Chinh.
Khi mới cầm quân ở Việt Nam, ông Park luôn khiến khách quan bất ngờ về lựa chọn đội hình của mình. Và ông thành công. Cơ bản, đó là khi còn lạ nước, lạ cái và cuộc cạnh tranh vị trí ở đội tuyển quốc gia là sòng phẳng, thậm chí có thể hơi nghiệt ngã. Nhưng khi đội bóng đã đi trên lộ trình quen, dường như việc cạnh tranh cũng nhạt đi nhiều. Bây giờ, để làm mới tinh thần cũng như chất lượng đội bóng, ông Park cần làm sống lại những cuộc cạnh tranh như thế.
Nhìn vào cách bố trí 3 tiền vệ của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc, chúng ta càng thấy rõ hơn khi không đặt toàn bộ gánh nặng sáng tạo lên vai Quang Hải, bản thân Hải cũng chơi tốt hơn và đội bóng cũng chơi tốt hơn. Và vị trí nào có thể dự phòng cho Quang Hải đây, nếu cầu thủ Hà Nội phải vắng mặt vì chấn thương hay thẻ phạt.
Bóng đá Việt Nam có thể thiếu cầu thủ sáng tạo ở tầm vóc của Hải, nhưng để thay thế anh ở một thời điểm nào đó cho tròn vai, không hẳn chúng ta thiếu người. Và ông Park cần mở lại con đường cơ hội cho những nhân vật dự phòng như thế, ví dụ như Hữu Thắng, để tạo ra cuộc cạnh tranh mà ở đó ngôi sao cũng phải nỗ lực hơn khi lứa đàn em luôn duy trì khát vọng để chứng tỏ bản thân mình.
Trước khi khép lại năm cũ, ông Park thay đổi thủ quân đội tuyển quốc gia. Theo như thông tin từ trong đội, một trong những lý do là Quế Ngọc Hải lên tiếng đấu tranh để các cầu thủ được triệu tập lên đội tuyển quốc gia có cơ hội ra sân thay vì dự bị đến ù lỳ.
Nếu thông tin này là đúng, có thể nói di sản của đội trưởng Quế Ngọc Hải chính là ngòi nổ để mở ra cuộc thay đổi cần có là tái tạo lại sức cạnh tranh vị trí và từ đó, tái tạo lại khát vọng cho từng tuyển thủ quốc gia.
Sớm đặt 1 chân... về nhà, tuyệt cảnh sẽ tạo nên phép màu cho ĐTVN? Bị dồn tới chân tường, nếu đội tuyển Việt Nam kịp lấy lại tinh thần, chơi với tâm thái không biết sợ hãi nhưng cũng đủ cẩn trọng, biết đâu chúng ta sẽ tạo nên bất ngờ? ĐTVN 99% bị loại Lần cuối cùng và duy nhất ĐTVN thắng cách biệt Thái Lan là từ năm 1998, cũng tại AFF Cup. Khi đó,...