‘Tuyển Việt Nam là giấc mơ của người hâm mộ Nhật Bản’
Nghe đầy nghịch lý, nhưng dưới góc nhìn của một CĐV bóng đá Nhật Bản, đội tuyển của chúng ta thậm chí còn là giấc mơ của người Nhật.
Tâm sự với một anh bạn Nhật hiếm hoi quan tâm tới Asian Cup, tôi bỗng dưng cảm thấy thật sự hạnh phúc vì được làm fan của đội tuyển Việt Nam, được ngắm nhìn bầu không khí hừng hực suốt nhiều ngày qua, được hòa mình vào bữa tiệc mừng công sau AFF Cup 2018.
Tôi cho Yamata xem những hình ảnh ăn mừng của người dân Việt Nam sau AFF Cup, sau từng chiến tích thần kỳ tại Asian Cup. Tôi tự hào khoe với anh bạn Nhật rằng người Việt “phát điên” vì bóng đá và trận tứ kết với Nhật Bản hôm nay 24/1 chắc chắn không phải là ngoại lệ, bất kể kết quả ra sao.
‘Chúng tôi cũng muốn phát điên’
Trầm ngâm một hồi, Yamata nói: “Tôi cũng muốn được phát điên”. Nước Nhật cuốn con người đi theo vòng xoáy chóng mặt vì sự nghiệp, danh vọng và cả trách nhiệm “phải làm một người Nhật Bản”.
Yamata vẫn nhớ những ngày đội tuyển Nhật Bản thi đấu tại World Cup, nhớ người dân đã tràn ra đường ăn mừng sau khi Samurai xanh lọt vào vòng knock-out. Tại những địa điểm nổi tiếng ở Tokyo, tiếng còi xe inh ỏi hòa trong tiếng hò reo.
“Phải là dịp rất đặc biệt, người Nhật mới được thoải mái thoát ra khỏi khuôn phép. Vài người rụt rè bấm còi xe vì hành động đó thật kỳ quặc ở đây. Sau đó, nhiều người cũng bắt đầu bấm còi và bữa tiệc bắt đầu”,Yamata tâm sự.
Ở Việt Nam, cảnh tượng những người xa lạ ôm chầm lấy nhau hô vang “Việt Nam vô địch”, hình ảnh fan bóng đá đập tay cả với cảnh sát giao thông, những chiếc xe bỗng dưng dừng đột ngột ở ngã tư, người trong xe chạy ra giữa đường phất cờ tạo nên một đám đông huyên náo. Tất cả điều đó đều là giấc mơ của người hâm mộ bóng đá Nhật.
Chẳng ai phàn nàn về tắc đường, chẳng ai vội vã về nhà. Những chiến thắng của tuyển Việt Nam trở thành ngày hội thật sự, dịp đặc biệt để các fan bóng đá được sống hết mình với đam mê.
Tôi kể cho Yamata rằng vào ngày U23 Việt Nam đá trận bán kết AFC Championship với Qatar, đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm vắng tanh không một bóng người. Ai cũng chọn cho mình một góc để dõi lên màn hình. Ngay cả đám cưới cũng trở thành buổi xem bóng đá tập thể.
Anh bạn người Nhật trầm trồ và tin tôi đi, đó là sự trầm trồ đầy thèm khát. Yamata cũng muốn được cổ vũ Nhật Bản tại Asian Cup, nhưng nhiều người Nhật quan niệm rằng sân chơi này quá nhỏ bé để dành sự quan tâm. Họ chỉ quan tâm tới World Cup mà thôi. Anh cũng muốn được tràn ra đường ăn mừng chiến thắng, được thoát khỏi khuôn phép một ngày thôi. Nhưng đây là Nhật Bản.
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện đến đám cưới để xem bóng đá
Các tuyển thủ Nhật cũng muốn được như học trò của HLV Park
Video đang HOT
Tôi lại kể cho Yamata rằng vào ngày U23 Việt Nam thua đau trước Uzbekistan trong trận chung kết AFC Championship, người dân vẫn đổ ra đường. Dẫu Việt Nam không phải là đội vô địch, thầy trò Park Hang-seo đã vô địch trong trái tim của toàn dân.
Nhật Bản thì ngược lại. Cầu thủ của họ gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Tại World Cup 2018, các tuyển thủ Nhật phải xin lỗi người hâm mộ vì đã có những thời khắc bạc nhược trước Ba Lan. Xa hơn nữa, ở World Cup 2014, các chiến binh Samurai xanh còn cúi gập đầu xin lỗi người hâm mộ ngay trên sân sau trận thua 1-4 trước Colombia.
Các cầu thủ Nhật Bản phải cúi đầu xin lỗi người hâm mộ dù thất bại ở sân chơi World Cup vốn chẳng có gì phải xấu hổ.
Có một nghịch lý thế này: Người Nhật về cơ bản hoàn toàn thờ ơ với Asian Cup và những chiến thắng của đội tuyển quốc gia nước này không được ăn mừng như cách người Việt chúng ta đã ăn mừng. Nhưng giả sử Nhật Bản không thể bước lên ngôi vô địch, điều đó lại là tội lỗi, thất bại. Sẽ lại có những cái gập đầu xin lỗi.
Trong khi đó, dù thầy trò Park Hang-seo có phải dừng bước ngay sau trận đấu với Jordan, tôi tin rằng các tuyển thủ áo đỏ vẫn sẽ được chào đón như những người hùng khi trở về quê nhà. Ở khía cạnh nhất định, thái độ của người hâm mộ Việt Nam với đội tuyển cũng là giấc mơ của người Nhật.
Và vẫn chưa hết khi tuyển Việt Nam giống như một đại gia đình. Chúng ta đã thấy các cầu thủ nhờ Đức Huy vẽ hộ chân dung rồi đăng lên trang cá nhân vui ra sao. Chúng ta cũng đã chứng kiến Xuân Trường chăm sóc cho Duy Mạnh thế nào. Và dĩ nhiên là chẳng ai quên được hình ảnh Quang Hải không hòa mình trong bữa tiệc ăn mừng, mà nán lại động viên Minh Vương sau trận đấu với Jordan.
Khoảnh khắc Quang Hải nán lại an ủi Minh Vương khiến nhiều CĐV Việt Nam xúc động
ĐT Nhật Bản lại là tập hợp của nhiều tuyển thủ từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về. Dù vẫn thi đấu trong màu áo tuyển quốc gia, sự gắn kết như một gia đình thật sự không cao.
Chúng ta ngưỡng mộ Nhật vì họ có nhiều tuyển thủ đang chơi bóng ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế thì có quá nửa tuyển thủ Nhật đang đầu quân cho các CLB châu Âu đang ngồi dự bị. Tiền đạo Yoshinori Muto mang tiếng đang chơi bóng cho Newcastle, nhưng anh mới ra sân vỏn vẹn 462 phút tại Premier League mùa này và ghi được đúng 1 bàn thắng. Yuya Osako đá cho Bremen, những cũng mới thi đấu 964 phút tại Bundesliga mùa này và có 3 lần lập công.
Không đại diện cho cảm nhận của người Nhật, nhưng giấc mơ của Yamata chí ít cũng cho thấy một góc nhìn thú vị. Đội tuyển Việt Nam của chúng ta là giấc mơ của đội bạn.
Theo Zing.vn
Việt Nam đã thắng Nhật Bản tại ASIAD 2018 như thế nào?
Chiến thắng 1-0 trước Olympic Nhật Bản tại vòng bảng ASIAD 2018 có là thước đo phù hợp để tin rằng đội tuyển Việt Nam của thầy Park đủ khả năng tạo ra bất ngờ ở tứ kết Asian Cup?
Đó là câu hỏi đáng để xem xét nếu nhìn vào sự việc rằng nòng cốt của Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 là lứa Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Đỗ Duy Mạnh vẫn đang đóng vai trò trụ cột tại Asian Cup 2019. Còn thầy Park vẫn đang nắm quyền huấn luyện với tư tưởng rõ ràng và xuyên suốt.
Quang Hải và đồng đội sẽ gặp ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch là Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019.
Việt Nam chơi tốt hay Nhật Bản "nhả"?
Thầy trò HLV Park Hang-seo đã chơi tốt và sòng phẳng với đội Olympic Nhật Bản tại lượt đấu cuối cùng bảng D ASIAD 2018 và giành chiến thắng với tỷ số 1-0. Bàn mở tỷ số ngay phút thứ 3 của Quang Hải là minh chứng cho thấy thầy trò HLV Park Hang-seo chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào cho cuộc đấu đó.
Olympic Việt Nam chủ động dâng cao với đội hình tham vọng cùng 4 cầu thủ có thiên hướng tấn công rất rõ rệt là Đức Chinh, Văn Toàn, Quang Hải và Văn Quyết. Toan tính của thầy Park là gây sức ép bằng khả năng đeo bám ngay bên phần sân Nhật Bản.
Những cầu thủ Nhật Bản đã phạm sai lầm, và Quang Hải trừng phạt đội bóng của HLV Hajime Moriyasu. Những gì đáng kể nhất mà Olympic Nhật Bản làm được khi đó là chọc thủng lưới Bùi Tiến Dũng vào cuối hiệp 2, nhưng trọng tài từ chối bàn thắng vì lỗi việt vị.
Song nếu nhìn vào cục diện khi đó, việc Olympic Nhật Bản thua Olympic Việt Nam xứng đáng được đặt ra những lăng kính ngoài chuyên môn. Trước khi gặp nhau ở lượt đấu cuối cùng, cả hai đều giành trọn 6 điểm ở 2 lượt trận đầu. Với tính chất của cuộc đấu (xác định ngôi thứ) và tình hình đang diễn ra lúc đó, có những lý do để Nhật Bản toan tính việc kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2.
Quang Hải là người ghi bàn giúp Olympic Việt Nam giành chiến thắng trước Nhật Bản tại vòng bảng ASIAD 2018. Ảnh: Việt Hùng.
Ngay khi cầu thủ Olympic Nhật Bản để mất bóng trong tư thế bị vặn lưng, 4 cầu thủ Olympic Việt Nam đều đã ở trong trạng thái lao tới với tốc độ cao nhằm gây sức ép, và sau cùng Quang Hải đã mở tỷ số.
Với cách sắp xếp của ban tổ chức ASIAD cùng tình thế diễn ra khi đó, nếu Olympic Nhật Bản đứng thứ hai, đội bóng này sẽ né được nhánh đấu có mặt địch thủ số một Olympic Hàn Quốc ở vòng knock-out và chỉ phải đối đầu với Malaysia tại vòng 1/8. Những đối thủ tiềm tàng cũng khá dễ thở khi chỉ có Saudi Arabia là đáng bàn.
Chuyện chủ động thua tại vòng bảng, qua đó rơi vào nhánh đầu dễ thở hơn ở vòng knock-out không mới mẻ gì với bóng đá đỉnh cao. Tại World Cup 2018, tuyển Anh từng chấp nhận thua Bỉ 0-2 ở lượt cuối cùng vòng bảng để rồi chỉ phải gặp Colombia, Thụy Điển và Croatia ở vòng 1/8, tứ kết và bán kết (so với Nhật Bản, Brazil và Pháp của Bỉ).
Tại World Cup 1974, Tây Đức cũng bị đồn thổi rằng đã chủ động thua Đông Đức 0-1 ở lượt trận cuối cùng vòng bảng thứ nhất và qua đó né được bảng tử thần ở lượt tiếp theo gồm Brazil, Hà Lan và Argentina.
Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018 có quyền để toan tính như thế. Vị thế của nền bóng đá xứ sở mặt trời mọc không chấp nhận việc một đội bóng thuộc hệ thống Liên đoàn bóng đá Nhật Bản bị loại trước vòng bán kết ở một giải đấu có tầm cỡ nhất định như ASIAD.
HLV Hajime Moriyasu trở thành thuyền trưởng ĐT Nhật Bản sau khi World Cup 2018 kết thúc. Ảnh: AFC.
Olympic Nhật Bản không phải tuyển Nhật Bản
Đội hình Olympic Nhật Bản tham dự ASIAD 2018 có độ tuổi trung bình là 20,1 tuổi. Không ai trong số này sinh trước năm 1997, tức đều trẻ hơn Công Phượng, Duy Mạnh hay Phan Văn Đức bên phía Olympic Việt Nam. Và cũng không ai trong số này đang góp mặt trong thành phần ĐT Nhật Bản tham dự Asian Cup 2019.
Lực lượng Olympic Nhật Bản tham dự ASIAD 2018 là thành phần được cho đi rèn luyện cọ xát nhằm tính toán tham dự Olympic 2020 được tổ chức tại Tokyo. Người hâm mộ nhận thức được rõ ràng rằng đội tuyển Nhật Bản là câu chuyện hoàn toàn khác Olympic Nhật Bản, dù người nắm quyền vẫn là ông Hajime Moriyasu.
ĐT Nhật Bản mang tới Asian Cup 2019 đội hình đồng đều ở mọi tuyến và được đánh giá là ứng viên cho chức vô địch. Ảnh: AFC.
Tính thời điểm cũng là yếu tố cần phải xem xét. ASIAD 2018 được tổ chức vào tháng 8 là giải đấu đầu tiên ông Moriyasu đảm nhiệm vai trò HLV trưởng sau khi ông Akira Nishino chủ động từ chức sau khi World Cup 2018 kết thúc. Từ đó tới nay, ĐT Nhật Bản đã tiến những bước không hề ngắn trong việc định hình nên lối chơi cũng như nhân sự mới dưới thời nhà cầm quân sinh năm 1968.
ĐT Nhật Bản mới mẻ của ông Moriyasu đã thắng cả Uruguay của tiền đạo Edinson Cavani với tỷ số 4-3 và tạo ra những hứng khởi cũng như niềm tin nhất định tại đất nước xứ sở mặt trời mọc.
Tại Asian Cup 2019, độ tuổi trung bình của ĐT Nhật Bản là 27,5. "Samurai xanh" đang là sự kết hợp của ba lứa cầu thủ được đặt nhiều niềm tin bởi giới mộ điệu Nhật Bản gồm những cựu binh (Yuto Nagatomo, Maya Yoshida), những cầu thủ đang vào độ chín (Genki Haraguchi, Gaku Shibashaki, Yuya Osako, Yoshinori Muto) và những cầu thủ trẻ (Takumi Minamino, Ritsu Doan).
Trong khi đó tuyển Việt Nam vẫn là những nhân tố của lứa giành vị trí thứ 4 tại ASIAD 2018. Ảnh: Minh Chiến.
Trong khi đó, ĐT Việt Nam có độ tuổi trung bình là 23 tại Asian Cup 2019, chỉ nhỉnh hơn con số tại ASIAD 2018 đôi chút (22,7 tuổi). Năm 2018 chói sáng với những chiến tích tại vòng chung kết U23 châu Á, ASIAD 2018 hay AFF Cup 2018 không thể khỏa lấp đi sự thật rằng đội quân của HLV Park Hang-seo còn rất trẻ.
ĐT Nhật Bản đẳng cấp hơn, kinh nghiệm hơn thực sự sẽ là đối thủ khiến chúng ta phải dành sự tôn trọng trước trận đấu có tầm vóc lớn bậc nhất lịch sử bóng đá nước nhà. Và hãy để chiến thắng trước Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018 là câu chuyện của ngày hôm qua.
Theo Zing.vn
Nhật Bản nhận tin dữ trước trận gặp Việt Nam HLV Moriyasu Hajime liên tục đón nhận những tin không vui đến từ tình hình lực lượng trước trận tứ kết Asian Cup 2019 với Việt Nam. Ngay trước cuộc đối đầu với Việt Nam ở vòng tứ kết, Nhật Bản đối mặt với không ít khó khăn về nhân sự. Cụ thể, trong buổi tập ngày 22/1, hậu vệ Hiroki Sakai đã...