Tuyển Việt Nam học được gì từ Thái Lan để đánh bại UAE
Chiến thắng 2-1 của Thái Lan trước UAE ở lượt đấu trước tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á mở ra nhiều phương án cho tuyển Việt Nam trong việc đối đầu với đối thủ Tây Á.
Đối đầu với UAE hôm 15/10, Thái Lan của HLV Akira Nishino đã giăng bẫy hoàn hảo để bóp nghẹt đối thủ được cho là mạnh hơn. HLV Bert van Marwijk của UAE dường như bất ngờ với đấu pháp cùng chất lượng bóng đá mà Thái Lan có thể chơi và không kịp xoay chuyển tình thế.
Chiến thắng thuyết phục của “ Voi chiến” có thể là hình mẫu để đội tuyển Việt Nam hướng tới trong cuộc đấu tại Mỹ Đình tối 14/11.
Thái Lan đánh bại UAE 2-1 đầy thuyết phục trên sân Thammasat hôm 15/10. Ảnh: FIFA.
Thái Lan đánh bại UAE như thế nào?
UAE bước vào cuộc đấu trên sân Thammasat với sự thay đổi lớn nhất trong triều đại của ông Van Marwijk. Omar Abdulrahman, ngôi sao số một của UAE, được ra sân từ đầu.
Quả bóng Vàng châu Á 2016 đã nghỉ thi đấu gần 1 năm vì chấn thương dây chằng và chỉ mới trở lại. Trước đó, anh chủ yếu được tung vào sân từ ghế dự bị để lấy lại cảm giác bóng. Tới cuộc đấu với Thái Lan, ông Van Marwijk quyết định đặt niềm tin vào Omar trong vai trò của một số 10, tương tự Wesley Sneijder ở đội tuyển Hà Lan trong quá khứ.
Omar Abdulrahman được đặt niềm tin trong cuộc đấu với Thái Lan. Ảnh: The National.
Thái Lan của HLV Nishino đón lõng được thay đổi lớn này và nhanh chóng phong tỏa Omar Abdulrahman bằng lối đá áp sát cùng việc hàng tiền vệ di chuyển liên tục.
Số 10 của UAE là cầu thủ hiếm khi lui về phòng ngự. Anh sở hữu khả năng xử lý bóng với kỹ thuật cùng điểm mạnh là những đường chuyền hiểm hóc có lực đi căng. Tuy nhiên, số 10 cần khoảng trống để chơi bóng. Anh cũng khá rườm rà và mạo hiểm trong các pha đấu tay đôi. Thái Lan đã tận dụng tối đa lối đá tài tử này để biến Omar thành hố đen trong cách triển khai lối chơi của UAE.
Mỗi lần bóng tới chân Omar, ít nhất 2 cầu thủ (đôi khi là 3) Thái Lan lao tới vây ráp theo mô hình tam giác. Một người chủ động vào bóng chân thuận, người còn lại chặn hướng chuyền và người cuối cùng lao thẳng tới chặn hướng di chuyển. Số 10 của UAE gần như kẹt cứng trong khoảng không gian 2-3 m và luôn chấp nhận bị mất bóng.
Omar luôn bị ép nhận bóng trong tư thế quay lưng và bị hai cầu thủ Thái Lan vây ráp.
Đội chủ nhà cũng làm cực tốt trong việc chia cắt số 10 với các đồng đội bằng khả năng chọn vị trí hợp lý.
Khi không thể chia cắt bằng việc chọn vị trí, các cầu thủ Thái Lan cho Omar nằm sân.
Phế truất vai trò của Omar là phương án A của ông Nishino trong việc phá lối chơi của UAE. Trên khía cạnh tấn công, Thái Lan chủ yếu đưa bóng xuống khu vực hành lang trong của UAE (half-space) nhằm tận dụng tối đa việc hai hậu vệ biên đội chủ nhà thường xuyên lao lên tấn công và để hở sườn.
Supachok bắt đầu với vị trí tiền vệ công nhưng thường xuyên hoán đổi vị trí cho Ekanit Panya. Các hậu vệ biên của Thái Lan cũng thường xuyên chồng cánh dồn lên để tạo thế 5-6 cầu thủ Thái Lan xung quanh vùng cấm UAE nhằm gia tăng sức ép.
Chính việc chơi thứ bóng đá pressing tổng lực này giúp Thái Lan gần như nghiền nát UAE (về mặt thế trận) trong 60 phút đầu tiên của trận đấu và có 2 bàn thắng. Hàng phòng ngự đội bóng Tây Á hoàn toàn lúng túng trước sức ép lớn này và mắc sai lầm khi để các cầu thủ Thái Lan có quá nhiều cơ hội để đưa bóng bổng vào cho Teerasil Dangda dứt điểm
Supachok thường xuyên di chuyển ra biên tạo thế 3 đánh 2 cho Thái Lan ở khu vực hành lang trong. Ảnh: Siamsport.
Kết quả là Thái Lan cầm bóng 61% trong cả trận, sút gần gấp đôi so với UAE (11 so với 6), sút trúng đích gần gấp ba (5 so với 2). Nếu Teerasil Dangda chỉn chu hơn trong những pha dứt điểm, hay Supachok, Manuel Bihr không vô duyên sút dội cột, Thái Lan đã có thể thắng UAE đậm hơn.
Cuối trận, UAE đã có những cơ hội nhất định để vùng dậy. Song đó là thời điểm mà Thái Lan sau những phút pressing miệt mài đã có phần đuối sức và sẵn sàng lui về nhằm bảo vệ tỷ số.
Tuyển Việt Nam học được gì từ Thái Lan
Không dễ để đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo vụt biến từ đội chơi phòng ngự phản công sang hình ảnh đánh phủ đầu pressing tầm cao đối thủ ngay sau tiếng còi khai cuộc như Thái Lan.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm then chốt trong cách triển khai thế trận của ông Nishino mà HLV Park có thể tham khảo trong cuộc đấu trí với Van Marwijk tại Mỹ Đình.
Vai trò của số 10 Omar Abdulrahman là điều đầu tiên. Sự cầu toàn có thể khiến ông Van Marwijk không tung Omar ra sân từ đầu tại Mỹ Đình, song nếu số 10 xuất hiện, việc đá rát với cầu thủ này là bắt buộc nếu chúng ta muốn có một thế trận chủ động.
Anh Đức và Quang Hải có thể là mũi công lợi hại của Việt Nam trước UAE. Ảnh: Minh Chiến.
Thứ hai, UAE không phải đội chống bóng bổng tốt. Cả hai bàn thua trước Thái Lan của đội bóng này đều tới từ những pha treo bóng thẳng vào vùng cấm. Trong bàn mở tỷ số, Dangda đã hoàn toàn đè được hậu vệ đội khách. Trong bàn thứ hai, không một cầu thủ UAE nào theo kèm Ekanit.
Anh Đức hoặc Tiến Linh vì thế là lựa chọn không tồi trong tình huống này. Khả năng không chiến tốt của hai trung phong thuộc biên chế CLB Bình Dương có thể giúp tuyển Việt Nam dứt điểm UAE trong các pha treo bóng.
Thứ ba, khu vực hành lang trong (half-space) là tử huyệt của UAE. Trong bóng đá hiện đại, bảo toàn được khu vực hành lang trong này cực khó nếu chơi với hệ thống phòng ngự 4 hậu vệ.
Văn Hậu cũng sẽ là cầu thủ giúp Việt Nam tấn công tốt nếu đủ thể lực. Ảnh: Minh Chiến.
Thái Lan của Nishino đã chơi đầy khôn ngoan khi kéo toàn bộ quân số tinh nhuệ vào khu vực này ở hai biên để không kích UAE với những cú tạt tầm trung và cao.
Với Quang Hải, Văn Hậu, Trọng Hoàng và có thể là cả Văn Toàn, Việt Nam không thiếu phương án để mang ác mộng này trở lại với UAE tại Mỹ Đình, để có được 3 điểm và vươn lên trong cuộc đua vào vòng tiếp theo của Vòng loại World Cup 2022.
ĐT Việt Nam cùng Thái Lan đang là đội có hàng phòng ngự tốt nhất bảng đấu. Đồ họa: Minh Phúc.
Theo Zing
Tuyển UAE: Thách thức đáng gờm cho Việt Nam có gì đặc biệt?
Trong bối cảnh 3 đội bóng còn lại đều là những đối thủ mà Việt Nam có hể "chơi được", thì UAE tới từ Tây Á là lá thăm mà thầy trò HLV Park cần xem chừng.
Khách quan mà nói, UAE là một đối thủ dễ chịu với ĐT Việt Nam nếu so với các đối thủ trong nhóm 1 khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran. Song sự dễ chịu ấy chỉ nên được xem ở chừng mực nào đó, bởi không phải ngẫu nhiên UAE được đánh giá cao đến vậy tại châu Á.
Thất bại trước ĐT Việt Nam năm 2007 chỉ là tai nạn
Trong ký ức của giới mộ điệu nước nhà về UAE, chắc hẳn đều chỉ nhớ về chiến thắng của ĐT Việt Nam trước đội bóng Tây Á cách đây 12 năm. 2 bàn thắng của Huỳnh Quang Thanh và Lê Công Vinh tới giờ vẫn là kỷ niệm đẹp cho kỳ Asian Cup lịch sử.
Nhưng ít ai biết, từ đó đến nay, ĐT Việt Nam hoàn toàn thất thế trước đội bóng Tây Á. Chỉ 3 tháng sau khi thất trận tại Mỹ Đình, UAE trả cả vốn lẫn lãi khi đè bẹp thầy trò Alfred Riedl 5-0 ở vòng loại World Cup. Tới tháng 11/2013, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup, UAE nã thêm 5 bàn nữa vào lưới Việt Nam trên đất Tây Á để hoàn toàn đóng lại ký ức buồn ở Mỹ Đình năm nào. Chính vì vậy, với người UAE thì thất bại trước ĐT Việt Nam năm nào chỉ là một tai nạn, không hơn không kém.
Việt Nam từng đánh bại UAE với tỉ số 2-0.
UAE hiện đang đứng thứ 67 trên BXH FIFA, tức hơn ĐT Việt Nam tận 30 bậc.
Sức mạnh của đội bóng Tây Á đã được chứng tỏ ở kỳ Asian Cup 2019, là giải đấu mà UAE đã lọt vào đến bán kết và chỉ chịu khuất phục trước nhà đương kim vô địch châu Á Qatar. UAE đã gây bất ngờ khi họ đánh bại và biến Australia trở thành cựu vương của giải đấu ở vòng tứ kết với tỷ số 1-0.
Thống kê cũng cho thấy 10 trận đấu gần đây của đội tuyển UAE, họ có đến 5 trận thắng, 3 trận hòa và chỉ để thua 2 trận. Ngoài trận thắng Australia, UAE còn cho thấy sự đáng sợ của mình khi họ đánh bại cả Iraq, Ả rập Xê út ở Tây Á.
Trong số các đối thủ cầm hòa UAE gần đây có Thái Lan, đội bóng đến từ Đông Nam Á cầm hòa được UAE với tỷ số 1-1 ở lượt cuối vòng bảng Asian Cup 2019, tuy nhiên đó là thời điểm UAE chỉ cần một trận hòa là có vé đi tiếp nên đá không quyết liệt.
Sở hữu "Messi" và HLV từng vào đến chung kết World Cup
Trả lời phỏng vấn tờ Foxsport, tiền vệ huyền thoại Xavi đã được yêu cầu chọn lựa và tìm ra cầu thủ châu Á xứng đáng với biệt danh "Messi" nhất. Omar Abdulrahman của UAE chính là người chiến thắng, vượt Lee Seung-woo của Hàn Quốc hay Chanathip Songkrasin của Thái Lan.
Đá ở vị trí tiền vệ, Omar chơi thứ bóng đá quyến rũ và đậm chất ... "Messi". Anh đã có cho mình 8 bàn thắng và 17 pha kiến tạo trong màu áo ĐTQG tính đến hiện tại.
Song Abdulrahman đã bỏ lỡ kỳ cúp châu Á khi dính chấn thương dây chằng đầu gối và phải nghỉ hơn 7 tháng. Ở tuổi 28, khả năng Abdulrahman có thể hồi phục trọn vẹn phong độ hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Omar Abdulrahman được Xavi chọn là "Messi mới".
Nhân tố nổi bật khác là Khalfan Mubarak. Số 10 của UAE ghi 11 bàn, kiến tạo 14 lần ở mùa trước và là chân chuyền chủ chốt của đội tuyển Tây Á.
Bên cạnh đó, Ali Mabkhout cầu thủ được định giá 4 triệu Euro cũng có thành tích rất ấn tượng, Ali đã huỷ diệt giải VĐQG UAE với 33 bàn chỉ sau 55 trận đấu.
HLV Bert van Marwijk từng giúp ĐT Hà Lan vào tới WC 2010.
Tuy vậy, điểm đáng chú nhất bên phía CLB Tây Á chắc chắn phải là vị trí HLV. Sau khi không thể vô địch Asian Cup 2019, LĐBĐ UAE đã quyết định không tiếp tục gia hạn hợp đồng với nhà cầm quân người Italy Alberto Zaccheroni. Người lên thay cựu HLV Milan, Juventus và Inter là Bert Van Marwijk, nhà cầm quân từng đưa ĐT Hà Lan lọt vào chung kết World Cup 2010.
Xét về tài năng và kinh nghiệm trận mạc, Van Marwijk hiển nhiên hơn thầy Park một bậc. Nhà cầm quân này còn giữ được sự bí hiểm nhất định khi mới dẫn dắt UAE đúng 2 trận giao hữu, trong đó có chiến thắng 2-1 trước đối thủ máu mặt Saudia Arabia.
Chiến thắng 2-0 của ĐT Việt Nam trước UAE.
Theo SaoStar
5 điểm nóng quyết định trận Việt Nam - UAE Những điểm nóng có thể quyết định tới trận đấu giữa ĐT Việt Nam với ĐT UAE trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. 1. Ali Saleh - Trọng Hoàng UAE không có sự phục vụ của chân sút chủ lực Ali Mabkhout vì án treo giò, nhưng đại diện...