Tuyển thủ U23 Việt Nam gãy xương sườn
Hậu vệ U23 Việt Nam, Vũ Tiến Long bị gãy xương sườn, phải nghỉ ít nhất 1 tháng để điều trị.
Sau khi trở về từ giải U23 châu Á 2022, Tiến Long tập nhẹ cùng CLB Hà Nội. Cầu thủ quê Thanh Hóa bị đau nhẹ ở phần xương sườn. Anh được các bác sĩ CLB Hà Nội đưa đi bệnh viện kiểm tra. Kết quả cầu thủ chạy cánh của U23 Việt Nam bị gãy xương sườn.
Với chấn thương này, Tiến Long phải nghỉ ít nhất 1 tháng mới có thể tập luyện trở lại. Đây là một tin không vui với cầu thủ 20 tuổi và đội bóng Thủ đô.
Tiến Long gặp chấn thương phải nghỉ nửa tháng
Trước Tiến Long, ngoại binh Zec cũng gặp chấn thương đứt dây chằng khi đấu tập cùng Phù Đổng. Ngoài ra, Đoàn Văn Hậu, Lê Văn Xuân và Đỗ Duy Mạnh cũng chưa thể thi đấu trở lại, trong số này Văn Xuân vừa lên bàn mổ và mất 6 tháng để phục hồi.
Tiến Long là một trong những cầu thủ thi đấu ấn tượng ở giải U23 châu Á 2022. Hậu vệ CLB Hà Nội có một bàn thắng rất đẹp mắt trong trận hòa 1-1 trước “ông lớn” Hàn Quốc ở vòng bảng.
Vũ Tiến Long sinh năm 2002, mới được CLB Hà Nội gọi trở lại từ đội hạng Nhất Phù Đổng để đôn lên đội hình một đầu năm nay. Anh được thi đấu ở cả SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022.
Sau khi trở về CLB, Tiến Long thể hiện quyết tâm rất cao có một vị trí ở đội 1 Hà Nội FC, anh nói: “Ở đâu cũng là môi trường để tôi phát triển, ở đâu tôi cũng tự tạo áp lực để hoàn thiện hơn. Cạnh tranh ở Hà Nội FC khó hơn U23 Việt Nam, nhưng đó sẽ là động lực lớn của tôi”.
Vũ Tiến Long: Hai lần 'hút chết', suýt bị HLV đuổi vì trốn đi gặp vợ đến siêu phẩm cùng U23 Việt Nam
Vũ Tiến Long là một trong những cầu thủ U23 Việt Nam gây ấn tượng mạnh nhất ở cả SEA Games 31 lẫn vòng chung kết U23 châu Á 2022.
Vũ Tiến Long sinh năm 2002, nhà chỉ cách biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) 100m. Từ cậu bé đá bóng bãi biển, Long kinh qua cả ba lò đào tạo danh tiếng nhất bóng đá Việt Nam. Từ thiếu niên ngổ ngáo, Long giờ là tuyển thủ U23 Việt Nam thành danh, là ông bố một con ngày càng trưởng thành hơn sau những biến cố.
Một trong những điều Long tự hào nhất là anh chưa thua một trận nào trước các đội tuyển Thái Lan. SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022 cũng để lại nhiều kỷ niệm khó quên với hậu vệ 20 tuổi.
Ở tuổi 20, Vũ Tiến Long thi đấu ấn tượng ở SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022 trong màu áo U23 Việt Nam (Ảnh: Hiếu Lương)
"Tôi không coi mình là người nổi tiếng"
- Phóng viên: Xin chào Vũ Tiến Long, VCK U23 châu Á 2022 đã kết thúc nhưng nếu nhắc lại, Long còn tiếc nuối điều gì?
Vũ Tiến Long: Tôi vẫn tiếc khi đội dừng chân ở tứ kết. Nếu gặp một đối thủ khác thì đội có lẽ còn đi xa hơn được nữa. Tôi rất tự tin vì anh em trong đội hô hào nhau và rất đoàn kết.
Tôi có xem trận bán kết giữa U23 Saudi Arabia - U23 Australia. Tôi thấy U23 Australia còn không tấn công nhiều bằng U23 Việt Nam. Nếu đội không thua ở hiệp 1 thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với Saudi Arabia.
- Không khó để nhìn thấy sự lưỡng lự của Long trong bàn thua đầu tiên trước U23 Saudi Arabia. Điều gì đã xảy ra với Long lúc ấy?
Tôi không ngờ là lại thua được quả đó. Ở tình huống trước, tôi rụt chân lại không phạm lỗi, không dám đạp vì nghĩ sẽ bị thẻ đỏ. Lúc đó chỉ biết tiếc thôi, thật sự không nghĩ thua ngay sau đó, thua nhanh đến vậy.
- Sau trận, HLV Gong Oh-kyun đã nói gì với toàn đội?
Video đang HOT
Thầy bảo thầy rất tự hào về chúng tôi. Thầy bảo phải cười nhiều lên, không phải cúi mặt vì chúng ta chơi rất tốt, đâu phải mình không có lối chơi. Thầy liên tục bảo "Smile! Smile!" (cười lên) chứ không được cúi mặt. Tâm trạng cả đội lúc đó đang thua nên chán, thầy đi ra động viên từng người, nói mình chơi tốt chứ không phải thua toàn tập trước Saudi Arabia.
- Tôi được biết ban đầu HLV Gong nhắm Lê Văn Xuân cho vị trí hậu vệ phải nhưng sau phải thay đổi. Tại sao Long được chọn dù sở trường là trung vệ?
Vị trí nào cũng tốt thôi. Khi tôi mới đá hậu vệ phải thì chưa quen không gian và vị trí nhưng khi thi đấu có anh Việt Anh (Bùi Hoàng Việt Anh) bọc lót nên thấy rất tự tin. Tôi nghĩ giờ mình có thể chơi tốt hậu vệ phải. Thầy Gong ban đầu xếp tôi đá tiền vệ trụ, chỗ anh Lương Duy Cương, nhưng tôi nghĩ mình hợp hậu vệ phải hơn. Khi được tin tưởng, tôi cố gắng để thầy không thất vọng.
Sau giải, tôi có nghĩ sẽ tập đá tốt hậu vệ biên ở Hà Nội FC, cố gắng thể hiện tốt cho HLV để ý nhiều hơn. Nếu được đá trung vệ thì tôi vẫn sẽ cố gắng hết mình.
- Đó dường như là một lựa chọn của số phận khi Tiến Long ghi một siêu phẩm vào lưới U23 Hàn Quốc. Cú sút đó liệu có phải may mắn?
Không phải đâu. Tôi từng sút như vậy khi tập luyện lẫn thi đấu rồi. Tôi tự tin vì có lực sút tốt. Ở pha bóng đó, tôi nghĩ đường chuyền của Tuấn Tài mà bóng qua chân tôi thì chắc chắn là U23 Hàn Quốc "chết" rồi, đến khi tôi vung chân sút thật thì tin chắc chắn vào.
- Pha bóng ấy có phải một bài quen thuộc khi tập luyện không?
Chúng tôi chưa từng tập như vậy bao giờ. Sau SEA Games 31, chúng tôi có 3 ngày chuẩn bị rồi đi cùng thầy Gong luôn. Thời điểm đó U23 Việt Nam đang bị dẫn bàn, chúng tôi chỉ muốn đẩy cao lên tấn công thôi chứ không tập luyện gì trước đó.
- Đội trưởng Việt Anh thừa nhận ban đầu có nghi ngại khi làm việc với tân HLV Gong Oh-kyun. Long thì sao?
Tôi cũng cảm thấy giống anh Việt Anh. Tôi là người nhiệt huyết mỗi khi vào sân nên đôi khi thấy thầy Gong thoải mái qua thì lo anh em chủ quan không thi đấu tốt. Tôi đã nghĩ như vậy.
- Vậy từ thời điểm nào, Long cảm thấy tin tưởng hơn vào HLV Gong?
Từ nghi ngờ, tôi bắt đầu tin HLV hơn sau khi U23 Việt Nam để thua 0-3 U23 UAE trong trận giao hữu trước giải. Cảm nhận của tôi là trận đấu chúng ta đá còn tốt hơn U23 UAE. U23 Việt Nam thua ở các tình huống phản công. Ở trận đó, đội đá tấn công, hai hậu vệ biên dâng cao nên thua thôi chứ đội đá rất tốt, thời gian kiểm soát bóng thậm chí còn nhiều hơn U23 UAE.
Trước khi đi, thầy gặp ban lãnh đạo VFF và toàn đội. Thầy nói luôn là các bạn cứ thi đấu thoải mái, còn trách nhiệm do thầy gánh hết.
- Trước trận quyết định vé vào tứ kết gặp U23 Malaysia, có đúng HLV Gong nói rằng "các bạn cứ đá đi, chúng ta sẽ thắng và tôi đã tìm hiểu hết về U23 Saudi Arabia lẫn U23 Nhật Bản" không?
Thầy có nói, hình như là lúc tập luyện. Thầy bảo là các bạn cứ đá thoải mái đi, tôi tìm hiểu hết về Nhật Bản và Saudi Arabia rồi. Nói vậy nhưng khi vào trận gặp U23 Malaysia thì tôi cũng hơi lo ngại, cũng tâm lý vì chúng ta bắt buộc phải thắng mà. Ngay khi đang đá hiệp 1, tôi lại thấy đội mình ăn được Malaysia với chiến thuật và cách tấn công này.
- Trong những ngày ở Uzbekistan, Long ấn tượng nhất với điều gì?
Chúng tôi không đi ra ngoài mà chủ yếu ở khách sạn. Đồ ăn ở đây rất khác nên nhiều khi không quen. Sau đó, chúng tôi được người Việt gửi đồ ăn qua, các CĐV cũng mang đồ ăn sang khiến cả đội rất biết ơn. Nhiều khi anh em trong đội suy nghĩ sẽ đá vì CĐV lặn lội sang đây, tự hỏi "tại sao không cố hết mình để CĐV được xem trận đấu hay?".
- Hành trình từ Uzbekistan về Việt Nam dài vô cùng và Long còn được nhường vé về sớm. Khi gặp lại gia đình, Long nói câu gì đầu tiên?
Khi toàn đội đang ăn cơm, anh Tuấn (Đoàn Anh Tuấn) trưởng đoàn đã thông báo những ai về trước. Hầu hết các bạn ở miền Nam sẽ bay về TP.HCM nên tôi không ngờ mình có tên trong danh sách đấy. Khi về đọc tin, tôi mới biết thầy Cảnh (trợ lý Chu Ngọc Cảnh) nhường vé. Tôi cảm thấy rất biết ơn thầy vì để tôi được gặp gia đình trước.
Khi gặp gia đình, tôi không nhớ mình nói câu gì đầu tiên nữa. Tôi chỉ nhớ khoảnh khắc đầu tiên là ôm vợ và con. Khi về nhà, tôi không coi mình là cầu thủ nổi tiếng hay gì cả. Tôi chỉ muốn hai vợ chồng vui vẻ và hạnh phúc. Tôi không coi mình là người nổi tiếng, ra ngoài đường cũng rất bình thường thôi.
Vũ Tiến Long chia sẻ với người viết vào sáng 18/6 tại phòng họp báo SVĐ Hàng Đẫy (Ảnh: Hiếu Lương)
Hai lần suýt chết, bị lò HAGL đánh trượt, lò Viettel loại bỏ
- Nhà ở gần biển, có thể nói Long trưởng thành từ những bãi cát thay vì sân đất, sân ruộng như nhiều anh em cầu thủ khác?
Nhà tôi cách biển Sầm Sơn chỉ khoảng 100m. Những lần đá bóng trên bãi biển mãi là kỷ niệm tuổi thơ rất vui. Tôi thấy đá trên sân cát mệt nhưng vui hơn, đá ở ruộng đồng cũng vui nhưng không bằng vì ở kia có nhiều pha bóng hài hước.
Tôi với bạn bè hay đá lúc 5-6 giờ chiều đến khi trời tối thui không nhìn thấy gì nữa, đến mức bóng trôi ra biển, tìm mãi không thấy. Hồi đấy, tôi chỉ đam mê đá bóng, tạo niềm vui sau mỗi buổi đi học về thôi chưa nghĩ đến chuyên nghiệp gì đâu.
- Bước ngoặt nào đưa Tiến Long đến với môi trường bóng đá chuyên nghiệp?
Ngày xưa, Viettel có trung tâm vệ tinh ở Sầm Sơn. Họ đến trường tuyển sinh. Tôi thấy thích nên thi và đậu. Cứ 6 tháng/lần, trung tâm sẽ mang quân tuyển được từ Thanh Hóa ra trung tâm chính ngoài Hà Nội, khi ấy còn ở đường Trường Chinh (Nay ở Hòa Lạc). Tôi bất ngờ được trúng tuyển, cũng bất ngờ lắm vì hồi đó bé nghĩ chơi cho vui thôi.
Khi ấy, tôi 11 tuổi. Tôi nhớ một ngày tháng 6/2013 thì đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Bố tôi bảo cứ thử một lần xem sao vì tôi có đam mê với bóng đá. Hai anh em đều muốn thử thách, tôi may mắn hơn khi trúng tuyển ở Viettel.
- Tiến Long ở gần nhà Nguyễn Quang Chiến, người từng thi đấu vào lò HAGL JMG, đúng không?
Ngày xưa, tôi và em trai anh Chiến có đá bóng cùng nhau. Anh Chiến (1996) được chúng tôi hâm mộ lắm, bảo là anh được trúng tuyển vào lò HAGL JMG. Thời đó, lò này ai cũng muốn được vào nên chúng tôi nhìn gương anh Chiến rất ngưỡng mộ, luôn coi là thần tượng.
- Vậy tại sao Long không gia nhập lò HAGL JMG?
Tôi có thi nhưng trượt.
Sau này, tôi thấy cuộc thi tuyển vào Viettel thoải mái hơn. HAGL mới tuyển đã chọn quân chơi 1 đấu 1, đá đối kháng. Lúc đấy, mình còn chưa biết chạy chỗ thế nào, đá ra sao nên cảm thấy khó hơn. Ở Viettel, các thầy chỉ cho tâng bóng, chạy, bật cao thì lúc đấy mình làm tốt hơn.
- Khi phải rời xa gia đình, bố mẹ Long lo lắng thế nào vì trước đấy Long từng hai lần suýt chết vì bị cảm và điện giật?
Hồi ấy, tôi còn nhỏ mà mẹ đang đi lao động bên Nga, chỉ có bố ở nhà chăm hai anh em. Hồi mới lên lò Viettel, bố tôi lo lắm vì ở nhà chăm từng tí. Lúc xa bố, tôi khóc nhiều, buồn nhiều lắm. Có hôm, bố lên thăm chỉ muốn về cùng bố. Tôi nhiều khi muốn từ bỏ nhưng bố luôn đứng sau động viên. Bố bảo cố gắng lên con, mình đã đi đến đây rồi không thể bỏ được.
- Mẹ Long đi Nga có lâu không và quãng thời gian đó khó khăn ra sao?
Mẹ đi Nga năm tôi 9 tuổi, đi 3 năm, lúc ấy ngây thơ lắm. Đêm trước khi mẹ đi nước ngoài, tôi còn bảo "mẹ đi là sướng". Mẹ muốn tôi đi cùng ra Hà Nội trước khi bay nhưng tôi ngủ quên không đi cùng được. Cả nhà đưa mẹ ra sân bay còn lại mấy anh em. Đến sáng, tôi vẫn vui lắm vì chưa nghĩ phải xa mẹ, xong còn đi chơi điện tử. Lúc về, mẹ gọi điện cho tôi bảo chuẩn bị lên máy bay thế là mình tự dưng ngồi khóc vì nhớ mẹ.
Mẹ sang Nga thì có gọi về qua Skype. Tôi vốn ít nói, gặp mẹ cũng không nói được gì, chỉ khóc với nhớ. Trẻ con chưa nghĩ được gì, chỉ biết xa mẹ nên buồn khóc thôi. Lúc mẹ gần về, tôi đang tập ở Viettel, đếm từng ngày một để gặp mẹ. Cứ hết một tuần, tôi khoanh lại xem còn bao ngày thì mẹ về. Hôm đó, tôi đang học trên trường do trung tâm sắp xếp thì bác bảo vệ lên lớp nói Vũ Tiến Long đâu có mẹ ở nước ngoài về gặp. Tôi vừa bước ra cửa là khóc luôn, rồi ra phòng bảo vệ gặp mẹ.
- Năm 14 tuổi, bước ngoặt sự nghiệp lại đến với Tiến Long khi bị trung tâm Viettel loại. Lúc ấy, Long có nghĩ đến chuyện bỏ bóng đá?
Trung tâm Viettel báo về gia đình việc tôi bị loại trước 1 tháng. Tôi bất ngờ nhưng cũng ngây thơ, chưa suy nghĩ, đúng chỉ tuổi ăn tuổi chơi thôi. Tôi nghĩ nếu bị loại thì về đi học vì tôi học không thua xa các bạn quá. Thế nhưng, bố tôi động viên, bảo còn cơ hội bên Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) vì các thầy có giới thiệu sang.
Bố cho tôi về nhà chơi 10 ngày rồi mới đưa ra Hà Nội. Tôi không muốn đi đâu nhưng bố cứ động viên bảo cố gắng lên con, mất 3 năm theo chuyên nghiệp rồi bỏ thì phí. Tôi nghe xong thì ra theo bố, lúc đó thật sự quyết tâm, bắt đầu suy nghĩ về bóng đá nhiều hơn.
Tôi cũng nghi ngờ bản thân mình, chắc chưa đủ tốt nên không được ở lại. Thế nhưng, tôi cũng chỉ nghĩ trong một ngày thôi. Tôi tập ở Viettel 3 năm bị loại cũng chán nhưng bố bảo tôi cứ nghỉ ngơi đi, thoải mái tư tưởng thì bố dẫn ra Hà Nội. Nếu đậu thì cố gắng ở lại, không được thì về đi học. May mắn là tôi được giữ lại cho tới giờ.
Vũ Tiến Long bên vợ và con gái (Ảnh: FBNV)
Suýt bị HLV đuổi vì trốn đi gặp vợ và thành tích bất bại trước người Thái
- Không chỉ hai lần bị HAGL, Viettel đánh trượt, Long còn từng chia sẻ với bố mẹ là có thể phải chia tay lò đào tạo Hà Nội đúng không?
Năm ấy, tôi 17 tuổi. Tôi lúc ấy cũng vô kỷ luật. Khi ấy, đội đang ăn cơm buổi trưa mà tôi lại ra ngoài gặp người yêu cũng là vợ bây giờ. Thầy Dương Hồng Sơn hôm đó tức lắm.
- Năm 2017, Long còn dính vào lùm xùm ở trận U15 Hà Nội gặp U15 Thanh Hóa. HLV Lê Hồng Minh đòi "cắt gân chân" Long vì ăn mừng thiếu tôn trọng. Long cũng từng chia sẻ về việc này và coi đây là bài học lớn trong sự nghiệp?
Sau sự cố đó, tôi có nói chuyện với thầy Minh. Tôi nói em còn tuổi trẻ bồng bột, chưa suy nghĩ chín chắn và mong thầy thông cảm cho em. Tôi lúc ấy 15 tuổi, suy nghĩ lại mới thấy mình sai. Bài học sau này cần điềm tĩnh hơn, không nên hành động thái quá như vậy. Đến giờ phút này, tôi vẫn thấy hối hận về hành động của mình.
- Vượt qua thời điểm khó khăn này, Long vẫn được tin tưởng trao băng đội trưởng và cùng U15 Việt Nam vô địch Đông Nam Á sau trận thắng U15 Thái Lan. Dường như, cái duyên với người Thái của Long xuất phát từ lúc ấy?
Tôi đối đầu với Thái Lan chưa từng thua, chắc cũng tầm trên 10 trận rồi đấy.
Ở giải đó, thầy Vũ Hồng Việt dẫn dắt, cả đội vào sân quyết tâm lắm, không hề sợ thua. U15 Thái Lan có lứa hay, có cả thần đồng Suphanat (Mueanta) đó. Cả đội vào sân thể hiện tinh thần thoải mái, chiến thuật hợp lý, di chuyển kín kẽ. Trận đó không sợ chút nào mà có khi còn nhiều cơ hội ghi bàn rõ rệt hơn đối phương. Chúng tôi chơi phòng ngự nửa sân xong phản công nhanh.
- Không khó để thấy những pha bóng dằn mặt đối phương của Tiến Long, đó có phải con người thật của Long không?
Tôi ở trên sân là một người khác, ở ngoài đời là một người khác. Vị trí trung vệ đặc thù là phải mạnh mẽ, biết dằn mặt đối thủ. Khi ra sân, chúng tôi vẫn giống như anh em bình thường, gặp nhau vẫn vui vẻ chào hỏi nhau. Tôi ở trên sân chắc chắn phải làm như vậy, tôi không thể hiền được. Nếu hiền thì người ta qua mặt dễ quá, không được làm như vậy mà phải để đối thủ né mình ra.
- Trở lại với câu chuyện gia đình, Tiến Long là một trong hai cầu thủ đã có vợ và sinh con. Long gặp con lần đầu tiên là qua màn hình điện thoại vì bận thi đấu, lúc đó cảm xúc thế nào?
Nhìn xúc động lắm, không diễn tả được anh ạ. Tôi nhìn thấy con và trong đầu chỉ suy nghĩ làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho con thôi chứ không biết làm sao. Bố mẹ nào đi xa cũng nhớ con mình lắm. Tôi đi thi đấu có đêm mất ngủ vì nhớ con, lại lấy ảnh ra ngắm thôi.
- Lấy vợ ở tuổi khá trẻ, quãng thời gian yêu nhau 6 năm của Long và vợ có gì trắc trở không?
Tôi yêu xa nhưng cùng vợ lựa chọn tin tưởng lẫn nhau. Hai bên gia đình không cấm cản gì cả. Bố mẹ vợ còn động viên cố gắng lên cháu, hai đứa sau này muốn tiến tới đám cưới thì bác ủng hộ.
Hai đứa cũng cãi nhau nhiều vì yêu xa nhưng luôn vượt qua được, có thể coi đó là thành quả của chúng tôi. Hai đứa cãi nhau vì xa nhau thôi. Do đặc thù công việc nên tôi đi xa nhiều, vợ tôi cũng buồn nên cãi nhau vì thế. Tôi bảo là vợ cố gắng, anh đi xong lại về bù đắp cho vợ. Hai đứa chưa cưới nhưng dự kiến cuối năm nay vì đợt rồi dịch bệnh quá.
- Xin cảm ơn Long về cuộc phỏng vấn. Chúc Long thành công hơn nữa ở cấp CLB và đội tuyển quốc gia!
Tiến Long 'cấm' vợ được khen, Văn Chuẩn không lo mắc lỗi Dù còn trẻ nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam đều thể hiện được bản lĩnh của mình trên sân và cả trong cuộc sống. Tiến Long: 20 tuổi có vợ lại... hay Ở U23 Việt Nam, Tiến Long và Hoàng Anh là hai cầu thủ đã lập gia đình. Tuy nhiên, trường hợp của Tiến Long gây sự chú ý bởi anh...