Tuyên Quang: Liên kết thâm canh, mía cho “vị ngọt”
Do giá mía đường liên tục giảm sâu, hiệu quả kinh tế của cây mía mang lại không như mong muốn nên ở nhiều nơi, người dân đã bỏ cây mía chuyển sang trồng cây ăn quả, khiến nhiều nhà máy “đói” nguyên liệu nghiêm trọng. Thế nhưng ở vùng mía Tuyên Quang, nông dân ở đây vẫn có lãi khá nhờ áp dụng các giải pháp thâm canh tăng năng suất và liên kết trồng mía với nhà máy.
Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) và Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Năng suất mía thấp
Ông Lê Văn Khánh, thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh giới thiệu vườn mía giống DOC22 áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất. Ảnh: Thiên Ngân
Theo báo cáo của TTKNQG, toàn vùng phía Bắc có hơn 70.000ha mía, chiếm xấp xỉ 1/3 diện tích mía của cả nước, tuy nhiên năng suất bình quân vùng này chỉ đạt 59,1 tấn/ha – thấp nhất cả nước. Nguyên nhân là quy hoạch vùng trồng mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu; việc áp dụng cơ giới hoá còn ít; các giống mía cũ chiếm diện tích khá lớn…
Bà Vũ Thị Thuỷ – Phó Trưởng phòng Trồng trọt (TTKNQG) cho biết: Thời gian gần đây, giá thu mua mía ngày càng giảm khiến nông dân nhiều nơi không còn mặn mà với loại cây trồng này. Diện tích mía trong năm vừa qua giảm rất nhiều, cả nước khoảng hơn 20.000ha.
Cán bộ khuyến nông và người dân thăm ruộng mía sử dụng giống DOC22 tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Ảnh: Thiên Ngân
“Chính quyền địa phương cần đứng ra làm cầu nối giúp nông dân liên kết với các nhà máy xây dựng cánh đồng mía lớn, thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng năng suất mía và năng suất đường…”.
Ông Trần Văn Khởi
Tại tỉnh Tuyên Quang – nơi có diện tích trồng mía lớn nhất miền núi phía Bắc, niên vụ vừa qua bà con cũng phá bỏ tới 1.600ha mía. Tuy nhiên nếu được chăm sóc tốt, người trồng mía vẫn có lãi cao hơn so với trồng lúa, ngô…, do đó Tuyên Quang cũng như nhiều địa phương vẫn coi mía là cây trồng tiềm năng, quan tâm phát triển bằng nhiều chủ trương, chính sách.
Đến vùng mía xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, phóng viên Báo NTNN ghi nhận việc một số nông dân chán cây mía chuyển sang trồng chè, cây ăn quả, nhưng nhiều người cũng mạnh dạn dồn đổi ruộng đất, tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía vì có lãi.
Ông Lê Văn Khánh – nông dân thôn Chầm Bùng cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng 6.000m2 mía, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 70 triệu đồng, lãi hơn 40 triệu đồng, nên gia đình tôi đã dồn đổi ruộng với các hộ xung quanh để mở rộng lên 2ha. Mía của gia đình tôi được thâm canh tốt, ít sâu bệnh nên năng suất bình quân hơn 120 tấn/ha. Tôi chỉ mong công ty thu mua mía giá ổn định, có giống mía ít sâu bệnh, ít ngã đổ nhằm giảm giá thành”.
Liên kết – giải pháp “ăn chắc”
Ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc TTKNQG (giữa) trao đổi về kỹ thuật thâm canh cây mía cùng nông dân xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thiên Ngân
Ông Nguyễn Công Hàm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang cho biết, giá trị sản xuất của cây mía mang lại hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của người trồng mía khoảng 35,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với ngô, lúa, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cam, bưởi (từ 70 – 120 triệu đồng/ha/năm). Để ngành mía đường vượt qua khó khăn, cách tốt nhất là tập trung tăng thâm canh, chú trọng khâu tưới để tăng năng suất và chất lượng mía, giảm giá thành…
“Tại Tuyên Quang, mía hiện là cây trồng duy nhất được doanh nghiệp cam kết thu mua, liên kết chặt chẽ ngay từ ban đầu nên người dân khá yên tâm với cây mía. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía, trong đó có Nghị quyết 02/2017 về khuyến khích tưới tiết kiệm, hỗ trợ lãi suất cho vay 100% đối với trồng mới cây mía trong 2 năm đầu, 50% lãi suất từ năm thứ 3 đến thứ 5…” – ông Hàm nói.
Điều đặc biệt thuận lợi ở chỗ, trong khi giá thu mua mía nguyên liệu ở nhiều vùng sản xuất phía Nam, Tây Nguyên chỉ còn 600-700 đồng/kg thì Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) đã cam kết với nông dân giá thu mua từ năm 2015 – 2020 không đổi, ở mức 900 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, hỗ trợ thâm canh, tưới, trồng mới, trồng lại; làm đất bằng máy, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư đường giao thông nội đồng, đường vận chuyển…
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, chỉ tính riêng niên vụ 2017 – 2018, công ty đã đầu tư cho toàn vùng nguyên liệu của 2 nhà máy hơn 86 tỷ đồng. “Trong khi nhiều nhà máy đường đang gặp khó khăn về tiêu thụ, tồn đọng thì công ty đã bán được gần hết đường và đang tích cực chuẩn bị cho vụ mía mới” – ông Khánh nói.
Về sự phát triển của cây mía ở khu vực miền núi phía Bắc, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc TTKNQG nhận định, cây mía đang bị cạnh tranh gay gắt với các cây trồng khác do giá trị thu nhập chưa được như mong muốn, nhưng thực tế cho thấy nếu áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là có sự liên kết chặt chẽ với nhà máy, cây mía vẫn đem lại cơ hội xoá nghèo, vươn lên khấm khá cho hộ nông dân.
Theo Danviet
Mẹ 19 tuổi tử vong sau 3 tiếng nấc, hai bé song sinh khóc rạc cổ vì khát sữa
Khi đang ngủ cùng 2 đứa con sinh đôi chưa đầy một tháng tuổi, Mai bỗng nấc nghẹn rồi lịm dần, sau đó tử vong dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu.
Clip Vĩ chia sẻ về hoàn cảnh gia đình kể từ khi vợ qua đời.
Hạnh phúc ngắn ngủi của đôi vợ chồng trẻ
Gần 1 tháng kể từ khi vợ qua đời, Nguyễn Văn Vĩ (SN 1997, ở thôn Trại Đát, xã Tuân Lộ, Sơn Dương, Tuyên Quang) chưa có một ngày trọn vẹn ở nhà để lo hương khói, cúng cơm cho vợ. Vĩ cho biết, cuộc sống vợ chồng đang hạnh phúc với hai đứa con song sinh vừa mới chào đời thì bất ngờ tai họa ập đến khiến mọi thứ tiêu tan.
Vĩ lóng ngóng chăm con khi người vợ qua đời.
Vĩ và vợ là Bàn Thị Mai (SN 2000) lấy nhau từ năm 2017, dù còn trẻ nhưng hai vợ chồng quyết định sẽ có con luôn để sớm yên bề gia thất. Khi vợ có bầu, Vĩ thường xuyên đưa vợ đi khám theo tư vấn của bác sĩ. Niềm vui của hai vợ chồng được nhân đôi khi bác sĩ thông báo vợ Vĩ mang thai đôi hai cô "công chúa".
Cũng kể từ khi vợ có thai, vợ Vĩ nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, còn bản thân Vĩ làm tăng ca ở công ty để kiếm thêm thu nhập lo cho vợ và chuẩn bị để chào đón 2 "thiên thần" sắp chào đời.
Tưởng chừng hai con chào đời sẽ là niềm hạnh phúc bất tận, nhưng tai họa ập đến cướp đi bao dự định của đôi vợ chồng trẻ.
Ngày 8/8, hai con gái của Vĩ cất tiếng khóc chào đời khi đang ở tuần thai thứ 37. Con gái đầu của Vĩ có tên Nguyễn Bảo Anh nặng 2.5kg, còn bé thứ hai tên Nguyễn Ngọc Anh nặng 2.0kg.
Dù mang thai đôi nhưng may mắn là cả vợ và hai con gái của Vĩ đều khỏe mạnh. Sau gần 1 tuần sinh mổ, cả gia đình Vĩ về quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang trong niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình, dòng tộc.
Giờ đây Vĩ phải sống cảnh gà trống nuôi con.
Đưa vợ về quê được vài ngày, Vĩ quay trở lại công ty làm việc, hàng tuần Vĩ tranh thủ chút thời gian ít ỏi về bên vợ và con. Vĩ nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời, vì Vĩ được sống với bổn phận của một người chồng, người cha thật sự.
Nói đến đây, nước mắt của Vĩ lại tuôn trào, giờ đây dù vẫn là người cha đầy trách nhiệm, nhưng vợ đã mãi mãi ra đi, Vĩ muốn cũng chẳng thể chăm sóc vợ thêm được nữa.
Tiếng nấc định mệnh trong đêm tối
Nhắc về đêm định mệnh, khi người vợ trẻ mãi mãi ra đi, Vĩ nghẹn ngào chẳng nói thể thành lời. Ngồi bên cạnh em trai, anh Nguyễn Văn Hùng, là người chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối cho biết sự việc xảy ra rất nhanh, khiến cả gia đình vô cùng bất ngờ và bối rối.
Nhớ về người vợ của mình, Vĩ cúi mặt để giấu đi những giọt nước mắt.
"Rạng sáng ngày 1/9 (khoảng hơn 1h), khi cả nhà đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng Mai nấc rất lớn ở trong phòng. Thấy bất thường mọi người chạy vào xem, lúc đó còn tưởng Mai đang mơ ngủ.
Sau đó, Mai tiếp tục nấc 1 cái nữa, lúc này tay chân Mai nổi gân xanh và bắt đầu lạnh đi. Đến lần nấc thứ 3 thì Mai lịm dần, lúc đó mọi người hô hoán bế 2 cháu nhỏ ra ngoài, đồng thời bế Mai đi cấp cứu.
Sau 2 giờ cấp cứu ở bệnh viện, Mai đã không qua khỏi. Bác sĩ nói Mai bị cảm, đường xa đưa đến viện muộn quá nên đã tử vong", anh Hùng kể lại.
Hai đứa trẻ nhớ hơi ấm và bầu sữa mẹ nên khóc đến lúc tím tái cả người.
Mai tử vong khi hai con gái tròn 22 ngày tuổi. 3 ngày đầu khi mẹ mới qua đời, hai cháu khóc rạc cổ vì nhớ hơi ấm và bầu sữa của mẹ. Sau đó, cả 2 cháu đều kiệt sức và ốm nặng. "Khi đó vợ mới mất được 3 ngày, nhưng nhìn con khóc tím tái hết cả người, tôi vội thuê xe đưa 2 con đi viện. Nếu cứ chần chừ, nhỡ hai con có mệnh hệ gì thì tôi không biết phải ăn nói với vong linh vợ thế nào", Vĩ vừa nói vừa gạt đi giọt nước mắt.
Cũng kể từ đó đến nay, Vĩ cùng 2 con đi hết từ bệnh viện tỉnh, cho đến Bệnh viện Nhi Trung ương để chăm con. Dù vợ mới mất nhưng cũng chẳng có một ngày ở nhà trọn vẹn để cúng cho vợ bữa cơm.
Cháu lớn đã ra viện, cháu nhỏ vẫn phải nằm điều trị nên Vĩ phải thuê phòng gần bệnh viện để chăm sóc cả 2 con.
"Từ khi con đi viện, chỉ khi nào nhờ được người chăm con, tôi mới tranh thủ về thắp cho vợ nén hương rồi lại xuống với con luôn. Ông bà nội ngoại đều đã già yếu cả rồi nên việc chăm con nhỏ cũng không tiện", Vĩ nói.
Sau 3 tuần nằm viện điều trị, cháu Bảo Anh đã được ra viện, còn cháu Ngọc Anh vẫn đang trong tình trạng viêm phổi. Để có thể chăm được cả 2 con, Vĩ phải thuê 1 phòng trọ ở gần BV Nhi Trung ương để tiện việc đi lại và chăm sóc.
Kể từ khi tai họa ập đến gia đình, Vĩ nghỉ làm ở công ty và không có khoản thu nhập nào thêm, chính vì thế tiền điều trị cho con từ khi nhập viện đến nay, Vĩ đã phải vay gần 20 triệu.
"Giờ đây, mong muốn lớn nhất của tôi là các con nhanh khỏi bệnh để về nhà, hàng ngày vừa chăm con, vừa lo hương khói cho người vợ, sau đó tôi sẽ tiếp tục đi làm kiếm tiền trả nợ", Vĩ nói.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ:
Nguyễn Văn Vĩ - thôn Trại Đát, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
ĐT: 037 348 3391
Hoặc số tài khoảng ngân hàng:8101205199749. Chủ TK: Nguyễn Văn Vĩ. Chi nhánh ngân hàng Agribank Sơn Dương, Tuyên Quang
Theo Đình Phương (Khám phá)
Xứ Tuyên ra mắt thương hiệu "trâu ngố", nuôi 2,5 tháng lãi 3 triệu Lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang công bố nhãn hiệu tập thể "Trâu ngố Tuyên Quang". Đây là điều kiện đảm bảo giá trị sản phẩm trâu Tuyên Quang được nâng cao, mở rộng thị trường và tăng sản lượng tiêu thụ. Đầu ra ổn định, lãi cao Để có được thương hiệu "Trâu ngố Tuyên Quang" là cả một quá trình phối...