Tuyển nhân viên phát thư… lừa
Cuối tháng 10/2012, qua Báo Mua và Bán với quảng cáo hấp dẫn “Cần tuyển người giao thư, làm việc theo ca, 2h/ca, lương 200.000 đồng/ca”, anh Nguyễn Văn Minh (trú tại phường Minh Khai, Hà Nội) đã đến Công ty TNHH Việt Á (tại ngõ Hoàng Sâm, đường Hoàng Quốc Việt, HN) nộp hồ sơ xin việc.
Tại đây, anh Minh được yêu cầu nộp 400.000 đồng lệ phí hồ sơ (nếu được ký hợp đồng thì không trả lại) để ngày hôm sau đi làm. Đúng hẹn, anh Minh đến Công ty TNHH Việt Á nhưng họ lại giới thiệu anh đến Công ty Việt Nhật tại đường Trần Thiện Thuật, Hà Nội.
Tại công ty này, anh Minh lại bị yêu cầu nộp 200.000 đồng tiền phí đảm bảo không mất mát thư hoặc bóc thư (phí này cũng không trả lại). Tin tưởng, anh Minh ký hợp đồng làm việc. Ngày 26/10, anh đến nhận việc. Nhân viên công ty phát cho anh một xấp phong bì không tem, không dấu và địa chỉ chuyển đến thì không có tên người nhận. Anh Minh đi lòng vòng mất cả buổi mệt bã người mà địa chỉ ghi trong bì thư thì chỉ là một số trường đại học hoặc nhà dân.
Người lao động cần cảnh giác với những tờ rơi tuyển dụng lao động.
Đến Trường đại học thì họ không nhận vì kêu “ngày nào cũng có những thư rác thế này”, còn đến nhà dân thì họ khá… ngơ ngác, có người nhận, có người từ chối. Sinh nghi, anh Minh đề nghị người nhận mở bì thư thì thấy ở trong thư chẳng có nội dung gì ngoài thư mời, đóng dấu phô tô nhoè nhoẹt chẳng của cơ quan nào cả. Thấy công việc khác xa so với tưởng tượng ban đầu, anh Minh quay về Công ty Việt Á hỏi cho ra lẽ thì nhận được sự giải thích chung chung. Anh đòi lại tiền phí đã đóng nhưng công ty nhất quyết không trả và cho rằng anh tự bỏ việc. Biết mình bị lừa, anh đã đến Công an quận Cầu Giấy trình báo.
Video đang HOT
Chúng tôi điện thoại vào số 04632… để liên hệ xin việc làm thì được một người phụ nữ nghe điện thoại nói rằng Công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm công việc đi giao thư. Cô nhân viên với giọng ngọt ngào không ngừng quảng cáo: “Công việc nhàn hạ, lương lại cao. Cứ qua công ty chị sẽ giúp đỡ em”.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, cũng số điện thoại này, chúng tôi lại nhận được câu hỏi rất “dò xét”: “Em biết số điện thoại này từ ai? Ai giới thiệu em đến Công ty”. Khi tôi trả lời đọc được số điện thoại này trên Báo Mua và Bán thì người phụ nữ này lại từ chối: “Thế em nhầm máy rồi”.
Đây không phải là lần đầu tiên các nạn nhân bị dính “bẫy” tuyển dụng lao động khiến tiền mất, bị đưa hết từ công ty này đến công ty khác rồi phải đi làm những công việc không thể thực hiện nổi dẫn đến chán nản rồi tự bỏ việc như dán phong bì, bán vé máy bay… Với việc gấp phong bì để đạt yêu cầu và được trả lương thì phong bì đó phải chuẩn về kích thước đến từng minimét. Hay, để trở thành nhân viên bán vé máy bay, người lao động phải học thuộc những mẫu bảng giá dài hàng chục trang để trải qua lớp thi tuyển đầu vào.
Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã từng xử lý trung tâm tuyển dụng lao động tại 54 Nguyễn Tuân của đối tượng Hoàng Thị Thắng, 27 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi thuê nhà tại địa chỉ 54 Nguyễn Tuân, Thắng tự ý treo biển đại lý bán vé máy bay không có giấy phép để tuyển dụng lao động như bán vé máy bay, gia sư, trực điện thoại, gấp phong bì, phát quà khuyến mại… với lệ phí tuyển dụng và đào tạo từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng. Nhiều sinh viên đã nộp tiền nhưng không hề có việc làm như đã hứa hoặc có việc làm nhưng nhanh chóng phải bỏ việc do không đạt yêu cầu.
Một nạn nhân bị dính “bẫy” tuyển dụng lao động đến Báo CAND trình báo.
Đặc biệt, Thắng cũng áp dụng thủ đoạn “vòng tròn tuyển dụng” khi sử dụng nơi ở trọ của mình là số nhà 335 đường Nguyễn Trãi làm văn phòng “ma” lúc phòng bán vé máy bay bị quá tải. Để tạo niềm tin cho các “con mồi”, trung tâm tuyển dụng này cũng có con dấu riêng để “cốp” vào các giấy tờ. Tuy nhiên, con dấu được sử dụng theo đối tượng khai nhận là do… nhặt được. Để có thể xử lý đối tượng Hoàng Thị Thắng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an phường đã triệu tập đến 53 bị hại.
Liên tiếp trong thời gian qua tại Hà Nội có nhiều người lao động bị dính “bẫy” lừa tuyển dụng của một số trung tâm, công ty giới thiệu việc làm. Thủ đoạn của một số cơ sở này đã được báo chí đăng tải, nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy. Cấp phép tràn lan, hậu kiểm lỏng lẻo dẫn tới người lao động bị lừa mất tiền lại thêm mang bực vào người.
Để người lao động tránh bị lừa tuyển dụng, thiết nghĩ cơ quan Công an cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ trắng đen. Đồng thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm với doanh nghiệp được cấp phép, có khuyến cáo đến người lao động để họ cảnh giác.
Lời khuyên dành cho người lao động có nhu cầu việc làm là cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép rõ ràng. Nếu phát hiện các cơ sở tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ sớm với cơ quan Công an gần nhất để tránh tiền mất, tật mang
Theo Dantri
Lộ rõ dấu hiệu lừa đảo
Gắng sức tìm cho cô con gái một chỗ làm tốt, ngỡ tưởng tương lai của con sẽ rộng mở, thế nhưng gia đình ông Trịnh Văn Minh trái lại phải gánh khoản nợ kếch xù. Lý do thật giản đơn, ông này đã "trót" giao cả đống tiền cho người không có khả năng "chạy" việc.
Ông Minh buồn bã mỗi khi xem lại "khế ước" xin việc cho con gái
Theo trình bày của ông Trịnh Văn Minh (trú ở Khối 5, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội), cách đây chưa lâu, cô con gái lớn của vợ chồng ông tốt nghiệp đại học. Đang lúc loay hoay tìm "cửa" xin việc làm cho con thì gia đình ông được một người cùng làng giới thiệu gặp gỡ Nguyễn Bá Thanh (SN 1970), trú ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, cùng huyện Sóc Sơn. Người cùng làng với ông Minh "quảng cáo", Thanh có người nhà "làm to" ở Cục Hàng không Việt Nam nên có thể "lo lót" vào Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) với chi phí 180 triệu đồng.
Sau đôi lần gặp mặt và được Nguyễn Bá Thanh hứa hẹn, từ tháng 6 đến tháng 9-2011, gia đình ông Minh đã 3 lần giao tổng cộng 150 triệu đồng cho anh ta, kèm theo hồ sơ xin việc. Ngày 13-9-2011, vợ chồng ông Minh cùng Nguyễn Bá Thanh đã cùng ký vào giấy giao nhận tiền. Nội dung giấy tờ này thể hiện, Nguyễn Bá Thanh đã nhận của gia đình ông Minh số tiền trên để xin cho con gái ông vào bán vé giờ chót tại Sân bay Nội Bài. Nếu không "lo lót" được, anh ta sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền đã nhận của gia đình ông Minh, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy nhưng một thời gian sau, Nguyễn Bá Thanh lại bất ngờ bảo con gái ông Minh đến phỏng vấn và sẽ làm việc tại một hãng hàng không không phải Vietnam Airlines. Nhận thấy Nguyễn Bá Thanh chơi trò "lập lờ đánh lận con đen" nên gia đình ông Minh đề nghị chấm dứt giao dịch. Đáp lại, anh ta "vui vẻ" thuận tình và hẹn ngày hoàn trả lại số tiền đã nhận. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần hứa hẹn, nhưng Nguyễn Bá Thanh vẫn không chịu trả lại tiền và viện đủ lý do để lẩn tránh. Ông Minh cho rằng Nguyễn Bá Thanh đã lên "kế hoạch" đưa gia đình ông vào "tròng" để chiếm đoạt tài sản.
Cực chẳng đã, ngày 26-2-2012, gia đình ông Minh buộc phải làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Ngay sau đó, những người liên quan đã được gọi hỏi lấy lời khai. Mới đây, ngày 13-9, ông Minh lại làm đơn tố cáo thêm một lầ nữa, song đến nay, gia đình người nông dân này vẫn chưa nhận được bất kỳ động thái cần thiết nào từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật... Trước đơn tố cáo của ông Trịnh Văn Minh, chúng tôi cũng đã kiên trì liên hệ với Nguyễn Bá Thanh nhằm tìm hiểu rõ sự việc. Qua điện thoại, anh này xác nhận là có việc cam kết, hứa hẹn và nhận 150 triệu đồng của gia đình ông Minh để "chạy việc". Thế nhưng Thanh cho rằng anh ta không có ý lừa tiền. Đề cập đến việc hoàn trả tiền cho gia đình ông Minh khi "đại sự" bất thành, anh ta cho biết vẫn chưa thể trả lại "khổ chủ" vì một phần số tiền đó đã chuyển cho bên thứ ba.
Trước đó, tìm hiểu qua một số người dân sống gần nhà Nguyễn Bá Thanh, chúng tôi được biết gia đình anh này về cơ bản vẫn chỉ sống dựa vào nghề nông. Không một ai hay biết, anh ta có người nhà "làm to" hay không. Thời gian gần đây, người dân thôn Đức Hậu chỉ nghe nói Thanh làm ăn gì đó về xây dựng và thường xuyên không có mặt ở nhà. Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, nếu nội dung tố cáo của ông Trịnh Văn Minh là đúng sự thật thì vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tài sản, bởi nó đã hội tụ cả 2 yếu tố là sử dụng thủ đoạn gian dối và có hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, luật sư lưu ý rằng kết luận cuối cùng thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật. Luật sư này đồng thời khuyến cáo, từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ án lừa đảo tài sản với thủ đoạn tương tự.
Theo ANTD
Nét chữ trong đơn xin việc 'tố' kẻ sát nhân 4 năm sau ngày gây án, Trần Nam Chung (24 tuổi ở Hải Phòng) đã phải tra tay vào còng vì để lộ nét chữ trong một bộ hồ sơ xin việc. Do những mâu thuẫn xảy ra trong lớp học, Cao Tuấn Anh (20 tuổi) rủ Trần Trung Kiên (23 tuổi) đến đe dọa và đánh dằn mặt với bạn học của...