Tuyển dụng cán bộ công chức ở Gia Lai: Ưu ái con cháu lãnh đạo tỉnh
Tuyển dụng không đúng quy định, đến khi Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện, yêu cầu khắc phục thì tỉnh Gia Lai lại có sự ưu ái với một số trường hợp là “con ông cháu cha”. Sự việc gây bức xúc cho nhiều người…
Sau khi làm việc tại Gia Lai, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo Kết luận thanh tra số 531/TB-TTBNV, về việc quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; đào tạo, bồi dưỡng công chức và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Gia Lai. Thông báo nêu rõ: Tỉnh Gia Lai đã có nhiều sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong việc tuyển dụng công chức.
Sở Nội vụ Gia Lai (Ảnh: Báo Gia Lai)
Theo đó, trong 13 trường hợp, chủ yếu là các đối tượng thuộc diện con cháu của một số lãnh đạo ở Gia Lai – được đặc cách tuyển dụng sai, tỉnh Gia Lai đã đề nghị cho sát hạch lại. Trong khi đó, một số trường hợp khác với lỗi nhẹ hơn là “chưa đủ điều kiện” khi tuyển dụng thì bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng.
Cụ thể, có 6 trường hợp được tuyển dụng không xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng, 3 trường hợp được tiếp nhận không qua thi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học, và 1 trường hợp tuyển dụng theo chế độ cử tuyển nhưng không thực hiện xét tuyển…
Điều đáng nói là có 13 trường hợp được đặc cách tuyển dụng, không qua thi tuyển theo chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh không đúng đối tượng theo quy định (không phải là thủ khoa tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở ngước ngoài). Trong số này, có nhiều người là con, cháu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Lai như con của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, con của đương kim Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, người nhà của Bí thư huyện Đức Cơ, người nhà của đương kim Phó Giám đốc Sở KH-ĐT…
Chưa hết, việc tuyển dụng ở Gia Lai đã thể hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc quản lý biên chế công chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chậm, không xin ý kiến cơ quan chức năng; có 4/38 đơn vị sử dụng số lượng cấp phó vượt quá 7 người; 1 trường hợp được cử đi đào tạo sau đại học chưa đáp ứng đủ nhu cầu về thời gian công tác; tại thời điểm thanh tra, có 30/38 đơn vị hành chính ký 171 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ…
Video đang HOT
Với một huyện vùng sâu, còn đầy rẫy khó khăn như huyện Krông Pa, nếu cứ khăng khăng cứng nhắc, không biết linh động trong công tác sắp xếp cán bộ thì sẽ không có được cán bộ thạo việc phục vụ trong bộ máy Nhà nước.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế được phát hiện qua thanh tra. Đối với những trường hợp tuyển dụng sai, phải rà soát những trường hợp đã được tuyển không qua thi; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt và xem xét tuyển đối tượng cử tuyển…
Đáp lại, với lý do Gia Lai là tỉnh niềm núi, còn không ít khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong việc tuyển dụng người có trình độ cao… theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn xin ý kiến, và Bộ Nội vụ đồng ý cho thành lập Hội đồng kiểm tra về điều kiện, tiêu chuẩn, sát hạch trình độ năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đối với 13 trường hợp (nhiều người được xác định là con cháu lãnh đạo tại Gia Lai), được tiếp nhận theo chính sách thu hút của UBND tỉnh. Sau khi thành lập Hội đồng và tiến hành tổ chức “sát hạch”, cả 13 trường hợp trên đều vượt qua sát hạch và giữ nguyên vị trí đang công tác.
Việc làm trên của UBND tỉnh Gia Lai, vô tình khiến những người cũng nằm trong diện tuyển dụng sai nhưng lại bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng bức xúc, cho rằng đây là phân biệt đối xử, ưu ái cho nhiều con cháu lãnh đạo.
Trường hợp ông Nguyễn Anh Đức (Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Krông Pa) được xác định là thiếu thời gian công tác (thiếu 10 tháng làm công việc yêu cầu có trình độ đại học). Do vậy, ngày 21/9/2018, ông Đức bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng. Trước khi tuyển dụng chính thức, ông Đức đã có 6 năm làm hợp đồng công tác chuyên môn tại Văn phòng HĐND – UBND huyện Krông Pa. Theo ông Đức thì Thanh tra Bộ Nội vụ vẫn cho các trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo, bổ sung bằng cấp. Ấy vậy mà trường hợp của ông thì lại bị hủy quyết định tuyển dụng.
“UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã quyết định tuyển dụng tôi thì lỗi không phải do tôi mà do các đơn vị trên không xin ý kiến Bộ Nội vụ, không tổ chức sát hạch. Giờ “đẩy” tôi ra khỏi ngạch công chức là hoàn toàn không công bằng. Trong khi việc thiếu điều kiện (50/60 tháng công tác) là lỗi nhỏ, có thể khắc phục được thì bị hủy bỏ quyết định. Còn 13 trường hợp đặc cách tuyển dụng không đúng đối tượng là sai phạm nghiêm trọng thì lại được UBND tỉnh Gia Lai xin ý kiến cho sát hạch lại…”, ông Đức bức xúc.
Về trường hợp của ông Nguyễn Anh Đức, ông Tô Văn Chánh – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhận xét: Ông Đức là một đảng viên mẫu mực, một công chức mẫn cán. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao…
LAM GIANG
Theo nongnghiep
Gia Lai: Sẽ kỷ luật hàng loạt cán bộ tiếp tay phân lô đất nông nghiệp để bán
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh kỷ luật hàng loạt cán bộ lãnh đạo Sở TN&MT và UBND TP. Pleiku vì đã tiếp tay cho các cá nhân mở đường, phân lô đất nông nghiệp thành hàng nghìn thửa để bán, trục lợi.
Theo kết luận số 2405/KL-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn TP.Pleiku có 21 vị trí ở 10 phường, xã có tình trạng sang lấp mặt bằng, phân lô bán nền với diện tích trên 332.000m2 (trong đó phân lô, tách thửa là 321.000m2 và san lấp mặt bằng hơn 11.000m2). Theo quy hoạch, phần lớn diện tích này là đất nông nghiệp nhưng đến nay được "hô biến" thành đất ở, phá vỡ quy hoạch thành phố. Trách nhiệm chính sai phạm này thuộc về UBND TP.Pleiku - với vai trò là đơn vị dự thảo kế hoạch sử dụng đất và Sở TN&MT - cơ quan chủ trì thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh.
Quy hoạch TP.Pleiku bị phá vỡ do Sở TN&MT, UBND TP.Pleiku tiếp tay cho phân lô bán nền.
Theo kết luận, mặc dù UBND tỉnh chưa có quy định diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) chi nhánh TP.Pleiku, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh vẫn đo vẽ địa chính, thẩm định và được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tách thửa 18 vị trí thành 1.523 thửa. Từ đó, chủ đất đã sử dụng bản đồ địa chính chia tách thửa này đi rao bán nền, hưởng lợi.
Riêng đối với UBND TP.Pleiku, trong 3 năm (2015 - 2017) đã có quyết định thu hồi đất và ký 13 quyết định cho mở đường trên đất nông nghiệp "chỉ nhằm mục đích duy nhất là cho cá nhân có đất tách thửa, phân lô, bán nền trên con đường mới hình thành hưởng lợi. Việc này không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt hạ tầng... phá vỡ quy hoạch TP.Pleiku".
Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã yêu cầu hàng loạt cán bộ của Sở TN&MT, UBND TP.Pleiku kiểm điểm trách nhiệm làm cơ sở để xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó, ông Trần Xuân Quang - Chủ tịch UBND TP.Pleiku đã "thu hồi đất cho mở đường trái quy định, một số cá nhân xây dựng công trình không phép nhưng không được xử lý đúng quy định".
Ông Phạm Duy Du - Giám đốc Sở TN&MT và ông Trần Xuân Hùng - Phó GĐ Sở TN&MT đã "ký cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp tách thửa đất nông nghiệp khi chưa có quy định của UBND tỉnh; thẩm định, tham mưu phê duyệt đất chuyển đổi sai vị trí gây phá vỡ quy hoạch thành phố", đặc biệt, "trong khi các ngành họp đề nghị UBND tỉnh tạm dừng tách thửa thì Sở TN&MT lại đề nghị tỉnh tiếp tục cho tách thửa, chậm trễ trong việc tham mưu UBND tỉnh về quy định diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa".
Riêng trường hợp ông Nguyễn Kim Đại - Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku phụ trách lĩnh vực Tài Nguyên - Môi trường, quản lý xây dựng đã ký 13 quyết định thu hồi đất cho cá nhân mở đường trái quy định, không đúng quy hoạch... việc này chỉ để cho một số cá nhân phân lô hưởng lợi. Thêm vào đó, ông Đại cũng ký một số quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tờ trình không đúng với quy hoạch và thiếu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý... gây phá vỡ quy hoạch chung xây dựng thành phố, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Đất nông nghiệp được các cán bộ Sở TN&MT, UBND TP.Pleiku "hô biến" thành đất ở không theo quy hoạch.
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, kỷ luật đối với các cán bộ nói trên theo thẩm quyền, văn bản tham mưu gửi về UBND tỉnh trước ngày 25.11.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu Sở TN&MT và UBND TP.Pleiku xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các phòng ban, viên chức cấp dưới để xảy ra sai phạ, trong đó có người tại Sở TN&MT là ông Lê Xuân Khanh - Phó GĐ Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và Đặng Thanh Tài - cán bộ văn phòng; bà Nguyễn Thị Hậu - nguyên GĐ Văn phòng ĐKĐĐ TP.Pleiku, ông Trương Đức Vinh - GĐ Văn phòng ĐKĐĐ TP.Pleiku và 2 Phó GĐ là Nguyễn Thành Tiên, Chu Đức Thành; tại Phòng TN&MT TP. Pleiku là ông Phạm Bá Trường - Trưởng phòng cùng 2 Phó phòng là Ngô Xuân Hiền, Cao Duy Hiền; các công chức Nguyễn Thị Phương Uyên, Lê Gia Chương, Nguyễn Thị Phước Vân, Nguyễn Tiến Dũng. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu UBND TP.Pleiku xử lý trách nhiệm lãnh đạo các xã, phường Diên Phú, Chư Á, Thắng Lợi, Yên Thế, Yên Đỗ và Chi Lăng. Tất cả các báo cáo kiểm điểm phải gửi về UBND tỉnh và Sở Nội vụ trước ngày 15.11.2018.
Theo Danviet
Tinh giản biên chế ở Gia Lai: Cách gì để không vấp phải phản ứng? Tính đến năm 2021, tỉnh Gia Lai sẽ tinh giản biên chế và cơ cấu cán bộ đạt tối thiểu 10%, tương đương với việc cắt giảm khoảng trên 3.500 biên chế. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc, tại một số tổ chức hội việc tinh giản vô tình trở thành "xóa trắng". Đến năm 2021, cắt giảm...