Tuyển công chức dễ tiêu cực phần thi vấn đáp
Hạn chế trong tuyển chọn công chức là phần thi vấn đáp (Ảnh minh họa)
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, hạn chế trong thi tuyển công chức hiện nay là phần vấn đáp. Một hoặc hai thầy một trò dễ dẫn đến “ lời nói gió bay”, và trong quy chế không phúc tra được phần thi này.
Trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên về tình trạng hàng loạt cán bộ ngành giáo dục “nhúng chàm” trong thi tuyển cán bộ tại Ứng Hoà (Hà Nội), bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc thi tuyển cán bộ, giáo viên cho ngành giáo dục đã được phân cấp cho quận, huyện tự tổ chức thi.
Sở GD&ĐT chỉ tổ chức tuyển dụng cán bộ đối với khối các đơn vị trực thuộc sở, ví dụ như tuyển cán bộ, giáo viên cho khối THPT. Cán bộ Sở chưa nhận được báo cáo về tiêu cực tại huyện Ứng Hoà trong thi tuyển công chức.
“Sở GD&ĐT chỉ phối hợp với Sở Nội vụ để xây dựng các văn bản chỉ đạo, kế hoạch thi tuyển, hướng dẫn chung cho toàn thành phố. Còn lại, toàn bộ trách nhiệm tổ chức thi tuyển ra sao thuộc UBND quận, huyện và huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc này” – bà Nga khẳng định.
Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho hay, tiêu cực trong thi tuyển cán bộ công chức tại huyện Ứng Hoà được cơ quan chức năng của huyện tiến hành thanh tra từ tháng 9/2012. Sở không nhận được đơn thư mà vụ việc do huyện tiếp nhận thông tin và xử lý.
Hạn chế
Ngành Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với công an để giám sát quá trình tuyển dụng cán bộ công chức. Tại huyện Mỹ Đức từng phát hiện 30 bằng giả và đã kịp thời loại bỏ được những đối tượng này.
Sở Nội vụ Hà Nội
Video đang HOT
Cũng theo Sở Nội vụ, hạn chế hiện nay trong tuyển chọn công chức là phần thi vấn đáp. Một hoặc hai thầy một trò thì rất có nguy cơ xảy ra tình trạng “lời nói gió bay”, vì trong quy chế không phúc tra được phần thi này.
Do vậy, để khách quan, Sở đề nghị lắp camera ghi lại hình ảnh và nội dung câu hỏi của thầy và trả lời của thí sinh để minh bạch quá trình thi tuyển, khi cần có thể kiểm tra.
Không chỉ trong tuyển công chức, ngay cuối năm 2012 và năm 2013, Hà Nội sẽ lắp camera tại tất cả các bộ phận “một cửa” để minh bạch hoá quá trình giao dịch với người dân.
Nguyên nhân
Bên cạnh việc yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc tại Ứng Hoà, Sở Nội vụ cho rằng, điều quan trọng hiện nay là tìm ra nguyên nhân tồn tại yếu kém để có giải pháp tháo gỡ, sớm ban hành những quy định khoa học và dài hơi hơn, giải quyết tận gốc vấn đề.
“Cái gốc là phải có sự quan tâm cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức. Mức lương hiện nay quá thấp so với trách nhiệm và lao động của cán bộ công chức. Khối lượng công việc của bộ máy chính quyền mà công chức phải thực hiện tăng gấp hàng chục lần, trong khi thu nhập còn quá thấp”- đại diện lãnh đạo Sở nói.
Luật Thủ đô đã được thông qua, cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù. Trong năm 2013, thành phố giao Sở Tài chính sớm đề xuất chính sách cụ thể hỗ trợ thêm cho công chức, nhất là cấp xã phường.
Vừa qua, Hà Nội tổ chức xét tuyển và tổ chức lớp công chức nguồn, đã nâng cao chất lượng đầu vào và chống tiêu cực trong thi tuyển.
Ngay trong năm 2013, Sở Nội vụ sẽ gương mẫu đi đầu xây dựng chi tiết quy chế, chế tài đối với từng khâu trong thủ tục hành chính. Tiếp theo là Sở Xây dựng thực hiện chế tài cụ thể, nhất là trong lĩnh vực thanh tra xây dựng. Chi tiết hoá quy trình giải quyết theo thẩm quyền của cán bộ công chức.
Theo 24h
Hé lộ manh mối vụ "công chức 100 triệu"
Liên quan đến thông tin "chạy" công chức 100 triệu đồng, Huyện ủy Ứng Hòa- Hà Nội kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT và ông Nguyễn Đức Bình, nguyên trưởng Phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa.
Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa - Hà Nội vừa có báo cáo gửi đoàn thanh tra Sở Nội vụ TP Hà Nội và Bộ Nội vụ về kỳ thi tuyển công chức trên địa bàn. Trong đó, thống nhất cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Đỗ Ngọc Anh, Huyện ủy viên, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ứng Hòa ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa, mặc dù đã được điều chuyển về làm chủ tịch UBND xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa cách đây 2 tháng nhưng cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Đã thanh tra từ trước
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, cho biết sẽ tạm thời giáng chức ông Đỗ Ngọc Anh xuống phó phòng, sau khi thanh tra có kết luận sẽ xem xét điều chuyển công tác. Theo ông Chiến, ông Đỗ Ngọc Anh và ông Nguyễn Đức Bình đều có liên quan đến thông tin "chạy" công chức mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, phản ánh.
Trong khi đó, báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa cho biết ông Đỗ Ngọc Anh và ông Nguyễn Đức Bình liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tuyển công chức năm 2012. Riêng việc 2 ông này có nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh đỗ công chức hay không sẽ tiếp tục được đoàn thanh tra Sở Nội vụ TP Hà Nội và Bộ Nội vụ làm rõ.
Ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ứng Hòa (ảnh nhỏ). Sau vụ lùm xùm về thi cử, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (ảnh lớn) sẽ lắp camera và ghi âm tại tất cả các phòng thi. Ảnh: UNGHOA.EDU.VN - ĐỖ DU
Theo ông Trần Văn Hiền, Chánh Văn phòng UBND huyện Ứng Hòa, mọi việc vẫn đang trong quá trình thanh tra nên không thể khẳng định được có nhận tiền hay không và số tiền là 100 triệu đồng hay nhiều hơn như ông Trần Trọng Dực phản ánh. Ông Hiền cho biết đoàn thanh tra đang xác minh, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hội đồng thi tuyển công chức nói chung chứ không riêng gì trách nhiệm của ông Đỗ Ngọc Anh.
Việc thanh tra của Huyện ủy Ứng Hòa được tiến hành trước thời điểm ông Trần Trọng Dực phản ánh việc trưởng phòng nội vụ ở một số quận, huyện đang là đầu mối nhận hồ sơ chạy việc.
Phải xử tận gốc
Chiều 2/1, PV cũng có mặt tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) để làm rõ thông tin 2 cán bộ đang công tác tại đây bị ông Trần Trọng Dực đề nghị kiểm điểm, kỷ luật vì tự ý lấy bài thi để chấm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thụ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, cho biết không hề có chuyện đó.
Theo ông Thụ, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chỉ là 1 trong 3 điểm thi tuyển công chức TP Hà Nội năm 2012. Hội đồng thi tuyển do UBND TP Hà Nội thành lập và chỉ có hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tham gia nhưng hiện ông này đã nghỉ hưu. "Với vị trí trưởng Ban Giám sát kỳ thi tuyển công chức TP Hà Nội, có thể ông Dực nắm được chứ chúng tôi không hề biết" - ông Thụ nói.
Ông Nguyễn Xuân Thụ (ảnh nhỏ), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (ảnh lớn) cho biết sắp tới sẽ lắp camera và ghi âm tại tất cả các phòng thi. Ảnh: ĐỖ DU
Sắp tới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong sẽ cho lắp đặt hệ thống camera, ghi âm tại tất cả các phòng. "Người nào trốn học sẽ không thể nhờ điểm danh hộ hoặc thi cuối kỳ. Các kỳ thi nói chung, tuyển công chức nói riêng sẽ được camera ghi lại cụ thể và cung cấp cho cơ quan liên quan khi cần thiết" - ông Thụ cho biết.
Trao đổi với phóng viên ngày 2/1, ông Trần Trọng Dực cho biết mình không có tên trong đoàn thanh tra vụ "100 triệu đồng đỗ công chức" của TP Hà Nội. Trả lời câu hỏi đã làm việc với đoàn thanh tra để cung cấp những thông tin, chứng cứ hay chưa, ông Dực nói khi nào tổng hợp đầy đủ thông tin sẽ trao đổi thêm về vấn đề này.
Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri Thủ đô đang mong muốn xử lý tận gốc những tiêu cực mà ông Dực nêu. "Không chỉ dừng ở đó, Hà Nội phải mở rộng ra những lĩnh vực khác xem việc chạy chức, chạy quyền, chạy công chức đang ở mức như thế nào. Phát biểu của ông Dực như phát súng phá vỡ những râm ran trong dư luận thủ đô bấy lâu nay về việc chạy công chức" - bà An nói.
Đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ"
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng thông tin "100 triệu đồng đỗ công chức thủ đô" đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nếu xử lý không triệt để thì người dân sẽ nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật. "Việc nhận tiền để nâng điểm thi hoặc duyệt đỗ công chức phải bị xử lý hình sự" - luật sư Hậu khẳng định.
Theo Bộ Luật Hình sự, việc cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ". "Khi một người đứng đầu cơ quan kiểm tra ở thủ đô đã phản ánh như vậy thì có nghĩa là bằng chứng khá rõ ràng. Nếu có đủ cơ sở, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ sang Công an TP Hà Nội để xử lý tiếp mới đúng quy trình" - luật sư Hậu nói. Cũng theo luật sư Hậu, việc UBND huyện Ứng Hòa điều chuyển công tác cán bộ đang vi phạm là không đúng với Luật Phòng chống tham nhũng.
Theo 24h
Vụ chạy công chức: Làm thật sẽ sáng tỏ "Chạy quyền, chạy chức, chạy thi công chức... là một thực trạng rất đau lòng. Nếu quyết tâm, phải nói thật, làm thật và đi đến cùng mới có thể tìm ra sự thật"- Chia sẻ của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh câu chuyện chạy thi công chức ở Hà Nội giá 100 triệu được bàn...