Tuyên bố “trả thù tàn khốc” Mỹ, quân đội Iran mạnh tới mức nào?
Các quan chức của Iran đã thề sẽ trả thù việc Mỹ sát hại một trong những tướng lĩnh hàng đầu của nước này. Muốn trả thù Mỹ, cần có sức mạnh quân sự đáng gờm. Bài viết này điểm lại một số thông tin về sức mạnh của quân đội Iran.
Iran có lực lượng quân đội đông hàng đầu tại khu vực Trung Đông (ảnh: Reuters)
Mặc dù các bước đáp trả tiếp theo của Iran vẫn chưa rõ ràng, nhưng Tổng thống Donald Trump đã có bước đi củng cố tâm thế quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Mỹ đã huy động hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và điều thêm 3.500 nhân viên quân sự tới Trung Đông.
Mỹ đang theo dõi sát sao các hành động tiếp theo của đối thủ. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, mới đây đã công bố một báo cáo toàn diện và chi tiết về tiềm năng quân sự của Iran, cùng bản dự báo chiến lược của nước này.
Lực lượng quân đội chính quy của Iran có khoảng 420.000 người, Lực lượng Vệ binh Cách mạng có khoảng 125.000 người.
Một trong các thế mạnh lớn nhất của Iran là kho vũ khí tên lửa. Kho tên lửa của nước này lớn nhất và tiên tiến nhất ở Trung Đông. Iran cũng nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shiite thù địch với Mỹ, cùng các đồng minh khác trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Iran cùng các đồng minh được đánh giá là sẽ ngày càng khăng khít, sau vụ tướng Qassem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt. Hai quan chức cấp cao của Iraq cũng đã thiệt mạng trong vụ không kích, vì vậy, Iraq nhiều khả năng sẽ đứng về phía Iran và đối đầu với Mỹ.
Video đang HOT
Iran đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc sản xuất vũ khí (ảnh: Reuters)
Theo Hệ thống xếp hạng chỉ số sức mạnh hỏa lực toàn cầu năm 2019 của Mỹ, Iran đứng ở vị trí thứ 14, cao hơn các đối thủ khác trong khu vực như Israel (thứ 18) và Ả Rập Saudi (thứ 25). Mỹ, Nga và Trung Quốc lần lượt giành ba vị trí cao nhất.
Iran đã ưu tiên sản xuất vũ khí quân sự trong nước kể từ năm 2010, sau khi phải chịu những đòn trừng phạt từ quốc tế.
Phần lớn kho vũ khí nhập khẩu của Iran bị coi là đã lỗi thời. Tuy nhiên, nước này đã tìm cách khắc phục những điểm yếu. Ví dụ, hải quân Iran được tổ chức thành các đội tàu nhỏ, tấn công nhanh, được huấn luyện để đổ bộ và áp đảo các tàu chiến lớn hơn.
Iran cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển vũ khí. Nước này đã tự sản xuất được các hệ thống tên lửa phòng không đáng gờm như Khordad 3. Loại tên lửa này được cho là đã được sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái Global Hawk tiên tiến của Hải quân Mỹ vào hồi tháng 6.
Sức mạnh của những tổ hợp tên lửa khác của Iran như Mersad-16 và Bavar-373 cũng không thể xem thường.
Sức mạnh tên lửa của Iran (ảnh: Reuters)
Iran rất tự hào vể kho vũ khí tên lửa của mình. Trong đó, có cả các loại pháo phản lực như Fajr-5 và Zelzal. Nước này cũng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo, với phạm vi từ ngắn đến trung bình, ví dụ loại tên lửa Khorramshahr mới, có thể bay gần 2.000km. Tên lửa hành trình tầm xa Soumar của nước này được cho là có tầm bắn vươn tới châu Âu.
Iran cũng đầu tư rất nhiều vào máy bay không người lái, bao gồm các loại máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu. Đặc biệt, nước này đã phát triển loại “máy bay không người lái tự sát” Raad 85.
Tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã được chuyển cho các nhóm phiến quân đồng minh trên khắp khu vực, tại Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Những khí tài này đã tạo cho Tehran thứ gọi là “chiều sâu chiến lược”, nhằm chống lại kẻ thù của nước này là Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi.
Trong nỗ lực chống lại sự cô lập của Washington, Tehran cũng đã tìm cách phát triển các mối quan hệ mới. Vào tháng trước, Iran đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên với Nga và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và Vịnh Oman, thể hiện vị thế cường quốc quân sự của mình. Rõ ràng, sức mạnh quân sự của Iran là không thể xem thường.
Theo danviet.vn
Mỹ giết Tướng Iran: "Hồi chuông cáo chung" cho thỏa thuận hạt nhân
Với việc sát hại Tướng Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Với việc ám sát Tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Từng được coi là mang tính lịch sử khi chấm dứt một trong những hồ sơ gây căng thẳng nhất thế giới trong hàng thập kỷ và cũng là dấu mốc trong mối quan hệ luôn căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thỏa thuận này đang đến gần hơn tới bờ vực đổ vỡ, bất chấp nỗ lực cứu vãn trong suốt hơn 1 năm qua.
Hình ảnh đống đổ nát sau vụ không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái nhằm vào tướng Qassem Suleiman. Ảnh: Reuters.
Dù những hệ lụy mà vụ sát hại viên tướng quân đội hàng đầu Iran gây ra vẫn cần thời gian trả lời, song một điều chắc chắn là những hệ lụy này sẽ rất nhiều và rất sâu sắc. Một trong những hệ lụy khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại nhất chính là các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử năm 2015 về chương trình hạt nhân Iran gần như chắc chắn đã "trôi sông đổ biển".
Theo New York Times, Tướng Soleimani là kiến trúc sư cho gần như mọi hoạt động quan trọng của lực lượng tình báo và quân đội Iran trong 2 thập kỷ qua. Cái chết của ông được xem là đón giáng mạnh vào nỗ lực của Iran trong việc định hình một Trung Đông đang bất ổn theo chiều hướng có lợi cho Tehran. Khi ra lệnh không kích giết Tướng Soleimani, Tổng thống Trump đã có hành động mà hai Tổng thống trước đó là George W. Bush và Barack Obama đã từng bác bỏ, vì sợ rằng nó thể dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Lý do mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra là viên tướng này đã vượt qua giới hạn đỏ khi tấn công người Mỹ.
"Chúng tôi là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và chính quyền của tôi vẫn quyết tâm thúc đẩy hòa bình và hòa hợp giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, không tìm cách thay đổi chế độ. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ", ông Trump nói.
Không một nhà lãnh đạo châu Âu nào là không biết về vai trò của tướng Soleimani và ngay chính cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng nắm rõ điều này khi đặt bút ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Tuy nhiên, với thỏa thuận này, các nước phương Tây đã nhận được một sự đảm bảo từ Iran, dù bấp bênh nhưng ít nhất cũng cho phép tránh nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại một khu vực vốn luôn bất ổn như Trung Đông.
Sự ổn định tạm thời này đã bị phá vỡ vào giữa năm 2018 khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa hạt nhân, mà ông cho là không nên được ký. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách gây sức ép tối đa với Iran. Những nước châu Âu như Pháp, Anh và Đức đã tìm mọi cách để duy trì thỏa thuận, ít nhất là cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020 này.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước một sự leo thang nguy hiểm. Bây giờ, điều quan trọng là phải đóng góp cho các nỗ lực nhằm giảm leo thang căng thẳng một cách thận trọng. Xung đột khu vực chỉ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao và chúng tôi đang liên lạc về vấn đề này với các đồng minh".
Trong những ngày tới, Iran sẽ phải thông báo có khôi phục lại hay không các hoạt động làm giàu urani bị cấm trong thỏa thuận. Và thật khó để tin rằng chính quyền Iran có thể tiếp tục duy trì kênh ngoại giao với Châu Âu trong bối cảnh hiện nay.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dù không hoàn hảo nhưng đã tạo ra một không gian để đối thoại. Không gian này gần như đã bị đóng lại sau vụ sát hại tướng Soleimani. Ngoại giao, chiến lược gây sức ép hay các lệnh trừng phạt còn có thể kiềm chế các bên nữa hay không? Câu trả lời giờ nằm ở trách nhiệm của mỗi bên đối với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Theo Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp
Iraq bắt nhiều đối tượng tình nghi gián điệp của Mỹ trong vụ ám sát tướng Suleimani Tại Iraq, một số người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát Tướng Iran Qassem Suleimani đã bị bắt giữ để thẩm vấn. Sáng ngày 5/1/2020, có thông tin cho thấy Iraq đã thành công trong việc bắt giữ những người có liên quan đến vụ ám sát Tướng Qassem Suleimani - Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds...