Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN không nhắc tên Trung Quốc
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN ngày 16.2 đã thảo luận về việc xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định cần có “những biện pháp rõ ràng”, nhưng trong tuyên bố chung lại không nhắc đến Trung Quốc.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại thượng đỉnh Sunnylands, California ngày 16.2.2016 – Ảnh: Reuters
Trong buổi họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN tại bang California (15-16.2), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, ông và các lãnh đạo ASEAN tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ đối với trật tự khu vực, nơi mà những luật lệ, tiêu chuẩn và quyền của tất cả các quốc gia, dù là nước lớn hay nước nhỏ, đều được tuân thủ”, theo Reuters.
“Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của những biện pháp cho khu vực Biển Đông nhằm xoa dịu căng thẳng, bao gồm chấm dứt hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa những đảo nhân tạo. Khi ASEAN có tiếng nói đoàn kết và rõ ràng, an ninh khu vực sẽ được tăng cường và những cơ hội mới sẽ mở ra”, ông Obama cho hay.
Sau ngày đầu tiên thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, các quan chức Mỹ kỳ vọng sẽ có tiếng nói chung về Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục xây dựng những đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Reuters.
Tuy nhiên tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ-ASEAN không đề cập đến Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh các nguyên tắc chung trong hợp tác Mỹ-ASEAN, bao gồm “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và tự do chính trị của tất cả quốc gia… và cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.
Bản tuyên bố chung cũng tái khẳng định “cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không”.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN tại thượng đỉnh Sunnylands ngày 16.2.2016 – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Cũng trong ngày 16.2, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) dẫn lại những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 (phiên bản của hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm giữ phi pháp.
Mỹ đã nhiều lần lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa, và đã điều máy bay và tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo để khẳng định tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc lại ngang ngược tố cáo Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông sau vụ một tàu khu trục Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, hôm 30.1.2016.
Tổng thống Obama khẳng định tự do hàng hải “phải được giữ vững, và Mỹ “sẽ tiếp tục bay, di chuyển trên biển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ tất cả các quốc gia có quyền làm điều tương tự”. Ông Obama nói Washington sẽ tiếp hỗ trợ các đồng minh và quốc gia đối tác tăng cường năng lực hàng hải.
Ông Obama nói Mỹ và ASEAN đã có nhiều bước tiến trong thương mại, đầu tư và đã nhất trí nỗ lực hỗ trợ để tất cả thành viên ASEAN đảm bảo đủ điều kiện tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện chỉ mới có bốn quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, tham gia TPP.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng tuyên bố sáng kiến được gọi là U.S.- ASEAN Connect (tạm dịch Liên kết Mỹ – ASEAN) giúp tăng cường hợp tác kinh tế hai bên.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN
Trong cuộc họp báo tại Washington ngày 11.2, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN với nước này, xác nhận Biển Đông sẽ là đề tài thảo luận quan trọng trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vào ngày 15-16.2.
Ông Daniel Kritenbrink (trái) và ông Daniel Russel tại cuộc họp báo ngày 11.2 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Ông Daniel Kritenbrink, giám đốc cấp cao về sự vụ châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, và ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, vào ngày 11.2 (giờ VN) đã tổ chức cuộc họp báo công bố chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, sẽ diễn ra tại Sunnylands, bang California trong vài ngày tới.
ASEAN - cốt lõi của kiến trúc thể chế
Theo ông Kritenbrink, toàn bộ chương trình nghị sự gồm 3 phần, lần lượt là phiên thảo luận về các đề tài kinh tế, kế đến là tiệc tối tiếp tục bàn thảo và cuối cùng là phiên kết về chính trị và an ninh, trong đó có các vấn đề như xung đột lãnh hải, chống khủng bố, nạn buôn người, bệnh dịch và thay đổi khí hậu.
Bên cạnh hội nghị tại Sunnylands, Tổng thống Mỹ sẽ đến Nhật Bản vào tháng 5 tham gia hội nghị G7, tháng 9 đến Trung Quốc dự sự kiện G20 và thăm Lào nhân Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, trở thành tổng thống đầu tiên đến nước này.
Giám đốc Kritenbrink nhận định ASEAN là trung tâm của hệ thống kiến trúc thể chế đang trỗi dậy tại châu Á (với kiến trúc thể chế là các kiến trúc tạo nên trật tự khu vực), do vậy ASEAN đã trở thành đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc xây dựng và duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Về phần mình, Trợ lý ngoại trưởng Russel đã giải thích tầm quan trọng của ASEAN trong 3 từ: tăng trưởng, ổn định và luật lệ.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng cho rằng chính sự trung lập của ASEAN đã đóng vai trò chủ chốt đối với ổn định và tăng trưởng, giúp khu vực tránh xa nguy cơ bị lôi kéo vào vòng vây bất ổn hoặc biến thành chiến trường như những điểm nóng trên thế giới.
Ông Russel chỉ ra hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Sunnylands không phải là một hội nghị chính thức mà thay vào đó là sự kiện thân mật giữa các bên. Hội nghị không chỉ giới hạn trong 1 giờ hội họp, bị xen kẽ trong các loạt sự kiện khác như thường thấy, mà sẽ là những cuộc thảo luận trên tinh thần cởi mở giữa các nguyên thủ quốc gia, và không đối mặt với sức ép phải đưa ra các tuyên bố chung hoặc kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề cụ thể.
Máy bay của hãng China Southern đáp phi pháp xuống đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 6.1.2016 - Ảnh: Reuters
Hai đề tài thảo luận: Biển Đông và Trung Quốc
Cả ông Kritenbrink và Russel đồng thời xác nhận Biển Đông sẽ là đề tài được bàn thảo tại Sunnylands, và Washington hoàn toàn không hề giấu diếm quan điểm của mình về cuộc tranh chấp ở vùng biển này.
Trả lời câu hỏi về thắc mắc cho rằng phải chăng đây là hội nghị "chống" Trung Quốc, các nhà ngoại giao Mỹ trả lời rằng Trung Quốc là đối tác chủ chốt của Mỹ, nhưng hội nghị trên nhằm xoáy vào quan hệ chiến lược giữa ASEAN và Mỹ, cũng như các hướng phát triển quan hệ và tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng. Vì Biển Đông là một trong những đề tài sẽ được đề cập trong hội nghị, và Bắc Kinh đang tham gia cuộc tranh chấp, nên lẽ dĩ nhiên cái tên Trung Quốc dù muốn dù không cũng sẽ xuất hiện trong các cuộc trao đổi.
Trước thắc mắc về TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), với thực tế là hiện chỉ có 4 thành viên của ASEAN tham gia (Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam), ông Kritenbrink cho hay điều cần làm hiện nay là các bên phải thông qua và triển khai hiệp ước. Kế đến, các thành viên TPP sẽ tiếp tục bàn thảo để mở rộng việc gia nhập cho những nước khác (chẳng hạn như các thành viên còn lại trong ASEAN - NV).
Thuỵ Miên
Theo Thanhnien
Dàn máy bay chở các lãnh đạo ASEAN tại Mỹ Lần đầu tiên Sân bay Quốc tế Palm Springs đón tiếp một lượng đông đảo máy bay chở các lãnh đạo ASEAN và Mỹ tới dự hội nghị kéo dài hai ngày 15-16/2. Máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Vietnam Airlines đậu tại đường lăn của Sân bay Quốc tế Palm Springs, thành phố Palm Springs, bang California. Thủ tướng Nguyễn Tấn...