Tuyên bố chung Hàn-Triều có nguy cơ rạn vỡ
Nếu không sớm có các cuộc đối thoại, tình hình quan hệ Hàn-Triều sẽ trở nên hết sức phức tạp và nguy cơ Tuyên bố chung Hàn-Triều rạn nứt là rất cao.
Hôm nay (15/6), Hàn Quốc và Triều Tiên kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung Hàn-Triều và cuộc hội đàm cấp cao dẫn đến Tuyên bố này, cũng là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Tuyên bố chung Hàn – Triều lại đang đứng trước nguy cơ rạn nứt.
Nếu không sớm có các cuộc đối thoại, tình hình quan hệ Hàn-Triều sẽ trở nên hết sức phức tạp và nguy cơ Tuyên bố chung Hàn-Triều rạn nứt là rất cao. Ảnh minh họa: Reuters
Trong những năm qua, với nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in, quan hệ hai nước có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc Triều Tiên phản ứng mạnh mẽ trước hoạt động rải truyền đơn do người tị nạn Triều Tiên thực hiện tại khu vực biên giới hai nước đã làm cho quan hệ vừa mới ấm lên đã chuẩn bị nguội lạnh.
Video đang HOT
Cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên được diễn ra vào tháng 6/2000 tại Bình Nhưỡng và một Tuyên bố chung giữa hai bên đã được Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il ký kết, sau đó được công bố vào ngày 15/6. Tuyên bố này nhấn mạnh việc duy trì hợp tác kinh tế và các lĩnh vực hướng tới thống nhất hòa bình.
Bộ Trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul hôm nay (15/6) cho rằng Tuyên bố chung là “chiếc la bàn không thể thay đổi trong quan hệ Hàn-Triều. Quan hệ Hàn-Triều hiện nay đang có xu hướng xấu đi cần phải soi lại tinh thần của Tuyên bố chung ngày 15/6 này”.
Ông Kim Yeon-chul cũng khẳng định, Tuyên bố chung Hàn-Triều là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử bởi hòa bình không của riêng ai, đối thoại và hợp tác sẽ tăng cường quan hệ song phương, đồng thời làm thay đổi cuộc sống của tất cả những người dân trên Bán đảo Triều Tiên tốt hơn.
Tuy nhiên, hoạt động kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Hàn-Triều tại Hàn Quốc đã bị thu gọn lại. Tại Triều Tiên, truyền thông nước này cũng chưa có thông tin gì về vấn đề này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, vào ngày 13/6 trong một buổi đàm thoại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tỏ ý bất mãn đối với phản ứng của chính phủ Hàn Quốc xung quanh việc một số tổ chức người tị nạn Triều Tiên đã rải truyền đơn có nội dung phê phán Triều Tiên trước đó. Đồng thời nhà lãnh đạo cũng đưa ra cảnh báo sẽ sử dụng quân đội để đối phó. Song song với động thái này, trước đó Triều Tiên cũng đã cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc thông qua Văn phòng liên lạc chung hai nước.
Một động thái nữa của Triều Tiên khi cảnh báo rằng Tuyên bố chung Hàn-Triều cũng có thể sẽ không được nước này tiếp tục thực hiện bởi Hàn Quốc “chưa thực sự” mạnh mẽ xử lý những vấn đề mà Triều Tiên đề nghị.
Tháng 6 là thời điểm kỷ niệm 2 năm cuộc gặp Mỹ-Triều diễn ra lần đầu tiên tại Singapore. Cuộc gặp lịch sử này khiến cho cả thế giới mà đầu tiên là Hàn Quốc hy vọng nhiều về một nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Tiếp theo đó là các cuộc gặp cấp cao Hàn-Triều, đặc biệt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được tiến hành tại Việt Nam, các bên vẫn hy vọng về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Dù vậy, sau khi cuộc gặp Mỹ-Triều lần 2 sụp đổ, Hàn – Triều ít có những hoạt động ngoại giao hơn.
Trong năm 2019 và đầu năm 2020, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa và thử hạt nhân. Những động thái này khiến Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước trên thế giới lo ngại. Đặc biệt đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu như các hoạt động ngoại giao, đối thoại trên thế giới bị ngừng trệ.
Hàn Quốc dù vẫn theo dõi thường xuyên tình hình Triều Tiên, nhưng không thể dự đoán được hết những vấn đề phát sinh xảy ra không mong muốn. Theo đó, sự quyết liệt của Triều Tiên khiến Hàn Quốc có phần lúng túng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay cả nước tập trung chống dịch Covid-19. Trước mắt, có thể sẽ không có hành động bột phát nào từ hai phía, nhưng về lâu về dài, nếu không có những đối thoại, tình hình sẽ trở nên hết sức phức tạp. Nguy cơ rạn nứt của Tuyên bố chung Hàn-Triều là rất cao.
Hàn Quốc họp an ninh cấp cao khẩn cấp thảo luận về vấn đề liên Triều
Mục tiêu cuộc họp nhằm xem xét tình hình an ninh hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thảo luận về phản ứng của Hàn Quốc trong thời gian tới.
Hôm 14/6, các giới chức an ninh hàng đầu của Hàn Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về phản ứng đối với một loạt các đe dọa gần đây từ phía Triều Tiên, bao gồm cả các hành động quân sự và mối quan hệ liên Triều đang ngày càng gia tăng căng thẳng.
Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong (giữa) trong một cuộc họp với nhà lãnh đại Triều Tien Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng ngày 5/5/2018. Ảnh: KCNA/AP
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn này. Mục tiêu cuộc họp nhằm xem xét tình hình an ninh hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thảo luận về phản ứng của Hàn Quốc trong thời gian tới, đối với lời đe dọa cắt đứt mọi quan hệ liên Triều của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngày 13/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong - em gái kiêm cố vấn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết đã đến lúc phải đoạn tuyệt với giới chức Hàn Quốc và bà cảnh báo phía Triều Tiên sẽ sớm có những hành động tiếp theo. Triều Tiên trước đó cắt đứt liên lạc các đường dây nóng liên Triều, đồng thời đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc giữa 2 Chính phủ.
Căng thẳng Hàn-Triều nóng lên: Thành quả ngoại giao đi vào ngõ cụt? Diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy những nút thắt khó tháo gỡ đang đe dọa khiến thành quả ngoại giao trở về con số 0. Hàn Quốc đau đầu tìm cách làm "vẹn lòng" Mỹ - Triều Hôm 9/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt đường dây liên lạc được thiết lập cách đây 2 năm giữa 2...