Tuyên bố chị Huyền đã chết ảnh hưởng thế nào đến vụ án TMV Cát Tường?
Dự kiến ngày 14/4, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Thẩm mỹ viện Cát Tường”. Tuy nhiên, chưa tìm thấy xác chị Huyền nên chưa thể kết luận nạn nhân đã chết hay chưa.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường – GĐ thẩm mỹ viện Cát Tường
Điều này sẽ gây tranh luận trong việc định tội danh xâm phạm thi thể và Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng của người khác).
Để chấm dứt tranh cãi xung quanh tình tiết chị Huyền đã chết hay chưa, gia đình nạn nhân có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố chị Huyền là đã chết. Khi đó, với quyết định của Tòa án tuyên bố chị Huyền đã chết, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kết quả xét xử vụ án? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) trả lời vấn đề này.
Thưa ông, yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết được thực hiện trong trường hợp nào?
- Điều 81 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:
a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này”.
Theo quy định trên, thì có trường hợp tuyên bố là đã chết từ căn cứ mất tích. Vậy khi nào một người sẽ bị tuyên bố là mất tích?
- Khoản 1 Điều 78 BLDS quy định: “Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.
Hậu quả pháp lý khi một người bị tuyên bố là đã chết?
- Điều 82 BLDS quy định: “1. Khi quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
2. Quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
Cho đến nay, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy
Video đang HOT
Hội đồng xét xử vụ án “thẩm mỹ viện Cát Tường” có thể căn cứ quyết định của tòa án tuyên bố chị Huyền đã chết để làm căn cứ cho việc xét xử, định tội danh của các bị cáo?
- Quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết các quan hệ dân sự về nhân thân và tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết đối với người có quyền, lợi ích liên quan. Còn để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự thì theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì cơ quan tố tụng phải căn cứ vào chứng cứ. Cụ thể, “chứng cứ được xác định bằng:
a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.
Trường hợp một người bị tuyên bố là đã chết trở về, thì quyền lợi của họ được giải quyết như thế nào?
- Điều 83 BLDS quy định: “1. Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
2. Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ các trường hợp sau đây:
a) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Toà án cho ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
b) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
3. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Đặt giả thiết chị Huyền trở về sau khi án tuyên dành cho các bị cáo đã có hiệu lực pháp luật và đang được thi hành thì sẽ xử lý ra sao?
- Trường hợp chị Huyền bỗng nhiên trở về được coi là tình tiết mới mà Tòa án không biết được khi ra bản án và vụ án sẽ được xét lại theo thủ tục tái thẩm. Điều 290 BLTTHS quy định: “Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”.
Đặt tiếp giả thiết bị cáo Tường đang thi hành án phạt tù về hai tội: “Xâm phạm thi thể” và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”; bị cáo Đào Quang Khánh đang chịu án phạt tù về hai tội: “Xâm phạm thi thể ” và tội “Trộm cắp tài sản” thì tình tiết chị Huyền còn sống trở về sẽ phải tuyên hủy tội danh xâm phạm thi thể dành cho 2 bị cáo. Khi đó, có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự?
- Căn cứ quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trường hợp trên sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự khi có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định 2 bị cáo Tường và Khách không phạm tội xâm phạm thi thể.
Thứ hai, bị cáo không thuộc trường hợp: “Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm”.
Thứ ba, các bị cáo thuộc trường hợp được bồi thường: “Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành”.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, chiều 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng để thực hiện hút mỡ bụng, nâng ngực và đã tử vong. Người trực tiếp làm phẫu thuật cho chị Huyền lúc đó là bác sỹ Tường. Đêm hôm đó, Tường cùng Khánh đã mang xác chị Huyền tới cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng phi tang. Riêng Khánh còn lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 của nạn nhân. Sau hơn 5 tháng xảy ra vụ án, đến thời điểm này, gia đình nạn nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền. Qua điều tra, đã xác định: Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa được cấp giấy phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tường là bác sỹ ngoại khoa tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị truy tố về 2 tội: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Bị cáo Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường ) bị truy tố tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”. Liên quan vụ việc còn có vợ Tường, một bác sỹ và vài nhân viên của Tường. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng những sai phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không đề cập xử lý.
Theo Xahoi
Phỏng vấn nóng 2 luật sư trước thềm phiên xử bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường
Theo dự kiến, ngày 14/4/2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên xét xử vụ án chết người ở Thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
TMV Cát Tường, nơi BS Tường làm chết nạn nhân Huyền
Ngôi nhà nơi từng là thẩm mỹ viện, sau thời gian dài gián đoạn, không ai dám tới thuê. Những ngày cuối tháng 3/2014, vừa mới có một người đàn ông tới thuê để mở quán internet. Theo những hàng xóm, ban đầu người này cũng có vẻ chần chừ, lưỡng lự nhưng sau đó đã quyết định "dũng cảm" thuê để kinh doanh. "Anh ta qua đây tìm hiểu rất nhiều lần, hỏi chúng tôi thông tin về cửa hàng, ngần ngại mãi, nhưng có lẽ thấy giá thuê rẻ nên cuối cùng đã chấp nhận", một hàng xóm thuật lại.
Từ khi thuê lại căn nhà "chết người", người này thường đi cùng một vài người khác tới sửa sang."Anh ta ở đâu không rõ. Mỗi lần tới đây, để xe ở ngoài xong, là cùng mấy người mất hút vào trong, kéo cửa kín mít lại. Xong việc họ lại lặng lẽ ra về, không bao giờ giao lưu với hàng xóm xung quanh", một hàng xóm khác nói.
PV cũng đã có cuộc nói chuyện với Luật sư Chu Thị Trang Vân (Phó chủ nhiệm Ủy ban hợp tác quốc tế, Liên đoàn luật sư Việt Nam) người nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Mạnh Tường (nguyên bác sỹ, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường) về phiên tòa sắp diễn ra.
Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an
Nhận bào chữa cho bác sĩ Tường, bà thấy có điểm gì khác so với các vụ án bà từng tham gia?
- Tôi từng tham gia nhiều vụ án, mỗi một vụ án đều có một sự khác biệt. Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường không có gì phức tạp, chỉ có điều chịu nhiều sự quan tâm, sức ép của dư luận. Tôi nghĩ dư luận quan tâm đến sự việc, nên một số người cảm thấy phức tạp. Song dưới góc độ pháp lý, luật quy định rõ ràng thì cứ áp dụng theo luật để mà xem xét các tội danh và hình phạt.
Có người đặt tên cho bác sĩ Tường là "bác sĩ tử thần". Vì sao bà lại nhận bào chữa cho bác sĩ Tường?
- Do xuất phát từ tinh thần tôn trọng pháp luật, tuân thủ theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng công lý. Bất kể một bị can hay bị cáo nào đều có quyền được bào chữa và mời người bào chữa. Bên cạnh đó, bào chữa là nghề nghiệp của tôi, và mình phải có trách nhiệm. Ví dụ như đã là một bác sĩ thì không thể thấy bệnh nhân có bệnh nặng mà từ chối được... . Nói đơn giản, đây chỉ là trách nhiệm của người làm nghề.
Đặt ví dụ nếu không phải là luật sư, mà chỉ là một người bình thường, bà có quan tâm đến vụ việc?
- (Cười) Khi gia đình bác sĩ Tường đặt vấn đề bào chữa với tôi, sự việc đã trải qua được một thời gian, ngay khi đó tôi đã hình dung được tội danh và trách nhiệm mà bị can Tường sẽ phải gánh chịu.
Bà có chịu áp lực nào khi nhận bào chữa cho bị can Tường?
- Chính vì vụ án đang được dư luận quan tâm nên từ khi nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can Tường, tôi đã nhận được rất lời hỏi thăm, bàn tán của người thân quen. Tuy nhiên, bỏ qua những áp lực đó, tôi vẫn trung thành với quyết định của mình. Tôi biết có nhiều lời nói ra nói vào, nhưng đây là công việc của mình nên mình phải có nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh vững vàng.
Bào chữa cho thủ phạm, bà có bình luận gì về nạn nhân hiện vẫn đang bị mất xác và gia đình của nạn nhân?
- Tôi hết sức thông cảm và chia sẻ với gia đình, người thân của bị hại. Những mất mát này không ai có thể bù đắp được. Dưới góc độ chủ quan của họ thì đương nhiên họ rất đau lòng, nghĩ rằng là cần phải trừng trị thích đáng. Gia đình những nạn nhân bao giờ cũng có tâm lý như vậy. Nhưng tôi nghĩ gia đình bị hại cũng sẽ tin vào pháp luật, tin vào sự công tâm của pháp luật, tội danh ra sao - xử lý đến đó; bảo vệ quyền và lợi ích cho tất cả các bên.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
PV cũng đã có cuộc nói chuyện với luật sư Nguyễn Anh Thơm, người được chỉ định bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh (bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường, người đã cùng bác sỹ Tường ném xác nạn nhân). Luật sư Thơm nói: "Tôi từng tham gia bào chữa cho nhiều người ở tuổi vị thành niên, nhiều tội còn đặc biệt nghiêm trọng hơn của Khánh rất nhiều. Nhưng tiếp xúc với Khánh nhiều lần, tôi thấy Khánh chỉ là một cậu thanh niên ở tuổi mới lớn, còn thiếu hiểu biết pháp luật".
Bảo vệ Đào Quang Khánh
Ông gặp áp lực gì khi bào chữa cho bị can Khánh?
- Vì dư luận đang lúc "nóng" nên trước khi vào vụ này, cũng có những áp lực nhất định. Ví dụ dư luận lúc đó còn chưa biết hành vi cụ thể là như thế nào, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau lên án Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh. Lúc đó bản thân luật sư cũng chịu phải những áp lực từ dư luận. Luật sư phải cố gắng bảo vệ quyền lợi cho người được bào chữa dù họ là người như thế nào. Không có ai muốn mình gây ra tội ác và phải rơi vào vòng lao lý.
Ông có đồng ý với ý kiến cho rằng Khánh là chủ mưu?
- Theo quan điểm khoa học pháp lý, chủ mưu là kẻ khởi xướng ra sự việc hay đưa ra kế hoạch để người khác thực hiện. Còn trong vụ án này, theo cáo trạng truy tố, đúng là cũng có dấu hiệu hay một số nét tương đồng cho rằng Khánh là "chủ mưu". Chính xác, theo cáo trạng, Khánh là người "xúi giục" Tường mang xác nạn nhân đi vứt dưới sông, vứt xe.
Vậy quan điểm của ông thế nào về hành vi của Khánh?
- Khánh chỉ là tòng phạm. Tất cả những việc này là do bác sĩ Tường. Bởi Khánh không phải là người gây ra nguyên nhân cái chết. Việc Khánh có xúi Tường hay không thì cũng còn phải làm rõ trong phiên tòa sắp tới. Theo tình tiết và diễn biến của vụ án, Khánh chỉ là một người đưa ra sáng kiến do sự nông nổi, bồng bột, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ. Tường mới là người quyết định. Bản thân Tường cũng đã có ý định đem đi vứt xác, còn Khánh chỉ gợi ý vứt ở nơi nào.
Ông còn điều gì chia sẻ với bạn đọc?
- Tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho ngày diễn ra phiên xét xử sắp tới. Sẽ có nhiều tình tiết mới được làm sáng tỏ tại phiên tòa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
PV cũng tìm tới gia đình Khánh. Tại ngôi nhà 8b, ngõ 100, phố Sơn Tây (Hà Nội), hiện hữu một sự im lìm vắng lặng. Một hàng xóm cho biết, từ ngày con trai bị bắt giam giữ, ngôi nhà của vợ chồng ông Đào Quang Tiến và bà Nguyễn Thị Yến (bố mẹ Khánh) lúc nào cũng khép cửa. "Ông Tiến hàng ngày vẫn lầm lũi đi làm xe ôm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Bà Yến bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dù rất bức xúc trước hành vi của Khánh nhưng chúng tôi vẫn thấy thương và tội nghiệp cho vợ chồng ông Tiến", hàng xóm ái ngại cho hay.
Theo Xahoi
Thẩm mỹ viện Cát Tường: Nhiều kế vẫn... vô vọng! Việc tìm kiếm thi thể chị Huyền trong vụ TMV Cát Tường kéo dài gần 2 tháng nay với sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng, nhà khoa học, nhà "ngoại cảm"... nhưng rốt cục đến nay vẫn gần như vô vọng. Điều này gây khó khăn trong việc điều tra và là nỗi tuyệt vọng cho gia đình, người...