Tùy thời điểm xuất hiện cơn đau đầu, hãy cẩn trọng với những bệnh nguy hiểm này
Đau đầu là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều người và thường vô căn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy thời điểm đau đầu vào buổi sáng, ban ngày hay buổi tối có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.
Ảnh minh họa: Internet
Buổi sáng
Nếu bạn thức dậy với cơn đau đầu, thì đó có thể là do tình trạng ngừng thở khi ngủ, khi thành họng bị xẹp xuống trong khi ngủ gây cản trở hô hấp.
Ngừng thở khi ngủ, đặc trưng bởi ngáy, có thể làm nồng độ CO2 tăng trong máu. Quá nhiều CO2 có thể khiến a xít tích tụ, được gọi là nhiễm toan, dẫn đến đau đầu.
Các triệu chứng thường sẽ được cải thiện dần trong ngày.
Viêm xoang cũng có thể là nguyên nhân, vì chất nhày ứ động qua đêm và không thể thoát ra nếu bạn nằm ngang. Đau sẽ đỡ dần khi bạn thức dậy và vận động, vì điều này giúp làm thông thoáng chỗ bít tắc.
Đau nửa đầu, một bệnh đau đầu gây mất khả năng làm việc, có thể kéo dài nhiều ngày, thường bắt đầu vào buổi sáng khi thức dậy. Một giả thuyết là lượng ô xi sụt giảm do hô hấp chậm lại trong lúc ngủ gây ra cơn đau nửa đầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ban ngày
Đau đầu mạn tính vào ban ngày có thể do uống quá nhiều cà phê hoặc những đồ uống có caffein khác. Tác động thưỡng tích tụ dần, vì thế đau đầu sẽ tấn công vào buổi chiều khi lượng hấp thụ tăng lên.
Caffein là chất lợi tiểu, vì thế nó gây mất nước và gây đau đầu. Nguyên nhân có thể là do não, với hơn 80% là nước, bị co lại và tách khỏi hộp sọ, kích hoạt các thụ thể đau.
Tác dụng lợi tiểu của caffeine hoạt động trên các ống thận (những ống rất nhỏ ở thận có vai trò lọc máu). Thận tái hấp thu một số nước và chất dinh dưỡng từ máu, phần còn lại bị thải ra ngoài thành nước tiểu.
Caffein ức chế quá trình tái hấp thu nước, vì thế lượng nước tiểu qua thận vào bàng quang sẽ nhiều hơn.
Ăn các loại đồ ngọt như bánh qui vào bữa lỡ cũng khiến insulin tăng vọt, tiếp theo đó là đường huyết sụt giảm, dẫn đến đau đầu. Lý do là vì các động mạch quanh não bị co thắt khi đường huyết giảm.
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Internet
Buổi tối
Đau đầu vận mạch
Đau ở 2 thái dương và đỉnh đầu kèm theo cảm giác buồn nôn, hai mắt nặng trĩu vào buổi chiều tối là một trong những triệu chứng điển hình của chứng đau đầu vận mạch. Chứng đau đầu do rối loạn vận mạch là bệnh tuy không gây tử vong ngay nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống vì người bệnh thường buồn bực, chán nản, kém tập trung, suy giảm trí nhớ.
Để phòng tránh và cải thiện bệnh đau đầu vận mạch, người bệnh nên giảm cường độ làm việc vì áp lực công việc có ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh nói chung và thần kinh thái dương nói riêng.
Dị ứng
Dị ứng cũng có thể gây đau đầu. Những người bị dị ứng có thể có các triệu chứng như: hắt hơi nhiều, mất tập trung và mệt mỏi, mắt bị ngứa, cảm giác ốm yếu.
Dị ứng có thể xảy ra khi một người tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng của họ. Đôi khi những tác nhân này đơn giản như là thời tiết, phấn hoa, thức ăn trong bữa trưa hay là mùi nước hoa của đồng nghiệp.
Ảnh minh họa: Internet
Thiếu mãu não
Khi não bị thiếu máu, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như thay đổi tính tình, người bệnh trở nên khó tính, cáu gắt, giận dữ vô cớ hoặc lo âu buồn rầu, trầm cảm, giảm trí nhớ, hay quên, khó tập trung tư tưởng kèm theo nhức đầu âm ỉ rất khó chịu, đặc biệt tăng lên về chiều và ban đêm… Người bệnh mất ngủ, ngủ không sâu, ác mộng, có những cơn hoảng sợ về đêm.
Thiếu máu não nếu không điều trị dễ gây tai biến dẫn đến liệt nhẹ, nói ngọng. Người cao tuổi rất dễ thiếu máu não, vì vậy nên giữ chế độ ăn giảm mỡ động vật, giảm tinh bột, chất đường, cố gắng tập thể dục đều. Mùa lạnh có thể tập trong nhà, chú ý các động tác hít thở sâu để mạch máu có giãn, lưu thông máu lên não tốt hơn.
Huyết áp cao
Huyết áp cao thường không gây đau đầu. Tuy nhiên nếu huyết áp tăng trên 180/120mmHg, bạn có thể bị đau đầu.
Đau đầu do tăng huyết áp thường không đi kèm triệu chứng nào khác. Hoặc đôi khi người bệnh có thể xuất hiện các đốm, vùng da đỏ ửng cùng với cảm giác chóng mặt.
Hạ đường huyết
Ăn các loại đồ ngọt như bánh qui trong ngày cũng khiến insulin tăng vọt làm hạ đường huyết, dẫn đến kích hoạt cơn đau đầu. Đau đầu do hạ đường huyết có thể đi kèm với mệt mỏi, run rẩy hoặc chóng mặt, đôi khi là ngất xỉu.
QUẢNG AN (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Cẩn trọng với những cơn đau đầu do thiếu máu não
Đau đầu là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó có đau đầu lành tính và có đau đầu là triệu chứng bệnh lí, thậm chí nguy hiểm.
Thoái hóa cột sống cổ cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não gây đau đầu (Ảnh minh họa)
Không chỉ người già mà hiện nay nhiều người trẻ cũng bị thiếu máu não, dẫn đến những cơn đau đầu, chóng mặt, không tập trung hoặc hay buồn ngủ nhưng ngủ lại khó, ngủ hay mơ và trái nắng trở trời thì nặng nề, hay nhức mỏi mắt, nếu tình trạng kéo dài thì hay quên.
Người trẻ cũng thiếu máu não vì... smartphone
Em Nguyễn Bảo Nam (17 tuổi, Hà Nam) được gia đình đưa đi thăm khám bởi trong một năm gần đây em thường xuyên bị đau đầu khi học, mất tập trung, hay hồi hộp và vào buổi trưa, đôi lúc bị choáng khi đứng dậy. Tại cơ sở y tế, Nam được chẩn đoán thiếu máu não và được giải thích khi tập trung cao máu cần tiêu thụ lượng oxy lớn, nhưng do bị thiểu năng tuần hoàn não nên gây đau đầu, mất tập trung, căng thẳng. Trường hợp như Nam không phải là hiếm, bởi hiện nay người trẻ bị thoái hóa cột sống cổ nhiều do dùng smartphone thường xuyên, đầu gập nhiều, từ đó dẫn đến thiếu máu não.
Còn bà Nguyễn Thị Yến (60 tuổi, Hà Nội), cứ mỗi khi trở trời là cơn đau đầu, chóng mặt lại kéo đến. Đi thăm khám nhiều nơi, đều được các bác sĩ chẩn đoán thiếu mãu não do huyết áp thấp và kê thuốc uống điều trị. Tuy nhiên, bà Yến thường phàn nàn: "Dù đã uống thuốc gần nửa năm nay nhưng các dấu hiệu đau đầu mỗi khi trở trời ít thuyên giảm".
Theo PGS. TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội, triệu chứng thông thường của thiếu máu não là đau đầu, chóng mặt không tập trung hoặc hay buồn ngủ nhưng ngủ lại khó, ngủ hay mơ và trái nắng trở trời thì nặng nề, hay nhức mỏi mắt và nếu tình trạng kéo dài thì hay quên. "Bệnh này hay gặp do các nguyên nhân như huyết áp thấp, hẹp động mạch nuôi não như động mạch cảnh, động mạch đốt sống hoặc do thoái hóa cột sống cổ. Chính hai mạch nuôi phần sau của não là chui vào phần sau đốt sống cổ, vì thế khi thoái hóa cột sống cổ nó phải phì đại các động mạch ấy và gây ra các triệu chứng như nêu trên", BS. Hùng cho biết.
BS. Hùng cũng cảnh báo trước nhiều trường hợp đau đầu do thiếu máu não, vội vã trong điều trị rồi tự ý ra hiệu thuốc để mua thuốc sử dụng. Việc điều trị thiếu máu não cần phải kiên trì kết hợp tập luyện, đòi hỏi thời gian dài. "Tôi cũng chia sẻ khi mình dùng thuốc tuần hoàn não thông thường không cắt cơn ngay mà phải sau một thời gian mới có hiệu quả, cắt giảm dần cơn đau, thời gian và cường độ đau. Việc điều trị cần theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Hơn nữa, đau đầu do tuần hoàn não hay đau khi thời tiết thay đổi (khi trời lạnh) mạch co lại gây đau đầu (do thiếu máu não), người bệnh cần lưu ý giữ ấm cho vùng đầu và cổ", BS. Hùng nhấn mạnh.
Không chủ quan với những cơn đau đầu
BSCKI Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa Thần kinh, BV Đa khoa Medlatec cho rằng, biểu hiện đau đầu là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó có đau đầu lành tính và có đau đầu là triệu chứng bệnh lí, thậm chí nguy hiểm. Với nhóm đau đầu lành tính thường là do căng thẳng, stress dẫn đến các cơn đau. Rất nhiều trường hợp đau đầu lại là dấu hiệu của bệnh lí nguy hiểm như khối u não, dị dạng mạch não...
Theo PGS. TS. Kiều Đình Hùng, hiện nay khoa học phát triển, có nhiều máy móc có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến đau đầu. Ví như cao huyết áp hay huyết áp thấp người ta có thể đo lượng máu lên não xem lượng máu nhiều hay ít. Hoặc chụp cắt lớp, đặc biệt là cộng hưởng từ sọ não người ta biết được căn nguyên của bệnh.
Bệnh cao huyết áp khiến máu lên não nhiều cũng nguy hiểm, nếu không biết để điều trị đôi khi vỡ mạch máu não. Tuy nhiên, cao huyết áp hay thấp huyết áp thường gặp ở những người trung niên, cao tuổi. Ngoài ra còn gặp ở những người bẩm sinh, có bệnh dị dạng động tĩnh mạch não, u máu, phình động mạch não bẩm sinh. Do vậy, người trẻ thường xuất hiện các cơn đau đầu nên đi chụp cộng hưởng từ não và mạch não để xem có bệnh dị dạng hay không, nhằm phòng bệnh đột quỵ sớm.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa gây đau đầu còn là do có khối u trong não, u lành chiếm 40% và u ác khoảng 60%. Hiện nay, người ta còn gặp u mà những khối ung thư cơ thể di căn lên não gây đau đầu... Chụp cộng hưởng từ phát hiện u não, khoảng 80 - 90% là biết bản chất u lành hay u ác kèm theo phù não hoặc áp xe não hay không. Tuy nhiên, khuyến cáo đã chụp cộng hưởng từ não phải chụp mạch não kèm theo.
"Dù là đau đầu lành tính, người bệnh cần lưu tâm để điều trị dứt điểm bởi việc trường diễn các cơn đau đầu cũng sẽ tăng nguy cơ tai biến mạch máu, bệnh lí tim mạch... Nếu chứng đau đầu diễn ra thường xuyên, người bệnh nên chủ động tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị đúng cách, không nên tự dùng thuốc giảm đau. Đặc biệt, cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa khi cơ thể có những dấu hiệu đau đầu đột ngột và dữ dội, có rối loạn thị giác, tê yếu tay chân, nói khó...", BS. Tuấn khuyến cáo.
Theo baogiaothong
Chớ "thần thánh" thuốc bổ não Tình trạng người dân tự ý dùng thuốc bổ não ngày càng phổ biến. Vậy thuốc bổ não có thực sự bổ như mọi người vẫn nghĩ? Cần sử dụng đúng chỉ định Chỉ cần vào Google gõ cụm từ "thuốc bổ não", cho chúng ta hàng loạt kết quả về tên của các loại thuốc với những công dụng khác nhau như:...