Tuy Phong: Về Cổ Thạch ngắm biển trời lung linh
Biển Cổ Thạch (Bình Thạnh, Tuy Phong) là một điểm du lịch hứa hẹn mang đến cho du khách những kỷ niệm đẹp, khó quên.
Trải nghiệm và khám phá
Bàn tay tạo hóa cho Cổ Thạch những kiệt tác thiên nhiên vô cùng quý giá. Đá xen đá, đá nối tiếp đá, đá ăn vào núi tạo thành vô vàn hang động nguyên sinh luồn sâu vào trong lòng đất. Đá ở Cổ Thạch mọc lên từ biển để sóng biển vỗ xạc xào ru giấc ngủ sỏi đá nghìn thu. Độc đáo hơn mùa rêu về phủ xanh mướt khắp các bãi đá hòa quyện cùng cơn sóng tung bọt trắng xóa, khiến khung cảnh thật đẹp, thơ mộng. Du khách ngắm bình minh lên và tìm cho mình những góc chụp đẹp nhất để săn ảnh mùa rêu – mùa đẹp nhất trong năm.
Video đang HOT
Bãi biển uốn lượn hình vòng cung, dọc theo bờ là bãi đá Cá Sấu với hình thù kỳ ảo. Dạo bước chân trần trên những viên sỏi bảy màu nhiều hình dáng, lung linh như “cầu vồng trên cát” sau mỗi đợt sóng. Dưới ánh nắng, các sắc vàng, nâu, tím, xanh lam, trắng của đá càng nổi bật, như những viên ngọc quý tạo hóa đặc biệt ban tặng cho vùng đất này. Chọn từng viên sỏi đẹp nhất tự xếp cho mình một ước mơ thầm kín về tương lai trước biển trời mênh mông. Cạnh đó là bãi cát vàng mịn màng gọi là Bãi Tiên, có độ dốc thoai thoải an toàn rất lý tưởng cho du khách. Hòa mình với biển, ngắm nhìn những cơn sóng bạc đầu và những chiếc thuyền đánh cá mỏng manh dập dềnh trên mặt biển bao la, đang trở về sau một đêm mệt nhoài trong cuộc mưu sinh đầy gian khó. Và, lắng nghe tiếng rì rào vỗ bờ suốt ngày đêm của sóng, như bài ca bất tận của bà mẹ thiên nhiên.
Không thể bỏ qua ngôi chùa Cổ Thạch hay Cổ Thạch tự được Thiền sư Bảo Tạng xây dựng nửa cuối thế kỷ XIX. Tọa lạc trên ngọn núi thấp khoảng 64 m, quần thể chùa Cổ Thạch có rất nhiều hang động đặc sắc và tinh tế. Với lối kiến trúc, họa tiết mang tính cổ điển, mỗi hang đều có các am, điện thờ. Bước lên từng phiến đá, len lỏi vào mỗi hang động, du khách sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm, huyền bí. Đứng trên Cổ Thạch tự, phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng non nước hữu tình hiện ra choáng ngợp kỳ vĩ. Thấp thoáng phía mũi La Gàn, các đồi cát nhấp nhô trải dài theo bãi biển rất nên thơ. Màu xanh của trời, của biển, của cây cỏ trộn hòa, tâm hồn du khách trở nên thư thái lạ kỳ. Ngoài ra, các điểm đến hấp dẫn như đình Bình An, lăng Ông Nam Hải, chùa Phật học, đền thờ Lê Duẩn, khu tưởng niệm Cát Bay… đều chứa đựng huyền bí và giá trị văn hóa, lịch sử rất sâu sắc. Mới lạ hơn là du thuyền đáy kính trên biển ngắm san hô, câu cá. Và đây, sẽ là trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch đến Cổ Thạch.
Đặc sản biển ngon – bổ – rẻ
Là vùng biển La Gàn có trữ lượng hải sản khá dồi dào, du khách tha hồ lựa các loại hải sản như sò điệp, sò huyết, nghêu, cua, ghẹ, các loại ốc, các loại cá, mực …Và, món nào cũng tươi, ngon với giá cả hợp lý. Độc đáo nhất là sò điệp nướng chín bằng lửa than, quết mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Món cháo mực nóng, vị ngọt đậm đà, thơm đặc trưng so với những vùng biển khác. Ở đây, du khách sẽ thưởng thức chiếc bánh căn, bánh xèo nóng hổi vừa thổi vừa ăn với đủ tôm, thịt, mực, cá…Khi giải khát, cũng chỉ từ 5.000-10.000 đồng, du khách sẽ có ly rong biển, mủ trôm, sương sa mát lạnh thanh nhiệt tuyệt vời.
Coi trọng chất lượng dịch vụ
Với tiêu chí nâng cao chất lượng du lịch chính là lời chào mời để khu du lịch chùa Cổ Thạch luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương, các khách sạn, phòng nghỉ tại Khu du lịch đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và công khai, niêm yết giá các dịch vụ buồng phòng, ăn uống, mua sắm và các dịch vụ khám phá, trải nghiệm như du thuyền đáy kính, câu cá, câu mực… Địa phương đã tăng cường bảo đảm trật tự bến bãi, an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp cứu thủy nạn và vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, các khu vực công cộng, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Hữu Sơn-Giám đốc Ban Quản lý du lịch huyện cho biết tính trong tháng 2/2016 và dịp Tết Bính Thân 2016 đã có trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch chùa Cổ Thạch, tăng 20% so cùng kỳ . Lượng khách đổ về Cổ Thạch khá đông, nhưng Ban Quản lý chưa nhận được thông tin nào phản ánh việc chèn ép giá cả ăn uống, phòng nghỉ cũng như vấn đề an ninh trật tự tại khu du lịch chùa Cổ Thạch.
Tuy Phong: Biển Cổ Thạch vào mùa rêu đẹp như thiên đường
Nói đến Cổ Thạch là nghĩ ngay đến một thiên đường biển đầy thơ mộng với bãi sỏi 7 màu, biển xanh và cát trắng, những hang động thiên nhiên được hình thành một cách tự nhiên do tác động của thủy triều và nước biển, làm mê đắm lòng người.
Biển Cổ Thạch nhiều tầng đá, lại là nơi vươn ra biển để đón mùa nắng sớm hơn các vùng biển khác. Năm nay, khi thời tiết giao mùa, gió đông mang hơi nước lạnh cố vấn vương ở lại, còn nắng xuân cứ ấm dần lên thì mùa rêu lại về, biển Cổ Thạch nhuộm màu xanh thẫm. Khắp bãi biển dài chưa đầy 1km lúc này như thuộc về cõi ảo huyền: sóng biển vờn quyện vỗ bờ, 7 màu đá biển thi nhau khoe sắc, rồi rong rêu xanh hòa lẫn trong bãi đá. Dù không được chăm cấy nhưng năm nào cũng vậy, đúng mùa này, rêu xanh - một loài thủy sinh tự nhiên lại xuất hiện, quẩn quanh bên những tầng đá muôn hình thù kỳ lạ; bám vào đá, thân rong non tơ mềm mại, uốn lượn như múa theo con sóng. Đá theo biến động của thủy triều được hình thành từ hàng trăm năm trầm tích, lặng lẽ giữa sóng, gió biển khơi, cho rêu xanh phủ mỗi độ xuân về. Bao quanh bãi đá này là bãi cát vàng mịn màng có tên gọi là Bãi Tiên. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết từng là bãi tắm của các nàng tiên từ thiên giới vào mỗi buổi chiều.
Cuộc gặp gỡ của "nàng rêu" và "chàng đá" không dài lắm, thường là một tháng, nếu mưa thuận gió hòa thì hai tháng. Thời gian "nàng rêu" tóc xõa dài nhiều và đẹp nhất là bắt đầu sau năm mới chừng một tháng. Rêu - đá tạo thành cảnh sắc tuyệt vời, viết tiếp câu chuyện tình muôn đời của biển.
Khách du lịch, tay "săn ảnh" tứ phương đổ về đây để chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên vô cùng quý giá. Cũng có những cặp đôi tổ chức hôn lễ mùa xuân chọn chụp ảnh cưới giữa sắc màu rêu đá...
Mùa xuân về, dạo chơi qua bãi biển Cổ Thạch, du khách hẳn không khỏi một chút ngẩn ngơ nhìn rêu phong mướt xanh trên những phiến đá trầm mặc. Vẻ đẹp mùa xuân đi vào lòng người từ những mùa xanh của rêu - đá...
Thác Yavly (Phan Dũng, Tuy Phong): Điểm đến của những người ưa mạo hiểm Tháng 12 năm ngoái trên đường đi Tà Năng, một xã của huyện Đức Trọng - Lâm Đồng, viết bài về Trạm kiểm lâm liên tỉnh Masara, chúng tôi gặp ba chàng trai và cô gái đạp xe địa hình, vượt rừng đi xã Phan Dũng (Tuy Phong). Vượt đồi thông Tà Năng. Đường về Phan Dũng. Thác Yavly. Chuyện ấy tưởng chỉ...