Tuy Hòa ‘đứt’ nước sạch khi đang giãn cách, bệnh viện ‘cầu cứu’ xe chữa cháy
Trong 3 ngày qua, nước máy sinh hoạt cấp cho người dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và các địa bàn lân cận bị chập chờn, yếu, có lúc đứt mạch từ chiều tối 19-7 đến trưa 20-7 nhưng không thông báo khiến người dân, bệnh viện không kịp trở tay.
Xe của cảnh sát phòng cháy chữa cháy hút nước dự trữ từ Nhà máy nước Tuy Hòa để chở về “cấp cứu” cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – Ảnh: NGỌC QUYỀN
Từ tối 19-7, nước máy ở TP Tuy Hòa bỗng dưng cúp hẳn dù trước đó người dân không nhận được thông báo nào của Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên.
Dân nháo nhác, bệnh viện kêu cứu
“Vì nước cúp đột ngột nên chúng tôi không kịp dự trữ. Đến gần sáng 20-7 thì nước có lại nhưng chỉ chảy ri rỉ rồi tầm 8h sáng là đứt luôn cho tới chiều. Không có nước, mọi sinh hoạt gia đình đều gặp khó khăn, nhất là khi đang giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19″ – bà Nguyễn Thị Phượng ở phường 2 (TP Tuy Hòa) bức xúc.
Dù đang giãn cách, nhà cách ly với nhà, nhưng vì không có nước nên người dân “xé rào” đến những nhà có giếng khoan, giếng khơi để xin nước về dùng tạm.
Người dân TP Tuy Hòa ra vòi nước ở công viên để “vét” nước – Ảnh: CAO MINH
Trong khi đó, BS Phạm Hiếu Vinh – giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – cho biết từ sáng sớm 20-7, ông phải gọi điện cầu cứu Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Phú Yên nhờ cho xe chữa cháy đến Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên để hút nước sạch dự trữ tại nhà máy nước chở về bơm vào khu vực điều trị bệnh nhân chạy thận của bệnh viện.
Video đang HOT
“Bệnh viện có 100 bệnh nhân chạy thận, không có nước sạch để phục vụ công tác chuyên môn thì họ nguy kịch mất” – ông Vinh bày tỏ. Hai xe chữa cháy liên tục chở cấp nước sạch cho bệnh viện trong 2 ngày qua, nhưng dung tích mỗi xe chỉ 8m 3 nên cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Ông Đỗ Hoàng Long – tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên – cho biết Nhà máy nước Tuy Hòa cấp nước sinh hoạt cho 30.000 khách hàng tại TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và các khu vực lân cận.
“Ngày 19-7, do sự kết hợp giữa triều cường và nguồn nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn chưa có nên mặn đã xâm nhập sâu, vượt qua khu vực công trình thu nước của nhà máy. Công ty đã phải tạm dừng sản xuất để khắc phục sự cố đến 23h cùng ngày mới sản xuất lại được, nhưng tình trạng nhiễm mặn lại tái diễn vào 4h30 sáng 20-7 nên xảy ra tình trạng thiếu nước trên diện rộng” – ông Long giải thích.
Khu vực lấy nước vào trạm xử lý Hòa An trước Nhà máy nước Tuy Hòa có mực nước rất thấp – Ảnh: NGỌC QUYỀN
Tỉnh họp khẩn để xử lý
Sáng 21-7, ông Trần Hữu Thế – chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – chủ trì cuộc họp khẩn của UBND tỉnh với các đơn vị liên quan để chỉ đạo xử lý việc cúp nước nêu trên.
Tại cuộc họp, ông Đỗ Hoàng Long cho biết hiện Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên đang lắp đặt tạm các máy bơm để khai thác nước sông Ba tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) để bổ sung nguồn nước cho Nhà máy nước Tuy Hòa; nạo vét khơi thông dòng chảy, hướng dòng chảy đổ về công trình thu nước để đẩy mặn tại trạm bơm cấp 1 Hòa An và dự kiến từ chiều tối 21-7 đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt bình thường trở lại.
Nước sinh hoạt cho dân là yêu cầu đầu tiên, do vậy yêu cầu các nhà máy thủy điện, công ty thủy nông phải đảm bảo lượng nước xả về hạ du sông Ba như chỉ đạo của UBND tỉnh trước rồi mới phục vụ các nhu cầu sử dụng khác”.Ông TRẦN HỮU THẾ – chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Ông Long đề nghị tỉnh chỉ đạo 2 nhà máy thủy điện tăng thời gian vận hành không tải để cấp nước về hạ du phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt; Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam điều tiết lượng nước lấy về đồng thông qua hai kênh chính phù hợp để thêm nước về hạ du…
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – quyền giám đốc Sở Công thương Phú Yên – nói rằng theo yêu cầu mỗi nhà máy phải xả về hạ du 35m 3 /s, thời gian qua 2 nhà máy thủy điện thực hiện cơ bản tốt, nhưng trong các ngày từ 17 đến 19-7, 2 thủy điện xả nước không đạt đến lưu lượng nêu trên.
Lãnh đạo các sở, ngành cũng cho rằng để xảy ra sự cố cúp nước có nguyên nhân chủ quan là Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên không theo dõi tình hình hạn, mặn để chủ động đưa ra kế hoạch xử lý sớm.
Ông Trần Hữu Thế yêu cầu việc phải làm ngay là Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên khơi thông dòng dẫn nước, điều chỉnh giếng chứa, tăng tốc độ bơm để sớm giải quyết việc cấp nước.
Ông cũng yêu cầu Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên làm đường ống dẫn nước trực tiếp từ hệ thống thủy nông Đồng Cam tại khu vực thị trấn Phú Hòa để đưa về nhà máy nhằm tăng cường nước thô.
“Trong dài hạn, Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên phải mở các hệ thống giếng mới, đảm bảo việc dự trữ nước về hạ du sông Ba, không để lãng phí hàng trăm ngàn mét khối nước mỗi ngày được xả về hạ du” – ông Thế yêu cầu.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: 'Không có chảy máu chất xám'
221 nhân viên y tế nghỉ việc trong một năm, song bệnh viện tuyển thêm hơn 500 người, lãnh đạo khẳng định sự thay đổi này không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Lãnh đạo viện cho biết kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020-2021 do Bộ Y tế tiến hành, cho thấy 74% người bệnh nội trú và 82% bệnh nhân ngoại trú là hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh. Hơn 2.000 người trên tổng 4.300 nhân viên tham gia khảo sát, chỉ có 15,3% "hài lòng toàn diện" với bệnh viện, 51% "hài lòng nói chung" về lãnh đạo bệnh viện; 63% cho biết sẽ gắn bó làm việc với bệnh viện lâu dài; 70% đề nghị tăng thu nhập.
Kết quả này được bệnh viện công bố trong bối cảnh hơn 200 nhân viên y tế tại Bạch Mai nghỉ việc từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021. Trong số nghỉ việc có một phó giáo sư; 13 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa hai; 13 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa một; 23 người có trình độ đại học; 171 trường hợp còn lại chủ yếu là lao động phổ thông.
"Số người nghỉ việc không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện", ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trao đổi với VnExpress, chiều 16/4.
Theo ông Thành, trong 221 người nghỉ, hơn 100 người là lao động giản đơn đã chấm dứt hợp đồng vì không còn các đơn vị chức năng như dịch vụ tang lễ, vận chuyển bệnh nhân, bán nước hay trông giữ xe thu tiền... Những dịch vụ đó hiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hầu như miễn phí. Trước kia bệnh viện có 10 nhà thuốc, giờ giảm một nửa.
"Nhân lực của bệnh viện có dịch chuyển ra ngoài nhưng 506 người chúng tôi mới tuyển dụng còn có chất lượng cao hơn như bác sĩ nội trú, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành... Tôi khẳng định việc các trường hợp nghỉ việc trong thời gian qua không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Bạch Mai không chảy máu chất xám", ông Thành nói.
Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim Mạch, bệnh viện Bạch Mai, có thâm niên 15 năm công tác tại viện, đánh giá số người xin nghỉ việc so với tổng số nhân viên là không đáng kể. Do đó, chị và đồng nghiệp không hoang mang, chưa kể sau đó có rất nhiều phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ đến làm việc.
Tuy nhiên, thu nhập của nhân viên y tế (bao gồm các khoản ngoài lương) giảm do năm qua bệnh viện gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và đơn vị chuyển cơ chế tự chủ. Thu nhập thêm giảm tùy khoa, công việc, vị trí việc làm.
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Thùy An.
Từ ngày 28/3/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã phải cách ly trong 15 ngày sau khi xác nhận các ca nhiễm nCoV là nhân viên bệnh viện và công ty dịch vụ Trường Sinh. Bình thường, cơ sở tiếp nhận trung bình 5.000-5.500 bệnh nhân nội trú, 6.000-7.000 người đến khám mỗi ngày. Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân ngoại trú, nội trú đều giảm xuống còn dưới 1.000 người.
Ngoài ra, năm 2020, bệnh viện thực hiện Đề án thí điểm tự chủ, không được cấp kinh phí, lấy thu bù chi để hoạt động nên phải hạch toán tài chính để vận hành cơ sở. Theo lãnh đạo bệnh viện, đây là áp lực rất lớn.
"Ban lãnh đạo bệnh viện đã rất nỗ lực, ưu tiên đẩy chất lượng dịch vụ lên trước một bước để hướng tới sự hài lòng người bệnh. Trong bối cảnh đó, bệnh viện cần tuyển nhiều nhân lực hơn nhưng không thể thực hiện do thiếu kinh phí. Điều này dẫn đến một điều dưỡng phải chăm sóc nhiều bệnh nhân", ông Thành chia sẻ.
Một số giải pháp quyết liệt được thực hiện. Chẳng hạn, để đáp ứng số bệnh nhân xếp hàng khám bệnh từ 3 đến 4h sáng, bệnh viện phải yêu cầu một số bộ phận đi làm từ 5h để đón tiếp. Tuy nhiên nhân viên được làm theo ca, đi sớm về sớm. Ngoài ra, bệnh viện rất quyết liệt trong lỗi về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Nếu có kiến nghị của bệnh nhân, gia đình người bệnh, cán bộ đó sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật. Điều này trước đây không có.
"Tất cả thay đổi là khó khăn, chưa kể động chạm đến sự sống còn và lợi nhuận. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn đang nỗ lực sửa đổi, cân nhắc để tạo thuận lợi tối đa cho bệnh nhân và nhân viên y tế dựa trên mục tiêu trọng tâm, phát triển bệnh viện", ông nói thêm.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với 4.300 nhân viên. Đây là bệnh viện công đầu tiên áp dụng mô hình tự chủ toàn diện, có hội đồng quản lý, được tự quyết định về đầu tư, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. 2020 là một năm khó khăn với bệnh viện. Tháng 3-4/2020, bệnh viện bị phong tỏa do liên quan chùm nhiều ca nhiễm. Những tháng cuối năm qua, hai nguyên lãnh đạo cấp cao bị bắt do liên quan đến vụ kê khống giá mua sắm trang thiết bị.
Giám đốc Bạch Mai: Vài chục bác sĩ chuyển đi không ảnh hưởng đến bệnh viện GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, việc 28 bác sĩ đi nơi khác là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng gì đến chức năng, chuyên môn của bệnh viện. Liên quan đến việc 221 cán bộ nhân viên BV Bạch Mai nghỉ việc, trong đó 28 người là bác sĩ, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV...