Tướng Ukraine phỏng đoán thời điểm Nga có thể “động binh”
Trung tướng quân đội Ukraine đã đưa ra phỏng đoán về thời điểm Nga có thể “động binh” với nước láng giềng sau những động thái leo thang căng thẳng gần đây.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các xe tăng và thiết bị hỗ trợ pháo binh của Nga tại Yelnya, Nga hôm 19/1 (Ảnh: Reuters).
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ The Times của Anh hôm 22/1, Trung tướng Alexander Pavlyuk, một trong những vị tướng cấp cao của quân đội Ukraine, nói rằng Nga có thể hành động quân sự với Ukraine ngay sau Thế vận hội Mùa đông, dự kiến được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng tới.
Ông Pavlyuk nói rằng ngày 20/2 “là ngày khiến chúng tôi quan ngại”, đồng thời dự đoán Nga có thể không muốn phá hỏng sự kiện thể thao do Trung Quốc đăng cai. Đây cũng là ngày đánh dấu sự kết thúc của các cuộc tập trận chung Nga-Belarus ở khu vực biên giới với Ukraine.
Video đang HOT
Tướng Pavlyuk, người từng phục vụ trong Lực lượng vũ trang Liên Xô trong những năm cuối trước khi Liên Xô sụp đổ, cho biết ông tự tin vào khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine, bất chấp năng lực quân sự lớn hơn của Nga.
“Chúng tôi có khoảng nửa triệu người từng trải qua chiến tranh ở đất nước này, trong đó họ đã mất đi một người thân nào đó hoặc một thứ gì đó. Nửa triệu người đã mất người thân, mất nhà cửa, mất bạn bè và họ sẵn sàng chiến đấu bằng tay không”, tướng Ukraine cảnh báo.
Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời “một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh” cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin không động binh với Ukraine trong khi Thế vận hội Olympic diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 4-20/2, để không phá hỏng sự kiện”. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Moscow đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga cho biết thông tin của Bloomberg về việc Chủ tịch Trung Quốc đề nghị Tổng thống Nga không tấn công Ukraine trong thời gian diễn ra Thế vận hội để không phá hỏng sự kiện là một “trò lừa bịp và khiêu khích”.
Tình báo NATO gần đây nghi ngờ rằng Nga đã triển khai hơn 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine, thậm chí một số nhà phân tích phương Tây dự đoán một cuộc tấn công sắp xảy ra trong khu vực. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng phương Tây đang lợi dụng Ukraine vì mục đích riêng của khối này. Moscow khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov hôm 25/1 cho biết, ông không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy khả năng Nga hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần. Khi được hỏi về khả năng Nga động binh với Ukraine vào ngày 20/2, ngày cuối cùng của Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Reznikov nói rằng khả năng xảy ra là “thấp”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người dân trong một bài phát biểu trên truyền hình gần đây rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công không gia tăng, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh trước mọi thông tin. Ông Zelensky tuyên bố không có lý do gì để hoảng sợ.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine Alexey Danilov cũng hạ thấp mối đe dọa từ Nga, cho rằng tình hình căng thẳng hiện tại có thể liên quan đến những sự kiện chính trị nội bộ đang diễn ra ở phương Tây. Ông nói rằng việc tập hợp lực lượng quân đội Nga “không nhanh như một số tuyên bố” và Moscow từ trước đến nay vẫn tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực này.
Nga cảnh báo hậu quả của việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine
Ngày 25/1, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Gennady Kuzmin cho rằng việc các nước phương Tây viện cớ về mối đe dọa "không có thực" để tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể gây hậu quả về sinh mạng cho dân thường tại miền Đông nước này.
Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tham gia cuộc tập trận gần cảng biển Azov, ngày 19/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn TASS, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Kuzmin nêu rõ các nước phương Tây đã tuyên truyền mối đe dọa "không có thực" về cuộc tấn công của Nga như cái cớ để cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự cho Ukraine, kích động Kiev có động thái gây căng thẳng với Moskva, thay vì buộc Ukraine phải tuân thủ các thỏa thuận Minsk, vốn đã được được HĐBA LHQ thông qua. Theo ông Kuzmin, điều này đồng nghĩa với việc trẻ em, người già, phụ nữ có nguy cơ trở thành nạn nhân ở miền Đông Ukraine, nơi xảy ra xung đột trong nhiều năm qua.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine thông báo chuyển giao cho Kiev 300 tên lửa Javelin và 79 tấn trang thiết bị hỗ trợ an ninh cho lực lượng vũ trang Ukraine. Lô hàng thứ ba trong gói viện trợ 200 triệu USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn đã đến sân bay Boryspil ở Kiev chiều 25/1. Lô hàng đầu tiên gồm 90 tấn vũ khí các loại từ Mỹ đến Ukraine vào ngày 22/1 và ngày hôm sau, máy bay chở lô hàng viện trợ quân sự thứ hai đã đến sân bay Boryspil.
Liên quan đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Moskva luôn khẳng định Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang làm leo thang căng thẳng thông qua "nhiễu loạn thông tin" và "các hành động cụ thể", trong đó có việc Mỹ đưa 8.500 quân vào tình trạng trực chiến sẵn sàng triển khai tới châu Âu. Giới chức Moskva cho rằng đây là sự leo thang căng thẳng vô căn cứ, làm phức tạp thêm tình hình và đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Nga cũng khẳng định đang thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ đất nước và nước này vẫn đang chờ phản hồi bằng văn bản của Mỹ về đề xuất đảm bảo an ninh cũng như sẽ quyết định hành động tiếp theo sau khi nghiên cứu phản hồi này.
Trong khi đó, cũng trong ngày 25/1, Tổng thống Biden khẳng định chính quyền Washington và NATO không có ý định triển khai binh lính đến Ukraine, song cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả Nga nếu bùng nổ xung đột tại Ukraine.
Lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/1 đã kêu gọi Nga góp phần giảm căng thẳng tình hình Ukraine, nhấn mạnh sự hợp tác và đối thoại với Nga trong khi cũng đưa ra cảnh báo gửi tới Moskva. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại cuộc họp báo ở...