Tường thuật của PV Cẩm Tú: Khóc ở Nepal
Mấy giờ sau khi mặt đất chao đảo, chú hướng dẫn viên bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết.
Lời Tòa soạn: Phóng viên Cẩm Tú, người đã mất liên lạc với cơ quan và gia đình những ngày qua đang trên đường trở về Kathmandu (Nepal) sau cung đường leo núi đầy hiểm trở. Cô gửi về tòa soạn những cảm xúc mới nhất của người trong cuộc.
PV Cẩm Tú
Tối qua trằn trọc mãi không ngủ được, mình quá bất ngờ và cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho mình. Hôm nay mình chia sẻ một số chuyện từ chuyến đi của mình và Nepal.
Theo chương trình, mình qua Nepal với ba người bạn để trekking cung Annapurna Circuit trong vòng 10 đến 12 ngày. Còn lại sẽ thăm thú Kathmandu và Pokhara. Ngày hôm qua là ngày khó khăn nhất trong hành trình trekking.
Trekking Annapurna Circuit, hiểu nôm na là đi vòng quanh dãy Annapunar (đỉnh của nó cao thứ nhì trong rặng Hymalaya, chỉ thua đỉnh Everest). Điểm nhấn của cung này là đèo Thorung La cao 5.416m. Vấn đề không chỉ là cao mà Thorong La Pass còn là điểm tử thần với trận lở tuyết hơn 39 người chết tháng 10 vừa qua báo chí đưa tin suốt mấy ngày. Tuần rồi tại đây lại có 4 người chết vì rơi xuống vực. Và hôm qua, mình đã đi qua đó…
Thật sự, Thorong La Pass còn hơn những gì mình ám ảnh. Một bên là núi tuyết, một bên là vực thẳm. Còn lối đi vừa đủ bàn chân, chênh vênh bên mép vực và cũng phủ tuyết trắng xoá. Nhìn từ trên xuống nó như sợi chỉ vắt ngang lưng núi vậy. Trượt một bước chân thì không thể mong còn mạng sống. Sợ nhất là những trận gió, cuốn theo đám tuyết bay đập vào mặt mũi. Mình nhớ hoài cảm giác đứng im mỗi khi gió thổi qua, lạnh run người. Và hoàn toàn chịu trận. Không dám nghĩ những người đã chết tại đây là ở đoạn nào, không dám nghĩ nếu mình rơi xuống thì phải làm sao. Chỉ cắm đầu tập trung nhìn con đường nhỏ xíu trước mắt mà bước. Đứng lại thì lạnh không chịu nổi, mà đi hoài thì mệt. Lên độ cao 5.000m đâu phải chuyện đùa.
Tới Thorong La Pass, cô gái Israel ôm chầm mình chúc mừng đã thành công. Còn mình thì nói mình không tin nổi mình làm được. Đến Thorong được vài phút thì phải xuống. Còn nguy hiểm hơn lúc lên với con đường tuyết trơn trợt chông chênh bên miệng vực. Đến giờ mình vẫn nghĩ, hẳn thần linh đã giúp đỡ mình, một người vốn đâu có mạnh khoẻ, dũng cảm thích những trò cảm giác mạnh. Giờ thì mình đã ở Muktinath, chỉ cao 3.800m thôi và an toàn.
Nói về vụ động đất ở Nepal. Lúc đang trek từ Manang lên Yak Kharka, mình dừng lại chụp ảnh thì bỗng thấy đất rung chuyển dưới chân. Cảm giác kỳ lạ quá, chưa kịp hỏi thì chú guide la lên ” Động đất” rồi bảo mình ngồi xuống ngay. Định thần nhìn, chim chóc từng đàn kêu quang quác, bay hốt hoảng. Đá trên núi lăn rào rào. Đám cây bụi rung cành lá. Nhưng rồi ổn, bọn mình đi tiếp.
Video đang HOT
Tới Yak Khari, lại một trận động đất nhỏ xảy ra. Mấy người Tây bỏ chạy tán loạn ra ngoài, chỉ có mình không có kinh nghiệm ngồi trơ nhìn. Cũng may không sao. Chú hướng dẫn nói Nepal thỉnh thoảng có những trận động đất nhỏ vậy. Không ngờ mấy giờ sau chú bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết. Nhưng Kathmandu cũng chưa là tâm chấn, nặng nhất là một tỉnh cách đó khoảng 60km. Hỏi gia đình chú có sao không, chú bảo tất cả số điện thoại không gọi được. Hôm sau thì mọi người thông tin đã hơn 2.000 người chết. Chú nói nhà chú ở Kathmandu không sao, nhưng nhà ở quê lại ngay vùng tâm chấn nên sập rồi. Hành trình đã đi hơn 2/3, chặng kế tiếp gian nan nhất nên vẫn tiếp tục lên đường. Hôm sau mới nhớ ra, mình hỏi thăm hai bạn porter nhà có ổn không, bạn bảo nhà bạn sập hết rồi. Vậy mà họ, guide lẫn porter vẫn chu đáo, làm tròn trách nhiệm với bọn mình, không một chút nề hà. Chỉ thỉnh thoảng đến lúc nghỉ, họ lại cầm điện thoại trầm tư. Mình chỉ biết nói lời chia sẻ.
Hôm nay, theo lịch mình trek tiếp đến Jomson rồi bay trực thăng về Pokhara. Nhưng lịch trình thay đổi. Các bạn nhóm mình muốn về Việt Nam ngay. Còn mình thì muốn về Kathmandu, muốn đến vùng tâm chấn của trận động đất.
Xem hình thấy Kathmandu tan hoang, Dupar Square sụp đổ mình đau xót quá. Mình còn dịp nào sáng sáng chiều chiều lại ra Dupar Square uống trà sữa Masala, đi tìm nàng Thánh nữ Kumari như trước nữa không? Cái guest house với anh chủ hiền lành ở Thamel gần đó có bình yên không? Bạn Bhari, anh giám đốc công ty du lịch của bọn mình đến giờ vẫn chưa liên lạc được. Bọn mình sốt ruột, và đang tìm cách.
Mình có đọc vài comment, đại ý nói là mình có lãi rồi, tranh thủ viết bài độc quyền…Mình rất mong đó chỉ là sự vô ý mà thôi. Mình đã đến Nepal hai lần. Lần này ở lâu hơn nên thấy rõ Nepal nghèo vô cùng. Nhiều ngôi nhà không thể gọi là nhà được, nhiều ngôi làng cứ tưởng bỏ hoang vì tiêu điều. Nhưng người Nepal rất hiền lành, chất phác. Nếu bạn nhìn thấy nụ cười hiền queo và sự nhiệt tình, trách nhiệm của hai bạn porter và chú hướng dẫn của mình, hẳn bạn cũng như mình, chỉ mong họ và Nepal bình yên. Thương Nepal rất nhiều…
Mình đọc câu này trên đường trekking và rất thích. ” Chúng ta thuộc về thiên nhiên, không phải thiên nhiên thuộc về chúng ta”.
Theo Cẩm Tú
Pháp luật TPHCM
Du khách tuyệt vọng tìm đường chạy khỏi vùng động đất Nepal
Michael Mackey là một trong số hàng ngàn du khách đổ tới Nepal để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Xuân. Nhưng sau trận động đất đã gây thiệt hại lớn về người và của ở đây, anh lại nằm trong nhóm những người tuyệt vọng muốn rời khỏi Nepal để về nhà.
Cảnh tan hoang sau trận động đất tại Kathmandu, Nepal. (Nguồn: AP)
Mackey, người New Zealand, vợ và ba con, đã ở trong một quán cà phê tại Kathmandu khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra trong ngày 25/4, khiến họ chạy thục mạng ra ngoài trong bối cảnh các tòa nhà rung chuyển và sụp đổ.
"Các công trình đều bị hư hại nặng. Sau thảm họa, chúng tôi đã không dừng lại mà đi thẳng tới bên ngoài sân bay," Mackey, người đã có 3 tuần ở lại Nepal, chia sẻ khi trận động đất đã khiến ít nhất 3.200 người thiệt mạng. "Chúng tôi vẫn đang liên lạc với đại lý du lịch của mình, cố gắng đặt bất kỳ chuyến bay nào có thể để rời Nepal."
Với khung cảnh đồi núi vô cùng ấn tượng và bề dày lịch sử văn hóa, năm nào Nepal cũng là điểm thu hút mạnh du khách - đã có gần 800.000 người tới đây trong năm 2013 - với rất đông là dân leo núi, tiến thẳng tới ngọn Everest và các đỉnh cao gần đó.
Số khác đi tới thị trấn Pokhara, cổng đến của nhiều tuyến đi bộ dọc theo dãy núi Annapurna.
Những đồng USD từ các du khách đã mang lại nguồn doanh thu mà Nepal cần, trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy yếu vì quá trình bất ổn chính trị kéo dài kể từ cuối cuộc nội chiến diễn ra hồi năm 2006. Nhưng nhiều người như Mackey đang phải tháo chạy, sau khi kinh hoàng chứng kiến trận động đất tàn phá nhiều tòa nhà, con đường và khiến hoạt động liên lạc bị tê liệt.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người nước ngoài nằm trong số những người bị thiệt mạng. Có ít nhất 18 người đã chết vì lở tuyết trên Everest do động đất gây ra. Ấn Độ, nước láng giềng của Nepal, đã dùng máy bay quân sự sơ tán gần 1.000 công dân kể từ ngày 25/4. Tuy nhiên Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói rằng vẫn rất khó để biết được có bao nhiêu người Ấn Độ còn kẹt lại ở Nepal.
Trung Quốc, nước có 4 người dân chết vì động đất Nepal, tuyên bố hôm 27/4 rằng đã sơ tán hơn 1.000 công dân. Các hãng hàng không của nước này cũng đang tích cực đưa 4.000 du khách còn kẹt lại về nước.
Hội Chữ thập Đỏ đã mở một trang web để giúp các gia đình đang lo lắng liên lạc được với người thân.
Thảm kịch trên Everest
Trong lúc này, cộng đồng leo núi ở Nepal vẫn chưa hết kinh hoàng vì vụ lở tuyết. Đây là thảm họa lớn thứ hai xảy ra đúng mùa leo núi Everest, trong vòng có 2 năm.
Tháng 4 năm ngoái, 16 Sherpa đã thiệt mạng trong một vụ lở tuyết, biến đây là thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử hoạt động chinh phục Everest. Nhưng nay vụ lở tuyết mới này còn gây chết chóc nhiều hơn.
Ít nhất 2 người Mỹ đã chết trong vụ lở tuyết. Họ gồm một bác sĩ làm việc cho một công ty hướng dẫn leo núi và một quản trị viên của tập đoàn Google.
Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng ít nhất 1 người Nhật Bản khoảng 50 tuổi đã chết trong vụ lở tuyết. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đang tích cực liên lạc với khoảng 1.011 công dân nước này đang làm việc ở Nepal.
Israel thông báo đã tiến hành không vận 25 đứa trẻ sơ sinh, do các bà mẹ đẻ thuê sinh ra, từ Nepal về Tel Aviv. Israel cũng cử một phái đoàn quân sự sang đưa 700 công dân ở đây về nước.
Bộ Ngoại giao Anh thì nói rằng hàng trăm người Anh đã tới Nepal. Tuy nhiên chưa có thông tin nào về cái chết của các công dân Anh.
Nhà chức trách đã xác nhận sự an toàn của hơn 830 người Australia ở Nepal. Tuy nhiên người ta vẫn chưa biết tin tức của khoảng 200 người khác.
"Chúng tôi đã có máy bay để rời đi"
Với việc các trận hậu chấn vẫn khiến Nepal rung chuyển, du khách Martin Hulla của Cộng hòa Séc đã tìm tới cắm trại trong khu vườn Hoàng gia Nepal ở Kathmandu, thay vì ở lại trong các tòa nhà bị động đất gây hư hại. "Ngoài đó rất lạnh. Nhưng giờ chúng tôi đã đặt được chuyến bay từ Kathmandu tới Thái Lan," Hulla nói với hãng tin AFP.
Sau khi chạy tháo thân khỏi khách sạn mà không mang theo đồ đạc gì, chàng trai 26 tuổi đã trở lại để lấy hành lý và tiền bạc. "Chúng tôi đang nghỉ trên giường lúc động đất xảy ra. Chúng tôi đã vội lao ra khỏi khách sạn khi khách sạn rung lắc dữ dội" - bạn đồng hành với Hulla là Marie-Laure Parsy chia sẻ.
Trong làn sóng người nước ngoài rời khỏi Nepal, một số đã muốn ở lại để giúp đỡ. Du khách Heli Camarinha, người Bồ Đào Nha, mới chỉ đến Nepal một hôm trước khi thảm họa xảy ra. Cô gái 28 tuổi này hiện đang tới một trong các bệnh viện bị quá tải ở Kathmandu để giúp đỡ. "Khi thấy báo chí địa phương nói rằng các bệnh viện cần tình nguyện viên, tôi đã đến giúp đỡ," Camarinha nói với AFP.
"Tôi có chứng nhận đã qua đào tạo sơ cứu và đã có kinh nghiệm tham gia hoạt động xã hội ở quê nhà," cô chia sẻ. "Tôi làm nhiều thứ, từ dọn dẹp các khu bệnh nhân tới việc dùng cáng chuyển bệnh nhân đến các tầng khác nhau. Về cơ bản, tôi đã làm mọi điều có thể để giúp đỡ việc khắc phục hậu quả"./.
Theo Linh Vũ (Vietnam )
Động đất ở Nepal: Chính quyền và "công dân mạng" cùng ứng cứu Cùng với những nỗ lực của chính quyền Nepal và quốc tế, cộng đồng mạng đã phản ứng rất nhanh và đầy trách nhiệm. Những hoạt động cứu hộ quy mô lớn đang được tiến hành để giải cứu những người leo núi trên đỉnh Everest sau vụ lở tuyết thảm khốc - hệ quả của trận động đất. Đối mặt tử thần...