Tương tác cần tránh khi dùng thuốc
Không nên dùng nước bưởi để uống thuốc. Nhóm thuốc cyclin phải dùng sau khi uống sữa hoặc canh cua, rau muống 3 giờ.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng đơn vị lão khoa, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết, việc dùng thuốc có thể dẫn đến tương tác thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc và có thể gây ngộ độc. Các thuốc cũng có thể tương tác với thức ăn, sản phẩm thảo dược, rượu và những bệnh lý có sẵn.
Trong quá trình dùng thuốc, cần lưu ý một số tương tác có thể gặp, đặc biệt là ở người lớn tuổi:
Thuốc và nước bưởi
Nước bưởi ảnh hưởng thuốc rất nhiều. Ảnh: quangnam
Nước bưởi ảnh hưởng đến thuốc rất nhiều. Nước bưởi có tác động ức chế men chuyển hóa thuốc ở thành ruột và gan, làm tăng tác dụng dược lý của một số thuốc như thuốc hạ áp ức chế kênh canxi, thuốc stalin làm giảm mỡ máu, thuốc chống loạn nhịp, thuốc an thần benzodiazepines… Vì thế cần hạn chế dùng nước bưởi khi uống một số loại thuốc trên.
Thuốc và sữa
Canxi và sữa sẽ kết hợp với thuốc kháng sinh nhóm cyclin, làm giảm hấp thu thuốc. Nhóm thuốc cyclin (tetracyclin, hexacyclin) phải dùng sau khi uống sữa hoặc canh cua, rau muống 3 giờ.
Thức ăn hoặc dịch dạ dày có thể làm tăng hoặc giảm hấp thu, hoặc tăng phá hủy thuốc, dẫn đến tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc. Tùy từng loại thuốc mà nên uống giữa, ngay sau hoặc cách xa bữa ăn.
Tương tác thuốc và thuốc
Các thuốc kháng acid, sucralfate, sắt, thuốc bổ sung canxi có thể làm giảm tác dụng của kháng sinh tetracycline và quinolone. Vì thế không dùng các nhóm thuốc này chung với nhau.
Một số thuốc ức chế hay tăng chuyển hóa các thuốc có cửa sổ điều trị hẹp. Một số thuốc ức chế thanh lọc qua thận, ức chế cạnh tranh sự bài tiết qua ống thận của thuốc khác… có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng và dễ gây ngộ độc.
Video đang HOT
Một số thuốc khi dùng chung với nhau có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Ảnh: medical
Có một số thuốc làm thay đổi đáp ứng của thuốc khác và gây ra tác dụng phụ. Dùng cùng lúc nhiều thuốc kháng cholinergic có thể gây ra mê sảng, bí tiểu, táo bón… Dùng thuốc ức chế beta cùng với verapamil có thể gây chậm nhịp tim nhiều hơn. Dùng cùng lúc nhiều thuốc hạ áp có thể làm huyết áp hạ nhiều. Dùng cùng lúc vài loại thuốc như benzodiadepine, thuốc an thần, gây ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần… có thể gây ngầy ngật, té ngã.
Tương tác thuốc với bệnh
Thuốc có thể ảnh hưởng đến bệnh hay bệnh có thể tác động lên thuốc. Thuốc kháng viêm có thể làm viêm loét dạ dày nặng hơn, có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Thuốc chống ói (primperan) có thể làm tăng triệu chứng bệnh Parkison. Bệnh suy thận làm thuốc chậm thải trừ, dễ tích tụ gây ngộ độc.
Theo bác sĩ Ngọc Thể, để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả cần lưu ý sử dụng thuốc khi thật cần thiết theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng giảm liều, thêm hoặc thay thế thuốc. Theo dõi và lưu ý các rối loạn bất thường có thể do thuốc gây ra.
Theo VNE
Người lớn tuổi dùng thuốc dễ bị tai biến
Bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi sẽ không đạt được đầy đủ lợi ích của thuốc hoặc dễ bị tai biến và tác dụng phụ nếu dùng thuốc không đúng cách.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Đơn vị Lão khoa, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết, tuy người cao tuổi chỉ chiếm 13% dân số nhưng chi phí điều trị thuốc cho họ lại chiếm đến 33% chi phí điều trị thuốc ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ bị tác dụng phụ ở nhóm người này nhiều gấp 2-4 lần so với người trẻ.
Ảnh minh họa: guardianlv
Những đặc điểm của người cao tuổi làm ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc
Những thay đổi về cấu trúc và sinh lý của các cơ quan trong cơ thể người cao tuổi sẽ làm thay đổi tác động của thuốc, dẫn đến tình trạng có thuốc dùng an toàn với người trẻ nhưng không an toàn cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, người cao tuổi lại hay dùng nhiều thuốc và thường tuân thủ điều trị kém. Tất cả đặc điểm này làm cho việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi kém an toàn và kém hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân làm người cao tuổi phải dùng nhiều thuốc
- Người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị thuốc đặc hiệu (như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đột quỵ, rung nhĩ, trầm cảm...).
- Người cao tuổi có nhiều bác sĩ chăm sóc cho nhiều loại bệnh chuyên khoa.
- Không đi tái khám để được kê đơn thuốc lại.
- Không thể ngưng các thuốc không cần thiết do bị lệ thuộc.
- Bác sĩ không nhận ra bệnh nhân đáp ứng điều trị kém hay không tuân thủ điều trị.
- Bác sĩ kê đơn kiểu dòng thác, tức là dùng thuốc lần thứ nhất bị xuất hiện tác dụng phụ nhưng được chẩn đoán nhầm là xuất hiện thêm vấn đề mới nên được chỉ định dùng thêm thuốc thứ hai, thuốc này lại gây ra tác dụng phụ và cứ thế tăng dần số thuốc trong đơn.
Người cao tuổi hay có tương tác thuốc
Tương tác thuốc là tác động của thuốc này lên thuốc khác. Thuốc cũng có thể tương tác với thức ăn, tình trạng dinh dưỡng, các sản phẩm thảo dược, rượu và các bệnh lý có sẵn. Hậu quả của tương tác thuốc là làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc, tăng tác dụng phụ và có thể gây ngộ độc.
Hậu quả khi dùng thuốc nhiều
- Tăng nguy cơ kém tuân thủ điều trị.
- Tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng phụ của thuốc.
- Tăng tương tác thuốc.
- Tăng nguy cơ kê đơn kiểu dòng thác.
- Tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng lão hóa (té ngã, tiểu không tự chủ, suy giảm nhận thức), dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống.
- Tăng giá thành chăm sóc sức khỏe.
Một số điều người cao tuổi cần lưu ý khi sử dụng thuốc
Để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả, người cao tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Trước tiên nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để phòng và chữa bệnh.
- Không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và có chẩn đoán rõ rệt, dùng đúng chỉ định và phù hợp với chẩn đoán.
- Không tự ý tăng giảm liều, ngưng, thêm hay thay thế thuốc.
- Báo với bác sĩ những thuốc đang dùng thường xuyên (kể cả các thuốc bán không cần kê đơn, vitamin hay thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc...), tiền căn dị ứng thuốc.
- Theo dõi và lưu ý các rối loạn bất thường có thể do thuốc gây ra.
- Gặp và báo với bác sĩ ngay khi có các bất thường, có những triệu chứng nghi là do thuốc, khi không đủ điều kiện tài chính để mua thuốc.
- Tái khám định kỳ (ít nhất 1 lần/năm) để bác sĩ xem lại tính cần thiết của những thuốc dùng mạn tính, từ đó bác sĩ có thể đưa ra quyết định ngưng dùng những thuốc không cần thiết hoặc giảm liều.
- Người cao tuổi có giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ nên có người thân cho uống thuốc theo đơn.
- Nếu được, bệnh nhân hoặc thân nhân cần hỏi bác sĩ lý do dùng thuốc, cách dùng thuốc, thời gian sử dụng thuốc, các tác dụng phụ thường gặp, làm gì khi có tác dụng phụ, khi nào phải ngưng thuốc ngay, nếu ngưng thuốc sẽ bị gì.
- Mỗi loại thuốc đều có 2 tên, tên thương mại và tên hoạt chất. Cần lưu ý điều này để tránh dùng trùng, dẫn đến gấp 2 liều.
- Bảo quản thuốc cẩn thận, trong lọ hoặc vỉ có ghi tên thuốc rõ ràng.
- Sau khi xuất viện, cần hỏi kỹ dùng thuốc đơn mới thay cho đơn cũ hay dùng chung với đơn cũ để tránh dùng gấp đôi liều. Lưu giữ cẩn thận hồ sơ bệnh, các đơn vị thuốc.
Theo VNE
Dùng thuốc tránh thai thế nào khi chu kỳ không đều Em 21 tuổi, bắt đầu có kinh nguyệt khi 11 tuổi và bị rối loạn chu kỳ ngay từ đó, khi thì 3-4 tháng mới có một lần, lúc thì chỉ 2 tuần đã thấy. Mỗi chu kỳ của em kéo dài khoảng một tuần, có khi nửa tháng. Em đi khám thì bác sĩ bảo bị rong kinh, còn việc chu kỳ...