Tương quan sức mạnh quân đội Mỹ – Triều
Mỹ vẫn được xem là nước có lực lượng quân sự mạnh hàng đầu thế giới và vượt trội hơn hẳn so với Triều Tiên, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Washington sẽ chiếm ưu thế hơn Bình Nhưỡng trong một cuộc xung đột sử dụng vũ khí thông thường.
Quân đội Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung tại Hàn Quốc vào tháng 3/2016 (Ảnh: AFP)
Trước khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 được giới phân tích nhận định là mạnh nhất từ trước đến nay vào sáng 29/11, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thường xuyên ở trong trạng thái “căng như dây đàn”. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un công khai chỉ trích lẫn nhau, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên từng đứng ở hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cả hai cũng không ngừng xây dựng kho vũ khí để chuẩn bị cho kịch bản xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Theo Newsweek, Mỹ là nước có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới và vượt trội hơn hẳn so với Triều Tiên. Đây là thực tế không cần bàn cãi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một cuộc xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên với các loại vũ khí thông thường và không sử dụng vũ khí hạt nhân có thể diễn ra dễ dàng và nhanh chóng.
Binh sĩ
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Theo bảng xếp hạng của Chỉ số Sức mạnh Toàn cầu (Global Firepower Index -GFI) năm 2017, Mỹ đứng ở vị trí số 1 trong khi Triều Tiên xếp thứ 23 về quân sự trong tổng số 133 quốc gia trên toàn thế giới. GFI xếp hạng độ mạnh yếu của lực lượng quân sự các nước dựa trên 50 yếu tố, bao gồm số lượng quân nhân, độ đa dạng của vũ khí, các yếu tố về địa lý,…
Theo thống kê của GFI, Mỹ hiện có xấp xỉ 1,3 triệu quân thường trực và 999.000 quân dự bị, trong khi Triều Tiên có khoảng 1,1 triệu quân thường trực và 5,5 triệu quân dự bị – đông thứ 4 thế giới.
Video đang HOT
Mỹ hiện chỉ duy trì khoảng 28.500 quân trên bán đảo Triều Tiên, do vậy nếu xung đột xảy ra tại khu vực này, lực lượng quân đội Mỹ không chỉ yếu thế hơn về số lượng mà các trang thiết bị cũng không được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột, lực lượng chính sẽ tham chiến là quân đội Hàn Quốc – một đồng minh của Mỹ.
Hàn Quốc hiện có khoảng 627.000 quân thường trực và khoảng 5,2 triệu quân dự bị. Lực lượng này sẽ được huy động nếu xảy ra chiến tranh Mỹ – Triều. Ngoài ra, Mỹ được cho là đã lên kế hoạch triển khai thêm các binh sĩ tới bán đảo Triều Tiên trong thời gian nhanh chóng, trong đó có 45.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Khí tài quân sự
Đồ họa các lực lượng quân sự trên bán đảo Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Nếu xét về không lực, Mỹ chắc chắn sẽ bỏ xa Triều Tiên. Tổng số máy bay của quân đội Mỹ hiện vào khoảng 13.760 chiếc, trong khi Triều Tiên chỉ có chưa đầy 1.000 chiếc. Ngoài ra, tương quan giữa Mỹ và Triều Tiên cũng có sự chênh lệch đáng kể nếu so sánh về các khí tài quân sự khác.
Mỹ có khoảng 5.884 xe tăng chiến đấu, 41.062 xe chiến đấu bọc thép, 415 phương tiện hải quân, bao gồm 10 tàu sân bay đã đi vào hoạt động và 2 tàu sân bay đang được đóng mới. Ngoài ra, Mỹ còn sở hữu các hệ thống phòng thủ tên lửa đủ khả năng đánh chặn các tên lửa Triều Tiên, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc. Mỹ cũng là nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới, gần 600 tỷ USD.
Trong khi đó, Triều Tiên được cho là có khoảng 5.025 xe tăng chiến đấu và 4.000 xe chiến đấu bọc thép. Ngoài ra, Triều Tiên còn sở hữu 967 phương tiện hải quân nhưng hầu hết là tàu tuần tra (468 tàu) và không có tàu nào đủ khả năng vận chuyển máy bay chiến đấu. Ngân sách quốc phòng của Triều Tiên chỉ khoảng 7,5 tỷ USD.
Nhìn chung, quân đội Triều Tiên có thể vượt trội về số lượng, song công nghệ đã lỗi thời và sức chiến đấu của các binh sĩ cũng không mạnh.
Vũ khí hạt nhân
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên trước vụ phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters)
Mỹ hiện đứng thứ hai thế giới về kho vũ khí hạt nhân sau Nga với khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 1.800 đầu đạn đã được triển khai để sẵn sàng khai hỏa, 4.000 đầu đạn được lưu trữ trong kho và 2.800 đầu đạn đã “nghỉ hưu”. Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ và các chuyên gia phỏng đoán số đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nằm trong khoảng từ 25-60 đầu đạn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Triều Tiên đã đạt được công nghệ phóng tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ hay chưa. Mặc dù Triều Tiên tuyên bố đã làm chủ được công nghệ này, song giới phân tích vẫn chưa thực sự tin tưởng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thực sự làm được điều này vào năm sau.
Đối với Mỹ, quân đội nước này đang sở hữu những tên lửa tầm xa có độ tin cậy rất cao. Các tên lửa này có thể rời bệ phóng trong vài phút và phóng tới mục tiêu ở khoảng cách hơn 10.000 km.
Hậu quả thảm khốc
Quân đội Triều Tiên tập trận pháo binh (Ảnh: KCNA)
Hầu hết các chuyên gia quân sự đều cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với Triều Tiên, song cuộc xung đột này cũng sẽ khiến hàng triệu người thiệt mạng, bao gồm hàng trăm nghìn lính Mỹ và cả dân thường ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam.
Một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố gần đây ước tính sẽ có khoảng 300.000 người thiệt mạng trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột Mỹ – Triều, và đó là con số ước tính trong trường hợp hai bên chưa sử dụng vũ khí hạt nhân. Một báo cáo khác của 38 North, trang mạng chuyên phân tích về Triều Tiên, dự tính sẽ có khoảng 2,1 triệu người thiệt mạng nếu bom hạt nhân phát nổ ở Tokyo, Nhật Bản hoặc Seoul, Hàn Quốc.
Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ nhanh chóng lan rộng và kéo theo sự tham chiến của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là những nước lân cận Triều Tiên như Nga và Trung Quốc. Khi đó, thiệt hại về người và vật chất ước tính sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ xác định 7 phương án quân sự với Triều Tiên
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã xác định 7 phương án quân sự mà Washington có thể triển khai để đối phó với mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Trong báo cáo gửi các nghị sĩ Mỹ ngày 27/10, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa ra 7 phương án quân sự mà Washington có thể triển khai để đối phó với Triều Tiên. Các phương án này bao gồm từ tăng cường răn đe và kiềm chế Bình Nhưỡng cho tới thay đổi chế độ tại Triều Tiên và rút hoàn toàn lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo Yonhap, các phương án khác bao gồm việc duy trì nguyên trạng bối cảnh quân sự hiện nay, ngăn Triều Tiên sở hữu các hệ thống vũ khí có thể đe dọa tới an ninh của Mỹ bằng cách bắn hạ tất cả các tên lửa trong các vụ thử nghiệm của Triều Tiên, tìm cách giảm thiểu số tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng cũng như các cơ sở hạt nhân của nước này.
Báo cáo của CRS cũng đưa ra cảnh báo về hệ quả của một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, CRS ước tính sẽ có khoảng từ 30.000 - 300.000 người thiệt mạng trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến trong trường hợp Triều Tiên chỉ sử dụng vũ khí quân sự thông thường và chưa triển khai vũ khí hạt nhân.
Báo cáo cho biết xét đến mật độ dân cư trên bán đảo Triều Tiên, cuộc xung đột này có thể "ảnh hưởng tới 25 triệu người dân sống trên lãnh thổ Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó có ít nhất 100.000 công dân Mỹ". Ngoài ra, cuộc xung đột này cũng sẽ nhanh chóng lan rộng và lôi kéo sự tham gia của các lực lượng quân sự Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Theo CRS, xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên cũng đặt ra một số thách thức như việc sơ tán công dân Mỹ ra khỏi khu vực này, cũng như việc tái thiết nền kinh tế của Triều Tiên và Hàn Quốc thời hậu chiến. Ước tính số tiền rót vào một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí thông thường có thể chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc (1,4 nghìn tỷ USD năm 2016).
Đồ họa các lực lượng quân sự trên bán đảo Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Thành Đạt
Theo Yonhap
Ông Kim Jong-un thị sát quân đội tấn công giả định Hàn Quốc Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát một cuộc tấn công giả định do quân đội Triều Tiên tiến hành với mục tiêu là các đảo của Hàn Quốc ở khu vực gần biên giới phía tây của hai nước trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục tăng lên sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Bức...