Tượng Phật bằng bạch ngọc cầu con cái trong cung vua Nguyễn
Pho tượng độc đáo không chỉ ở chất liệu, nguồn gốc mà còn là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, được xem là cổ vật quý nhất trong bộ sưu tập hiện tại của chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng).
Đặt chung cùng 200 cổ vật tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam (nằm trong chùa Quán Thế Âm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), pho tượng Quan Âm tống tử đặc biệt hơn cả bởi được làm từ bạch ngọc nguyên khối quý hiếm. Tượng cao 29 cm, rộng 16,5 cm, nặng khoảng 5 kg.
Pho tượng điêu khắc hình Quan Âm tống tử ngồi trên tòa sen, hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp nhiều nếp, diềm y có trang trí hoa dày, cổ đeo dây An Lạc. Quanh tượng trước đây còn được thếp vàng nhưng theo thời gian nay chỉ còn dấu tích.
Pho tượng Quan Âm tống tử làm bằng bạch ngọc đang thuộc sở hữu của chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho biết pho tượng được một người dân hiến tặng khi biết nhà chùa sưu tầm cổ vật để mở bảo tàng. Ý nghĩa tượng Quan Âm tống tử là thờ để cầu con cái. Người dân hiến tặng tình cờ tìm được pho tượng này dưới giếng trong Hoàng thành Huế.
“Bức tượng từng được các bà Hoàng thờ để cầu tự con cái. Tương truyền là có hoàng hậu thờ để cầu thái tử. Thời thế loạn lạc, có thể tượng được cất giấu dưới giếng, rồi theo nhân duyên về với nhà chùa”, thượng tọa nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, ủy viên Hội đồng giám định cổ vật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khi vào chùa Quán Thế Âm làm việc đã rất bất ngờ khi được cầm trên tay pho tượng cổ làm bằng bạch ngọc nguyên khối.
Đi sâu tìm hiểu, tiến sĩ Chiến cho biết, tượng Quan Âm tống tử thể hiện sự bao dung của đức Phật, thường được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, gỗ, sứ… Pho tượng bằng bạch ngọc là đặc biệt quý hiếm, chỉ có thể có nguồn gốc từ chốn cung đình xưa, chứ dân không có bạch ngọc.
Câu hỏi đặt ra cho nhà giám định này là ở Việt Nam có bạch ngọc hay không? Qua nghiên cứu sử liệu, tiến sĩ Chiến cho biết thời nhà Nguyễn người dân đã tìm thấy bạch ngọc ở núi Hòa Điền (Quảng Nam) và dâng lên cho vua làm ngọc tỷ vào năm 1835. Có thể nhà vua đã cho dùng khối bạch ngọc để tạc tượng.
Một giả thiết khác bạch ngọc du nhập vào cung đình Việt Nam từ Myanmar hoặc Trung Quốc. Nhưng dù xuất phát từ đâu thì pho tượng độc đáo không chỉ ở chất liệu mà còn là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, được xem là cổ vật quý nhất trong bộ sưu tập hiện tại của chùa Quán Thế Âm.
Video đang HOT
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, dù đã tiếp cận với nhiều cổ vật nhưng đây là lần đầu tiên được cầm trên tay pho tượng bằng bạch ngọc. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hòa thượng Thích Huệ Hưng, người sống lâu năm ở chùa Quán Thế Âm, cho hay chuyện cầu Quan Âm tống tử để xin con cái là có thật. “Riêng pho tượng bạch ngọc này nhà chùa trưng bày trong bảo tàng nhằm quảng bá văn hóa Phật giáo chứ không phục vụ tâm linh”, thầy Hưng nói.
Để bảo vệ báu vật, nhà chùa đã làm mã số cho từng pho tượng đặt ở bảo tàng, lắp đặt camera, còi báo động và cắt cử người bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng kẻ gian đột nhập lấy cắp.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết sau lễ khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở chùa Quán Thế Âm vào ngày 24/12 sắp tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về văn hóa Phật giáo, trong đó sẽ định danh về ý nghĩa của từng bảo vật.
“Chúng tôi sẽ cùng nhà chùa đưa ra một số cổ vật cho các chuyên gia đánh giá, trong đó có pho tượng bằng bạch ngọc. Trên cơ sở đó lập hồ sơ để trình các cấp đưa vào danh sách bảo vật quốc gia”, ông Thiện nói và cho biết việc nhà chùa mở bảo tàng là sản phẩm du lịch mới góp phần đưa khách đến với với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Kho báu cổ vật trong bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam
Hơn 500 cổ vật Phật giáo, trong đó có hiện vật được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia, đang được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Đà Nẵng.
Bảo tàng văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được UBND TP Đà Nẵng cấp phép thành lập cuối năm 2014. Không gian trưng bày khoảng 700 hiện vật ở tầng 2 của Ngũ Giác Đài Sen Ngọc đang được sắp xếp để chuẩn bị cho lễ khánh thành bảo tàng vào ngày 24/12 tới.
Nhà chùa đang lưu giữ hơn 500 cổ vật, tuy nhiên mới trưng bày 200 vì không gian có hạn. Trong ảnh là tượng Phật Quan âm làm bằng ngọc tỷ, xung quanh là các tượng La Hán.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết đây là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Các hiện vật mang phong cách không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả Ấn Độ. Nhiều chất liệu hay những cổ vật độc bản lần đầu tiên bắt gặp.
Bức tranh sơn mài khảm cừ hình đức Phật nhập niết bàn quý hiếm, được trưng bày cùng tượng Phật mang phong cách miền Bắc, bên cạnh có các thánh. Ở bảo tàng còn có nhiều tranh tượng Phật được vẽ bằng sơn mài trên giấy dó, hay thêu tay có tuổi thọ khoảng 300 năm.
Bảo tàng đang lưu giữ hai bức tượng Phật bằng hổ phách quý hiếm. Ông Thiện cho biết, nếu đây đích thực là nhựa cây đã hóa thạch thì niên đại phải lên đến hàng nghìn năm.
Tượng Phật nghìn tay được trưng bày tại bảo tàng.
Tượng Quan Âm tứ thủ, làm bằng đồng ở thế kỷ thứ 7 đến thứ 9.
Pho tượng mang phong cách Chămpa độc đáo khi được làm bằng chất liệu sắt. Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết, để xác định giá trị cổ vật, mới đây nhà chùa đã mời TS Phạm Quốc Quân và TS Nguyễn Đình Chiến vào giám định.
Bộ 8 tượng Phật Mật tông được tạc bằng chất liệu đồng xanh và đồng đỏ được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia. Chất liệu lạ khiến bức tượng không bị oxy hóa khi để ngoài thời tiết ẩm thấp. Tư thế của các tượng đều khác lạ, trong đó nhiều tượng tạm thời được xác định có nguồn gốc thế kỷ thứ 9 dưới vương triều Chămpa - nơi hai tượng Phật khác được tìm thấy đã được công nhận là bảo vật quốc gia là tượng Phật Đồng Dương và tượng Bồ tát Tara. TS Nguyễn Đình Quân đã bất ngờ trước chất liệu làm những pho tượng này.
Những pho tượng Phật được bày trí một cách tương đối theo chất liệu, phong cách.
Bức tượng này hiện chưa được xác định chất liệu. Một chú tiểu cho biết tượng chỉ cao và rộng chừng 30 cm2, nhưng phải đến 3 người lực lưỡng mới có thể nhấc bổng để di chuyển.
Không chỉ làm bằng chất liệu gỗ, đồng, sắt, nhiều bức tượng còn được làm bằng đá. Nhiều cổ vật được người dân hiến tặng.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tiết lộ bí ẩn đầu tượng Phật trên quả đại bác ở Dốc 47- Biên Hòa (1) Ai đi qua dốc 47 đều đặt nghi vấn về hình ảnh đầu một tượng Phật được ngự trên hình một "quả đại bác". Nhiều bí ẩn xung quanh hình ảnh này sẽ được PV Người Đưa Tin lần lượt tìm ra lời giải đáp. Đầu tượng trên "quả đại bác" Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng đến nay nhiều người...