Tướng Phạm Tuân nói về máy bay mất tích
Theo Anh hùng Phạm Tuân, nếu máy bay bỗng biến mất khỏi ra đa, chứng tỏ nó đã bị cháy, nổ hoặc rơi xuống đâu đó, không có chuyện chuyển hướng bay đi chỗ khác.
Hiện có nhiều đồn đoán xung quanh số phận chiếc máy bay Malaysia mất tích 3 ngày qua. Trả lời chúng tôi, Trung tướng Phạm Tuân đã giải đáp về những sự cố mà máy bay có thể gặp phải trong trường hợp biến mất khỏi ra đa. Chúng tôi xin đăng tải lại những phân tích của ông.
Hỏng một bên động cơ vẫn bay được
Nếu máy bay đang bay trên trời mà bỗng dưng hết nhiên liệu, nó vẫn tiếp tục bay theo quán tính được một cự ly nhất định có thể một vài chục cây số, chứ không bao giờ bị rơi đột ngột. Các loại máy bay có quán tính khác nhau. Điều đó tùy thuộc cánh máy bay to hay bé, lực nâng tốt hay kém và cả độ cao khi đang bay. Ở độ cao 1km, khi tắt máy, có loại máy bay bay thêm được 10km, nhưng có loại chỉ được 5km. Máy bay thường có hệ số biểu thị tính chất này gọi là hệ số K. Từ khi hết nhiên liệu và tắt động cơ, máy bay sẽ chúi xuống bay thấp dần rồi đáp xuống dưới. Nếu máy bay hỏng hết động cơ, cũng sẽ rơi vào tình trạng như hết nhiên liệu.
Tôi không hiểu rõ về chiếc máy bay Boeing 777. Nhưng tất cả máy bay đều có quán tính đó. Nếu hết nhiên liệu, ít nhất máy bay phải bay thêm được dăm bảy cây số.
Các loại máy bay mà tôi từng lái đều có hướng dẫn cách hạ cánh nếu hỏng động cơ, hết nhiên liệu. Tuy nhiên việc làm này rất khó. Nếu đang bay gần khu vực bằng phẳng, phi công có thể tìm cánh đồng, bãi đất nào đó hạ cánh. Nếu bay qua biển gặp tình huống này, phi công chỉ có thể điều khiển cho máy bay hạ cánh bằng bụng xuống nước. Lúc đó, máy bay trượt trên mặt nước, các cửa phụ máy bay có thể mở để người thoát ra ngoài.
Trung tướng Phạm Tuân
Điều này vẫn phụ thuộc xác suất may rủi. Tôi không rõ chiếc máy bay của Malaysia mất tích có những tính năng đó hay không. Mỗi loại máy bay có sự trang bị, thiết kế khác nhau.
Video đang HOT
Hạ cánh xuống nước, máy bay có bị nổ hay không? Tôi cho rằng, hạ cánh đúng cách, máy bay sẽ không bị nổ. Phi công có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt, có thể điều khiển máy bay hạ cánh trên mặt nước cũng giống như trên mặt đất. Tuy nhiên sau đó máy bay sẽ chìm dần. Phi công không khống chế được tốc độ, hạ cánh quá đột ngột, va đập mạnh, hoàn toàn có thể gây nổ máy bay.
Trong trường hợp bị hỏng một động cơ, hầu hết máy bay tôi biết, đều có thể tiếp tục bay được bằng động cơ còn lại. Phi công có kinh nghiệm, cố gắng điều khiển, máy bay vẫn có thể giữ thăng bằng bay tiếp. Nếu phía dưới là biển, phi công không sợ máy bay rơi mà có thể bay tiếp đến nơi có thể đáp xuống. Tất nhiên để đảm bảo an toàn, phi công phải cố gắng tìm sân bay gần nhất hạ cánh sửa chữa.
Không thể biến khỏi ra đa
Đối với giả thiết máy bay tự nổ khi đang bay trên trời, một trong các nguyên nhân là cháy động cơ. Lửa có thể bắt vào thùng nhiên liệu làm tăng áp suất và gây nổ. Quá trình bơm nhiên liệu vào buồng đốt, nếu ống nhiên liệu bị hở, gây rò rỉ, sẽ dẫn đến cháy và nổ. Lịch sử từng có những vụ máy bay đang bay và tự bốc cháy.
Còn tác động từ ngoài làm nổ máy bay, có rất nhiều tình huống. Chẳng hạn bọn khủng bố cố tình làm nổ máy bay, chúng có thể đặt bom mìn, hoặc tìm cách tác động làm cháy động cơ, nhiên liệu,… Chúng ta khó có thể hình dung phương pháp của bọn khủng bố.
Giả sử máy bay bị khủng bố, tôi khẳng định, không có chuyện chúng khống chế phi công và cắt liên lạc hoàn toàn khiến cơ quan chức năng không biết máy bay đang ở đâu.
Chúng có thể buộc phi công lái máy bay đi hướng khác theo ý chúng. Dù cắt hết liên lạc nhưng máy bay đã bay trên trời là hệ thống ra đa có thể nhìn thấy. Thực tế đã từng có các vụ khống chế phi công, bắt giữ con tin như vậy. Nhưng không thể làm cho máy bay biến mất hoàn toàn trên ra đa.
Nếu máy bay bỗng dưng biến mất khỏi ra đa, nghĩa là nó đã bị nổ hoặc rơi xuống dưới vì cháy hay hư hỏng, hết nhiên liệu,… Không rõ chiếc máy bay của Malaysia đã gặp sự cố gì và rơi ở đâu? Nhưng chắc chắn không có chuyện nó thay đổi hướng bay đi chỗ khác. Dù bay đi đâu, máy bay vẫn sẽ bị phát hiện.
Một tình huống mà ra đa mất tín hiệu máy bay là trời lúc đó nhiều mây, mưa, giông tố dày đặc. Tín hiệu máy bay có thể lẫn với mây. Nhưng theo báo chí nước ngoài đăng tải, khi máy bay Malaysia mất tích, khí hậu đang bình thường. Máy bay Boeing 777 to như thế, không thể bay đi đâu mà ra đa lại không nhìn thấy được.
Theo Cảnh Kiên (ghi) (Khampha.vn)
Ngày thứ 4 tìm máy bay: Mở rộng phạm vi thêm 20.000km2
Trong sáng nay (11/3), ngày thứ 4 tìm kiếm máy bay mất tích trên vùng biển Tây Nam, Việt Nam tiếp tục điều động ít nhất 5 máy bay ra khu vực nghi vấn cùng hơn 10 tàu hải quân, cảnh sát biển, mở rộng phạm vi tìm kiếm.
6h30 ngày 11/3
Sáng nay, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.
Thiếu tướng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Không quân Việt Nam đã huy động 4 máy bay AN26, 2 máy bay CASA 212 và 4 trực thăng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong ngày hôm nay, các máy bay sẽ tìm kiếm theo hướng rộng hơn và cao hơn. Cụ thể, sẽ tìm kiếm ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m so với mực nước biển và rộng ra khoảng 100 đến 200 km theo hướng giáp khu vực biển Thái Lan, sát với biên giới thềm lục địa.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, do mọi thông tin còn khá mơ hồ, nên hầu như công tác tìm kiếm cứu nạn của các nước đều chỉ dựa trên sự tính toán từ vệt đường bay và khoảng thời gian mà máy bay cất cánh cũng như biến mất. Dự tính vùng tìm kiếm của Việt Nam kéo dài hàng chục ngàn ki lô mét vuông. Trong quá trình tìm kiếm, Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn và Quân chủng Phòng không không quân luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hãng thông tấn, báo chí có thể đưa tin về vụ việc.
6h00 ngày 11/3
Phóng viên Khampha.vn đã có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để tham gia cùng đội bay tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến trong sáng nay, hai tàu bay AN26 sẽ bay từ Tân Sơn Nhất ra khu vực tìm kiếm phía Đông Nam Cà Mau, cách đất liền khoảng 45km, diện tích tìm kiếm 15.000 km2.
Thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), trong sáng nay, 2 tàu bay Mi 171 và thủy phi cơ DHC6 bay tìm kiếm tại khu vực rộng khoảng 5.000 km2, cách Phú Quốc 30km.
Phóng viên có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam để chờ tham gia cùng đội bay tìm kiếm cứu nạn.
Như vậy, trong sáng nay, ít nhất 5 tàu bay Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm với phạm vi mở rộng thêm khoảng 20.000 km2. Ngoài ra, trên vùng biển của Việt Nam, có hơn 10 tàu hải quân, cảnh sát biển, tàu kiểm ngư cũng đang mở rộng phạm vi tìm kiếm.
Trên vùng biển Vũng Tàu, suốt đêm qua, nhiều tàu của của cảng vụ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Vùng 3, tàu dầu khí, tàu ngư dân ở xung quanh khu vực này đã tiếp cận khu vực máy bay Hồng Kông phát hiện mảnh vỡ nghi vấn, nhưng đến sáng sớm nay chưa thấy mảnh vỡ như mô tả.
Sáng nay, đã có hơn 20 phóng viên của các báo đài đến để chuẩn bị tham dự chuyến bay của Lữ đoàn 918, trong đó có 2 phóng viên của Singapore.
Theo Khampha
Nghi vấn chiến binh Duy Ngô Nhĩ bắt cóc máy bay Malaysia Trung Quốc đang điều tra khả năng các chiến binh Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ liên quan đến máy bay Malaysia mất tích khi những quan ngại khủng bố trong vụ này nổi lên mạnh mẽ. Chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn hôm 8/3 với 239 hành khách và cho đến nay, chưa hề...