Tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Holocaust
Đại sứ quán Israel tại Việt Nam ngày 27/1 đã tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng đối với người Do Thái trong Thế chiến II – Holocaust.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar phát biểu tại buổi lễ.
Buổi lễ diễn ra tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ngày 27/1, với sự phối hợp của Đại sứ quán Israel, Văn phòng Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao.
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar; Tiến Sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại Giao); Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho hay: “Ngày này của tròn 70 năm trước, Trại tử thần Auschwitz-Birkenau- được giải phóng. Auschwitz là trại tập trung và giết người lớn nhất, nó đã trở thành một biểu tượng của “Giải pháp cuối cùng” – kế hoạch tàn sát hàng loạt người Do Thái 1 cách có hệ thống của Đức quốc xã”.
Năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp Quốc đã chỉ định dành ngày 27/1 là ngày quốc tế thường niên để tưởng niệm Holocaust. Ngày này được chọn vì nó đánh dấu việc kỷ niệm sự giải phóng trại Auschwitz-Birkenau, trại giết người lớn nhất của quân Phát xít.
“Ngày này là một ngày tràn đầy cảm xúc. Chúng tôi khóc thương từng thành phố, từng làng xã, từng gia đình,từng cá nhân. Chúng tôi tiếc thương cho sự mất mát lớn lao của thế giới này – thế giới đã mất đi 6 triệu sinh mạng bởi thế lực tội ác và thù hận”, bà Shahar nói.
Tại buổi lễ, Đại sứ Israel cũng nhấn mạnh tới lời kêu gọi thế giới không để tội ác tương tự lặp lại với người Do Thái.
“Sau thảm họa Holocaust, thế giới đã cam kết “không bao giờ xảy ra Holocaust một lần nữa”, nhưng giờ đây người Do Thái tại châu Âu một lần nữa phải sống trong sợ hãi. Một vài tuần trước, chúng ta kinh hoàng chứng kiến những người Do Thái vô tội bị giết chết tại một cửa hàng tạp hóa tại Paris (Pháp). Trước đó, một tay súng đã giết hại một Rabbi và 3 trẻ nhỏ ở trước cửa trường học Do Thái ở Toulouse (Pháp) rồi vụ xả sung tại bảo tàng Do Thái của Bỉ… Bạo lực bài Do Thái đang tạo ra bóng đen phủ khắp châu Âu”.
Video đang HOT
“Để chống lại sự tái xuất của phong trào bài Do Thái, điều cốt yếu là tất cả các dân tộc, các tín ngưỡng, các cộng đồng phải cùng hô vang và thực hiện triệt để thông điệp “không bao giờ xảy ra một lần nữa”, bà Shahar nhấn mạnh.
Đông đảo các đại biểu và sinh viên của Học viện Ngoại giao tham dự lễ kỷ niệm Holocaust.
Ước tính, 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng trong thảm sát Holocaust do Phát xít Đức gây ra trong Thế chiến II.
Lễ kỷ niệm tại Học viện Ngoại giao nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm Tưởng niệm Holocaust. Đại sứ quán Israel tổ chức các hoạt động đa dạng để tưởng niệm Holocaust với mong muốn người dân Việt Nam có thêm hiểu biết và đồng cảm với các nạn nhân.
Theo Dantri
Kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz
Một số nguyên thủ quốc gia hôm qua đã tới Ba Lan dự sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz (27/1/1945). Những nạn nhân sống sót đã kêu gọi thế giới không để tội ác tương tự lặp lại với người Do Thái.
Hình ảnh của những đứa trẻ sống sót sau khi trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng. (Ảnh: BBC)
Các nghi thức kỷ niệm được tiến hành tại Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã, nằm cách thủ đô Vácsava của Ba Lan 286km. Buổi lễ có sự hiện diện của các quan khách nước ngoài, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng lãnh đạo của một số nước đồng minh thời chiến.
Auschwits là cái tên gợi lên những ký ức kinh hoàng trong thế chiến II. Trước khi Hồng quân Liên Xô giải phóng trại này vào ngày 27/1/1945, khoảng 1,1 triệu người đã bị Đức Quốc xã sát hại, trong đó phần lớn là người Do Thái.
Hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz và các quan khách dự lễ kỷ niệm ngày 27/1.(Ảnh: AFP)
Hôm qua 27/1, nhà chức trách Ba Lan đã dựng nên một lều trại lớn để đón tiếp hơn 300 nạn nhân của trại Auschwitz trở về dự lễ kỷ niệm và tưởng nhớ những người đã khuất. Buổi lễ hôm qua có lẽ là dịp đánh dấu số lượng lớn nhất những người sống sót tham dự sự kiện này.
Ông Yuda Widawski, 96 tuổi, là một trong số những người sống sót trong trại tập trung Auschwitz có mặt tại buổi lễ kỷ niệm hôm qua. (Ảnh: Getty)
Buổi lễ kỷ niệm bắt đầu bằng một buổi hòa nhạc cổ điển, sau đó những người còn sống sót tại trại Auschwitz được chào đón. Nạn nhân còn sống Roman Kent (86 tuổi) phát biểu tại lễ tưởng niệm: "Chúng tôi, những người sống sót không muốn quá khứ đau thương lặp lại với con em mình trong tương lai".
Chủ tịch Hội đồng Do Thái Thế giới Ronald S Lauder phát biểu trong buổi lễ: "Hiện những người Do Thái đang nằm trong vòng nguy hiểm, bị nhắm đến chỉ vì họ là người Do Thái". "Một lần nữa, những cậu bé Do Thái lại không dám đội mũ truyền thống trên đường phố Paris, Budapest, London hay thậm chí là Berlin", ông nói.
Buổi lễ hôm qua 27/1 có lẽ là dịp đánh dấu số lượng lớn nhất những người sống sót tham dự sự kiện kỷ niệm này. (Ảnh: AFP)
Theo BBC, số các hành vi chống Do Thái ở Pháp đã tăng gấp đôi trong năm 2014 lên hơn 850 trường hợp. Hồi đầu tháng này, một siêu thị Do Thái đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công khủng bố làm rung chuyển thủ đô nước Pháp.
Trước khi rời Paris đến dự lễ kỷ niệm tại Ba Lan, Tổng thống Hollande lên án việc chống Do Thái tại Pháp và khẳng định trước đông đảo người Do Thái tại một đài tưởng niệm ở Holocaust rằng "Pháp là quê hương của các bạn".
Trước lễ kỷ niệm ngày 27/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã phát biểu rằng: "Thật ô nhục khi người Do Thái phải đối mặt với những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực". Bà Merkel khẳng định: "Chính quyền Đức đã chiến đấu phản đối việc chống Do Thái và tất cả các hành động phân biệt chủng tộc ngay từ đầu".
Tổng thống Nga Vladimir Putin(trái) ngày 27/1 tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng Do Thái ở Mátxcơva. (Ảnh: AFP)
Trong ngày kỷ niệm trọng thể tại Ba Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự một lễ tưởng niệm tại Bảo tàng Do Thái ở Mátxcơva cùng với Trưởng giáo sỹ Do Thái Nga, Berel Lazar. Dù Hồng quân Liên Xô đã giải phóng trại Auschwitz năm 1945, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã quyết định không tham dự lễ kỷ niệm tại Ba Lan sau những rạn nứt giữa Mátxcơva và Vácsava xoay quanh vấn đề Ukraine.
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
Pháp triển khai 15.000 nhân viên an ninh bảo vệ các địa điểm "nhạy cảm" Pháp sẽ triển khai 15.000 nhân viên an ninh và cảnh sát để tăng cường bảo vệ các địa điểm nhạy cảm và các trường học Do thái tại nước này, sau loạt tấn công khủng bố tại Paris vốn khiến 17 người vô tội thiệt mạng. Cảnh sát Pháp dùng ống nhòm để quan sát khi tham gia bảo vệ an ninh...