Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma
Sáng 14/3, cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng tổ chức tưởng niệm 32 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) tại chân cầu Mân Quang, sát vịnh Đà Nẵng.
Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, nhắc lại vắn tắt sự kiện và thắp hương trước bài vị 64 liệt sĩ được in trên tấm pano màu xanh nước biển. “Covid-19 đang căng thẳng nên chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm ngắn gọn, không ăn uống và thả hoa xuống biển như những năm trước để tránh tập trung đông người”, đại tá Lập nói.
Buổi tưởng niệm diễn ra ngắn gọn trong khoảng 15 phút. Ảnh: Nguyễn Đông.
Mắt đỏ hoe khi thắp hương cho chồng – liệt sĩ Trần Văn Phòng (quê Kiến Xương, Thái Bình) cùng 63 đồng đội, bà Nguyễn Thị Bích Lạc (60 tuổi, quê Hà Nội) đứng lặng hồi lâu. Chồng bà là cán bộ chính trị của Trung đoàn công binh E83, không có tên trong danh sách ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao năm 1988. Do chỉ huy trưởng khung đảo bị tai nạn giao thông, thượng úy Phòng có chút kinh nghiệm về xây dựng nên xung phong đi thay.
Bà lạc kể: “Lúc đó tôi đang là quân y sĩ trong đơn vị, biết tình hình ở Trường Sa nên xác định chuyến đi này rất căng thẳng. Nhưng không thể tưởng tượng được giữa thời bình lại mất mát quá lớn với 64 gia đình như vậy”. Chồng hy sinh khi con gái đầu mới 14 tháng tuổi, bà Lạc suy sụp, sụt tới 18 kg.
Những năm trước, bà Lạc thường giỗ chồng theo ngày âm (28/2). Vài năm nay, ngày 14/3 “là sự kiện được cả nước nhắc đến” nên bà quyết định giỗ theo ngày dương và đến tham gia lễ tưởng niệm cùng đồng đội.
Bà Nguyễn Thị Bích Lạc trong lễ giỗ 32 năm của chồng và đồng đội. Ảnh: Nguyễn Đông.
Năm nay, lễ tưởng niệm được tổ chức tại không gian riêng dưới chân cầu Mân Quang. Nơi đây vốn là bãi đất trống, được cựu binh Trần Văn Tiến (nguyên là lính thông tin tại đơn vị công binh E83) xin phép thành phố cải tạo.
Ngoài lát đá tạo hình bản đồ Việt Nam trên diện tích rộng gần 200 m2, ông Tiến dựng hai mô hình cột mốc nhỏ mang tên Hoàng Sa và Trường Sa, trang trí thêm tiểu cảnh chùa Một Cột (biểu tượng Hà Nội) và cầu Vàng (Đà Nẵng).
Ông Tiến nói, khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà này rất đông cựu binh của E83 nên nếu được quy hoạch thì sẽ là điểm đến để mọi người cùng ôn kỷ niệm, các em nhỏ cũng có nơi vui chơi kết hợp với tìm hiểu lịch sử.
Các cựu binh và thân nhân đốt tiền vàng kèm tên các liệt sĩ sau lễ tưởng niệm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tháng 3/1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, phía Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến cùng binh lính đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, 9 người bị bắt.
Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép đến nay.
Nguyễn Đông (vnexpress.net)
Tiễn biệt 3 chiến sỹ hy sinh ở Đồng Tâm về nơi an nghỉ cuối cùng
Đúng 12h trưa, lễ di quan 3 chiến sỹ công an nhân dân hy sinh ở Đồng Tâm bắt đầu. Sau khi hoả táng, các đồng chí sẽ được trở về quê hương - nơi an nghỉ cuối cùng.
3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh gồm Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy, Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân. Lễ tang diễn ra theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân.
Đúng 11h37, lễ Truy điệu tiễn đưa Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân được cử hành trọng thể. Đúng 12h trưa, lễ di quan bắt đầu.
Đã có hơn 500 đoàn gồm các tổ chức, cá nhân đến viếng và chia buồn với gia đình 3 chiến sĩ.
Lễ truy điệu có sự tham dự của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an và các Thứ trưởng Bộ Công an.
Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, đồng đội, bạn bè của các liệt sỹ đã bước từng bước chậm rãi theo linh cữu, tiễn biệt các đồng chí lần cuối cùng. Đoàn xe tang sau đó đã đưa thi hài của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại uý Phạm Công Huy và Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân rời Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông về Đài hoá thân hoàn vũ Văn Điển để tiến hành hoả táng.
Sau khi hoả táng, các đồng chí sẽ được trở về quê hương - nơi an nghỉ cuối cùng. Xin được tiễn biệt 3 liệt sỹ CAND dũng cảm, kiên cường, không quản ngại hy sinh, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng vi phạm đến hơi thở cuối cùng. Các đồng chí là những tấm gương sống mãi, ngời sáng về tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"...
Đọc lời điếu, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban tổ chức lễ tang đã ôn lại cuộc đời cùng nhiều thành tích của 3 chiến sĩ.
Ông Nguyễn Huy Cự (chú ruột của liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh) đại diện gia đình 3 chiến sĩ phát biểu cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, các bộ, ngành cùng đồng đội, bạn bè, họ hàng đã đến chia buồn, tiễn đưa 3 anh.
Ông Nguyễn Huy Cự, đại diện 3 gia đình liệt sỹ bày tỏ niềm xúc động được Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Lễ tang tiễn đưa chồng, cha, em chúng tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng thời gửi lời cảm ơn các đơn vị đã nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ các gia đình tổ chức Lễ tang này; trân trọng cảm ơn những người đã đến chia buồn, phúng viếng các liệt sỹ trong những ngày vừa qua và tại Lễ tang ngày hôm nay...
Trong nền nhạc "Hồn tử sỹ" trầm buồn, toàn thể hội trường đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sỹ.
Di quan liệt sĩ Phạm Công Huy. Ảnh VNN
Những tiếng khóc nấc từ thân nhân, gia quyến các liệt sỹ. Nhiều đồng đội nghẹn ngào, không giấu nổi sự xúc động.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, đồng chí Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, đồng chí Đại úy Phạm Công Huy, đồng chí Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, đã anh dũng hy sinh, để lại cho lực lượng CAND, gia đình, người thân những đau thương, mất mát vô cùng to lớn, để lại cho mỗi chúng ta nỗi tiếc thương vô hạn.
Tiễn đưa các liệt sỹ. Ảnh VNN
XEM CLIP: Nghẹn ngào tang lễ 3 chiến sĩ hy sinh tại Đồng Tâm. Nguồn VNN
Theo thông báo của Bộ Công an, trong quá trình xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội), một số người có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ vào sáng 9/1. Vụ việc khiến 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 người chống đối chết, 1 người bị thương.
Ba chiến sĩ hy sinh trong vụ việc gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Hoàng Đức Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 TP Hà Nội). Cả 3 chiến sĩ đều được công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Chiều 10/1, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án Giết người, Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ.
Được biết, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh cho biết sau lễ truy điệu, thi hài con trai sẽ được hỏa táng và đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.
Gia đình liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân cho biết sẽ đưa tro cốt của anh về án táng tại khu lăng mộ của dòng tộc, cạnh mộ của bố anh tại nghĩa trang xã Xuân Phương, Nam Từ Liêm.
Còn liệt sĩ Phạm Công Huy sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội (đường 70, phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm).
Theo danviet.vn
Cụ già neo đơn nhận nhà tình nghĩa ngay trước thềm năm mới 2020 Đây là ngôi nhà mơ ước hàng chục năm nay của bà Lê Thị Lòng (78 tuổi, thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội). Cụ bà nhận nhà tình nghĩa và được lắp hệ thống điện miễn phí. Ảnh: Petrotimes Theo Petrotimes, mới đây, Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín (Hà Nội) phối hợp cùng UBND huyện Thường...