Tưởng nhớ ‘Thiên sứ’ 7 tuổi hiến giác mạc: Kìm lòng để ngăn nước mắt rơi
Bé Hải An qua đời khi vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng do mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Trước khi ra đi, em và gia đình đã quyết định hiến giác mạc để giúp đỡ bệnh nhân mù lòa có thể nhìn thấy ánh sáng. Câu chuyện của Hải An đã làm lay động trái tim của hàng nghìn người.
Bé Hải An “ngọn lửa” làm tan chảy hàng vạn trái tim
Ước nguyện của một thiên sứ
Chúng tôi tìm tới căn nhà của gia đình chị Nguyễn Trần Thùy Dương tại thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cuộc sống sau hơn 1 năm bé Hải An ra đi đã dần ổn định nhưng trong căn nhà nhỏ cấp 4 ấy dường như vẫn in đậm hình ảnh Hải An, bởi nhiều đồ đạc của cô bé vẫn được gia đình giữ lại.
Nhớ lại những ngày đầu khi vừa mất con, chị Dương thấy mình như người “điên”: “Những ngày đầu khi cháu mất tôi thường lang thang qua những nơi hai mẹ con đã từng đi, cứ như người mất hồn, vẫn gọi con ăn cơm, mua cho con món thịt xiên mà con thích nhất”.
Chị Dương cho biết, thời điểm phát hiện bé Hải An mắc bệnh là tháng 9/2017. Những dấu hiệu bất thường như An bị méo mồm, hai mắt có hiện tượng song thị… nên gia đình đã nhanh chóng đưa em đi châm cứu. Dấu hiệu bệnh có chiều hướng đỡ hơn nhưng không khỏi hẳn. Khi đó, các bác sĩ khuyên chị Dương nên đưa con đi chụp chiếu để chữa trị tận gốc.
Hai mẹ con đi từ bệnh viện Việt Đức qua Bạch Mai rồi sang viện K nhưng đều chung một kết quả: Hải An bị u não, khối u hiện đã chèn lên dây thần kinh nên y học không thể can thiệp được. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã tức tốc gọi mẹ bé Hải An vào gặp riêng, đưa ra đề xuất thực hiện các thủ thuật xạ trị để kéo dài thời gian sống cho bé. Nhưng An chỉ mới 7 tuổi, xạ trị với em khi đó quá nguy hiểm.
“Thời điểm đó, bác sĩ điều trị nói, nếu xạ trị thì thời gian sống của con cũng chỉ tính bằng ngày”, chị Dương nghẹn ngào. Đó là giây phút kinh khủng nhất cuộc đời của người mẹ. Nhưng sau những cảm xúc ban đầu, chị quyết định, không còn cách nào khác ngoài xạ trị và hai mẹ con sẽ cùng nhau chiến đấu.
Bé Hải An luôn vô cùng mạnh mẽ khi nằm điều trị
Những ngày tháng chữa trị, Hải An chưa bao giờ tỏ ra yếu đuối, cũng như than phiền với mọi người về nỗi đau của mình. Trong gần 2 tháng điều trị, Hải An luôn không ngừng nỗ lực và khát khao được sống. Chỉ duy nhất ngày đầu thử châm cứu, Hải An hét lên vì đau đớn, nhưng những lần sau đó Hải An hiểu được sự lo lắng của người thân nên đã kìm nỗi đau cho riêng mình. Có nhiều lần em nói với mẹ: “Mẹ ơi bảo bác sĩ châm nhiều kim nữa cũng được. Con chịu đựng được để nhanh khỏe bệnh”.
Đặc biệt, vào những lúc tỉnh táo, Hải An thường tâm sự với mẹ: “Con muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác”.
Video đang HOT
Thời gian điều trị, thanh quản của Hải An có vấn đề khiến bé không nói được mà chỉ bập bẹ, một bên tay của em cũng bị liệt. Dây thần kinh bị khối u chèn mạnh khiến em không thể làm chủ được hành vi của bản thân. Chỉ đến khi không chịu nổi nữa, em mới khóc và đồng ý để mẹ truyền giảm đau.
Hơn 1 tuần trước khi ra đi, An rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trong suốt 1 tháng mở nội khí quản, em chỉ mở mắt được đúng 3 lần. Em mất dần khả năng nói và hoạt động các chi tay và chân. Duy chỉ còn đôi mắt em dùng để trò chuyện với mọi người xung quanh.
Trước khi bé mất, chị Dương xin đưa con về nhà gặp mặt người thân. Khi đó, An gần như chỉ còn lại thể xác, tim em yếu dần đi… 14h30 phút ngày 22/2, tim An ngừng đập. Chị Dương hét lớn, cố gắng bóp bóng, ấn tim cho con.
“Con ơi, con đừng bỏ mẹ, mở mắt nhìn mẹ đi con”. Đúng phút cuối, An mở mắt. Dù không biết đấy là cơn co giật hay ý thức của con, chỉ biết An đã nhìn mẹ lần cuối cùng khi em còn ở lại trên đời. 14h50 phút cùng ngày, bé An vĩnh viễn ra đi. Khi đó, chị Dương vẫn cứ ôm con khư khư trong lòng…
“Con hãy tặng ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé”
Trưa 22/2/2018, khi cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đang ăn cơm trưa, số máy đường dây nóng rung lên. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm nhớ lại: “Chị Dương khi đó vừa khóc vừa nói về con gái 7 tuổi của mình sắp không qua khỏi và bé muốn hiến tạng mô.
Cảm giác của tôi khi đó sững sờ, tim nghẹn lại, một cán bộ trẻ của trung tâm lúc đó đứng cạnh cũng bàng hoàng. Khi đó, người mẹ muốn gửi ước nguyện có được cơ hội nghe lại trái tim của con đập trong lồng ngực của bạn nhỏ khác”.
Hải An và mẹ
Giây phút đó, ông Phúc đã phải nén lòng để bình tĩnh, nói chuyện với chị Dương một cách rất chậm rãi. Sau cuộc gọi trao đổi với bác sĩ tại Khoa hồi sức (Bệnh viện K), được biết, bé Hải An đã rơi vào hôn mê, glassgow 4 điểm (3 điểm là chết não), thời gian còn lại chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên pháp luật quy định chỉ lấy tạng của người đủ 18 tuổi trở lên, do đó chỉ có thể nhận giác mạc của cháu.
Khi nhận được cuộc điện thoại của gia đình thông báo cháu qua đời, 16h25, 2 cán bộ Ngân hàng Mắt, trong đó có anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc và 2 cán bộ của Trung tâm Điều phối có mặt tại nhà bé để lấy giác mạc. Dù đã lấy giác mạc hơn 400 ca và là ca thứ 2 dưới 10 tuổi nhưng cuộc gặp gỡ với Hải An vấn ám ảnh anh Hoàng tới tận bây giờ.
“Khi tôi cùng đồng nghiệp đến, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một phụ nữ rất trẻ ôm bé gái xinh xắn đang ngủ như thiên thần trên giường trong tiếng tụng kinh trầm phát ra từ chiếc đài nhỏ. Khi chúng tôi giới thiệu là cán bộ Ngân hàng mắt, câu đầu tiên mà người mẹ nói như lời độc thoại: “Con hãy tặng ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé!”, rồi đặt nụ hôn lên trán con. Câu nói và hình ảnh ấy khiến tất cả đều lặng đi”, anh Hoàng xúc động nhớ lại.
Anh Hoàng cho biết, ca lấy giác mạc thông thường chỉ mất 15 phút, nhưng trường hợp bé Hải An mất 30 phút. “Chúng tôi làm nhẹ nhàng nhất có thể vì sợ làm cháu đau và phá giấc ngủ yên lành kia”. Khi hoàn tất, ngẩng lên ai ai cũng mắt đỏ hoe.
Trước khi bắt đầu, mẹ bé có 1 thỉnh cầu, nhờ khâu hộ vết mở nội khí quản ở cổ con gái để cháu được vẹn nguyên, xinh đẹp. “Đó là lần đầu tiên tôi làm việc ấy, thậm chí khâu quần áo còn chưa từng nên lúc đầu hơi lóng ngóng nhưng sau nhớ lại hình ảnh trên phòng mổ rồi bắt chước theo. 8 mũi đẹp đẽ và mịn màng!”, anh Hoàng nhớ lại.
Người mẹ nhìn ngắm con gái lần nữa, âu yếm nói: “Mẹ tự hào về con”. Bà ngoại cũng động viên ông: “Cháu làm thế thì ông phải rất tự hào”. “Phải rất kìm lòng, đè nén để ngăn nước mắt đang chực rơi. Đến giờ khi nhắc lại vẫn thấy xúc động vì cảm nhận được bố mẹ cháu đã rất dũng cảm để vượt qua định kiến, mất mát đớn đau khi hiến một phần cơ thể cháu”, anh Hoàng chia sẻ.
Tới chiều 26/2/2018, Bệnh viện Mắt TƯ đã phẫu thuật thành công 2 ca ghép giác mạc từ giác mạc hiến của bé Hải An. Đây là 2 bệnh nhân may mắn trong số hơn 1.000 bệnh nhân mù loà chờ ghép giác mạc. Mỗi bệnh nhân được ghép một mắt.
Hai bệnh nhân nhận giác mạc đến thắp hương cho bé Hải An
Chiều 5/3/2018, gia đình Hải An đón 2 vị khách đặc biệt là 2 bệnh nhân là cụ bà 73 tuổi và người đàn ông 42 tuổi đến nhà thắp hương, gửi lời cảm ơn tới “vị ân nhân” nhỏ tuổi trước khi lên đường về quê. Trong thời gian ngắn ngủi tích tắc để nhìn vào đôi mắt của hai người may mắn được ghép giác mạc từ Hải An, chị Dương cảm tưởng như gặp lại con mình lần nữa. “An ơi, con đã nhìn thấy chưa, đôi mắt của con đã được thắp sáng thêm một lần nữa rồi”…
Sau câu chuyện xúc động của bé Hải An, số người đăng ký hiến mô tạng tăng lên rất cao. Tính cho tới thời điểm 24/12/2018, đã có 19.726 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Đáng chú ý, trong năm 2018 đã có hơn 7.000 người đăng ký, cao nhất trong các năm. Điều này thể hiện phần nào cộng đồng đã có sự quan tâm hơn tới việc hiến tặng mô/tạng nói chung trong thời gian qua.
Nhằm hạn chế những bất cập trong việc hiến mô/tạng cứu người, nhiệm vụ của Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia là điều phối ghép tạng công khai, minh bạch. Những người có tên trong danh sách “Chờ ghép Quốc gia” sẽ được ghép theo thứ tự. Trong đó, người đang cấp cứu, trẻ em được xếp vào diện ưu tiên. Hiện đang có khoảng 16.000 bệnh nhân chờ ghép tạng và 300 người cần ghép giác mạc.
Vũ Lành
Theo baophapluat
Người lính Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời vì ung thư
Thiếu tá Lê Văn Sáu 49 tuổi bị ung thư máu qua đời hôm 7/4 đã tặng giác mạc, mang lại ánh sáng cho hai người.
Chiều 7/4, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận được cuộc điện thoại từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, thông báo có một gia đình ở xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội, muốn hiến giác mạc người thân qua đời.
Bác sĩ Hoàng cùng các đồng nghiệp lập tức đến nhà. Người hiến giác mạc là Thiếu tá Lê Văn Sáu, công tác tại Kho K5, Cục Kỹ thuật quân khu 2, đóng quân ở Phú Thọ.
Vợ anh Sáu hoàn tất các thủ tục trước khi bác sĩ lấy giác mạc của chồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Sau khi thắp nén hương cho người vừa khuất, các bác sĩ làm biên bản, trao đổi với gia đình về ý nghĩa ghép tạng, hiến giác mạc. Không khí trầm mặc, chị Nguyễn Thị Hải Yến 37 tuổi, vợ anh Sáu là giáo viên mầm non, nắm lấy tay chồng, nén đau thương, nói sẽ thực hiện tâm nguyện cao cả này của chồng để giúp anh trọn vẹn.
Bác sĩ lấy giác mạc của anh Sáu. Xung quanh anh có đầy đủ vợ con, anh em ruột thịt, đồng đội, không một tiếng động, chỉ còn tiếng dụng cụ y tế chạm vào nhau. Chị Yến ôm chặt hai con, bàn tay run run, không tiếng khóc, chị kìm nén cảm xúc vì sợ ảnh hưởng đến công việc của các bác sĩ.
30 phút lặng lẽ trôi qua. Khi bác sĩ Hoàng thả dụng cụ lấy giác mạc xuống cũng là lúc chị Yến và người thân khóc òa. Chị khóc vì thương anh, vì đã giúp anh thực hiện được tâm nguyện cuối cùng.
Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Phó chủ nhiệm chính trị, Cục kỹ thuật quân khu 2, cho biết anh Sáu phát hiện mắc bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát ác tính từ tháng 5/2016. Ai hay tin cũng sốc, song anh an nhiên, vui vẻ điều trị, hy vọng bệnh sẽ lui.
Bền bỉ điều trị suốt hơn 2 năm, sau mỗi đợt điều trị, anh Sáu quay lại đơn vị, vẫn hăng say làm việc. Do đặc thù công việc, mỗi chiến sĩ phải trực 2 ngày cuối tuần nên anh Sáu thường xin trực 2 tuần liên tiếp để có thời gian vượt quãng đường hơn 150 km về quê thăm vợ con.
Giác mạc của anh Sáu được các bác sĩ lấy bảo quản ở ngân hàng mắt để chuẩn bị ghép cho hai người. Ảnh: T.L.
Đầu tháng 2, bệnh nặng anh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh viện thông báo tình hình bệnh tật không thể cứu chữa, anh Sáu được đưa về nhà và qua đời ngày 7/4.
Khi còn sống, anh Sáu làm đơn tình nguyện được hiến nội tạng của mình cho Trung tâm Hiến tạng Quốc gia để giúp đỡ những trường hợp không may mắn.
"Anh Sáu là người đầu tiên trong đơn vị hiến mô tạng, nghĩa cử cao đẹp này sẽ nhân rộng trong toàn quân khu", Thượng tá Giáp nói.
Bác sĩ Hoàng cho biết giác mạc của anh Sáu được lấy ra rất tốt, hiện được lưu trữ. Bệnh viện đang tiến hành tìm bệnh nhân phù hợp, dự tính sẽ tiến hành ghép trong tuần này.
Lê Nga
Theo VNE
Bệnh glaucoma tiến triển thầm lặng gây mù lòa Bệnh nhân mù lòa do glaucoma thường khó hồi phục, giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Khoa Glaucoma, Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết bệnh glaucoma còn được gọi bệnh cườm nước hay thiên đầu thống. Đây là bệnh tổn hại thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác...